An Giang: Duy trì tính bền vững BHYT tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới

27/09/2018 10:32 AM


Vừa qua, Đoàn giám sát của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và BHXH tỉnh An Giang đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về kết quả thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện và BHYT.

Đoàn Giám sát do ông Nguyễn Quý Hân, Phó Chủ tịch uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh làm Trưởng đoàn. Cùng tham gia với Đoàn giám sát có đại diện lãnh đạo BHXH tỉnh, lãnh đạo Ban Phong trào - Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.

Giám sát thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại xã Phú Lâm, huyện Phú Tân.

Trong những năm qua, Đảng ủy, UBND các xã, phường đã tập trung chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã về chính sách BHYT. Nhiều giải pháp về phát triển đối tượng tham gia BHYT đã được UBND các xã, phường thực hiện. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, tại một số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới những năm trước đây, (từ 2017 trở về trước) tỷ lệ người dân tham gia BHYT không ổn định, giảm sút và thiếu tính bền vững. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính vẫn là ý thức người dân chưa thấy hết được tính thiết thực, lợi ích mà chính sách BHYT đem lại, phần do kinh tế eo hẹp nên ngần ngại, do dự chưa tham gia, hoặc tham gia nhưng thấy không ốm đau gì lại thôi... một số địa phương, cấp ủy, chính quyền thiếu sát sao trong việc duy trì, nâng cao tiêu chí tỷ lệ người dân tham gia BHYT.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quý Hân, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh nhấn mạnh các xã cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và cụ thể, phù hợp với từng nhóm đối tượng cần tuyên truyền, vận động. Trong đó, giải pháp chính và trọng tâm nhất vẫn là các cấp ủy đảng, chính quyền, trong đó nhân viên Đại lý thu là lực lượng nòng cốt, đoàn thể và các ngành phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị, cần sự vào cuộc đồng bộ để tuyên truyền, vận động đến tận người dân; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và phải kiên trì để người dân hiểu và tự giác tham gia BHYT. Đối với cơ quan BHXH cấp huyện, cần tiếp tục tích cực trong công tác tham mưu, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện để duy trì, phát triển đối tượng tham gia BHYT một cách bền vững. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh ở các tuyến, nhất là tuyến cơ sở, đồng thời, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ người bệnh, đặc biệt là chất lượng khám, chữa bệnh BHYT để tạo niềm tin và thu hút đông đảo người dân tham gia BHYT./.

Bích Thúy