Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý chi phí KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia

29/06/2018 04:30 PM


Chính sách BHXH, BHYT nói chung, BHYT nói riêng ngày càng khẳng định vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Năm 2017 công tác thu BHYT toàn quốc đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao, trong đó tỉnh Thái Bình cũng đã vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao, tiến tới BHYT toàn dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh (KCB), đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

 

Người dân KCB tại bệnh viện mắt Thái Bình

Năm 2017, BHXH tỉnh ký hợp đồng với 33 cơ sở KCB, trong đó có 27 cơ sở KCB công lập, 06 cơ sở KCB ngoài công lập; 272 trạm y tế xã, thị trấn (ký hợp đồng KCB BHYT thông qua bệnh viện đa khoa huyện, thành phố). BHXH tỉnh chi trả cho 2.578.138 lượt người KCB với số tiền 1.642 tỷ đồng, trong đó có 1.660 bệnh nhân điều trị có chi phí lớn từ 50 triệu đồng trở lên. Năm 2018 BHXH tỉnh ký hợp đồng thêm 01 cơ sở KCB ngoài công lập. Sáu tháng đầu năm đã chi trả cho 1.332.135 lượt bệnh nhân KCB nội, ngoại trú, tổng chi phí 945,7 tỷ đồng; trong đó: KCB tại tỉnh 1.272.764 lượt người, chi phí 701,1 tỷ đồng; KCB đa tuyến đi ngoại tỉnh 59.371 lượt người, chi phí 244,6 tỷ đồng, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Thời gian qua, một số bệnh nhân có bệnh nặng, chi phí lớn đã được quỹ BHYT chi trả như: Anh Phạm Tiến Đạt - đối tượng bảo trợ xã hội xã Thái Học (Thái Thụy), điều trị tại  BV huyết học và truyền máu TW được quỹ BHYT chi trả là 2,2 tỷ đồng; ông Nguyễn Văn Giảng - cán bộ hưu thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương), điều trị tại Bệnh viện Nhiệt Đới TW được quỹ BHYT chi trả 621 triệu đồng; ông Vũ Văn Cường - đối tượng bảo trợ xã hội xã Thái Thành (Thái Thụy) điều trị tại Bệnh viện quận Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) được quỹ BHYT chi trả 523 triệu đồng.

Mặc dù số lượng người KCB BHYT hằng tháng, quý đều tăng, chi phí KCB BHYT rất lớn nhưng BHXH tỉnh đã phối hợp tốt với các cơ sở KCB tổ chức KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Tuy nhiên, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT theo quy định của Luật, trong đó có KCB BHYT đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn như: Phạm vi, quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng mà mức thu BHYT còn thấp; các cơ sở KCB đang dần dần chuyển sang cơ chế tự chủ về tài chính nên việc cân đối quỹ BHYT cũng gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT năm 2018 có những thuận lợi: Đây là năm đầu tiên Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi KCB BHYT cho các tỉnh (tại Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 02/3/2018). Qua đó huy động sự vào cuộc hơn nữa của Ủy ban nhân (UBND) các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể chung tay cùng ngành BHXH thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm sử dụng có hiệu quả nhất Quỹ BHYT, đảm bảo phục vụ tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT.

Theo kế hoạch, dự toán kinh phí KCB BHYT của tỉnh Thái Bình là 1.785,888 tỷ đồng. Thực hiện sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 963/QĐ-UBND ngày 19/4/2018 giao dự toán chi KCB BHYT năm 2018 đến từng cơ sở KCB BHYT để cơ sở KCB chủ động về nguồn kinh phí; ban hành Kế hoạch liên ngành số 16/KHLN-SYT-BHXH ngày 03/5/2018 về thực hiện dự toán chi KCB BHYT năm 2018. Sáu tháng đầu năm 2018, Thái Bình đã chi KCB BHYT số tiền 945,7 tỷ đồng, chiếm 51% dự toán. BHXH tỉnh và Sở Y tế đã tổ chức Hội nghị liên ngành nhằm tìm giải pháp thực hiện có hiệu quả dự toán giao, nâng cao chất lượng KCB, rút ngắn thời gian điều trị nội trú, lựa chọn người bệnh vào điều trị nội trú phù hợp với tình trạng bệnh, chỉ định thuốc, dịch vụ y tế hợp lý, tiết kiệm đảm bảo khả năng chi trả của quỹ BHYT; đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi đi KCB.

Đồng thời, nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu hồ sơ giám định thủ công, cập nhật chi phí kịp thời để điều hành, ngành BHXH đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai hệ thống giám định BHYT điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả giám định, thanh toán KCB BHYT.

Trước tình hình dự báo chi KCB BHYT có nhiều diễn biến phức tạp, BHXH tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền phát triển mở rộng đối tượng tham gia BHYT để tăng nguồn quỹ KCB được sử dụng; thường xuyên báo cáo UBND tỉnh về tình hình sử dụng quỹ BHYT và đề xuất các giải pháp kiểm soát chi phí KCB, ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT; phối hợp với Sở Y tế, các cơ sở KCB điều hành và thực hiện hiệu quả dự toán chi KCB BHYT năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ giao. Đổi mới phương pháp giám định theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý chi KCB BHYT, tập trung vào một số nội dung chính như rà soát kiểm tra nội dung hợp đồng đã ký kết và giám định thực hiện hợp đồng KCB; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện công tác giám định tại cơ quan BHXH, tại cơ sở KCB theo đúng quy trình giám định; tập trung phân tích, đánh giá chi phí KCB và định hướng các vấn đề cần tập trung giám định; bố trí cán bộ giám định thường trực tại các cơ sở KCB; kiểm soát chặt chẽ danh sách đăng ký hành nghề KCB; tham gia tích cực và hiệu quả công tác đấu thầu thuốc và vật tư y tế; đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám định; thực hiện nghiêm túc các quy định về tổ chức, thực hiện BHYT trong KCB. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương  trong thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan trong giám sát, kiểm tra việc tổ chức KCB BHYT và thanh toán chi phí KCB BHYT. Phối hợp với cơ sở KCB rà soát và đẩy mạnh cải cách hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT, phục vụ tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT./.

Lê Thị Minh Huệ