Xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng KCB y dược cổ truyền

18/07/2018 08:36 PM


Trong thời gian vừa qua, công tác y dược cổ truyền (YDCT) đã được quan tâm, tuy nhiên việc đầu tư nguồn lực cho YDCT chưa tương xứng với vai trò và tầm quan trọng của lĩnh vực này; Việc KCB BHYT bằng YDCT chưa thu hút bệnh nhân. Vì vậy, cần phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở YDCT.

Phát huy lợi thế của YDCT

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24/CT/TƯ của Ban Bí thư về Triển khai nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới vừa qua tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: trong 10 năm qua, Bộ Y tế đã ban hành 46 văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản nhằm quản lý công tác y dược cổ truyền (YDCT) phù hợp với thực tiễn và phát triển YDCT.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị 24-CT/TƯ cũng còn hạn chế như: một số cấp Hội chưa thực hiện tốt vai trò tham mưu, chưa tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện; Các quy định hiện hành đã xuất hiện những hạn chế nhất định đối với sự phát triển của YDCT Việt Nam; Đội ngũ cán bộ y học cổ truyền thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, thiếu sự nhiệt tình trong công tác Hội; Công tác kế thừa, ứng dụng những bài thuốc quý chưa hiệu quả; Sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại còn nhiều hạn chế; công tác hiện đại hóa y học cổ truyền còn chậm. Việc nuôi trồng và phát triển dược liệu chủ yếu là tự phát; Công tác bảo tồn nguồn gen, quy hoạch vùng trồng dược liệu còn nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên và nhập khẩu; Quy trình bào chế, sản xuất thuốc thô sơ, chậm được cải tiến…

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy lợi thế của YDCT, quảng bá YDCT của Việt Nam ra quốc tế. Trong thời gian tới, Ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan củng cố khoa YDCT trong các bệnh viện; thực hiện phương pháp kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại, tăng cường xã hội hóa về YDCT, nhằm huy động nguồn lực, thành phần tham gia; tiếp tục quan tâm nghiên cứu ứng dụng, nuôi trồng và chế biến dược liệu gắn với sự vào cuộc của các DN.

Nâng cao chất lượng KCB YDCT

Buổi chiều cùng ngày, Bộ Y tế đã phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị công tác khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền năm 2018 nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực YDCT.

Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn dự và phát biểu tại Hội nghị.

Báo cáo kết quả hoạt động KCB YDCT của Cục Quản lý YDCT, Bộ Y tế cho biết, hiện nay hệ thống khám, chữa bệnh YHCT được củng cố, hoàn thiện và mở rộng về quy mô từ tuyến Trung ương đến tuyến xã. Các cơ sở KCB YHCT đã chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để cung ứng dịch vụ YHCT với chất lượng cao.

Tuy nhiên, Cục Quản lý YDCT cũng chỉ ra một những hạn chế còn tồn tại như công tác cung ứng đấu thầu dược liệu, vị thuốc còn hiện tượng sử dụng chưa đúng giấy chứng nhân nguồn gốc xuất xứ, tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các dược liệu nuôi trồng trong nước chưa rõ ràng; giá trúng thấu thuốc của các tỉnh, thành phố vẫn còn chênh lệch; đa số dược liệu, vị thuốc chưa được cấp số đăng ký. Hiện nay, Bộ Y tế mới đang soạn thảo ban hành Thông tư hướng dẫn đăng ký dược liệu thuốc cổ truyền. Trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về lĩnh vực YDCT; xây dựng quy chuẩn trong sản xuất, chế biến thuốc; bổ sung thêm tiêu chuẩn làm cơ sở để kiểm định chất lượng trong lĩnh vực dược liệu YDCT. Tăng cường quản lý chặt chẽ về sản xuất, lưu hành và thu hồi dược liệu...

Đại diện Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết, hiện nay công tác KCB BHYT trong lĩnh vực YHCT còn nhiều bất cập như tần suất dịch vụ kỹ thuật tăng cao hơn bình thường, mã bệnh như nhau nhưng chi phí khác nhau; Tình hình sử dụng thuốc năm 2017 là 35 tỷ, 5 tháng 2018 là 16 tỷ, sử dụng trên tổng chi phí thuốc 8,7%; Nhiều địa phương có hiện tượng sử dụng 1/3 trên tổng số thuốc là YDCT; Các cơ sở KCB chỉ định rộng rãi, kéo dài thời gian điều trị không hợp lý, chỉ định điều trị nội trú cao, kê thêm nhiều giường bệnh....

Theo đó, Ban Thực hiện chính sách BHYT kiến nghị, cơ sở KCB chỉ định bệnh nhân điều trị nội trú phù hợp với tình trạng bệnh; cơ sở KCB chỉ định DVKT phù hợp với chẩn đoán. Một số cơ sở KCB cần giảm ngày điều trị bình quân, không kéo dài ngày điều trị; sử dụng thuốc chế phẩm y học cổ truyền phù hợp; thực hiện việc chuyển tuyến KCB BHYT theo đúng quy định của Thông tư 40/2015/TT-BYT...

Tại Hội nghị, các bệnh viện YDCT đã chia sẻ nhiều khó khăn trong công tác KCB BHYT, đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để công tác KCB YDCT ngày càng hoàn thiện.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, một số tồn tại ngay trong nội tại Ngành y tế khi sức hút y học hiện đại (YHHĐ) lớn lên thì YHCT sẽ bé đi. Vì vậy, trong công tác KCB cần có sự so sánh đồng bộ cả YHHĐ, YHCT chứ không chỉ nhìn góc YHCT. Nhiều những bấp cập còn tồn tại đến từ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực phù hợp.

Về phía BHXH Việt Nam luôn tuân thủ chặt chẽ các văn bản pháp luật mà Chính phủ, Bộ Y tế xây dựng trong triển khai thực hiện chính sách BHYT nói chung, công tác KCB BHYT nói riêng. Vì vậy, rất mong các cơ sở y tế sẽ hợp tác cùng cơ quan BHXH thực hiện nghiêm túc quy định này, đảm bảo sự minh bạch của Quỹ BHYT. Đồng thời đề nghị, ngành Y tế và BHXH sẽ tiếp tục phối hợp trong triển khai thực hiện tốt nhất công tác KCB BHYT, hướng đến mục tiêu cao đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.

Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, dù làm gì đi nữa thì hướng đi phải đúng, mọi triển khai nhiệm vụ đều phải chịu sự chỉ đạo văn bản quy phạm pháp luật; tuy nhiên phải thẳng thắn thừa nhận, nhiều văn bản quy phạm pháp luật khi triển khai trong thực tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chông chênh, còn nhiều kẽ hở. Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đề nghị các cơ sở y tế đề nghị phải làm đúng, làm chuẩn, công khai minh bạch, không được lạm dụng trong điều trị; nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu để thu hút bệnh nhân đến KCB; tăng cường công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với thực tiễn...đảm bảo hiệu quả, tiếp tục đóng góp vào công tác KCB, đảm bảo chăm sóc sức khoẻ nhân dân./. 

TT t/h