Vận động sinh viên tham gia BHYT: Cần đẩy mạnh truyền thông, xóa bỏ những “rào cản” tâm lý

16/09/2019 03:51 PM


Thời gian qua, tỷ lệ bao phủ BHYT học sinh sinh viên (HSSV) tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, nhóm sinh viên hiện đang tham gia thấp hơn nhóm học sinh mặc dù đây là đối tượng sống xa gia đình rất cần sự chăm sóc, bảo vệ từ chính sách BHYT.

Quang cảnh buổi giao lưu.

Về vấn đề này, tại buổi giao lưu trực tuyến ““Để chính sách BHYT đồng hành với sức khỏe HSSV” do báo Nhân dân tổ chức sáng 16/9, nhiều chuyên gia đã phân tích nguyên nhân, đưa ra những giải pháp để nâng cao đồng đều diện bao phủ BHYT giữa 2 nhóm đối tượng này.

Ông Nguyễn Tất Thao - Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: Hết năm 2018, cả nước có khoảng 17 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 94,2% tổng số HSSV. Như vậy, còn khoảng 6%, tương đương với gần 1 triệu em chưa tham gia BHYT HSSV. Trong con số này, các chuyên gia nhận định, chủ yếu là sinh viên.

Về nguyên nhân, ông Lê Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GĐ-ĐT) cho rằng: do các em sinh viên thường sống xa gia đình, mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường lại không được thường xuyên và liên tục như là đối tượng học sinh; việc gia đình chuyển tiền cho các cháu thường thông qua tài khoản ngân hàng, rất khó để kiểm soát được việc chi tiêu. Bên cạnh đó, sinh viên là đối tượng không có thu nhập. Một số ít sinh viên nghĩ mình còn trẻ, còn khỏe, ít ốm đau nên không tham gia BHYT. Bên cạnh đó, Luật BHYT quy định BHYT HSSV là hình thức bắt buộc, tuy nhiên vẫn chưa có chế tài xử lý cụ thể đối với nhóm HSSV khi không tham gia BHYT. Do đó, các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc HSSV phải tham gia BHYT.

Là người thường xuyên tiếp xúc với sinh viên, TS.Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Chính trị và Công tác HSSV (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: hiện nay, sinh viên chưa tham gia BHYT chủ yếu tập trung vào các năm học 2, 3, 4… Trong đó, những sinh viên năm thứ 4 chỉ còn 6 tháng là ra trường nên có tư tưởng không muốn tham gia BHYT. Những sinh viên năm 2, 3 cũng rất khó vận động vì thực tế, có một số bạn trong trạng thái nghỉ học chờ đi du học, nghỉ bảo lưu do lý do riêng, các kênh thông tin nhà trường gửi các bạn có thể không nắm hết. Do đó, làm thế nào để xóa bỏ những rào càn tâm lý đó là mấu chốt để tăng diện bao phủ BHYT trong sinh viên.

Về giải pháp, theo TS Nguyễn Thanh Bình, quan trọng nhất là công tác truyền thông để các bạn trẻ nhận thức được lợi ích và trách nhiệm của bản thân khi tham gia BHYT. Như việc các sinh viên hào hứng tham gia các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ đồng bào tại các địa phương nghèo thì việc tham gia BHYT cũng là sự chia sẻ, giúp đỡ cộng đồng như vậy, thậm chí còn mang giá trị lớn, toàn diện hơn. Không ai mong muốn phải vào bệnh viện, nhưng việc tham gia BHYT chính là trách nhiệm của chúng ta, trách nhiệm với cộng đồng. Và cũng nên xem xét đến việc tham gia BHYT để đánh giá sinh viên.

Trong công tác truyền thông về BHYT HSSV, TS.Bình đề nghị, cần chú trọng đến các hình thức mới, hấp dẫn phú hợp giới trẻ và tính thời điểm là vào đầu mỗi năm học. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, các bạn HSSV tham gia vào nhiều diễn đàn trên mạng xã hội. Do đó, tuyên truyền thông qua mạng xã hội là cách tác động rất lớn.

Cần đẩy mạnh truyền thông về BHYT HSSV (Ảnh minh họa)

Về phía ngành Giáo dục, ông Lê Mạnh Hùng nhận định, để triển khai tốt công tác BHYT hướng tới bao phủ BHYT toàn dân, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành đoàn thể liên quan. Bộ GD-ĐT đã đưa ra những giải pháp thích hợp để thực hiện thành công chỉ tiêu đạt 100% HSSV tham gia BHYT. Trong đó có việc giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV đối với từng cơ sở giáo dục; đưa kết quả tham gia BHYT vào tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức đơn vị, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của HSSV là giải pháp thiết thực, thể hiện sự quyết tâm cao của ngành Giáo dục. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục sẽ tập trung triển khai tuyên truyền giáo dục nhận thức thông qua pano, khẩu hiệu, tờ rơi, sân khấu hóa, trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, làm sao cho các em nhận thức được ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tất Thao cho rằng, cần kết hợp nhiều giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật đến HSSV, phụ huynh thông qua hoạt động của đoàn thanh niên, hội sinh viên, đội thiếu niên tiền phong... của nhà trường. Các cơ sở giáo dục cần cung cấp các danh sách HSSV (chưa tham gia và có tham gia BHYT) để cơ quan BHXH đẩy mạnh thực hiện vận động, tuyên truyền. Về phía cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, quan tâm, tăng cường việc chỉ đạo công tác BHYT trên địa bàn. Các cấp chính quyền địa phương cũng cần có phương án hỗ trợ mức đóng của HSSV từ ngân sách địa phương. Ngành y tế cũng cần triển khai đồng bộ các giải pháp như có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tháo gỡ nội dung khó khăn, vướng mắc về công tác y tế trường học để bảo đảm quyền lợi cho HSSV tham gia BHYT; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải tiến thủ tục hành chính, cải tiến quy trình trong khám, chữa bệnh BHYT và thanh toán BHYT để tạo thuận lợi trong quá trình khám, chữa bệnh BHYT của HSSV./.

Phạm Chính