BHYT gắn liền với sức khỏe của mỗi người dân

17/05/2018 10:46 AM


Sức khỏe luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu và là tài sản quý giá, quan trọng nhất đối với mỗi con người. Tuy nhiên, khi chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao thì bệnh tật lại ngày càng trở nên rất đa dạng. Những căn bệnh trước đây hiếm gặp thì ngày nay lại trở nên phổ biến như: Ung thư, tim mạch, tiểu đường, huyết áp… khi đó chi phí y tế trong quá trình điều trị nội trú, phẫu thuật cũng như các chi phí trước và sau nằm viện trở thành nỗi lo, gánh nặng cho người thân và gia đình người bệnh không có thẻ BHYT.

Khoa hồi sức chống độc, Bệnh viện tỉnh Bình Thuận.

Hiện nay, có nhiều gia đình bệnh nhân đang trong cảnh cùng quẫn vì nợ nần chồng chất do phải lo xoay sở cho những lần điều trị dài ngày đối với những căn bệnh nan y, hiểm nghèo. Nhiều gia đình phải đi vay tiền nặng lãi thậm chí bán nhà, bán đất để lấy tiền chữa bệnh cho người thân của mình. Khi gia đình có người thân lâm bệnh nặng, họ mới thật sự thấy được giá trị của tấm thẻ BHYT với người bệnh và gia đình bệnh nhân.

Gia đình ông Nguyễn Văn H, 64 tuổi ở xã Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam thuộc diện khó khăn. Công việc hàng ngày của ông là đi làm thuê. Năm 2014, sức khỏe ông bắt đầu yếu dần, ông đã phải nhập viện cấp cứu nhiều lần tại Bệnh viện đa khoa tỉnh với các chứng bệnh như tràn dịch màng phổi, hen phế quản, cao huyết áp... Qua nhiều lần nhập viện, số tiền chi trả viện phí vào khoảng gần 20 triệu đồng. Do không có thẻ BHYT, gánh nặng chi phí viện phí để chi trả cho những đợt điều trị đã khiến gia đình ông thêm nhiều khó khăn. Khi hỏi tại sao ông không tham gia BHYT thì ông cho biết đơn giản là do gia đình không có tiền, hơn nữa là do chủ quan với sức khỏe, không nghĩ có lúc mình sẽ mắc nhiều bệnh nặng. Trên thực tế, việc có suy nghĩ không tham gia BHYT do chủ quan với tình trạng sức khỏe của bản thân như ông H là khá phổ biến.

Chị Phan Thị M, xã Phong Nẫm, Tp.Phan Thiết có chồng đang được điều trị bệnh tại Khoa nội, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: “Chồng tôi thường xuyên bị bệnh nhập viện cấp cứu, trong tình trạng mệt, khó thở và được các bác sĩ chẩn đoán bị hen phế quản. Rất may là chồng tôi có thẻ BHYT. Chỉ riêng trong năm nay, chồng tôi đã nhập viện 3 lần, mỗi lần chi phí cho một đợt điều trị gần 10.000.000 đồng. Cũng may là chồng tôi có thẻ BHYT nên chúng tôi chỉ phải trả khoảng 2.000.000 đồng mà thôi”.

Có thể thấy rõ, người dân thường chủ quan cho rằng khỏe mạnh, không đau ốm không cần tham gia BHYT, và không thấy giá trị của tấm thẻ BHYT. Nhưng nếu không may mắc phải những bệnh nan y và hiểm nghèo như: Ung thư, suy thận - phải chạy thận nhân tạo, bệnh tim mạch,… mà không có thẻ BHYT, thì việc việc tự bỏ hàng chục triệu đồng ra để lo chi phí cho mỗi lần xạ trị, chạy thận, phẫu thuật, điều trị… cũng có thể đưa đến tình trạng suy kiệt kinh tế cho những gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh sống trung bình.

Từ thực tế trên cho thấy, việc tham gia BHYT là rất quan trọng đối với mọi người, đặc biệt là những người không may mắn bị rủi ro trong cuộc sống và bệnh tật. Thẻ BHYT như là tấm phao cứu sinh đã góp phần cứu sống rất nhiều người bệnh, đặc biệt nhiều trường hợp người bệnh không tham gia BHYT, phải chi trả chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu, gây khó khăn lớn cho việc cân đối cuộc sống của các gia đình.

Khi người dân tham gia BHYT, nếu không may bị bệnh, người có thẻ BHYT khi đi KCB BHYT đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả tối thiểu từ 80% chi phí KCB BHYT. Đặc biệt trong đó, khi người dân tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB BHYT trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến) thì khi KCB BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí. Như vậy, tham gia BHYT, người có thẻ BHYT sẽ luôn được quỹ BHYT đồng hành trong quá trình KCB BHYT, góp phần chia sẻ và giúp cho người bệnh có điều kiện KCB cũng như khắc phục được khó khăn về chi phí điều trị, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình khi không may bị mắc bệnh./.

Bs.Đặng Minh Thông