Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới áp dụng chi trả điều trị HIV/AIDS thông qua Quỹ BHYT
01/12/2018 09:46 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho biết Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới áp dụng chi trả điều trị HIV/AIDS thông qua Quỹ BHYT tại Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia và ngày thế giới phòng, chống AIDS năm 2018 được tổ chức công viên Văn Lang, Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh vào sáng ngày 01/12/2018.
Quang cảnh lễ mít tinh.
Tham dự Lễ phát động có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm; Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh. Cùng tham dự còn có đại diện một số tổ chức quốc tế; lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành đoàn thể Trung ương, văn phòng chính phủ, Thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm một số tỉnh, thành phố; đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, các sở, ban, ngành, các quận, huyện thuộc thành phố Hồ Chí Minh..
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo báo cáo của chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS, đến tháng 12/2017, thế giới đã có 36.9 triệu người nhiễm HIV hiện đang còn sống và khoảng 35,4 triệu người đã tử vong vì AIDS. Mỗi năm thế giới vẫn có khoảng gần 2 triệu người mới nhiễm HIV.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền các cấp cùng sự tham gia của các ban ngành đoàn thể và nhân dân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2018 là năm thứ 10 liên tiếp dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được khống chế, giảm cả ba chỉ tiêu số người nhiễm mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong.
Việt Nam đã và đang triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc hỗ trợ điều trị cho người nhiễm HIV. Nhiều mô hình hiệu quả của thế giới được ứng dụng tại Việt Nam, điển hình là việc áp dụng khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới về điều trị thuốc ARV ngay cho người nhiễm HIV không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4; hay triển khai tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng; Điều trị dự phòng bằng thuốc ARV trước phơi nhiễm HIV, điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới áp dụng chi trả điều trị HIV/AIDS thông qua Quỹ BHYT để đảm bảo sự tiếp cận cho người nhiễm HIV cũng như sự bền vững của chương trình.
Hơn 131 nghìn bệnh nhân đang được điều trị ARV; hơn 54 nghìn người đang được điều trị bằng Methadone; mỗi năm xét nghiệm HIV cho khoảng 2 triệu người; hàng chục triệu lượt người được tiếp cận truyền thông, bao cao su, bơm kim tiêm mỗi năm. Những con số ấn tượng này là những kết quả đáng khích lệ. Việt Nam đã áp dụng được nhiều sáng kiến mới trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS mà không phải quốc gia nào cũng làm được. Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những điểm sáng về phòng chống HIV/AIDS.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại lễ mít tinh.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đánh giá cao nỗ lực, lòng nhiệt huyết và cả sự tận tụy, sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế và các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS đã có nhiều cố gắng, tổ chức, triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh những thuận lợi, những thành tựu đã đạt được, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhắc đến những khó khăn thách thức. Cụ thể, tình hình dịch HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi năm nước ra vẫn còn khoảng 8.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện và mỗi năm HIV/AIDS vẫn cướp đi 3.000-4.000 sinh mạng người Việt Nam. HIV/AIDS vẫn đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật và tử vong ở Việt Nam. Vẫn còn ít nhất khoảng 50.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục ngày càng chiếm chủ yếu dẫn đến việc kiểm soát dịch trở nên khó khăn hơn. Thiếu hụt nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống HIV/AIDS cũng là thách thức với công tác phòng chống HIV/AIDS. Trong khi đó độ bao phủ của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS vẫn còn hạn chế. Tình trạng phân biệt, kỳ thị đối xử liên quan đến HIV vẫn còn phổ biến, điều này cảnh báo dịch HIV/AIDS bùng phát nếu chủ quan thờ ơ hoặc không tiếp tục quan tâm đầu tư thỏa đáng.
Hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 mà Liên hợp quốc đã phát động trên toàn cầu, đó là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp nhất để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền cho người khác.
Ngay từ năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình dương cam kết hưởng ứng mục tiêu này. Liên hợp quốc cũng đã khuyến cáo các quốc gia cần dồn tổng lực để đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, đó là cơ sở và điều kiện cần thiết để tiến tới kết thúc dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.
Năm 2018, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam là “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”. TP.HCM cũng là địa phương có nhiều người nhiễm HIV nhất cả nước; nơi luôn được Bộ Y tế lựa chọn đi đầu để triển khai các mô hình và sáng kiến mới nhất về phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
Các đại biểu tham gia mít tinh.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi các đồng chí Lãnh đạo các cấp, các ban ngành, đoàn thể trung ương và ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố, các tổ chức xã hội, ngành y tế và mỗi người dân cần phải hành động và hành động mạnh mẽ hơn nữa. Hành động để mọi người dân Việt Nam đều có thể tiếp cận các dịch vụ dự phòng không bị lây nhiễm HIV; hành động để người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm HIV, hành động để tất cả người chẩn đoán nhiễm HIV được tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV sớm và tuân thủ điều trị để đảm bảo việc điều trị có hiệu quả. Cuối cùng là hành động để mọi người nhiễm HIV tham gia BHYT để có thể điều trị HIV/AIDS lâu dài bền vững.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Lãnh đạo các ngành, các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS không chỉ bằng nguồn ngân sách trung ương mà các địa phương phải xem xét cân đối để đầu tư thỏa đáng. Tiếp tục triển khai đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, đảm bảo ngân sách hàng năm cho chương trình. Cần quan tâm đặc biệt tới nhóm người có nguy cơ cao, người dân bị tổn thương, người dân sống vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Lồng ghép chỉ tiêu, nội dung phòng chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Riêng ngành y tế cần tăng cường cung cấp các dịch vụ để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết đảm bảo quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV của tất cả mọi người dân. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, can thiệp như bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, Buprenorphine, tư vấn xét nghiệm HIV, mở rộng điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm cũng như dự phòng trước phơi nhiễm. Đẩy mạnh hơn nữa việc xét nghiệm tải lượng vi rút không chỉ là biện pháp chuyên môn kỹ thuật mà cũng là một biện pháp để đo lường mục tiêu 90-90-90.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước tiếp tục quan tâm ủng hộ Việt Nam bằng cả nguồn tài chính và kỹ thuật. Việc này không chỉ giúp cho Việt Nam đạt được các mục tiêu đã cam kết mà nó còn có ý nghĩa đóng góp cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu. Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 đã chính thức được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm phát động từ ngày 10/11-10/12 với chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020!”./.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Hà Nội công bố thanh tra 20 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, ...
BHXH Việt Nam thành lập Tổ tính toán cân đối quỹ BHXH, ...
BHXH Việt Nam tiếp nhận và xử lý cảnh báo chiến dịch tấn ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?