BHYT: Cột sống của chương trình điều trị HIV/AIDS bền vững quốc gia

20/06/2018 10:56 AM


Bà Stephanie De Goes, Điều phối viên Chương trình PEPFAR tại Việt Nam cho rằng, BHYT chính là cột sống của chương trình điều trị HIV/AIDS bền vững của một quốc gia, đặc biệt là tại Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS mà Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc, cụ thể là 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh, 90% được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV và 90% kiểm soát số lượng virus ở mức thấp trong bối cảnh thuốc kháng virus ARV không còn được cấp phát miễn phí, thì việc sớm mở rộng độ bao phủ BHYT đối với những người nhiễm HIV đặc biệt quan trọng.

Việc sớm mở rộng độ bao phủ bảo BHYT đối với những người nhiễm HIV đặc biệt quan trọng.

Bà Stephanie De Goes cho biết, nguy cơ lớn nhất khi người nhiễm HIV không có BHYT là họ sẽ gặp khó khăn về tài chính khi điều trị ARV, dẫn đến tình trạng bỏ điều trị, làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. Khi đó, công tác điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém gấp bội. Do đó, việc Chính phủ Việt Nam hướng tới 100% người nhiễm HIV/AIDS có BHYT là việc làm rất cần thiết.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều người nhiễm HIV chưa hiểu hết được lợi ích của BHYT. Một số người cho rằng thuốc ARV vẫn đang được cấp miễn phí nên không cần tham gia BHYT, không biết rằng trong thời gian tới họ sẽ phải tự chi trả tiền thuốc điều trị. Đó là chưa kể những trường hợp không đủ sức khỏe nên không thể lao động, đang sống lay lắt qua ngày nên không có tiền mua BHYT.

Điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS là liên tục và suốt đời, trong khi chi phí trung bình cho mỗi bệnh nhân có thể gần 20 triệu đồng/năm. Do đó, để giúp cho người nhiễm HIV/AIDS được điều trị lâu dài, bền vững, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tạo điều kiện, hỗ trợ cho bệnh nhân HIV/AIDS. Các địa phương cũng đã chủ động triển khai BHYT cho người nhiễm HIV từ việc truyền thông, hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT cũng như kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để có thể ký hợp đồng và thanh toán được với Quỹ BHYT.

Đặc biệt, các tổ chức quốc tế cũng đã và đang chung tay hỗ trợ Việt Nam triển khai BHYT cho người nhiễm HIV về kỹ thuật và những nguồn tài chính quan trọng. Bà Nguyễn Thúy Vân, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, khi Chính phủ quyết định sử dụng nguồn BHYT cho chương trình điều trị HIV, các tổ chức quốc tế rất lo lắng vì khi đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm ở người bệnh điều trị ARV mới có 40%. Như vậy, vẫn còn một khoảng trống rất lớn là 60% người bệnh nhiễm HIV cần có thẻ bảo hiểm.

“Sẽ như thế nào nếu bệnh nhân không có tiền để chi trả 20%? Vấn đề bảo đảm bí mật thông tin cho người nhiễm HIV như thế nào? Làm thế nào để mua được thuốc ARV có chất lượng cao với giá tốt như khi sử dụng kinh phí từ nguồn tài trợ? Có thuốc rồi thì làm thế nào để xây dựng được hệ thống cung ứng ARV để bảo đảm người bệnh không bị thiếu thuốc, không bị gián đoạn thuốc? Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra cũng như rất nhiều thách thức đã được thảo luận. Tuy nhiên, hiện nay Viêt Nam đã có lộ trình rất rõ ràng cùng với các chính sách, hướng dẫn triển khai cụ thể. Tỷ lệ có bảo hiểm ở người bệnh điều trị HIV đã tăng lên tới 83% trong vòng vài năm qua. Các tỉnh cũng đã huy động nguồn lực để thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng để tiến tới 100% người nhiễm HIV có BHYT”, bà Nguyễn Thúy Vân nói.

Trong bối cảnh Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 71 vừa kết thúc vào tháng 5 vừa qua, Nghị quyết của Đại hội một lần nữa khẳng định tiếp tục thúc đẩy chương trình mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân để đến năm 2030, có thêm 1 tỷ người được chăm sóc sức khỏe. Có 3 yếu tố quan trọng của bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, đó là: Triển khai các can thiệp có tác động lớn bao gồm cả số lượng, chất lượng và sự sẵn có của các dich vụ và can thiệp y tế thiết yếu; tính công bằng trong cung cấp dịch vụ (không bỏ lại ai phía sau); tài chính bền vững cho các can thiệp và dịch vụ của các chương trình y tế.

Để bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, Việt Nam đang đi đúng theo 3 yếu tố quan trọng trên. Chương trình HIV quốc gia được đánh giá là đi tiên phong trong tất cả các chương trình y tế công cộng hiện nay ở Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là nước đầu tiên sử dụng nguồn BHYT cho điều trị HIV ở Khu vực Tây Thái Bình Dương với lộ trình rõ ràng và những bước đi chắc chắn.

Với mục tiêu bắt đầu thanh toán thuốc ARV cho bệnh nhân qua BHYT từ ngày 1/1/2019 thì thời gian còn rất ngắn, lộ trình đưa thuốc ARV từ nguồn BHYT thay thế cho nguồn viện trợ đã rất rõ ràng. Do vậy, theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, thời gian tới các địa phương khẩn trương, chủ động triển khai BHYT cho người nhiễm HIV. Các địa phương chưa hoàn tất việc kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS phải nhanh chóng hoàn thành, vì phải thanh toán các dịch vụ y tế khác cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT với cơ quan BHYT để làm quen dần trước khi thanh toán thuốc ARV qua BHYT.

Cơ sở điều trị HIV/AIDS nếu không thể ký được hợp đồng với BHYT cần phải chuyển bệnh nhân sang phòng khám, bệnh viện có hợp đồng với BHYT. Để tạo điều kiện, Bộ Y tế sẽ nới rộng tiêu chuẩn cơ sở điều trị HIV/AIDS để nhiều cơ sở y tế có thể tham gia vào điều trị ARV.

Với mục tiêu đề ra là đến năm 2020, 100% người nhiễm HIV phải có thẻ BHYT, 80% số thuốc ARV được Quỹ BHYT thanh toán thì việc trước mắt là cần sớm hoàn tất việc rà soát nhu cầu mua BHYT cho người nhiễm HIV tại một số tỉnh khó khăn, trên cơ sở đó, dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế còn lại để hỗ trợ trong thời gian đầu.

Hiện nay, việc bảo mật thông tin đối với người nhiễm HIV đã được quy định trong Luật phòng, chống HIV. Đối với bệnh nhân điều trị HIV/AIDS khi tham gia BHYT sẽ được bảo đảm về thông tin cá nhân, do đó người bệnh không phải ngại ngùng khi tham gia. Điều quan trọng là làm sao để người nhiễm HIV vượt qua rào cản tự ti, chủ động tham gia BHYT ngay từ hôm nay chính là giải pháp lâu dài, bền vững để đi đến chiến thắng trong cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ với đại dịch HIV/AIDS.

Tính đến cuối tháng 3/2018, tỷ lệ BHYT ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đạt hơn 83%. Trong đó, 5 địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT cao nhất nước đạt 100% là: Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn và tỉnh Cà Mau, còn lại 30 tỉnh đạt trên 90% và 5 tỉnh đạt dưới 70% gồm: Đồng Nai, Quảng Trị, Thanh Hóa, Bình Thuận và Bến Tre...

Theo Tiếng chuông