Hà Nội sẵn sàng cấp thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS qua BHYT

07/12/2018 05:07 PM


Hiện Hà Nội sẵn sàng triển khai điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV do BHYT chi trả từ năm 2019.

Hỗ trợ tối đa thẻ BHYT cho người nhiễm HIV

Theo bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội cho biết, thành phố đang chuẩn bị các điều kiện để triển khai điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV do BHYT chi trả từ năm 2019.

Đến nay, Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai điều trị ARV thông qua nguồn quỹ BHYT từ 1/1/2019. Cụ thể: Tăng cường công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, lợi ích của xét nghiệm HIV và điều trị bằng thuốc kháng virus ARV sớm, các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS; kiện toàn các điều kiện cần thiết cho các cơ sở điều trị ARV và ký hợp đồng KCB BHYT cho người bệnh HIV với cơ quan BHXH; dự trù thuốc ARV cho các đơn vị thanh toán qua BHYT; đề xuất UBND Thành phố, Sở Tài chính bố trí kinh phí đồng chi trả thuốc ARV cho bệnh nhân điều trị thuốc từ nguồn quỹ BHYT, huy động tìm nguồn tài trợ mua thẻ BHYT, đảm bảo không có bệnh nhân nào bị “đứt thuốc”.

Hiện, Hà Nội có 16/18 cơ sở y tế đã triển khai KCB BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS; 57,3% bệnh nhân điều trị ARV đã sử dụng dịch vụ KCB BHYT. Các dịch vụ được sử dụng nhiều nhất là xét nghiệm sinh hóa, công thức máu… Ngoài ra, tại 5 đơn vị và trung tâm y tế các quận: Long Biên, Đống Đa, Nam Từ Liêm, BV Phổi Hà Nội và BVĐK Vân Đình đã chuẩn bị sẵn sàng cung cấp thuốc ARV từ ngày 1/1/2019.

Theo bà Lan, UBND TP.Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm những tháng cuối năm 2018. Trong đó, giao Sở Y tế phối hợp với các sở, ban ngành liên quan trình mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS và hỗ trợ cùng chi trả thuốc ARV cho bệnh nhân có thẻ BHYT trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2020.

Mở rộng các điểm xét nghiệm HIV tự nguyện

Bà  Lan cho biết thêm, từ 18 cơ sở xét nghiệm HIV tự nguyện đặt tại 17 quận, huyện, thị xã (năm 2017), hiện Hà Nội đã mở rộng các điểm đặt tại 30/30 quận, huyện, thị xã (năm 2018). Từ hình thức xét nghiệm tự nguyện truyền thống (khách hàng tự đến phòng tư vấn xét nghiệm), năm 2018, Hà Nội đã mở rộng các hình thức tiếp cận, xét nghiệm khác như xét nghiệm tại cộng đồng, tự xét nghiệm và các biện pháp tiếp cận online đối với các đối tượng nguy cơ cao qua các trang mạng xã hội.

Tính đến nay, ngành y tế Hà Nội đã xét nghiệm cho 234.614 trường hợp, trong đó 139.848 trường hợp xét nghiệm tại BV tuyến thành phố; 94.766 trường hợp được xét nghiệm tại các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện và BV tuyến quận, huyện. 10 tháng năm 2018, Hà Nội phát hiện thêm 910 trường hợp nhiễm HIV mới, tăng 23,47% so với cùng kỳ năm 2017. Các trường hợp nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở các quận nội thành và chủ yếu là nam giới (chiếm 73,31%). Đặc biệt, việc lây nhiễm qua quan hệ tình dục (đồng giới và khác giới) tăng cao (từ 29,5% năm 2013 lên 65,71%); lây qua đường máu giảm (từ 69,8% năm 2013 xuống 32,42%).

Được biết, từ năm 2019, thuốc ARV và chi phí xét nghiệm cho người nhiễm HIV sẽ không còn được cấp phát miễn phí, mà chuyển qua thanh toán thông qua BHYT, do các nguồn viện trợ bị cắt giảm. Vì vậy, để giữ vững kết quả điều trị, việc người bệnh tham gia đầy đủ BHYT là quan trọng.

Theo các chuyên gia hiện chi phí thấp nhất cho việc điều trị thuốc của bệnh nhân HIV/AIDS là khoảng hơn 4 triệu đồng/người/năm. Nhưng đối với bệnh nhân kháng thuốc, chi phí điều trị có thể tăng lên gấp 7 - 8 lần. Bởi vậy nếu không có thẻ BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải bỏ ra một số tiền khá lớn để được điều trị bằng thuốc ARV./.

PV