Nâng cao chất lượng KCB BHYT tuyến YTCS: 06 giải pháp trọng tâm

06/07/2018 05:12 PM


Nhân dịp kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam (01/7), ngày 06/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến nâng cao chất lượng KCB BHYT tuyến y tế cơ sở. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đồng chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

YTCS - “người gác cổng” của hệ thống y tế

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, YTCS là tuyến y tế ban đầu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nhiệm vụ của YTCS bao gồm các hoạt động chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe, dự phòng và KCB. Đây là tuyến y tế gần dân, sát dân nhất, giúp cho việc chăm sóc sức khỏe, KCB của người dân được thuận tiện, đỡ tốn kém, đặt biệt là KCB theo nguyên lý y học gia đình, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất.

Thời gian qua, mạng lưới YTCS ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Nhờ có mạng lưới YTCS rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai có hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, KCB thông thường, truyền thông giáo dục sức khỏe. Hiện nay, nhiều Trạm Y tế xã bước đầu đã triển khai có hiệu quả việc quản lý, điều trị một số bệnh mạn tính không lây (tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch), một số loại bệnh truyền nhiễm (lao, HIV/AIDS) và phục hồi chức năng.

Khẳng định vai trò tuyến đầu trong hệ thống y tế của YTCS, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, tại Việt Nam, YTCS luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ coi trọng, thể chế hóa trong các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương xác định YTCS là nền tảng, phương châm của xây dựng hệ thống y tế công bằng, hiệu quả và phát triển.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai một cách thuận lợi.

Thông tin về kết quả sơ bộ của việc thực hiện KCB BHYT tại tuyến YTCS thời gian qua, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHYT nước ta chiếm 86,9% dân số, 63 tỉnh, thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg. Và với 81,59 triệu người dân tham gia BHYT thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe, y tế của người dân ngày càng cao, nhất là chăm sóc sức khỏe y tế ban đầu.

“Theo đó, YTCS là nơi gần nhất với dân, là nơi người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế. YTCS ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, từ chỗ chỉ là tuyến dưới, trở thành trung tâm và giữ vai trò là “người gác cổng”, là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ y tế”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nhận định.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng cho biết, hiện cả nước có hơn 12.000 Trạm Y tế xã. Trong đó, tổng số Trạm Y tế xã thực hiện KCB BHYT là 9.821 với số thẻ BHYT đăng ký ban đầu là 21,5 triệu. Nhờ có mạng lưới YTCS rộng khắp như vậy, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai một cách thuận lợi. Người dân có điều kiện tiếp cận và sử dụng nhiều hơn dịch vụ KCB BHYT tại tuyến YTCS.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hạn chế của YTCS là do người dân chưa tin tưởng vào tuyến YTCS, bởi chất lượng kỹ thuật còn chưa cao, đội ngũ cán bộ y tế mỏng, năng lực còn hạn chế. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đáp ứng, các dịch vụ chuyên môn trong KCB còn hạn chế, danh mục thuốc ít,…. Những hạn chế trên đây đã làm cho chất lượng KCB tại tuyến YTCS chưa đáp ứng được yêu cầu, khiến người dân chưa tin tưởng và còn tình trạng vượt lên các tuyến trên để KCB gây tốn kém về thời gian, tiền bạc, công sức và các chi phí xã hội khác.

Đưa ra nhiều dẫn chứng khác nhau từ thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, số lượt KCB tại tuyến y tế cơ sở chiếm trên 70% tổng số lượt KCB BHYT trong khi chi phí KCB BHYT chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi phí. Ngược lại số lượt KCB tại tuyến tỉnh, tuyến Trung ương chiếm chưa đến 30% tổng số lượt nhưng chi phí lại chiếm gần 70% tổng chi phí. 

Cùng đề cập đến những hạn chế của YTCS, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cho rằng, việc người dân không lựa chọn Trạm Y tế xã là nơi chăm sóc sức khỏe, KCB BHYT ban đầu phần nào còn do chính sách thông tuyến được thực hiện từ năm 2015 theo quy định của Luật BHYT năm 2014, người bệnh BHYT được quyền lựa chọn KCB tại các bệnh viện tuyến huyện thay vì đến Trạm Y tế xã.

Dẫn chứng về hạn chế này, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cho biết, tỷ trọng số lượt KCB BHYT tại tuyến xã trong tổng số lượt KCB BHYT có xu hướng giảm qua các năm từ 2015 đến nay: Nếu như năm 2014, tỷ trọng số lượt KCB tại tuyến xã chiếm khoảng 28,3% trong tổng số lượt KCB BHYT thì năm 2015, 2016, 2017 con số này lần lượt là 26%, 21,9% và 19,9%; 6 tháng đầu năm 2018 tỷ trọng số lượt KCB BHYT tại tuyến xã chỉ chiếm 18,5% trong tổng lượt KCB BHYT của các tuyến. Ngược lại, tỷ trọng số lượt KCB BHYT tại tuyến huyện trong tổng số lượt KCB BHYT lại gia tăng mạnh (giai đoạn 2010-2014: 42,8%; 2015: 43,2%; 2016: 48,5%; 2017: 51.4%; ước 6 tháng đầu năm 2018: 52,2%).

“Bên cạnh hạn chế trên, những vướng mắc về mô hình tổ chức, cơ chế chính sách, nguồn lực, nhân lực… cũng đang tạo áp lực không nhỏ cho Ngành Y tế và Ngành BHXH trong quá trình tổ chức, thực hiện chính sách BHYT tại tuyến YTCS”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nêu rõ.

Đảm bảo cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng tại tuyến YTCS

Tại Hội nghị, các báo cáo, tham luận của các cơ quan, đơn vị về tình hình thực hiện, cũng như các giải pháp, kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng KCB BHYT tại tuyến YTCS đã được các đại biểu đưa ra thảo luận, trao đổi nhằm thống nhất về phương châm hành động cũng như về cách thức tổ chức thực hiện.

Đưa ra những cam kết từ phía BHXH Việt Nam trong công tác nâng cao chất lượng KCB BHYT tại tuyến YTCS, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cho biết, BHXH Việt Nam đã tăng cường chỉ đạo BHXH các địa phương: Phối hợp với Sở Y tế rà soát, lựa chọn ký hợp đồng KCB BHYT với các Trạm Y tế xã, các phòng khám đa khoa, trong đó, ưu tiên lựa chọn ký hợp đồng KCB với các phòng khám có đầy đủ các chuyên khoa cơ bản, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm thực hiện trong giờ hành chính để đáp ứng nhu cầu KCB của người bệnh; nâng cao năng lực, chất lượng giám định BHYT bảo đảm khách quan, minh bạch;  các giải pháp chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối quỹ BHYT và quyền lợi của người tham gia BHYT, cơ sở y tế… được thực hiện một cách đồng bộ; yêu cầu cơ sở KCB bảo đảm quyền lợi cho người bệnh BHYT, không để người bệnh phải tự túc thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật trong phạm vi thanh toán của quỹ BHYT; chủ động kiểm tra, giám sát tại các cơ sở KCB nhằm kiểm soát chi phí KCB BHYT và việc cung ứng dịch vụ y tế cho người bệnh BHYT; chủ động, tham gia có hiệu quả vào toàn bộ các khâu của quá trình đấu thầu thuốc, vật tư y tế theo quy định của pháp luật nhằm đưa giá thuốc về đúng giá trị.

“Đặc biệt, Ngành BHXH đang quyết liệt triển khai việc ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cung ứng dịch vụ y tế, trong giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT, đảm bảo tối đa quyền lợi cho người tham gia BHYT”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, phát triển YTCS là con đường đúng để chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, phát triển YTCS là con đường đúng để chăm sóc sức khỏe toàn dân. Trong đó, BHYT là một nguồn lực quan trọng, là cơ chế tài chính bền vững trong việc đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác KCB. Một trong những yếu tố để đạt được mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân là việc đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng tại tuyến YTCS.

Để tăng cường KCB BHYT tại tuyến YTCS, nhất là khắc phục những bất cập hiện nay, Bộ Y tế sẽ xây dựng cơ chế toàn diện, phát triển cả về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng cho hệ thống y tế này và chú trọng các giải pháp sau: 

Một là, đổi mới cơ chế chi trả KCB BHYT tại Trạm Y tế tuyến xã.

Hai là, ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến xã để đáp ứng nhu cầu KCB và chất lượng KCB của nhân dân.

Ba là, tăng cường quản lý, điều trị các bệnh mãn tính tại Trạm Y tế xã, nhất là các trường hợp đã được chẩn đoán ở tuyến trên và thực hiện theo đúng phác đồ điều trị.

Bốn là, đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của Trạm Y tế xã theo mô hình chuẩn, đáp ứng được đầy đủ chức năng, các nhiệm vụ của Trạm Y tế xã. 

Năm là, tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế.

Sáu là, ứng dụng CNTT trong quản lý triển khai YTCS: Xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ sức khoẻ cá nhân và phần mềm quản lý Trạm Y tế xã, đảm bảo quản lý thông tin của các hoạt động chuyên môn với quản lý hồ sơ sức khỏe để nâng cao hiệu quả hoạt động của TYT xã và giảm tải khối lượng công việc hành chính cho cán bộ y tế./.

B.A.T