Tìm giải pháp quản lý hiệu quả chi phí bệnh đái tháo đường tại Việt Nam

18/09/2019 02:26 PM


Được ví như “kẻ giết người thầm lặng” thời hiện đại, bệnh đái tháo đường đang có chiều hướng gia tăng trên thế giới và cả Việt Nam. Chi phí y tế cho căn bệnh này cũng ngày càng tăng cao, đòi hỏi những giải pháp quản lý hiệu quả hơn, nhất là trong lĩnh vực BHYT.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh đái tháo đường (bệnh tiểu đường) là một trong những vấn đề cấp bách của y tế toàn cầu, làm chậm lại quá trình phát triển kinh tế bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Trên thế giới hiện có hơn 190 triệu người mắc đái tháo đường và đang có xu hướng tăng lên; ước tính đến năm 2045 sẽ tăng lên 330 triệu người. Đặc biệt, bệnh đái tháo đường tiến triển âm thầm, nếu không được phát hiện điều trị kịp thời thì tỉ lệ tử vong rất cao.

Ở Việt Nam, tỉ lệ người mắc đái tháo đường cũng có xu hướng tăng. Hiện có khoảng 3% dân số trong độ tuổi 18-69 mắc đái tháo đường. Đáng nói, chỉ có 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại các cơ sở y tế và còn rất nhiều người bệnh khác chưa được phát hiện, điều trị.

Hội thảo chuyên đề “Quản lý hiệu quả chi phí bệnh đái tháo đường tại Việt Nam”

Thông tin tại hội thảo Hội thảo chuyên đề “Quản lý hiệu quả chi phí bệnh đái tháo đường tại Việt Nam” do BHXH Việt Nam phối hợp với Đại sứ quan Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức vừa qua tại tỉnh Bến Tre, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, tính trung bình mỗi năm quỹ BHYT đã chi hàng ngàn tỉ đồng để khám, chẩn đoán và điều trị đái tháo đường. Chi phí này tiếp tục gia tăng hàng năm, trong khi nguồn lực chi cho y tế cũng như nguồn quỹ BHYT lại có giới hạn. Vì vậy, theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, ngành Y tế cần phải chủ động kiểm soát, phát hiện và điều trị sớm căn bệnh này, tránh những biến chứng nguy hiểm của nó. Đặc biệt, quản lý việc điều trị bệnh một cách hợp lý, hiệu quả vừa đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, vừa đáp ứng khả năng chi trả của quỹ BHYT.

Ông Mikkel Lyndrup- Tham tán Y tế (ĐSQ Đan Mạch tại Việt Nam) chia sẻ thêm: "Nhóm bệnh nhân mắc các bệnh không truyền nhiễm ở Việt Nam đang có tỉ lệ tử vong cao nhất (chiếm khoảng 73%) gồm: Bệnh Đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư và tim mạch. Vì vậy, hội thảo lần này tập trung thảo luận về gánh nặng của bệnh đái tháo đường; từ đó nâng cao nhận thức của người dân về cách phòng chống. Bên cạnh đó, giúp tìm ra biện pháp quản lý chi phí, điều trị hiệu quả dưới góc nhìn kinh tế y tế". Cũng theo ông Mikkel Lyndrup, hội thảo này thể hiện bước tiến trong mối quan hệ giữa Đan Mạch và Việt Nam trong việc hỗ trợ, nâng cao năng lực quản lý quỹ BHYT và bệnh nhân BHYT mắc các bệnh mãn tính.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã cập nhật, cung cấp nhiều thông tin; đồng thời phân tích rõ thực trạng bệnh đái tháo đường; những chi phí chẩn đoán, điều trị bệnh và giải pháp, mô hình quản lý chi phí điều trị biến chứng bệnh đái tháo đường, nhất là việc lựa chọn thuốc điều trị phù hợp, hiệu quả.

PGS-TS.Phạm Huy Tuấn Kiệt (Trường Đại học Y Hà Nội) chia sẻ: Tỉ lệ người bệnh đái tháo đường có biến chứng tại Việt Nam chiếm 55% số người mắc đái tháo đường. Trong khi đó, bệnh nhân có biến chứng phải chịu chi phí gấp đôi bệnh nhân không có biến chứng. Đơn cử: Năm 2017, tổng chi phí điều trị bệnh nhân có biến chứng đái tháo đường ở Việt Nam là 6.824 tỉ đồng/9.696 tỉ đồng (70%); tỉ lệ chi phí cho thuốc điều trị đái tháo đường chiếm 14% tổng chi phí điều trị, trong đó chi phí cho Insulin chiếm 5%. Vì vậy, để quản lý hiệu quả chi phí điều trị, theo PGS.Kiệt, cần phát hiện sớm, kiểm soát biến chứng, nhất là từ tuyến y tế cơ sở.

Hệ thống giám định của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, số lượng người mắc đái tháo đường tăng và tỉ lệ chi phí thuốc điều trị bệnh cũng tăng theo. Năm 2017, chi phí thuốc điều trị đái tháo đường chiếm 4,5%; năm 2018 chiếm 5,7%; 6 tháng đầu năm 2019 chiếm 6,4% tổng chi phí thuốc tân dược. Đặc biệt, nhóm hoạt chất Insulin có chi phí cao nhất so các hoạt chất khác và so với thuốc tân dược. 10 tỉnh có tỉ lệ chi phí thuốc điều trị đái tháo đường cao nhất năm 2018 và 6 tháng 2019 là: Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Nghệ An, Tây Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Thanh Hóa, và An Giang.

Từ thực tế ở địa phương, BS.Lê Thị Bình- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bến Tre dẫn chứng: Tại Bến Tre, chi phí tiền thuốc điều trị đái tháo đường chiếm 37,29%, tăng 4,21% so với cùng kỳ năm 2018. Chi phí bình quân sử dụng thuốc đái tháo đường tăng 11.372 đồng so với năm 2018 (tương đương tăng 15%). Thuốc điều trị đái tháo đường dạng tiêm chiếm 53% so với tổng chi phí thuốc tiểu đường, trong đó sử dụng dạng bút tiêm chiếm 48%. Năm 2018, tỉnh Bến Tre có 2.921.821 lượt KCB BHYT, trong đó có 276.717 lượt KCB BHYT về đái tháo đường (bằng 9%); trong 6 tháng đầu năm 2019 có 1.321.774 lượt KCB BHYT, trong đó có 142.905 lượt KCB BHYT về đái tháo đường (bằng 11%)...

Là người trực tiếp điều trị và nghiên cứu chuyên sâu về bệnh đái tháo đường, ThS-BS.Trần Minh Triết-Khoa Nội tiết (BV Đại học Y dược TP.HCM) khuyến cáo: Để quản lý hiệu quả chi phí bệnh đái tháo đường, mọi người dân cần có ý thức chủ động phòng ngừa, có lối sống lành mạnh. Đặc biệt, phải tránh các yếu tố nguy cơ gây bệnh như: Thừa cân, béo phì, sử dụng nhiều rượu bia, hút thuốc lá, ít vận động, ăn nhiều muối, ít rau xanh... “Ngày nay, đã có bút tiêm chứa sẵn Insulin. Công cụ này được người bệnh ưa dùng, bởi dễ sử dụng, liều thuốc tiêm chính xác, thuận tiện, dễ bảo quản, kim nhỏ nên khi tiêm không đau. Dùng bút tiêm Insulin cũng giúp tăng tỉ lệ tuân thủ điều trị, giảm các biến chứng, giảm tỉ lệ nhập khoa cấp cứu do hạ đường huyết và giảm chi phí chăm sóc bệnh nhân”- BS.Trần Minh Triết nhấn mạnh./.

PV