Bắc Giang: Hiệu quả từ mô hình khám, cấp thuốc BHYT cho bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường tuyến huyện, xã

20/07/2018 04:59 PM


Bắc Giang là tỉnh miền núi thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam, diện tích đất tự nhiên trên 3.800km2. Tỉnh có 09 huyện và 01 thành phố, trong đó có 06 huyện miền núi và 01 huyện vùng cao; có 230 xã, phường, thị trấn. Dân số hiện nay hơn 1,6 triệu người.

Đại biểu Quốc hội khảo sát thực địa về y tế cơ sở tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Hệ thống mạng lưới y tế công lập bao gồm: 08 bệnh viện đa khoa (BVĐK) và chuyên khoa tuyến tỉnh, 08 BVĐK tuyến huyện, 01 BVĐK khu vực; 03 Trung tâm hệ Dự phòng tuyến tỉnh; 10 Trung tâm y tế tuyến huyện; 02 Chi cục (DS-KHHGĐ và ATVSTP); 01 Trường Trung cấp Y tế; 10 Trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện và 230 trạm y tế xã/phường/thị trấn. 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã có 218/230 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, đạt tỷ lệ 97,7%. 312 cơ sở hành nghề y tư nhân được cấp phép, gồm:  04 Bệnh viện; 15 phòng khám đa khoa; 185 phòng khám chuyên khoa; 61 Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền....

Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho thấy, từ năm 2011, Sở Y tế Bắc Giang đã tham mưu với UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt Đề án quản lý, điều trị ngoại trú có kiểm soát bệnh không lây nhiễm và mạn tính giai đoạn 2011 - 2020 nhằm quản lý tốt người mắc các bệnh không lây nhiễm. Năm 2015, thực hiện Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 20/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015 – 2025, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 1364/KH-UBND ngày 26/5/2015 để triển khai thực hiện chiến lược.

Thông qua các kế hoạch, Đề án của tỉnh, hàng năm ngành y tế triển khai mới từ 30-35 xã đủ điều kiện để quản lý bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp) và từ 2016 triển khai quản lý bệnh đái tháo đường; năm 2018 triển khai thí điểm quản lý điều trị hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tổ chức khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ung thư, đái tháo đường và tăng huyết áp...

Trước tiên, mô hình được tổ chức thực hiện tại BVĐK tỉnh, sau đó triển khai xuống các BVĐK tuyến huyện, thành phố. Trước khi chuyển giao mô hình quản lý xuống BVĐK huyện/thành phố, Sở Y tế đã làm việc và thống nhất chủ trương với cơ quan BHXH tỉnh để làm cơ sở thanh toán chi phí cho người bệnh được thuận lợi. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ của các BVĐK huyện, thành phố về chẩn đoán, điều trị, phân loại, sử dụng thuốc và đọc điện tim và học cách quản lý tại BVĐK tỉnh. Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu BVĐK tỉnh cử cán bộ xuống tận nơi để hướng dẫn theo hình thức cầm tay chỉ việc. Tổ chức lớp đào tạo siêu âm tim cơ bản cho các BVĐK huyện/thành phố. Xã hội hóa đầu tư máy siêu âm màu tim mạch, các máy xét nghiệm cần thiết đối với các bệnh viện tuyến huyện thành phố chưa có.

Quy trình tổ chức quản lý bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế xã được thực hiện cụ thể, từ công tác chuẩn bị, tập huấn cho Trạm trưởng về mô hình quản lý, điều trị ngoại trú tăng huyết áp, đái tháo đường tại cơ sở, đến thực tập học theo hình thức cầm tay chỉ việc tại các đơn vị quản lý, điều trị ngoại trú tăng huyết áp, đái tháo đường tại các bệnh viện huyện trong ít nhất 02 tháng; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tại trạm y tế để triển khai: Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và cơ chế phối hợp thanh quyết toán với cơ quan BHXH, đảm bảo cho người bệnh được hưởng đầy đủ dịch vụ tại trạm y tế xã; xây dựng quy trình khám, quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường tại xã;...

Với cách làm hợp lý, quy trình cụ thể, việc quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Tính đến hết Quý I năm 2018, toàn tỉnh đã quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm cho 86.130 người; tăng huyết áp 53.521 người; đái tháo đường 14.677 người; hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính: 3.094 người; các bệnh khác: 14.838 người.

Tính đến 20/4/2018 các trạm y tế xã hiện đang quản lý 16.855 bệnh nhân tăng huyết áp tại 187/230 trạm y tế xã (chiếm 81% tổng số trạm y tế xã). Đã triển khai quản lý, điều trị ngoại trú bệnh đái tháo đường tại 6 trạm y tế xã với 40 bệnh nhân. Đang triển khai các bước để thực hiện quản lý, điều trị hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong năm 2018 tại 20 trạm y tế xã.

Kết quả đánh giá của các đơn vị cho thấy, những bệnh nhân được quản lý, điều trị ngoại trú phần lớn đã đạt huyết áp mục tiêu (93%) và chỉ số đường huyết về mức bình thường (63%), hạn chế các biến chứng và tái phát đợt cấp tính của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản thông qua việc hướng dẫn thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý và dùng thuốc đúng cách, do đó đã làm giảm các biến chứng, nâng cao chất lượng sống.

Để tiếp tục triển khai quản lý, điều trị ngoại trú bệnh không lây nhiễm nói chung, bệnh tăng huyết áp nói riêng trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả hơn nữa, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Y tế và các đơn vị có liên quan tăng nguồn kinh phí cho các hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm hàng năm; hỗ trợ chuyên môn trong hoạt động của chương trình, đặc biệt là đào tạo cán bộ và xây dựng mô hình quản lý, điều trị ngoại trú tại cơ sở; sửa đổi quy định của Thông tư số 41/2014/TTLT – BYT – BTC. Trong khi chờ sửa quy định, tiếp tục thực hiện thanh toán chi phí KCB quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã theo Thông báo Kết luận số 947/TB-BYT ngày 19/10/2015 của Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang./.

PV