Điều chỉnh lại giá DVYT phải bảo đảm cân đối giữa mức đóng BHYT với quyền lợi, phạm vi được hưởng BHYT

10/04/2018 09:14 AM


Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cuộc làm việc với Bộ Y tế và một số bộ, ngành liên quan chiều 9/4, tại Hà Nội về một số vấn đề vướng mắc trong lĩnh vực y tế.

Cấp thẻ tại giường bệnh cho người bệnh

Tại buổi  làm việc, Phó Thủ tướng đã nghe các đơn vị báo cáo và cho ý kiến về các vấn đề: Sửa đổi Nghị định 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật BHYT; điều chỉnh giá dịch vụ KCB BHYT tại Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC; đấu thầu, đàm phán giá thuốc và đấu thầu vật tư, thiết bị y tế.

Phó Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc mở rộng danh mục DVYT thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT phải phù hợp với nguồn lực của thực tế, nhất là khi mệnh giá BHYT chưa thể tăng trong giai đoạn hiện nay. Điều này khẳng định chủ trương của Chính phủ trong xây dựng chính sách BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả người bệnh, cơ sở KCB và ngân sách chi trả,

Phó Thủ tướng cũng thống nhất một số nội dung chưa tìm được tiếng nói chung trong sửa đổi Nghị định 105. Theo đó, đồng ý với đề xuất hợp đồng KCB BHYT giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB có thời hạn 5 năm. Cơ quan BHXH có thể dừng thanh toán, xuất toán với cơ sở vi phạm quy định KCB BHYT, nếu điều kiện này được giao kết trong hợp đồng. Thống nhất cách xác định thời gian người tham gia đủ 5 năm liên tục là 60 tháng; trường hợp người bệnh hết thời hạn sử dụng thẻ BHYT khi đang trong đợt điều trị nội trú, thống nhất với đề nghị của BHXH Việt Nam là quyền lợi của người bệnh tính từ thời điểm thẻ có giá trị sử dụng. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Y tế hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, trình Chính phủ vào giữa tháng 4/2018.

Tuy nhiên, cần bổ sung quy định cơ quan BHXH có trách nhiệm cấp thẻ BHYT tại giường bệnh cho người bệnh. Những trường hợp bệnh mạn tính thuộc phạm vi chỉ định của BV tuyến huyện đưa về cấp phát thuốc tại cơ sở, thì người bệnh sẽ phải có trách nhiệm đồng chi trả. Đồng thời, chỉ quy định giám định viên phải có trình độ bác sĩ trở lên thuộc các khâu đánh giá quá trình điều trị, thuốc, VTYT...

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Cắt giảm dịch vụ không cần thiết

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cùng với Bộ Tài chính xem xét lại giá DVYT ban hành tại Thông tư 37. Trước đây, giá DVYT quá thấp, nhiều năm không điều chỉnh, nhưng khi điều chỉnh tại Thông tư 37 thì lại quá đà, đặc biệt lưu ý nhóm DVYT kỹ thuật cao, nhất là giá dịch vụ sử dụng thiết bị y tế xã hội hóa không để cao hơn giá trị thực.

Theo Bộ Y tế, việc ban hành Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC về giá dịch vụ y tế là bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, đủ giá dịch vụ y tế tại Nghị định số 16 của Chính phủ, góp phần tăng tỉ lệ tham gia BHYT, tăng số đơn vị bảo đảm chi thường xuyên, giảm ngân sách cấp cho các bệnh viện.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế (bước 2 - tính lương vào giá) thời gian qua là hợp lý, bảo đảm kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế và góp phần đổi mới cơ chế hoạt động các cơ sở khám chữa bệnh. Do đó, việc điều chỉnh lại giá dịch vụ y tế phải bảo đảm tương xứng, cân đối giữa mức đóng BHYT và phạm vi, quyền lợi được hưởng do Quỹ BHYT chi trả, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng khi mà từ nay tới năm 2020 Chính phủ chưa có chủ trương tăng mệnh giá BHYT.

Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, cơ quan: Y tế, Tài chính, BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát, cắt giảm những chi phí không cần thiết trên cơ sở tính toán khoa học giữa mức đóng BHYT với quyền lợi, phạm vi được hưởng BHYT và tỉ lệ đồng chi trả khi đi khám chữa bệnh BHYT.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, những bất hợp lý về giá DVYT tại Thông tư 37 đã dẫn tới chi phí KCB BHYT tăng cao. Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam đã có nhiều cuộc họp bàn về việc sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh lại giá trong Thông tư 37. Theo đó, quá trình sửa đổi Thông tư được đề xuất tiến hành theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 sẽ hoàn tất trong tháng 5/2018, hướng dẫn thanh toán chi phí KCB của một số dịch vụ (khám bệnh, ngày giường bệnh, X-Quang, CT, MRI, siêu âm thường, nội soi tai mũi họng) đối với các đơn vị có số lượng dịch vụ vượt định mức hoặc công suất tính giá (thời điểm thực hiện kể từ 1/1/2017). Khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá chưa phù hợp để điều chỉnh, trước mắt là giá khám bệnh, ngày giường và khoảng 40 dịch vụ như: X-Quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi tai mũi họng, y học cổ truyền, xét nghiệm.

Giai đoạn 2, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ hiện có, xây dựng định mức và giá của 2.000-3.000 dịch vụ.

Đồng ý với đề xuất này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải hoàn tất giai đoạn 1 của việc sửa đổi Thông tư 37 trước ngày 15/5/2018.

Quang cảnh buổi làm việc.

Thí điểm đấu thầu tập trung VTYT

Vấn đề được đặc biệt quan tâm trong buổi làm việc là đấu thầu, đàm phán giá thuốc và đấu thầu vật tư, thiết bị y tế. Về nội dung này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giá thuốc hợp lý không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề nhân đạo. Do đó, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan phải rõ ràng cơ chế đấu thầu thuốc, tiếp tục mở rộng sang đấu thầu tập trung đối với VTYT.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế cần phải khẩn trương xem xét, quyết định 30 thuốc có số lượng sử dụng lớn để đấu thầu tập trung trong năm 2018. Dự kiến mở rộng danh mục các thuốc có giá trị, được sử dụng nhiều, các loại thuốc cho ung bướu, tim mạch (19 hoạt chất ung thư, 7 hoạt chất cho tim mạch).

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề xuất 6 nhóm thiết bị y tế cần được tổ chức đấu thầu tập trung trong thời gian tới. Cụ thể như: Các nhóm thủy tinh thể nhân tạo, stent, khớp và ổ khớp nhân tạo, kim luồn tĩnh mạch các loại, nẹp vít và ốc vít. Theo ông Sơn, cần tổ chức đấu thầu tập trung, bởi thực tế đang có chênh lệch giá đối với các nhóm này- trong khi đây là loại VTYT được sử dụng rất nhiều. Ví như stent, năm 2017 sử dụng gần 30 nghìn cái, trị giá trên 1 nghìn tỉ đồng, trong khi giá cả mỗi nơi mỗi khác (tại Thanh Hóa là 58 triệu đồng, Đồng Nai 38 triệu, còn Bắc Giang chỉ có 29 triệu/stent cùng loại xuất xứ từ Đức). Hay với khớp và ổ khớp nhân tạo, ở Phú Thọ là 58 triệu đồng, còn Thanh Hóa chỉ có 38 triệu đồng/ổ khớp nhân tạo…

Sau khi nghe các bên thảo luận, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và BHXH Việt Nam không chỉ mở rộng đấu thầu tập trung thuốc, mà còn đấu thầu tập trung thiết bị, VTYT, đảm bảo nguồn quỹ BHYT được sử dụng hiệu quả cũng như giảm chi tiền túi của người dân. Trước mắt, trong năm 2018, Bộ Y tế sẽ thực hiện đấu thầu tập trung VTYT cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ...

TA