Huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn: 100% người nghèo và người dân tộc thiểu số được KCB BHYT

29/03/2018 09:39 AM


Đối với đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn nói chung và người dân ở các xã vùng cao huyện Pác Nặm nói riêng khi ốm đau, việc khám và điều trị bệnh dài ngày với chi phí KCB nhiều trường hợp lên tới hàng chục triệu đồng là điều quá khả năng chi trả của đồng bào. Hiện nay, ngân sách Nhà nước đang hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, khi ốm đau cần KCB, đồng bào đã được quỹ BHYT đảm bảo chi trả chi phí KCB, giảm bớt gánh nặng về tài chính cho người dân.

Chia sẻ về thói quen KCB của đồng bào dân tộc thiểu số thôn Khuổi Lè, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, Trưởng thôn Ma Văn Thức cho biết: “Trước đây, khi ốm đau, đồng bào thường mời thầy cúng về để cúng xua đuổi, trừ ma hoặc tìm đến thầy lang bốc thuốc, hái lá về uống, chỉ khi bệnh nặng mới đi bệnh viện, nhưng lúc ấy bệnh đã chuyển nặng, không chữa được. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT, được nghe tuyên truyền về chính sách KCB BHYT miễn phí, mọi người đã biết tìm đến trạm y tế xã hoặc bệnh nặng xin chuyển bệnh viện tuyến trên để được khám và điều trị kịp thời”.

Đến thăm Trạm Y tế xã Giáo Hiệu, gặp anh Mã Văn Dụng, thôn Khuổi Lè đang khám bệnh tại đây, anh Dụng chia sẻ: “Tôi sức khoẻ yếu, thường xuyên ốm đau bệnh tật. Trước đây không có thẻ BHYT nên tôi không dám đi khám bệnh vì sợ tốn tiền. Từ khi Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đồng bào dân tộc, tôi và bà con trong bản được đi khám bệnh và điều trị miễn phí. Mỗi đợt KCB của tôi chi phí từ 3 đến 4 triệu đồng, nhưng từ ngày có thẻ BHYT, được hỗ trợ 100% chi phí KCB nên gia đình tôi không phải trả thêm một đồng nào tiền thuốc và viện phí. Vậy là nhờ thẻ BHYT tôi được chữa khỏi bệnh mà không mất tiền.

Theo báo cáo của BHXH huyện Pác Nặm, năm 2018, toàn huyện có 32.784 người có thẻ BHYT, trong đó, riêng đối tượng là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn là 26.481 người, chiếm 80,77%  trên tổng số người có thẻ BHYT của toàn huyện (chưa tính đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi). Theo số liệu tổng hợp đến hết tháng 02/2018, đã có trên 6 nghìn lượt bà con người dân tộc đi KCB BHYT với chí phí lũy kế từ đầu năm khoảng trên 1,8 tỷ đồng. Nhiều trường hợp người nghèo, người dân tộc thiểu số bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh phải sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, hoặc chi phí lớn đều được quỹ BHYT thanh toán theo quy định.

Về công tác phối hợp cấp thẻ BHYT trên địa bàn, Giám đốc BHXH huyện Trần Anh Hiếu cho biết: Hiện vẫn còn nhiều bất cập trong việc cấp thẻ BHYT do trình độ dân trí của người dân chưa đồng đều, ảnh hưởng tới việc tổng hợp lập danh sách đối tượng là người dân tộc thiểu số ở vùng cao còn gặp không ít khó khăn. Đơn cử như: Thói quen sử dụng nhiều tên, nhiều năm sinh; phát âm họ tên, viết chữ tiếng phổ thông hạn chế nên làm sai lệch giữa thông tin được in trong thẻ và các giấy tờ tuỳ thân...

Tuy nhiên, ông Trần Anh Hiếu cũng cho biết, trong thời gian gần đây, công tác phối hợp giữa ngành BHXH với các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn huyện được đảm bảo thường xuyên, liên tục nên công tác phối hợp cấp thẻ BHYT đang dần khắc phục được những bất cập nêu trên, tiến tới đảm bảo việc cấp thẻ BHYT cho đồng bào được thuận lợi, và kịp thời đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho đồng bào.

Thông tin sơ bộ về hệ thống các cơ sở y tế trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm Đào Duy Hưng cho biết: Hiện, toàn huyện có 10 xã, thị trấn đều được quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống trạm y tế đảm bảo thuận tiện cho nhân dân các địa phương đi khám và điều trị bệnh ban đầu. Song song đó, UBND huyện cũng thường xuyên chỉ đạo các ngành liên quan trong việc đảm bảo 100% người nghèo và người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn được khám chữa bệnh bằng BHYT./.

Bùi Toàn