Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT tuyến cơ sở

29/06/2018 03:35 PM


Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 01/7 năm nay với chủ đề truyền thông “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến cơ sở”, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 707/BHXH-VP ngày 19/6/2018, chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức đợt tuyên truyền cao điểm, trong đó triển khai, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về BHYT, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, cá nhân trong thực thi chính sách, pháp luật về BHYT, nhất là việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở đáp ứng sự hài lòng của người dân, góp phần mở rộng diện bao phủ BHYT, hướng tới BHYT toàn dân.

Nỗ lực vì mục tiêu BHYT toàn dân

Là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHXH tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, góp phần thực hiện tiến bộ và đảm bảo công bằng trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có trên 86% dân số tham gia BHYT, để đạt được kết quả đó là sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp hiệu quả của các sở, ngành, nhưng yếu tố quan quan trọng nhất là trong quá trình thực hiện nhiệm vụ BHXH tỉnh đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, HĐND tỉnh, điều đó đã được thể hiện nhất quán trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh ủy và từng bước được thể chế hoá, tập trung chỉ đạo thực hiện, huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể cùng tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, các yếu tố liên quan mật thiết tới công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT có nhiều chuyển biến tích cực, đó là sự đổi mới mạnh mẽ của ngành y tế từ tinh thần, thái độ phục vụ, đến các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; sự nỗ lực của BHXH tỉnh, từ việc tăng cường truyền thông, mở rộng mạng lưới đại lý thu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đến tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sử dụng Quỹ BHYT, các chính sách về BHYT được thực hiện đầy đủ

quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo tốt hơn, chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện.

Luật BHYT quy định bắt buộc tham gia BHYT đối với toàn dân, nhưng về cơ bản vẫn là vận động tự nguyện cho nên vẫn còn một bộ phận người dân chưa tham gia. Thực tế cho thấy đã có nhiều gia đình người bệnh chưa tham gia BHYT khi không may mắc bệnh hiểm nghèo đã hết sức khó khăn trong quá trình điều trị..., qua đó mới thấm thía giá trị của việc tham gia BHYT. Từ thực tế đó đòi hỏi cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến để mọi người dân hiểu sâu, hiểu đúng về tính nhân văn của chính sách BHYT, để từ đó có ý thức, trách nhiệm tham gia, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và góp phần chia sẻ với cộng đồng. Nhận thức rõ công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến hiệu quả tổ chức thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHXH, hướng tới Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 01/7 năm nay, BHXH tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông như:  Cung cấp thông tin, định hướng nội dung tuyên truyền cho các cơ quan báo chí về kết quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT 06 tháng đầu năm 2018, đồng thời phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện các phóng sự truyền hình đi sâu vào thực tiễn đời sống và mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, phóng sự “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT tuyến cơ sở, yếu tố quan trọng đẩy nhanh việc thực hiện BHYT toàn dân” và “BHYT toàn dân góp phần đảm bảo an sinh xã hội” đã tạo được dấu ấn đậm nét khi những giá trị nhân văn, tính ưu việt của chính sách BHYT đã được truyền tải, phổ biến đến nhân dân, người lao động. Bên cạnh đó, chuyên mục “BHXH, BHYT vì an sinh xã hội” định kỳ trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, Báo Văn Hóa & Đời sống tiếp tục đưa tin tình hình thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020” tại các đơn vị, địa phương;  tập trung tuyên truyền Điều 214, Điều 215 và Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội danh gian lận BHYT, trốn đóng BHXH, BHTN và các văn bản hướng dẫn thi hành (tập trung phổ biến các chính sách có hiệu lực từ ngày 01/01/2018)...nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động trong việc chấp hành thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN…

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến cơ sở

Là chủ đề truyền thông Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 01/7/2018. Xác định việc đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh (KCB) là yếu tố chiến lược trong mục tiêu phát triển BHYT toàn dân. Năm 2018, BHXH tỉnh đã ký hợp đồng KCB với 81 cơ sở y tế, bao gồm 47 cơ sở KCB công lập, 34 cơ sở KCB ngoài công lập, BHXH tỉnh thường xuyên phối hợp với Sở Y tế tập trung triển khai các giải pháp để thực hiện tốt chính sách pháp luật về BHYT, giao ban định kỳ với cơ sở KCB BHYT trên địa bàn để giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, thường xuyên trao đổi với lãnh đạo các cơ sở KCB để có biện pháp quản lý, quán triệt đến cán bộ, nhân viên y tế trong việc chẩn đoán, điều trị, kê đơn, cấp thuốc, tránh việc lợi dụng để khai khống bệnh nhân nhằm trục lợi quỹ KCB BHYT. Quý 1/2018 số bệnh nhân đi KCB là 887.792 lượt người (tăng 12,4 % so với cùng kỳ năm 2017), với tổng chi phí KCB BHYT là: 716.118 triệu đồng, (tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2017). Việc áp dụng Thông tư liên tịch số 37/TTLT-BHYT-BTC còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên các cơ sở KCB cơ bản đã đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân, phần lớn các cơ sở KCB đã thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thông qua công tác giám định của cơ quan BHXH, chi phí KCB dần được kiểm soát theo đúng các quy định hiện hành. Việc đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, thực hiện chế độ hồ sơ bệnh án, công tác thống kê, tổng hợp ngày càng tốt hơn,  đảm bảo thanh toán đúng quy định. Đặc biệt, các cơ sở KCB đã tích cực phối hợp trong việc thực hiện liên thông dữ liệu quản lý, giám định và thanh toán chi phí KCB trên hệ thống giám định điện tử. Năm 2017, toàn tỉnh đã thực hiện việc mã hóa, liên thông dữ liệu giữa cơ sở KCB BHYT và cơ quan Bảo hiểm Xã hội theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Việc kết nối liên thông dữ liệu trên toàn quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tin học hóa BHYT đã đem lại hiệu quả, đảm bảo khách quan, minh bạch trong thanh toán chi phí KCB BHYT, các thủ tục hành chính, thời gian chờ đợi và thanh toán BHYT được rút ngắn tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT, thực hiện mục tiêu vì sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng quỹ KCB BHYT tại các các cơ sở KCB trong những năm qua còn chưa hiệu quả, tình trạng bội chi quỹ diễn ra ở hầu hết các cơ sở KCB và ngày càng tăng cao. Công tác phối hợp giữa Sở Y tế với BHXH tỉnh trong chỉ đạo các cơ sở KCB thực hiện việc khám phân loại bệnh tật, hạn chế chỉ định rộng rãi quá mức cần thiết các loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm, X quang chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tại hội nghị Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW: Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, nâng cao y đức trong ngành y tế, bảo đảm quyền lợi và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia BHYT; từng bước đầu tư nâng cấp các cơ sở KCB, nhất là tuyến cơ sở; tạo điều kiện để phát triển hệ thống y tế ngoài công lập tham gia KCB BHYT, khắc phục dần tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến tỉnh; sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT, ngăn chặn tình trạng trục lợi, sử dụng quỹ sai mục đích. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có từ 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, từ 91% dân số trở lên tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT. Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như tăng cường công tác truyền thông; hoàn thiện công tác thu và cấp thẻ BHYT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong giám định, quản lý Quỹ BHYT; nâng cao ý thức trách nhiệm và chất lượng phục vụ; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong thu nộp BHYT và các hành vi lợi dụng, trục lợi Quỹ KCB BHYT. Cùng với các giải pháp trên, ngành Y tế và các bệnh viện cũng cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng KCB. Các trạm y tế cơ sở cần được quan tâm đầu tư hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Trong quá trình tiếp nhận bệnh nhân, cần linh hoạt xử lý tình huống và tạo điều kiện về thủ tục. Và chỉ khi cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng có sự quan tâm đúng mức, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt nhằm khắc phục các tồn tại đang đặt ra thì số người tham gia BHYT mới tăng, có như vậy mới hoàn thành được mục tiêu BHYT toàn dân theo lộ trình mà Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh giao. 

Nam Hà