Giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH, BHYT ngày 13/6/2017 [Kết thúc]
13/06/2017 08:30 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Để tiếp tục phát huy mạnh mẽ việc tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT thông qua Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam, tiếp nối thành công của các chương trình giao lưu trong thời gian qua; đồng thời, nhằm cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc của các đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân trên cả nước một cách đầy đủ và kịp thời về chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam tổ chức Giao lưu trực tuyến với bạn đọc trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam (tại địa chỉ: www.baohiemxahoi.gov.vn).
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh tặng hoa cảm ơn các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến
Khách mời tham gia Chương trình giao lưu gồm: Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh; đại diện lãnh đạo và các chuyên gia đến từ các đơn vị: Ban Thực hiện chính sách BHXH, Ban Thực hiện chính sách BHYT; Ban Thu; Ban Sổ - Thẻ...
Chương trình Giao lưu trực tuyến đã kết thúc.
Dưới đây là nội dung Chương trình giao lưu. Nội dung được sắp xếp theo thứ tự mới ở trên để quý bạn đọc tiện theo dõi. (Vui lòng nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất):
Câu 104: Bạn đọc từ mail trithucth4a@yahoo.com hỏi:
Tôi tên: Lê Minh Tâm. Tôi có người thân hiện tại đã trên 80 tuổi là Người có công cách mạng thuộc diện được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo mức 2 (hưởng 100% chi phí điều trị). Tuy nhiên, người thân của tôi cũng được hưởng chế độ trợ cấp tuất hàng tháng nên không được cấp thẻ bảo hiểm y tế Người có công cách mạng hoặc người cao tuổi mà lại được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo đối tượng người cao tuổi hưởng tuất hàng tháng và mức hưởng bảo hiểm y tế là mức 4 (80% chi phí điều trị), nghe nói là do có Văn bản của Bộ y tế quy định như vậy.
Xin quý cơ quan cho tôi hỏi:
- Có văn bản của Bộ y tế quy định như vậy không? Và có, thì văn bản đó có trái với quy định tại khoản 2 điều 13 của Luật BHYT sửa đổi bổ sung số 46/2014/QH13 hay không? Tại sao? - Nếu không được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế 100% thì người thân của tôi yêu cầu bỏ không hưởng chế độ tuất hàng tháng nữa để được tham gia bảo hiểm y tế theo đối tượng Người có công cách mạng có được không? Và hồ sơ thế nào?
Xin trân trọng kính chào!
BHXH Việt Nam trả lời:
Căn cứ nội dung công văn số 6425/BYT-BH ngày 28/8/2015 của Bộ Y tế về việc giải quyết vướng mắc trong cấp thẻ BHYT, thì chỉ người cao tuổi từ chỉ 80 tuổi trở lên thuộc các đối tượng: người có công với cách mạng, cựu chiến binh, người thuộc diện hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng; người thuộc hệ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn; người đag sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã, đảo, huyện đảo, thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ mới được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh. Trường hợp người thân của bạn đã trên 80 tuổi và là người có công với cách mạng thì được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Câu 103: Bạn đọc từ mail goldthread1967@gmail.com hỏi:
Tôi có thời gian làm việc tại DNNN từ 7/1988, đến 11/1993 tôi được chuyển công tác đến DN nước ngoài (một đối tác của DN). Đến T12/1994 tôi xin nghỉ việc. Từ 10/1997 đến nay đóng BHXH bắt buộc. Thời gian làm việc tại khu vực nhà nước của tôi trước 1995 chưa được thể hiện trên sổ BHXH đồng thời tôi chưa nhận bất cứ trợ cấp gì. Tôi có làm hồ sơ xin cộng nối thời gian làm việc tại khu vực NN trước 1995 vào sổ BHXH. Tuy nhiên BHXH trả lời tôi không làm việc liên tục đến 1/1/1995 mà chỉ đến 11/1993 nên không được. Tôi được biết theo khoản 6, Điều 123 Luật BHXH ngày 20/11/2014 quy định người LĐ làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995 mà chưa nhận trợ cấp thôi việc hay trợ cấp một lần BHXH thì thời gian làm việc trước 1/1/1995 đó được tính là thời gian đã đóng BHXH. Vậy tôi xin phép được hỏi tại sao không được và nếu gián đoạn thì giải quyết như thế nào?
BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 23, Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc: Người lao động có thời gian công tác gián đoạn hoặc đã nghỉ việc trước ngày 01/01/1995 thì việc xác định thời gian công tác để tính hưởng BHXH được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời giian công tác trước ngày 01/01/1995 để hưởng BHXH.
Trường hợp của bạn thuộc đối tượng quy định tại Khoản c, Điều 12, Thông tư 13/NV ngày 4/9/1972 của Bộ Nội vụ. Vì vậy, thời gian công tác thừ tháng 7/1988 đến 11/1993của bạn không được tính là thời gian tham gia BHXH để tính hưởng BHXH.
Câu 102: Bạn đọc từ mail vankhien90@gmail.com hỏi:
Xin cho tôi được hỏi nội dung như sau: Tôi nghỉ việc tại đơn vị cũ là tháng 2/2017. trong thời gian đó đơn vị cũ chưa thể rút bảo hiểm xã hội của tôi vì còn nợ tiền bảo hiểm xã hội chưa đóng trả. Đến tháng 6/2017, tức là sau 4 tháng nghỉ việc thì tôi mới nhận được sổ bảo hiểm để đóng đơn vị mới. Vậy cho tôi hỏi: - Trong thời gian từ tháng 2/2017 đến tháng 6/2017: tôi có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không? - Trong thời gian từ tháng 2/2017 - 6/2017: tôi đóng bảo hiểm tự nguyện có được không?
Xin cảm ơn!
Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BH thất nghiệp, trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Do đó, trường hợp Ông/Bà nghỉ việc từ tháng 2/2017, đến tháng 6/2017 đã quá thời hạn quy định do đó không có căn cứ để Ông/Bà hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, người lao động đóng BHXH tự nguyện theo các phương thức hàng tháng, 03 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần; Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Do đó, không có quy định để tháng 6/2017 Ông/Bà đóng BHXH tự nguyện cho thời gian từ tháng 2/2017 đến tháng 6/2017.
Câu 100: Bạn đọc từ mail ngduyen4791@gmail.com hỏi:
Điểm c khỏan 3 Điều 22 Luật BHYT (đã sửa đổi) có quy định người bệnh tự ý đi khám chữa bệnh không đúng tuyến (tức trái tuyến) sẽ được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh tại bệnh viên tuyến huyện trên tòan quốc. (tức khám bệnh viện tuyến huyện nào cũng là đúng tuyến)
Tôi có BHYT ở bệnh viện tuyến trung ương, nhưng khi lien hệ để với bệnh viện Hoàn mỹ hay bệnh viên đa khoa Phước an (TPHCM ) là bệnh viện tuyến huyện thì bị từ chối bảo hiểm y tế với lý do chỉ bệnh viện hạng III mới thông tuyến. Không biết vấn đề ở đây là gì?
Mong giải thích rõ luôn giùm tôi luôn hiểu như thế nào là đúng về "thông tuyến huyện " hiện nay.
Theo quy định của Luật BHYT thì từ ngày 01/01/2016 người tham gia BHYT được đi KCB tại tất cả các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc. Trường hợp Ông đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến trung ương thì chỉ được khám, chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện mà mình đăng ký trong thẻ BHYT hoặc bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc.
Bệnh viện Hoàn Mỹ là bệnh viện hạng II, tuyến tỉnh nên không được thông tuyến huyện.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh không có Bệnh viện đa khoa Phước An, chỉ có hệ thống Phòng khám đa khoa Phước An. Vì vậy, Phòng khám đa khoa Phước An không được thông tuyến huyện trên toàn quốc, chỉ được thông tuyến trong trường hợp quy định tại Điểm 4, Điều 22 Luật BHYT.
Câu 99: Bạn đọc từ mail trungdv.bk@gmail.com hỏi:
Tôi xin hỏi quý cơ quan về thời điểm đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Tôi tên Nguyễn Thị Duyên, sổ BHXH chỉ có năm sinh 1962, tôi đã tham gia BHXH bắt buộc được 14 năm và đã nghỉ thôi việc từ 01/6/2017. Xin được hỏi thời điểm nào tôi được đóng tiền BHXH tự nguyện một lần 6 năm cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Trân trọng cảm ơn!
Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 18 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 thời điểm đủ điều kiện tuổi đời hưởng lương hưu đối với trường hợp không xác định được ngày tháng sinh (chỉ có năm sinh) là ngày 01/01/năm liền kề sau năm người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu.
Trường hợp của bà không xác định được ngày tháng sinh nên thời điểm đủ điều kiện tuổi đời là 01/01/2018; do vậy thời điểm bà được đóng tiền BHXH tự nguyện một lần cho 6 năm còn thiếu là tháng 01/2018 theo quy định tại Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/2/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện. .
Câu 98: Bạn đọc từ mail binhnx2000@yahoo.com hỏi:
Đến khi nghỉ việc vào tháng 5.2016, vợ tôi đóng BHXH được 9 tháng. Dự kiến tháng 4.2017, vợ tôi sẽ sinh con. Vợ tôi có được hưởng chế độ thai sản không?
Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định, điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con là: Lao động nữ phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con, hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Nếu vợ Bạn sinh con đúng theo dự tính vào tháng 4/2017 thì khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con của vợ Bạn là: Tháng 4/2016 đến tháng 3/2017.
Do tính đến tháng 5/2016, vợ bạn đóng BHXH được 9 tháng, nếu tháng 5/2016 vợ Bạn có đóng BHXH thì trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con, vợ Bạn chỉ có 2 tháng đóng BHXH (tháng 4 và tháng 5/2016). Do đó, vợ Bạn không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Câu 97: Bạn đọc từ mail binh9695kt@gmail.com hỏi:
Tôi đang làm việc cho 1 công ty và công ty sẽ đóng BH cho tôi trong tháng 6/2017 này, nhưng hiện tại tôi đã có thẻ BHYT hộ nghèo ở địa phương nên không làm hồ sơ đóng BH ở công ty được nên Công ty đã yêu cầu tôi về tại địa phương để thông báo dừng tham gia BH hộ nghèo. Cho tôi hỏi vì BHYT hộ nghèo của tôi ở địa phương được nhà nước hỗ trợ vậy dừng tham gia ở nhà để đóng ở công ty thì tôi sẽ bị thiệt thòi, nếu không dừng tham gia ở nhà thì tại doanh nghiệp tôi có phải đóng tiếp BHYT không hay là phải xử lý như thế nào?
Nếu dừng tham gia BHYT ở nhà thì thẻ BHYT đó có phải trả cho địa phương ko và số định danh của thẻ BHYT của tôi có thay đổi không để kê khai tại công ty không? Tôi xin cảm ơn!
Căn cứ Điểm 2, Khoản 7, Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT theo quy định: “Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này”.
Trường hợp của bạn, hiện đang tham gia BHYT theo đối tượng người lao động đống thời cũng thuộc hộ gia đình nghèo. Vì vậy, theo thứ tự quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT, bạn phải tham gia BHYT theo nhóm đối tượng là người lao động, nhưng được hưởng quyền lợi theo đối tượng hộ gia đình nghèo.
Câu 96: Bạn đọc từ mail luudungbhxh@gmail.com hỏi:
Cho tôi hỏi, tôi có thời gian công tác trong quân đội với quân hàm là Đại úy sau đó tôi xuất ngũ chuyển qua làm việc tại doanh nghiệp và nộp BHXH bằng tiền. Xin hỏi khi tôi nghỉ hưu thì thời gian quân đội được tính mức lương như thế nào vì khi tôi xuất ngũ quân hàm là thiếu úy.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, nếu Ông xuất ngũ trước ngày 15/12/1993 và chưa hưởng các khoản trợ cấp quy định tại Khoản 2 Điều 23 nêu trên thì thời gian phục vụ trong quân đội của ông sẽ được tính để hưởng chế độ hưu trí. Khi tính lương bình quân để làm căn cứ tính lương hưu thì sẽ tính bình quân theo 02 giai đoạn. Thời gian phục vụ trong quân đội được tính là tiền lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và căn cứ vào các mức lương quân hàm theo các giai đoạn trong 05 năm cuối trước khi xuất ngũ để tính.
Câu 95: Bạn đọc từ mail thientam368@gmail.com hỏi:
Tôi 53 tuổi, có 32 năm đóng BHXH, mức lương 4,98 vượt khung 11%, công tác tại Hội chữ thập đỏ Vĩnh Châu - Sóc Trăng. Tôi muốn nghỉ hưu vào cuối năm 2017, sẽ được những chế độ gì? Quyền lợi gì? Xin cám ơn.
Trường hợp của Ông, nếu Ông đã đủ 53 tuổi và nghỉ hưu trong năm 2017, có 32 năm đóng BHXH, có Biên bản giám định y khoa kết luận mất khả năng lao động từ 61% trở lên, trước tháng nghỉ hưu, thì Ông sẽ đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Ngoài mức tiền lương hưu hàng tháng, Ông còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu và được cấp thẻ BHYT.
Câu 94: Bạn đọc từ mail ttctudh10ta@gmail.com hỏi:
Tôi xin cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam giải đáp giúp thắc mắc như sau: Tôi tham gia bảo hiểm xã hội tại cơ quan A đến tháng 5.2016 được 2 năm 7 tháng. Sau đó tôi thử việc tại công ty B tháng 6.2016 và đóng BHXH ở đây từ tháng 7.2016 đến tháng 2.2017 thai yếu tôi phải nghỉ việc hẳn. Dự sinh vào 2.9.2017. Như vậy tôi có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản không? Xin cơ quan BHXH VN giải đáp giúp. Trân thành cảm ơn!
Trường hợp của Bạn đóng BHXH tại công ty B từ tháng 7/2016-2/2017 là 8 tháng, Bạn dự sinh con vào 02/9/2017. Như vậy, tính đến thời điểm dự sinh con Bạn đã đóng BHXH được 06 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con nên Bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Câu 93: Bạn đọc từ mail dungtranptsc@gmail.com hỏi:
Gia đình người bạn tôi có người con 22 tuổi nhưng do chấn động tâm lý nên hiện nay đang bị bệnh Tâm thần. Gia đình muốn đóng BHXH tự nguyện cho con để sau này hưởng chế độ BHXH có được không? Tờ khai đăng ký đóng do ai ký, sau này hưởng chế độ thì người giám hộ có được nhận chế độ thay không? Xin BTC trả lời. Chân thành cảm ơn!
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/2/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật về BHXH; không quy định người tâm thần không được tham gia BHXH tự nguyện.
Câu 92: Bạn đọc từ mail thiennhi01052000@gmail.com hỏi:
Tôi ở xã này mua bảo hiểm y tế hộ gia đình ở xã khác có được không?
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 36 Luật BHYT, bạn có thể tham gia BHYT hộ gia đình tại đại lý thu BHYT trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, để thuận lợi bạn nên tham gia BHYT tại đại lý thu BHYT nơi bạn sinh sống.
Câu 91: Bạn đọc từ mail phamnhe94@gmail.com hỏi:
Xin cho hỏi làm thế nào để biết được doanh nghiệp đã đóng bảo hiểm cho người lao động chưa?
Căn cứ quy định tại Khoản 7 Điều 18, Khoản 7 Điều 21 Luật BHXH năm 2014, định kỳ 06 tháng người lao động được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng BHXH, định kỳ hằng năm được cơ quan BHXH xác nhận về việc đóng BHXH, được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan BHXH cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng BHXH; Đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng BHXH của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.
Câu 90: Bạn đọc từ mail minhthu8987@gmail.com hỏi:
Tôi tham gia công tác tại UBND cấp xã thuộc tỉnh Hưng Yên. Trước tháng 11/2003, tôi là ủy viên UBND phụ trách văn phòng. Từ tháng 11/2003 đến tháng 9/2004 tôi chỉ là ủy viên UBND không có chức danh chuyên môn. Từ tháng 10/2004 tôi là công chức văn hóa - xã hội. Tôi muốn hỏi trong thời gian từ tháng 11/2003 đến tháng 9/2004 tôi có thuộc đối tượng tham gia được tham gia BHXH không và được quy định theo văn bản nào? Rất mong được giải đáp sớm. Tôi chân thành cảm ơn!
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức ở xã, phường, thị trấn, trường hợp Ông/bà giữ chức danh ủy viên Ủy ban nhân dân không có chức danh chuyên môn, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc từ tháng 11/2003 đến tháng 9/2004.
Câu 89: Bạn đọc từ mail nguyen_cong111@yahoo.com hỏi:
Tôi năm nay 34 tuổi (nữ) tham gia bảo hiểm được 11 năm, nay tôi nghỉ cơ quan cũ nên muốn rút tiền BH ở cơ quan cũ và sau đóng lại ở cơ quan mới được không? Như vậy tôi có bị mất quyền lợi gì không?
Theo quy định của pháp luật về BHXH, trường hợp bà có 11 năm đóng BHXH tại cơ quan cũ, sau đó chuyển sang cơ quan mới thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì thời gian đã đóng BHXH tại cơ quan cũ (11 năm) được cộng nối với thời gian tham gia BHXH tại cơ quan mới để hưởng các chế độ BHXH sau này.
Trường hợp bà nghỉ việc tại cơ quan cũ sau 01 năm không làm việc hoặc không thuộc đối tượng tham gia BHXH hoặc không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thì bà có thể hưởng BHXH một lần theo quy đinh tại Nghị quyết số: 93/2015/QH13 ngày 22 tháng 06 năm 2015 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về việc thực hiện hưởng chính sách BHXH một lần đối với người lao động.
Câu 88: Bạn đọc từ mail tranquanghoi7@gmail.com hỏi:
Vợ tôi là Lương Thị Kết (số sổ BHXH là: 0411000639) trước kia có làm kế toán tại công ty cổ phần thủy điện Đông Bắc – TP.Cao Bằng, Cao Bằng. Do các cổ đông bất đồng quan điểm đã thay đổi đi thay đổi lại người lãnh đạo, do đó vợ tôi không được làm ở đó nữa và công ty cũng không làm thủ tục cấp tờ rời cho vợ tôi. Vợ tôi đã làm đơn đề nghị BHXH tỉnh Cao Bằng can thiệp để đóng tiếp BHXH tại công ty TNHH xây dựng và TM Vĩnh Dung - Trùng Khánh, Cao Bằng. Nhưng hiện nay do HĐLĐ với công ty TNHH XD TM Vĩnh Dung đã hết vợ tôi đã chấm dứt HĐLĐ và đang làm thủ tục hưởng chế độ thất nghiệp, nhưng do tờ rời BHXH với Công ty cổ phần thủy điện Đông Bắc chưa được cấp nên vợ tôi chưa làm thủ tục thất nghiệp được. Kính mong quý cơ quan xem xét và có hướng dẫn cụ thể để người lao động như vợ tôi được hưởng chế độ theo đúng quy định.
Xin chân thành cám ơn!
Ghi chú: Vợ tôi hiện đăng ký hưởng chế độ thất nghiệp tại tỉnh Thái Bình.
Theo quy định tại Điều 34, Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của BHXH Việt Nam ban hành quy định về quản lý thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT quy định: Đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH xác nhận, chốt sổ BHXH cho người lao động khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật và trả sổ BHXH cho người lao động.
Đề nghị bạn liên hệ và yêu cầu Công ty Cổ phần Thủy điện Đông Bắc, Cao Bằng để chốt sổ và ghi quá trình đóng BHXH, BH thất nghiệp cho bạn và nộp cho cơ quan BHXH để ghi quá trình đóng BHXH, BH thất nghiệp tại công tyTNHH xây dựng thương mại Vĩnh Dung và chốt tổng thời gian tham gia tại 02 đơn vị trên để bạn làm căn cứ giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Câu 87: Bạn đọc từ mail nhuthuyvikotex@gmail.com hỏi:
Em đang có bầu 1,5 tháng, dự sinh cuối tháng 1/2018 nhưng em chuẩn bị công ty bắt thôi việc. Cho em hỏi, nếu em nghỉ việc như vậy thì em có lấy được tiền thai sản không. Em đóng bảo hiểm từ tháng 12/2016 đến tháng 6/2017 cuối tháng 1/2018 em sanh.
Em chân thành cảm ơn!
Khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con của Bạn được tính là khoảng thời gian từ tháng 01-12/2017. Trong khoảng thời gian này, Bạn có 6 tháng đóng BHXH từ tháng 01-06/2017. Do vậy, nếu Bạn sinh con vào đúng tháng 01/2018, thì Bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Câu 86: Bạn đọc từ mail nmtien136@gmail.com hỏi:
Nhà tôi có 5 người. Tôi và em gái tôi tham gia BHYT ở công ty. Mẹ và em trai tôi tham gia BHYT hộ gia đình từ tháng 01/2017 hạn sử dụng 12 tháng. Hiện tại ba tôi chưa tham gia BHYT, vì lúc tôi mua BHYT cho ba, mẹ và em trai tôi nhưng chứng minh ba tôi mất nên đại lý thu không bán BHYT cho ba tôi. Hiện giờ tôi muốn mua BHYT cho ba tôi. Vậy tôi nên mua thời hạn sử dụng bao nhiêu tháng? Ba tôi có được giảm trừ mức đóng ko?
Chân thành cám ơn quý cơ quan!
Việc bố bạn mất chứng minh thư không ảnh hưởng đến việc tham gia BHYT hộ gia đình; tuy nhiên bố bạn cần có giấy tờ tùy thân có ảnh để sử dụng khi đi khám bệnh, chữa bệnh.
Bạn có thể tham gia BHYT cho bố bạn theo hộ gia đình cùng với mẹ, em bạn và được giảm mức đóng theo quy định của Luật BHYT. Về thời gian tham gia BHYT, bạn có thể tham gia định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.
Câu 85: Bạn đọc từ mail hungbmjc@gmail.com hỏi:
Tôi là kế toán trưởng công ty cổ phần Tân Mai Tây Nguyên xin cho hỏi:
Ngày 14/4/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2017/NĐ-CP, quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2017.
Theo đó, kể từ ngày 01/06/2017, doanh nghiệp chúng tôi phải đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động trên tổng quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH là 32% (giảm 0,5%) so với thời điểm trước khi Nghị định có hiệu lực.
Vậy kể từ ngày 01/6/2017, ngoài 32% BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc nêu trên, doanh nghiệp chúng tôi có phải đóng thêm 0,5% Bảo hiểm TNLĐ-BNN quy định tại Nghị định số 44/2017/NĐ-CP nêu trên hay không?
Kính mong được sự quan tâm tư vấn của quý vị lãnh đạo BHXH Việt Nam
Trân trọng cảm ơn!
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 85 và Khoản 1 Điều 86 Luật BHXH năm 2014; Nghị định số 44/2017/NĐ-CP ngày14/4/2017 của Chính phủ quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN thì từ ngày 01/6/2017, công ty của ông/bà đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động bằng 32% trên tổng qũy lương làm căn cứ đóng BHXH trong đó:
Người sử dụng lao động đóng 21,5% gồm:
+ 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất
+ 3% vào quỹ ốm đau thai sản
+ 0,5% vào quỹ TNLĐ, BNN
+ 3% vào quỹ BHYT
+ 1% vào quỹ BHTN
Công ty ông/bà không phải đóng thêm khoản nào ngoài các khoản nói trên.
Câu 84: Bạn đọc từ mail huong89.99@gmail.com hỏi
Kính chào Ban tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH
Hiên nay, công ty tôi có trường hợp thắc mắc sau:
1/ Lao động nữ mang thai đôi, khi sinh có thai bị chết lưu và 1 con còn sống thì mức hưởng và thời gian hưởng như thế nào, có được nghỉ hưởng 7 tháng và với số tiền trợ cấp là 7 tháng * lương bình quân 6 tháng trước sinh + trợ cấp 1 lần là 4 tháng lương cơ sở ko, cụ thể sinh 3/6/2017 sinh đôi, 1 con còn sống và 1 thai lưu. Mức lương đóng BHXH từ tháng 12/2016-5/2017 là 4.500.000đ. Vậy trường hợp này được nghỉ 7 tháng, mức tiền hưởng là 7 tháng * 4.500.000 + 1.210.000 * 4 = 36.340.000đ.
2/ Trước sinh, tháng 4/2017 lao động nữ có đi khám và nằm viện do dọa sẩy, sau đó nộp giấy ra viện để thamh toán chế độ ốm nhưng bị trả lại với ly do sai mẫu giấy ra viện theo TT 14 của Bộ y tế nhưng quay lại bệnh viện thì bệnh viện ko thay mẫu giấy ra viện cho lao động nữ. Vậy trường hợp này phải làm sao để người lao động được hưởng chế độ?
3/ Khi đi khám thai, người lao động nữ có sử dụng thẻ dân tộc (được hưởng quyền lợi cao), mà không sử dụng thẻ BHYT bắt buộc khi tham gia ở công ty. Trên giấy chứng nhận nghỉ việc ghi mã thẻ của thẻ dân tộc, được nghỉ 1 ngày khám thai. Khi đề nghị thanh toán chế độ khám thai cũng bị trả lại với lý do không sử dụng mã thẻ đúng tại công ty. Người lao động nữ vừa bị trừ tiền lương ngày đó, vừa ko được thanh toán chế độ khám thai? Rất mong nhận được sự hồi đáp của quý cơ quan và ban tổ chức.
Xin chân thành cảm ơn!
1- Khoản 3 Điều 10 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ LĐ-TB&XH quy định: Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có thai bị chết hoặc chết lưu thì chế độ thai sản được giải quyết đối với con còn sống. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con của lao động nữ được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Bạn hỏi: Lao động nữ khi sinh có một thai bị chết lưu và một thai còn sống thì thời gian hưởng chế độ là 07 tháng.
2- Khoản 2 Điều 30 Thông tư số 14/2016/TT-BYT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế quy định trách nhiệm của cơ sở KCB: Cấp đầy đủ, kịp thời cho người lao động hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ hưởng các chế độ BHXH theo quy định tại Thông tư này; Giám sát việc ghi nội dung trong các giấy tờ quy định tại Thông tư này của người hành nghề tại cơ sở của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của việc cấp các giấy tờ này.
Do vậy, việc bênh viện cấp sai mẫu giấy ra viện cho NLĐ không theo mẫu quy định tại Thông tư 14 nêu trên là do lỗi tại BV. Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, đề nghị Bạn cung cấp tên BHXH tỉnh nơi đơn vị Bạn đóng BHXH để BHXH Việt Nam có chỉ đạo.
3- Khoản 2 Điều 101 Luật BHXH năm 2014 quy định, hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp khám thai là giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (đối với trường hợp điều trị ngoại trú), là giấy ra viện (đối với trường hợp điều trị nội trú). Do vậy, nếu Bạn có các loại giấy tờ nêu trên chỉ định cho nghỉ việc để đi khám thai của cơ sở khám chữa bệnh thì Bạn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Câu 83: Bạn đọc từ mail phuthidung63@gmail.com hỏi:
Tôi là Phú Thị Dùng - Giáo viên trường Tiểu học Thị trấn Phú Hòa, Chư Păh, Gia Lai muốn BHXH Việt Nam tư vấn cho tôi về chế độ tính thời gian tham gia BHXH như sau: Tôi được tuyển dụng vào làm công nhân ở xí nghiệp CNN chè Biển Hồ Plei Ku, Gia Lai. Từ 30/10/1984 đến 30/9/1990, tôi được Giám đốc đồng ý cho đi học theo nguyện vọng cá nhân. Xí nghiệp không cử đi học nhưng vẫn chuyển chế độ lương của tôi lên trường Sư phạm là 296. Tôi học xong 2 năm sư phạm được Sở Giáo dục Gia Lai tiếp nhận, điều động tôi về Phòng Giáo dục Plei Ku mức lương là 296. Từ tháng 9/1992đến nay, tôi là giáo viên giảng dạy tiểu học và tham gia đóng BHXH. BHXH Gia Lai chỉ tính cho tôi thời gian đóng BHXH đến tháng 4/2017 là 24 năm 8 tháng.Vậy thời gian tôi công tác ở Xí nghiệp chè của tôi sẽ được tính như thế nào?
Theo quy định tại điểm a, Khoản 7, Thông tư số 13/NV ngày 04/9/1972 của Bộ Nội vụ hướng dẫ và quy định cụ thể về việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức Nhà nước: “Thời gian công nhân, viên chức được cơ quan, xí nghiệp cử đi học các lớp nghiệp vụ, chính trị, văn hóa, đi học các trường chuyên nghiệp sơ cấp, trung học, đại học trong nước hay nước ngoài đều được tính là thời gian công tác liên tục (nếu vẫn liên tục công tác). Nếu công nhân, viên chức tự ý xin thôi việc để đi học (không được cơ quan cử đi) thì thời gian đi học không được tính là thời gian công tác, còn thời gian trước đó được tính là thời gian công tác nói chung.
Vì vậy, BHXH tỉnh Gia Lai tính thời gian công tác cho bà từ tháng 9/1992 – 4/2017 để tính hưởng BHXH là đúng quy định hiện hành.
Câu 82: Bạn đọc từ mail ahieubutbi@gmail.com hỏi:
Tôi làm việc trong công ty và đóng BHYT được 10 năm, nơi đăng ký KCB ban đầu tại Bệnh viện Đa Khoa Đồng Nai, gần đây BHXH Đồng Nai yêu cầu phải đăng ký thay đổi nơi KCB xuống tuyến huyện, xã. Cho tôi hỏi BHXH Đồng Nai yêu cầu như vậy có đúng hay không? Kính mong BHXH VN trả lời sớm vì toàn thể công nhân công ty vô cùng bức xúc.
BHXH Việt Nam Trả lời:
Theo quy định tại Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế thì người tham gia BHYT được quyền đăng ký KCB ban đầu tại một trong các cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện và tương đương phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở.
Trường hợp tại khu vực nơi bạn làm việc, sinh sống không có cơ sở KCB tuyến xã, huyện và tương đương hoặc các cơ sở đó không đáp ứng được nhu cầu KCB ban đầu thì người tham gia được đăng kí KCB ban đầu tại cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến trung ương.
Trường hợp, trước đó Công ty bạn đã đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, BHXH Việt Nam sẽ đề nghị BHXH tỉnh Đồng Nai xem xét cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT.
Câu 81: Bạn đọc từ mail phanthihong631993@gmail.com hỏi:
Em tham gia BHXH ở công ty cũ hơn 2 năm, em nghỉ việc ở công ty cũ cuối tháng 8/2016 nhưng công ty chưa trả em sổ BHXH. Có được hưởng chế độ thai sản khi không được ký tiếp HĐLĐ? Đang nghỉ thai sản, đi làm sớm được không? Đóng BHXH bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản? Con chết sau sinh, mẹ hưởng chế độ thai sản thế nào? Em làm công ty mới và đóng tiếp BHXH theo số sổ cũ từ tháng 12.2016, em dự sinh vào tháng 4.2017. Vậy em đóng BHXH đủ 6 tháng thì có được hưởng chế độ thai sản (CĐTS) trong khi không có sổ BHXH không?
- Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định, điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con là: Lao động nữ phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con, hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
- Khoản 1 Điều 34 Luật BHXH năm 2014 quy định, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ BHXH trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh con tối đa không quá 02 tháng.
- Khoản 3 Điều 34 Luật BHXH năm 2014 quy định, trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại Khoản 1 Điều này; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
Do nội dung câu hỏi của Bạn không rõ công ty cũ chưa trả sổ BHXH cho Bạn, có thể có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân công ty nợ tiền đóng BHXH, nên không xác định được thời gian Bạn đã tham gia BHXH tại công ty cũ, nên chưa đủ căn cứ để giải quyết chế độ thai sản đối với trường hợp của Bạn.
Khi xác định được thời gian đóng BHXH tại đơn vị cũ thì cơ quan BHXH sẽ xem xét giải quyết theo quy định.
Câu 80: Bạn đọc từ mail tringuyen0190@gmail.com hỏi:
Tôi làm việc tại công ty nước ngoài, trong thời gian tôi nghỉ thai sản công ty tôi báo giảm bảo hiểm y tế vì theo quy định 6 tháng thai sản tiền bảo hiểm y tế sẽ do bảo hiểm xã hội đóng. Tôi nghỉ thai sản từ tháng 30/08/2016 đến 25/2/2017. Nhưng đến 23/05/2017 tôi mới nhận được thẻ bảo hiểm y tế của năm 2017. Vậy tôi muốn hỏi trong 6 tháng bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm cho tôi tại sao không cấp thẻ để tôi sử dụng từ tháng 01/2017 mà để đến tháng 05/2017 mới cấp thẻ cho tôi. Tôi mất quyền lợi 5 tháng mà vẫn phải đóng phí bảo hiểm. Tôi muốn hỏi về quy định thời gian cấp thẻ bảo hiểm cho người nghỉ thai sản như thế nào?
Điểm a Khoản 1 Điều 2 Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 quy định: Người lao động trong thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật BHXH thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản. Cơ quan BHXH có trách nhiệm đóng BHYT cho người lao động trong thời gian nghỉ thai sản. Như vậy thời gian bạn nghỉ thai sản theo quy định của Luật BHXH bạn không phải đóng BHYT.
Trong thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản bạn vẫn sử dụng thẻ BHYT đã cấp cho người lao động để đi khám bệnh, chữa bệnh. Cơ quan BHXH không cấp thẻ BHYT riêng cho người lao động trong thời gian hưởng chế độ thai sản. Trường hợp ngày 23/5/2017 bạn mới nhận được thẻ BHYT năm 2017. Bạn kiểm tra lại ngày, tháng, năm cấp thẻ để xác định lại nguyên nhân do cơ quan nào (công ty hay cơ quan BHXH). Trường hợp nguyên nhân do cơ quan BHXH chậm cấp thẻ BHYT cho bạn, nếu có phát sinh quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian chậm cấp thẻ bạn liên hệ với cơ quan BHXH nơi Công ty bạn đóng BHXH, BHYT để được giải quyết.
Câu 79: Bạn đọc từ mail phuongnguyen864804@gmail.com hỏi:
Tôi mua BHYT được 5 năm liền, nay mua tiếp thì trên thẻ BHYT của tôi ghi tính từ năm nay như thế đến năm 2020 mới hưởng chế độ 5 năm. Vậy tôi phải làm sao?
Để việc xác định thời gian tham gia BHYT liên tục đảm bảo chính xác, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 3222/BHXH-ST ngày 24/8/2016; Công văn số 4656/BHXH-CNTT ngày 21/11/2016, trong đó có quy định: “Đối với thẻ BHYT đã cấp mà còn giá trị và thông tin thời gian tham gia liên tục chưa chính xác: BHXH tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn người tham gia BHYT liên hệ với cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT và thực hiện đổi thẻ ngay trong ngày khi nhận đủ thông tin”.
Trường hợp thẻ BHYT của bạn có ghi thời điểm đủ 5 năm liên tục chưa chính xác, đề nghị bạn liên hệ với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ để được đổi thẻ theo quy định.
Câu 78: Bạn đọc từ mail hoanc.bhxhtd@gmail.com hỏi:
Ở Nghệ An hiện nay đối tượng Người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chưa được cấp thẻ Bảo hiểm y tế. Lý do không xác định được Thôn bản khó khăn. (vì Quyết định 582 của Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt thôn bản Đặc biệt khó khăn). Vậy giờ căn cứ vào đâu để cấp thẻ cho đối tượng Người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn? Căn cứ theo cấp xã (xã thuộc vùng 2, vùng 3 theo Quyết định 582) có được không? hay phải căn cứ theo cấp thôn bản? Nếu theo cấp thôn bản thì căn cứ Quy định nào?
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, có một số đối tượng là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các thôn không phải thôn đặc biệt khó khăn và một số đối tượng là người dân đang sinh sống tại các thôn không phải là thôn đặc biệt khó khăn (thôn không có trong danh sách UBND tỉnh Nghệ An gửi Ủy ban Dân tộc trình Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 50/QĐ-TTg) nhưng thôn đó nằm trong khu vực III (xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi).
Trên cơ sở ý kiến hướng dẫn của các Bộ, Ủy ban Dân tộc, BHXH tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các Ngành liên quan tham mưu, trình UBND tỉnh Nghệ An phương án thực hiện chính sách BHYT năm 2017 do Ngân sách Nhà nước đóng và đang phối hợp xác định nguồn kinh phí, danh sách đối tượng hướng dẫn cấp thẻ BHYT cho người dân thuộc các đối tượng trên.
Câu 77: Bạn đọc từ mail daohaivan1997@gmail.com hỏi:
Các anh chị cho tôi hỏi một số vấn đề liên quan đến người lao động nước ngoài như sau:
Năm 2017, bên mình đã đăng ký đóng BHYT cho người lao động nước ngoài (bên mình đóng ở mức 1,150,000x20 lần; từ tháng 6/2017 mức đóng là 1,300,000x22 lần: cho mình hỏi với mức đóng này người lao động nước ngoài có được chọn bệnh viện quốc tế để khám chữa bệnh không; hay chỉ có các bệnh viện nằm trong danh sách bảo hiểm mới được chọn? Mức được hưởng là 80% chi phí khám chữa bệnh có đúng không?
Chúc các anh chị sức khỏe!
Theo quy định tại Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế thì người tham gia BHYT được quyền đăng ký KCB ban đầu tại một trong các cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện và tương đương (có kí hợp đồng với cơ quan BHXH) phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở. Mức hưởng của đối tượng người lao động theo quy định của Luật BHYT là 80%.
Câu 76: Bạn đọc từ mail Ngocuyn@gmail.com hỏi:
Tôi sinh mổ tại Bệnh viện phụ sản Mekong - Tp HCM, tôi có BHYT và bảo hiểm cá nhân, tôi đã nộp bản chính hóa đơn viện phí cho bên đơn vị bảo hiểm cá nhân và họ đã thanh toán lại một phần viện phí, tôi có thể yêu cầu BHYT thanh toán không? Thủ tục như thế nào?
Bệnh viện Phụ sản Mê Kông là cơ sở KCB không ký hợp đồng KCB BHYT. Trường hợp Bà sinh tại đó thì sẽ được sẽ được quỹ BHYT thanh toán theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 là:
- Khám ngoại trú: 60.000 đồng/đợt;
- Khám nội trú: từ 500.00 đồng - 3.600.000 đồng/đợt tùy theo tuyến chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện.
Đề nghị Bà mang Thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ; Bản chính các chứng từ hợp lệ (hóa đơn mua thuốc, hóa đơn thu viện phí và các chứng từ có liên quan) đến cơ quan Bảo hiểm xã hội gần nơi cư trú để được hướng dẫn làm hồ sơ thanh toán trực tiếp.
Câu 75: Bạn đọc từ mail nguyenlienat1814@gmail.com hỏi:
Kính gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Đơn vị chúng tôi là đơn vị hành chính sự nghiệp có thu, có 01 trường hợp cán bộ (viên chức) là phu nhân ngoại giao đi cùng chồng ra nước ngoài 3 năm (chồng làm phóng viên thường trú). Khi đối chiếu BHXH, tôi thấy trường hợp trên BHXH tính cho cán bộ đơn vị tôi đóng 22% của BHXH. Vậy tôi muốn hỏi tại sao trường hợp trên lại đóng theo mức 22% chứ không phải 40% của mức 26% BHXH. Và mức 22% trên do người sử dụng lao động đóng hay do người lao động đóng cho người sử dụng để nộp ra BHXH.
Kính mong được giải đáp thắc mắc!
Căn cứ quy định tại Điều 15 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/ 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thì mức đóng BHXH hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc trước đó của người lao động, đối với người lao động đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc.
Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có phu nhân hoặc phu quân có trách nhiệm thu tiền đóng BHXH bắt buộc của phu nhân hoặc phu quân theo quy định để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Câu 74: Bạn đọc từ mail nguyenbichphuong11@gmail.com hỏi:
Đơn vị mình là đơn vị hành chính sự nghiệp. Từ năm 2016 những trường hợp lao động hợp đồng của đơn vị được ký bằng tiền lương theo mức lương tương đương mức lương ngạch bậc do Nhà nước quy định nhưng khi ra BHXH báo tăng mới, hay điều chỉnh tăng đều không được. Mà đơn vị chưa thể điều chỉnh được theo mức lương tối thiểu vùng với những trường hợp lao động ký bằng tiền lương. Bên đơn vị vẫn tạm tính và nộp bảo hiểm theo mức lương hiện tại của đơn vị. Với trường hợp lao động mới đơn vị chưa báo tăng được mà đơn vị vẫn tạm thu và nộp như thế nếu đến lúc đơn vị bắt buộc phải điều chỉnh mức lương đóng bảo hiểm thì những trường hợp lao động như vậy có được ghi nhận đã đóng bảo hiểm từ thời điểm bắt đầu ký hợp đồng với đơn vị không? Rất nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp bị vướng với Quyết định của Bảo hiểm về việc mức lương đóng BHXH theo lương tối thiểu vùng.
Căn cứ quy định tại Điều 90, Điều 91 Bộ Luật Lao động năm 2012; Điều 89 Luật BHXH năm 2014; Điều 14 Luật BHYT năm 2008; Điều 58 Luật Việc làm năm 2013; Khoản 1, Điều 21 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật Lao động, trường hợp ông/bà làm việc theo hợp đồng lao động tại đơn vị hành chính sự nghiệp thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động do người sử dụng lao động quyết định, không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định tại thời điểm đóng, đối với trường hợp công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Căn cứ quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 99 Luật BHXH năm 2014 trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng người sử dụng lao động nộp hồ sơ theo quy định cho cơ quan BHXH, do đó cơ quan ông/bà có trách nhiệm nộp hồ sơ kê khai đóng BHXH thì mới được ghi nhận là thời gian tham gia BHXH.
Câu 73: Bạn đọc từ mail hathanhneu@gmail.com hỏi:
Con tôi ốm và nằm viện Nhi Trung ương điều trị từ ngày 03/05/2017 đến 05/05/2017. Trên mẫu "Giấy Chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (áp dụng cho điều trị ngoại trú)" bác sỹ cũng ghi nghỉ từ ngày 03/05/2017 đến hết 05/05/2017 và ký ngày 05/05/2017. Về phía công ty, tôi xin nghỉ 01 ngày là ngày 05/05/2017. Tuy nhiên, Công ty tôi yêu cầu là trên phần chữ ký, Bác sỹ phải ghi trên Giấy là ngày 03/05/2017, chứ không phải ngày kết thúc. Xin hỏi việc này có đúng không? Công ty cũng gợi ý là nếu không sửa ngày thì Nộp Giấy ra viện kèm Bản sao có công chứng Giấy khai sinh của con. Tôi rất mong nhận được phản hồi cho trường hợp của tôi. Xin chân thành cảm ơn!
Khoản 1 Điều 100 Luật BHXH năm 2014 quy định: Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với trường hợp con của NLĐ bị ốm là bản chính hoặc bản sao giấy ra viện (đối với trường hợp điều trị nội trú), giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (đối với trường hợp điều trị ngoại trú).
Trường hợp con của Bạn bị ốm và năm điều trị tại Bệnh viện từ ngày 03/5/2017-05/5/2017, nhưng BV nơi con Bạn điều trị lại cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH là sai quy định. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho NLĐ đề nghị Bạn cung cấp tên cơ quan, nơi đơn vị Bạn đóng BHXH để BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH tỉnh, thành phố kiểm tra dữ liệu gốc tại cơ sở khám chữa bệnh. Nếu đảm bảo căn cứ pháp lý, sẽ thực hiện giải quyết chế độ cho Bạn.
Câu 72: Bạn đọc từ mail thanhthuy.vt0202@gmail.com hỏi:
Tôi đang đang mang thai và thời gian dự sinh là 10/11/2017. HĐLĐ của tôi sẽ kết thúc vào 1/6/2017. Nếu công ty không muốn tiếp tục ký HĐLĐ với tôi thì tôi có được hưởng chế độ thai sản hay không? Tôi có tham gia BHXH từ 6/1016 đến 5/2017. Nếu tôi được hưởng chế độ thai sản thì tôi phải nộp hồ sơ tại nơi tôi đóng BHXH hay địa phương tôi cư trú?
Trân thành cảm ơn!
Nếu thời gian sinh con của Bạn đúng theo dự tính thì Bạn có 07 tháng đóng BHXH trong thời gian 12 tháng trước khi sinh, nên Bạn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản của Bạn nộp tại BHXH địa phương nơi bạn cư trú.
Câu 71: Bạn đọc từ mail anhquynh1988nd@gmail.com hỏi:
Tôi là giáo viên cấp 3 thuộc biên chế của Sở Giáo dục Nam định. Hiện nay tôi bị mất sổ bảo hiểm xã hội. Tôi muốn hỏi trường hợp bị mất sổ bảo hiểm xã hội có được cấp lại sổ không? Nếu cấp lại thì thủ tục như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn.
Theo quy định tại điều 29, Quyết định 959/QĐ-BHXH, trường hợp bạn bị mất sổ BHXH, cơ quan BHXH có trách nhiệm cấp lại sổ BHXH cho bạn.
Đề nghị bạn lập tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1- TS) nộp cho cơ quan BHXH để được xem xét, giải quyết.
Câu 70: Bạn đọc từ mail Phankien56@gmail.com hỏi:
Tôi nhập ngũ tháng 5/1974, tháng 10/1981 tôi chuyển ngành và đến năm 2007 tôi nghỉ hưu. Hiện nay mã thẻ BHYT của tôi là HT3, tôi muốn chuyển sang quyền lợi của cựu chiến binh là mã 2. Vì tôi làm thất lạc giấy quyết định chuyển ngành vậy căn cứ vào hồ sơ hưu trí có đủ điều kiện để thay đổi sang mã HT2 không ?
Tại Điểm 2, Khoản 15, Điều 1, Luật BHYT số 46/214/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định: “Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”.
Trường hợp của ông thuộc diện tham gia BHYT theo đối tượng người hưởng lương hưu, đồng thời cũng thuộc đối tượng cựu chiến binh. Vì vậy, ông được đổi thẻ BHYT theo mã quyền lợi hưởng BHYT của đối tượng cựu chiến binh có ký hiệu là HT2 (được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi được hưởng BHYT).
Về thủ tục hồ sơ đổi thẻ: Nếu ông bà đã thất lạc quyết định chuyển ngành có thể căn cứ vào hồ sơ hưu trí để đổi thẻ BHYT.
Câu 69: Bạn đọc từ mail thupt.epu@gmail.com hỏi:
Em tham gia đóng BHXH bắt đầu từ tháng 3/2016 tại công ty A (địa bàn TP.Hà Nội). Đến tháng 6 em xin nghỉ và chuyển công tác về công ty B tại Nam Định. Công ty A làm thủ tục báo giảm cho em từ tháng 8/2016 nhưng chưa làm thủ tục chốt sổ vì còn nợ tiền cơ quan bảo hiểm. Em bắt đầu ký hợp đồng chính thức tại công ty B từ tháng 8/2016. Công ty B đóng bảo hiểm cho em từ thời điểm tháng 8/2016 tới nay theo số sổ em đã có từ công ty A. Nhưng cho tới thời điểm hiện tại, công ty A vẫn chưa làm thủ tục chốt sổ cho em. Như vậy quá trình em đóng bảo hiểm tại công ty B có được công nhận không ạ? Và em có được hưởng các chế độ của Bảo hiểm không ạ? Em rất mong quý cơ quan giải đáp giúp em ạ.
Em xin chân thành cảm ơn!
Theo quy định tại khoản 3, Điều 18, Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BH thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHYT cho người lao động”.
Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ BHXH, BH thất nghiệp cho bạn thì cơ quan BHXH có trách nhiệm chốt sổ BHXH, ghi thời gian đóng BHXH, BH thất nghiệp trên sổ BHXH của bạn đúng thời điểm đơn vị A đã đóng BHXH, BH thất nghiệp để bạn tiếp tục tham gia tại đơn vị B.
Sau khi thu hồi được khoản nợ của đơn vị thì xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH cho bạn.
Câu 68: Bạn đọc từ mail c2.lytutrong@bienhoa.edu.vn hỏi:
Từ tháng 9/1992 đến tháng 9/1996 tôi là giáo viên, công tác tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải phòng. Tháng 9/1996, tôi xin nghỉ việc để theo gia đình vào miền Nam. Sau khi nghỉ việc, tôi chưa được hưởng chế độ nghỉ việc cũng chưa nhận sổ BHXH cũ. Năm 1997 tôi tiếp tục công tác tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và tham gia đóng BHXH từ tháng 12/2017 đến nay. Vậy xin hỏi tôi có được cộng dồn thời gian đóng BHXH của những năm công tác tại Hải Phòng không? Thủ tục như thế nào? BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 25, Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của BHXH Việt Nam ban hành quy định về quản lý thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT, trường hợp bạn chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, đề nghị bạn lập hồ sơ nộp cho cơ quan BHXH để được xem xét, giải quyết. Thành phần hồ sơ gồm:
- Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
- Lý lịch gốc và lý lịch bổ sung (nếu có); quyết định tiếp nhận, hợp đồng lao động; các giấy tờ có liên quan khác như: Quyết định nâng bậc lương, quyết định điều động hoặc chuyển công tác, giấy thôi trả lương…
Câu 67: Bạn đọc từ mail tuyetanh.tran09@gmail.com hỏi:
Tôi đã tham gia đóng BHXH, BHYT liên tục từ năm 1993 đến nay. Từ năm 2015 tôi chuyển công tác đến công ty mới và việc đóng BH không bị gián đoạn. Tuy nhiên thẻ BHYT của tôi được cấp đầu năm 2017 lại ghi thời gian đóng BHYT đủ 5 năm là năm 2020, tức là chỉ bắt đầu tính thời gian tham gia BHYT của tôi từ khi bắt đầu làm việc ở công ty mới. Như vậy có đúng không? Nếu muốn được tính đủ thời gian đã đóng BHYT để được công nhận đã đóng đủ trên 5 năm liên tục tôi cần phải làm những thủ tục gì?
Câu 66: Bạn đọc từ mail thanhhuong417ttt@gmail.com hỏi:
Tôi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu theo BHYT ở tuyến BV Trung ương, khi khám bệnh ở tuyến dưới có được BHYT chi trả theo mức của thẻ BHYT đang sở hữu không?
BHXH Việt Nam trả lời: Người đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến trung ương thì chỉ được khám, chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện mà mình đăng ký trong thẻ BHYT hoặc bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc.
Câu 65: Bạn đọc từ mail khanhhuyen231091@gmail.com hỏi:
Nhân viên công ty tôi bị mất thẻ bảo hiểm y tế. Trong thời gian làm lại có đi khám thai tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội. Tôi muốn làm thủ tục truy thu lấy lại tiền bảo hiểm y tế cho nhân viên đó thì có được không và thủ tục như thế nào?
Theo quy định trường hợp mất thẻ BHYT đang trong thời gian chờ cấp lại thẻ khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT do tổ chức Bảo hiểm xã hội nơi tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ cấp và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó thì vẫn được hưởng quyền lợi khi đi khám chữa bệnh.
Trường hợp Bà chưa được thanh toán tại bệnh viện đề nghị Bà mang hóa đơn chứng từ về cơ quan BHXH để được thanh toán theo quy định.
Câu 64: Bạn đọc từ mail tuongoanh09@gmail.com hỏi:
Xin được hỏi, bảo hiểm y tế Đồng Tháp có chi trả chi phí trám răng sâu không? Vì tháng 3/2017 tôi có thực hiện trám răng tại Bệnh viện ĐK Lai Vung 3 lần, và đều xuất trình BHYT, nhưng 2 lần đầu không được BHYT chi trả. Lần thứ 3 được chi trả 80%. Cho hỏi theo đúng quy định của BHYT và Luật BHXH thì sẽ chi trả như thế nào? Mong được giải đáp.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính thì dịch vụ kỹ thuật trám bít hố rãnh thuộc quy trình Điều trị răng được quỹ BHYT thanh toán chi phí trong phạm vi và mức hưởng quy định trên thẻ BHYT khi người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh đúng quy định
Câu 63: Bạn đọc từ mail thanhthuy.vt0202@gmail.com hỏi:
Câu 62: Bạn đọc từ mail Thuyhang005289@gmail.com hỏi:
Để được hưởng bảo hiểm thai sản thì lao động nữ phải đóng bảo hiểm 6 tháng trước khi sinh, 6 tháng ở đây phải đóng liên tục hay chỉ cần đủ 6 tháng là được ạ? Mong được hồi đáp.
Em cảm ơn!
Theo quy định tại Điều 31 Luật BHXH năm 2014 thì lao động nữ phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi.
Tại Khoản 5 Điều 3 Luật BHXH năm 2014 quy đinh: Thời gian đóng BHXH là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Như vậy, thời gian 6 tháng đóng BHXH trước khi sinh không bắt buộc phải là thời gian đóng BHXH liên tục.
Câu 61: Bạn đọc từ mail ngapham.idea@gmail.com hỏi:
Tôi đóng BHXH được 14 tháng, đã nhận BHTN, nay tôi không làm trong công ty, chuyển sang làm tự do nên ko đóng tiếp BHXH, vậy tôi có thể đóng sổ để nhận BHXH 1 lần được không?
Trường hợp của Bạn có thời gian tham gia BHXH 14 tháng đã hưởng BH thất nghiệp và không đóng tiếp BHXH, Bạn có thể chốt sổ BHXH để làm căn cứ hưởng BHXH một lần.
Về điều kiện hưởng BHXH một lần, tại Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014 và Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội quy định:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
- Sau 01 năm nghỉ việc, không tiếp tục tham gia BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH. - Ra nước ngoài định cư.
- Mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và các bệnh mà có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không có khả năng hồi phục.
Nếu Bạn có nguyện vọng hưởng BHXH một lần và thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì Bạn đủ điều kiện hưởng BHXH một lần.
Câu 60: Bạn đọc từ mail dungmtsc@gmail.com hỏi:
Tôi 52 tuổi, công tác trong môi trường nặng nhọc độc hại được 17 năm liên tục. Tôi xin nghỉ việc tại công ty để tham gia BHXH tự nguyện, vậy tôi có được đóng bảo hiểm tự nguyện một lần (cho đủ 20 năm) để hưởng chế độ hưu trí hay không?
Mong nhận được câu trả lời sớm, xin cảm ơn!
BHXH Viêt Nam trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 thì trường hợp Ông 52 tuổi có thời gian tham gia BHXH bắt buộc không thuộc đối tượng được đóng BHXH tự nguyện một lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu ngay.
Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 134 nêu trên, Ông được lựa chọn các phương thức phù hợp để đóng tiếp BHXH tự nguyện (đóng hàng tháng, 03 tháng/ lần, 06 tháng/ lần, 12 tháng/ lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 05 năm) để đủ 20 năm tham gia BHXH và đến khi đủ 60 tuổi thì sẽ được giải quyết hưởng chế độ hưu trí.
Câu 59: Bạn đọc từ mail minh123456m@gmai.com hỏi:
2 vợ chồng tôi là cán bộ hưởng lương nhà nước phải đóng BHYT bắt buộc. Vậy xin hỏi tôi có 2 người con 1 học cấp 2, 1 học cấp 3 khi tham gia mua BHYT tự nguyện có được trừ % đóng BHYT theo tỷ lệ người trong hộ tham gia đóng BHYT không ? nếu được thì mức trừ % đóng BHYT là bao nhiêu, và thủ tục cần những gì?
Hai con của bạn hiện đang là học sinh thuộc đối tượng tham gia BHYT được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng (hiện nay ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng). Các con của bạn không thuộc đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình do đó không được giảm mức đóng.
Câu 58: Bạn đọc từ mail honghoantu@gmail.com hỏi:
Tôi là kế toán doanh nghiệp, hiện nay công ty tôi do khó khăn còn nợ đọng tiền BHXH. Tôi muốn xin công thức excel tính lãi phạt nộp chậm bảo hiểm?
Tại Điều 5 Thông tư 20/2016/TT-BTC ngày 03/2/2016 của Bộ Trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và chi phí quản lý BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Trường hợp chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, tiền lãi chậm đóng được xác định hằng tháng theo công thức sau:
Số tiền lãi phải thu phát sinh trong tháng (n) = số tiền chậm đóng lũy kế đến cuối tháng (n-2) x lãi suất chậm đóng (%/tháng).
Câu 57: Bạn đọc từ mail phanthuy101978@gmail.com hỏi:
Kính gửi BHXH Việt Nam:
Tôi cũng chỉ là nhân viên làm công ăn lương bình thường, nhưng tôi có đôi điều phản ánh với BHXH, mong cơ quan chức năng sớm nghiêm khắc và xử lý:
Hiện nay, có rất nhiều công ty có người thân không làm việc tại công ty, nhưng vẫn tham gia BHXH, đặc biệt là những phụ nữ chuẩn bị sinh con, họ tăng mức lương đóng BHXH vùn vụt, một cách nhanh chóng, chứ chẳng có doanh nghiệp Việt Nam nào hào phóng với nhân viên, trừ khi họ muốn nhận chính sách thai sản cho họ.
Rất mong, cơ quan ban nghành, sớm ra tay, xiết chặt ngăn chặn tình trạng lạm thu ngân sách nhà nước.
Trân trọng kính chào!
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH năm 2014, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Trường hợp không phải là người lao động của công ty ông/bà nhưng vẫn đóng BHXH bắt buộc tại công ty là vi phạm pháp luật BHXH. Đề nghị ông/bà cung cấp cụ thể tên đơn vị, người lao động cho cơ quan BHXH nơi công ty đóng BHXH để tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định.
Câu 56: Bạn đọc từ mail nldnvsrc@gmail.com hỏi:
Kính gửi: BHXH Việt Nam, BHXH Quảng Ninh
Thay mặt người lao động, công nhân Công ty CP SCTB Nosco Vinalines, tôi xin gửi tới Quý cơ quan lời chào!
Tôi cũng như nhiều người lao động khác đã làm việc tại Công ty Nosco Vinalines được nhiều năm, có người 5 - 6 năm, có người 2 - 3 năm... Tuy nhiên đến nay chúng tôi vẫn chưa được đóng BHXH, BHYT, BHTN, chúng tôi chưa bao giờ được nhìn thấy sổ BHXH của mình, chưa bao giờ được cấp thẻ BHYT mặc dù hàng tháng chúng tôi vẫn bị khấu trừ tiền lương để đóng Bảo hiểm.
Rất mong Quý cơ quan xem xét, kiểm tra, thanh tra để những người lao động như chúng tôi được hưởng chế độ bảo hiểm theo Quy định của Nhà nước.
Thông tin về Công ty: Công ty Cổ phần Sửa chữa Tàu biển Nosco Vinalines Địa chỉ: Thôn 4, xã Tiền Phong, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh
Theo quy định tại Điều 2, Điều 17, Điều 18, Khoản 2 Điều 21, Khoản 1 Điều 85, Khoản 1 Điều 86, Luật BHXH năm 2014 thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, hằng tháng người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng và trích từ tiền lương của người lao động theo mức quy định để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH và được cấp sổ BHXH.
Trường hợp doanh nghiệp không đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là vi phạm pháp luật về đóng BHXH. BHXH tỉnh Quảng Ninh tiến hành thanh tra, kiểm tra tại đơn vị theo quy định tại Quyết định số 1518/QĐ-BHXH ngày 18/10/2016 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy định hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT và hoạt động kiểm tra của BHXH Việt Nam.
Câu 55: Bạn đọc từ mail engineer3@namthuanphat.com hỏi:
Kính gửi Quý cơ quan!
Tôi tham gia BHXH từ năm 2007 đến năm 2010 thì dừng đóng do công việc tự do nên không chú ý chuyện đóng BHXH, sau thời gian dừng đóng đó tôi có liên hệ với BHXH tỉnh Cà Mau và được biết tại thời điểm đó tôi chưa được cấp sổ BHXH nhưng trên hệ thống đã lưu tên và quá trình đóng của tôi, nên tôi thấy không vấn đề gì. Đến năm 2016 tôi tiếp tục đóng BHXH tại công ty đang làm việc nhưng tôi liên hệ với BHXH tỉnh Cà Mau để tra cứu thông tin của tôi nhưng hệ thống báo là không tìm thấy tên tôi và quá trình đóng BHXH của tôi đã bị mất dữ liệu. Hiện nay tôi đã tham gia đóng BHXH mới được 1 năm, việc mất dữ liệu lưu trữ của BHXH tỉnh Cà Mau như vậy đã làm cho tôi bị thiệt thòi mất 4 năm tham gia.
Xin hỏi trách nhiệm của BHXH tỉnh Cà Mau đối với tôi như thế nào, làm thế nào để tôi tìm lại số năm đã đóng BHXH trước đó để cộng vào sổ BHXH tôi đang tham gia tại thời điểm này.
Các công ty đã làm việc trước đó: - Công ty TNHH Xây dựng Vĩnh Phước - Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng Số 6
Mong rằng BHXH tỉnh Cà Mau có câu trả lới thỏa đáng.
Đề nghị bạn liên hệ với đơn vị sử dụng lao động nơi trước đây bạn đã làm việc để yêu cầu đơn vị sử dụng lao động cung cấp danh sách lao động tham gia bảo hiểm xã hội có tên của bạn. Trong trường hợp đơn vị đã đóng bảo hiểm xã hội thì yêu cầu đơn vị sử dụng lao động lập hồ sơ đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp sổ bảo hiểm xã hội và xác nhận quá trình đóng bảo hiểm xã hội trên sổ bảo hiểm xã hội khi bạn chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1, Điều 34 Quy định quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/09/2015 của Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Câu 54: Tôi có tham gia lao động ở công ty hiện tại được hơn 6 năm rồi và được đóng BHTN đầy đủ trong thời gian này. Tuy nhiên do điều kiện gia đình nên tôi mới xin nghỉ việc ở công ty, đến cuối tháng tôi sẽ chính thức nghỉ việc. Tôi có nói chuyện với bạn thì nó bảo tôi sẽ được hưởng TCTN với 60% lương. Tôi chưa hưởng TCTN bao giờ nên cũng không biết quy trình hưởng TCTN được diễn ra như nào? Cơ quan có thể khái quát chung về quy trình hưởng TCTN cho tôi hiểu them được không? Tôi xin cảm ơn.
Theo quy định tại điều 46, 49, 50, 52 của Luật Việc làm và Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN thì quy trình hưởng TCTN khái quát như sau:
1. Người lao động khi chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV theo quy định của pháp luật muốn hưởng TCTN thì phải nộp hồ sơ hưởng TCTN tại trung tâm DVVL nơi người lao động muốn nhận TCTN trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, HĐLV;
Hồ sơ hưởng TCTN gồm:
- Đề nghị hưởng TCTN theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định;
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
- Sổ bảo hiểm xã hội.
Người lao động được giải quyết hưởng TCTN khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Chấm dứt HĐLĐ, HĐLV theo quy định của pháp luật;
- Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ, HĐLV đối với trường hợp làm việc theo HĐLĐ, HĐLV từ 12 tháng trở lên; đã đóng từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với trường hợp làm việc theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;
- Đã nộp hồ sơ hưởng TCTN tại trung tâm DVVL trong thời hạn 03 tháng kề từ ngày nghỉ việc;
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ một số trường hợp đặc biệt.
2. Hàng tháng, người lao động phải trực tiếp thông báo với Trung tâm DVVL nơi đang hưởng TCTN về việc tìm kiếm việc làm, trừ một số trường hợp theo quy định. Nếu không thực hiện sẽ bị tạm dừng hưởng TCTN. Không thực hiện trong 03 tháng liên tục sẽ bị chấm dứt hưởng TCTN.
3. Phải thông báo với Trung tâm DVVL khi thuộc một trong các trường hợp bị chấm dứt hưởng TCTN được quy định tại Khoản 3 Điều 53 Luật Việc làm.
Câu 53: Bạn đọc tên Nguyễn Văn Hải hỏi: Tôi bị ốm và phải nằm viện điều trị 15 ngày theo giấy đề nghị của bác sĩ. Vậy tháng này tôi có phải đóng BHXH không? Việc này có ảnh hưởng đến chế độ bảo hiểm của tôi sau này không?
Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
Trường hợp của Bạn nếu số ngày nghỉ ốm từ 14 ngày làm việc trở lên (không bao gồm ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ hàng tuần) thì tháng đó Bạn và đơnvị của bạn không phải đóng BHXH và thời gian này không được tính là thời gian đóng BHXH.
Câu 52: BHXH Việt Nam cho tôi hỏi trường hợp người lao động nghỉ ngang có được hưởng BHTN hay không?
Theo quy định tại Điều 46, 49 Luật Việc làm thì bạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV) theo quy định của pháp luật;
2. Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ, HĐLV đối với trường hợp làm việc theo HĐLĐ, HĐLV từ 12 tháng trở lên; đã đóng từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với trường hợp làm việc theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng TCTN tại trung tâm DVVL trong thời hạn 03 tháng kề từ ngày nghỉ việc;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Câu 51: Bạn đọc tên Đoàn Văn Hậu hỏi:
Tôi sinh ngày 23/07/1963. Tôi có 2 khoảng thời gian công tác:
1- Từ tháng 10/1988 tôi công tác tại HTX mua bán thuộc UBND huyện, và đến 1995 cơ quan giải thể. Tôi chưa nhận tiền trợ cấp một lần vì tiếp tục đi học Sư phạm.Vậy giai đoạn này tôi được 7 năm công tác.
2- Từ tháng 8/2000, tôi được tuyển dụng vào ngành Sư phạm. Đến nay là 16 năm. Các bậc lương gần đây như sau:
Từ 1/10/2011 đến 1/3/2013 là 3,0
Từ 1/3/2013 đến 1/9/2015 là 3,33
Từ 1/9/2015 đến nay là 3,66 và bậc lương cuối cùng vào 2018 là 3,99 Nếu tính đến tháng 7/2018 thì tôi đủ 55 tuổi, được 18 năm trong ngành Sư phạm và cộng nối cả thì tôi sẽ được 25 năm công tác. Tôi nên về hưu trước tuổi vào năm nào thì lợi hơn hay là không nên về hưu trước tuổi.
Trường hợp của Ông đến tháng 7/2018 đủ 55 tuổi chưa đủ điều kiện về tuổi để hưởng chế độ hưu trí; về thời gian đóng BHXH cụ thể phải căn cứ hồ sơ của Ông để xác định tổng thời gian trên sổ BHXH. Nếu Ông nghỉ hưu sớm khi đủ 20 năm đóng BHXH thì Ông phải bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và lương hưu bị giảm trừ tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi (mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi trừ 2%).
Lương hưu phụ thuộc nhiều yếu tố: tuổi đời, thời gian đóng BHXH, mức tiền lương đóng BHXH, thời điểm hưởng lương hưu, thu nhập thực tế khi làm việc. Đề nghị ông căn cứ vào quy định về điều kiện hưởng lương hưu, cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu và điều kiện cụ thể của cá nhân ông để đưa ra quyết định cho riêng mình.
Câu 50: Bạn đọc tên Nguyễn Thị An hỏi:
Khi vợ tôi sinh, tôi không nghỉ ở nhà mà vẫn đi làm bình thường thì tôi có được hưởng tiền nghỉ 7 ngày từ cơ quan BHXH không?Vợ tôi sinh phẫu thuật.
Điểm b Khoản 2 Điều 34 Luật BHXH năm 2014 và quy định lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con phải phẫu thuật được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là 07 ngày làm việc.
Theo quy định nêu trên, khi vợ sinh con Bạn phải nghỉ việc mới được hưởng chế độ thai sản.
Câu 49: Bạn đọc tên Phạm Hải Yến hỏi: Tôi tham gia BHXH được 5 tháng. Hiện sức khỏe tôi yếu (do tôi mang thai) nên tôi xin nghỉ việc. Vậy muốn được hưởng chế độ thai sản thì tôi có thể đóng tiếp 01 tháng BHXH tự nguyện không?
Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con là lao động nữ phải đóng BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Thời gian đóng vào quỹ BHXH tự nguyện không được tính làm căn cứ để hưởng chế độ thai sản.
Câu 48: Bạn đọc từ địa chỉ email: Phuongnhung0810@gmail.com hỏi:
Em có một người chị đang làm ở công ty và đóng bảo hiểm. Nay chị có thai lần thứ ba thì công ty nói rằng sẽ không được hưởng chế độ thai sản. Vậy em muốn hỏi, sinh con thứ ba có được hưởng chế độ thai sản không? Và nếu không được hưởng thì điều nào của Luật quy định.
Nếu chị của bạn đủ điều kiện theo quy định nêu trên thì được hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà không phụ thuộc vào số lần sinh con.
Câu 47: Bạn đọc từ mail bangchau.tran188@gmail.com hỏi: Em muốn hỏi thủ tục hưởng chế độ thai sản khi chồng tham gia BHXH mà vợ không tham gia! Kính mong anh chị hướng dẫn.
1. Hồ sơ cần chuẩn bị những gì?
2. Nộp hồ sơ ở đâu? Ở tại cơ quan chồng hay tại cơ quan BHXH trong khu vực?
Khoản 4 Điều 9 Quyết định 636/QĐ-BHXH ngày 22/4/2016 của BHXH Việt Nam về việc ban hành quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH quy định hồ sơ giải quyết hưởng chế thai sản đối với lao động nam có vợ sinh con gồm:
Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của con trừ trường hợp con chết mà chưa được cấp Giấy chứng sinh.
Ngoài những giấy tờ nêu trên, có thêm:
-Trường hợp sinh con dưới 32 tuần tuổi hoặc sinh con phải phẫu thuật: Giấy xác nhận của cơ sở y tế nếu giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh không thể hiện sinh con dưới 32 tuần tuổi hoặc sinh con phải phẫu thuật.
-Trường hợp con chết: Giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của con hoặc trích sao hồ sơ bệnh án hoặc Giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp Giấy chứng sinh.
-Trường hợp mẹ chết: Giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của mẹ.
-Trường hợp mẹ gặp rủi ro sau khi sinh: Biên bản Giám định y khoa.
Tiết 2.3.3 Điểm 2.3 Khoản 2 Điều 11 Quyết định 636/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam quy định trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH thì người cha nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động nơi người cha đóng BHXH để hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam tham gia giao lưu với bạn đọc
Câu 46: Tôi đóng BHTN được 3 năm 10 tháng. Tôi đã hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) 3 tháng hồi tháng 2, tháng 3 và tháng 4, được bảo lưu lại 10 tháng lẻ. Đến tháng 6 tôi ký hợp đồng đi làm tiếp và có đóng BHXH. Tuy nhiên vì một số lý do nên tháng cuối tháng 7 này tôi xin nghỉ việc để về quê. Vậy tôi có được TCTN nữa không?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 7 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN thì những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng TCTN cho lần hưởng TCTN tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng TCTN theo quy định.
Trường hợp bạn đã được bảo lưu 10 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, nếu sau đó bạn tiếp tục đóng BHTN cả tháng 6 và 7 thì bạn đủ điều kiện tối thiểu về thời gian đóng BHTN (12 tháng) để hưởng TCTN.
Câu 45: Bạn đọc tên Phạm Khánh Linh hỏi:
Mẹ tôi sinh năm 1920. Mất ngày 16/1/2017. Hàng tháng mẹ tôi nhận 270.000 đồng trợ cấp người cao tuổi.Vậy mẹ tôi mất thì có được hỗ trợ chi phí mai táng không. Hay quyền lợi gì khác.
Trường hợp mẹ Bạn hưởng trợ cấp người cao tuổi, không hưởng chế độ BHXH, do đó về nội dung thân nhân có được hưởng trợ cấp mai táng khi mẹ bạn mất không, đề nghị Bạn liên hệ với UBND cấp xã hoặc Phòng Lao động của UBND cấp huyện nơi cư trú để được trả lời.
Câu 44: Bạn đọc tên Nguyễn Thị Hòa hỏi:
Tôi tham gia BHXH tại nơi làm việc được 8 tháng và tính đến thời điểm hiện tại tôi đã nghỉ việc được hơn một năm. Như vậy tôi có được nhận BHXH một lần không?
Theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH năm 2014; Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội thì trường hợp của Bạn đã tham gia BHXH bắt buộc được 8 tháng, nếu từ khi nghỉ việc đến nay đã hơn một năm và bạn không tham gia BHXH tự nguyện mà có yêu cầu thì được giải quyết hưởng BHXH một lần.
Câu 43: Bạn đọc tên Hoàng Mạnh Hải hỏi:
Tôi đang trên đường đi làm có đi qua ngã tư thì bị một xe khác vượt đèn đỏ đâm vào phải nhập viện. Sau đó đã được xác định là tai nạn lao động và được công ty bồi thường 1,5 tháng lương. Tuy nhiên, sau đó công ty nói rằng do việc tôi bị tai nạn không phải do lỗi của công ty nên yêu cầu tôi trả lại số tiền đó như vậy có đúng không?
Trách nhiệm bồi thường, trợ cấp của người sử dụng lao động trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động được quy định tại Điều 144, 145 Bộ Luật lao động năm 2012 và Điều 38, 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 và không thuộc chế độ BHXH. Đề nghị bạn liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh nơi công ty của bạn có trụ sở để được giải đáp.
Câu 42: Bạn đọc tên Nguyễn Xuân Hòa hỏi: Em tham gia BHXH từ 12/1990. Năm 2016 do sức khỏe yếu nên phải thường xuyên nghỉ việc và chữa bệnh, tổng số ngày nghỉ ốm trong năm là 54 ngày, vậy trong những ngày nghỉ ốm đấy được hưởng chế độ BHXH nào và mức trợ cấp xác định như nào?
Điều 25 Luật BHXH năm 2014 quy định người lao động tham gia BHXH bắt buộc bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền của Bộ Y tế được hưởng chế độ ốm đau theo quy định.
Điều 26 Luật BHXH năm 2014 quy định thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau tối đa trong một năm đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường là 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm, 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm, 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên; đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm, 50 ngày nếu đã đóng đủ từ 15 năm đến dưới 30 năm, 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên. Trường hợp người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau tối đa là 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hàng tuần. Hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.
Điều 28 Luật BHXH năm 2014 quy định mức hưởng chế độ ốm đau tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Do bạn không nêu rõ bạn đóng BHXH được bao nhiêu năm, bạn làm việc trong điều kiện nào, tình trạng ốm đau của bạn như thế nào nên BHXH Việt Nam không trả lời cụ thể cho bạn được.
Câu 41: Tôi bị mất chứng minh thư nhân dân thì có thể dùng giấy tờ gì thay thế khi đi làm thủ tục hưởng TCTN không?
Căn cứ Mẫu số 04, 05 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trường hợp bị mất chứng minh nhân dân, khi đi làm thủ tục hưởng TCTN bạn có thể sử dụng giấy tờ tùy thân khác có dán ảnh (giấy phép lái xe, thẻ đảng viên, hộ chiếu,…).
Câu 40: Bạn đọc tên Trần Văn Nam hỏi:
Tôi đóng bảo hiểm xã hội được 5 năm 3 tháng. Thời gian tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 07/2011 đến tháng 09/2016.Vậy mức hưởng của tôi như thế nào? Tháng 3/2017 tôi nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì bao lâu tôi được nhận tiền?
Theo nội dung Bạn hỏi, Bạn có thời gian đóng BHXH của Bạn là 5 năm 3 tháng, trong đó:
Từ tháng 7/2011 đến tháng 12/2013 là 2 năm 6 tháng;
Từ tháng 01/2014 đến tháng 9/2016 là 2 năm 9 tháng.
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 19 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì thời gian từ tháng 7/2011 đến tháng 12/2013 (giai đoạn này tính là 2 năm) còn 6 tháng lẻ được chuyển sang giai đoạn từ tháng 01/2014 đến tháng 9/2016 (giai đoạn này tính thành 3 năm 3 tháng).
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 60 Luật BHXH thì mức hưởng BHXH một lần của bạn được tính như sau:
Mức hưởng BHXH một lần = (1,5 tháng x 2 năm + 2 tháng x 3,5 năm) x mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH = 10 tháng bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Theo quy định thì thời hạn giải quyết BHXH một lần là tối đa 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Câu 39: Bạn đọc từ mail hoangvanhau77@gmail.com hỏi:
Tôi tham gia BHXH được 3 năm 7 tháng bây giờ tôi có nhu cầu rút chế độ 1 lần.Vậy như sổ của tôi bây giờ mà rút thì được số tiền là bao nhiêu đến thời điểm hiện nay.Sổ của tôi đã đính kèm dưới đây.
Một lần nữa xin chân thành cảm ơn Ban lãnh đạo và Phòng tiếp dân BHXH. Số điện thoại của tôi là: 01655195207.
Trường hợp của Bạn có toàn bộ thời gian đóng BHXH trước năm 2014, theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, với hệ số lương là 2,0. Nếu bạn hưởng BHXH một lần vào tháng 6/2017 thì chế độ BHXH một lần được thực hiện theoĐiểm a, Khoản 2, Điều 60 Luật BHXH năm 2014, Khoản 1, Điều 10 Nghị định số 115/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ và Khoản 4, Điều 19, Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với các nội dung sau:
- Số năm đóng BHXH 3 năm 7 tháng được tính tròn là 4 năm;
- Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH = 2,0 x 1.210.000 = 2.420.000 đồng
- Mức hưởng BHXH một lần, mỗi năm được tính là 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho 4 năm đóng BHXH trước năm 2014.
Kết quả số tiền BHXH một lần = 1,5 x 4 x 2.420.000 = 14.520.000 đồng
Câu 38: Bạn đọc từ địa chỉ email hamanhhongpt@gmail.com hỏi:
Tôi nhập ngũ tháng 02/1975 đến năm 1988 phục viên về địa phương, năm 2003 tôi tham gia hợp tác xã, tháng 01/2004 tôi tham gia đóng BHXH bắt buộc, năm 2014 tôi được cộng nối 13 năm 7 tháng. Tháng 01/2017 tôi nghỉ hưu. Cách tính lương hưu tôi hoàn toàn nhất trí. Riêng thời gian do Nhà nước quyết định tôi chưa hiểu. Trong 5 năm cuối tôi có 21 tháng mang quân hàm thượng úy, 39 tháng mang quân hàm đại úy mà BHXH tỉnh Phú Thọ tính hệ số lương bằng 1,00, khi được hỏi cán bộ BHXH trả lời tạm thời lấy mức lương = 1 thời gian làm việc do Nhà nước quy định. Vậy cách tính của BHXH tỉnh Phú Thọ như vậy có đúng không, tính theo văn bản hướng dẫn nào?
Trường hợp của Ông không có thông tin đầy đủ về toàn bộ quá trình làm việc, công tác của Ông được ghi nhận trên sổ BHXH nên chưa đủ căn cứ để trả lời cụ thể. BHXH Việt Nam sẽ chỉ đạo BHXH tỉnh Phú Thọ báo cáo về thực tế hồ sơ trường hợp của ông để xem xét trả lời cụ thể.
Câu 37: Bạn đọc từ địa chỉ email phuongoanh1976@yahoo.com.vn hỏi:
Tôi được bệnh viện cấp giấy chứng nhận nghỉ việc ngày 14/9/2016 cho nghỉ từ 12/9/2016 đến 16/9/2016.
Nhưng khi thanh toán BHXH chỉ thanh toán cho tôi từ 14/9/2016 đến ngày 16/9/2016. Khi hỏi Bảo hiểm trả lời do Giấy chứng nhận cấp không đúng quy định Điểm 3, Mục 4 Công văn 4666/BHXH-CĐXH ngày 21/11/2016 của BHXH Việt Nam và Điều 25 Thông tư số 14/2006/TT-BYT nên từ chối thanh toán cho tôi 2 ngày từ 12/9/2016 đến 16/9/2016.
Trong trường hợp này BHXH đã thanh toán cho tôi đúng quy định chưa? Thực tế tôi có bệnh và đã bị đơn vị trừ lương.
Khi người lao động (tham gia BHXH) đi thăm khám tại cơ sở khám, chữa bệnh, thì người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã đăng ký mẫu chữ ký với cơ quan BHXH được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người lao động để chỉ định số ngày cần phải nghỉ việc để điều trị bệnh ngoại trú trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH trùng khớp với ngày người lao động đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để chữa bệnh ngoại trú. Việc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH của bạn có ngày cấp không trùng với thời điểm bạn đi khám, do vậy đề nghị bạn cung cấp tên cơ quan BHXH nơi đơn vị bạn đóng BHXH để BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH tỉnh, thành phố kiểm tra chứng từ gốc lưu trữ tại cơ sở khám, chữa bệnh về việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, nếu đảm bảo căn cứ pháp lý sẽ thực hiện giải quyết chế độ cho bạn theo quy định.
Câu 36: Bạn đọc từ địa chỉ email greenteapt90@gmail.com hỏi:
Bác tôi nghỉ hưu được 5 tháng thì mất đột ngột vào năm 2015, gia đình bác tôi có bá tôi (năm nay 57 tuổi) và 2 người con trai. Gia đình bá tôi đã làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp tuất hàng tháng cho bá tôi và anh trai tôi bị tàn tật. Đến tháng 01/2017, anh trai họ thứ 2 tôi cũng bị suy giảm khả năng lao động trên 81% thì có được hưởng thêm 1 định suất tuất hàng tháng hay không?
Tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư số 41/2009/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/01/2007 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết, nếu bị suy giảm khả năng lao động thì việc giám định mức suy giảm khả năng lao động xét hưởng trợ cấp tuất hằng tháng do tổ chức BHXH giới thiệu, thời hạn giới thiệu giám định mức suy giảm khả năng lao động trong vòng 04 tháng kể từ khi người lao động bị chết.
Theo nội dung nêu trong thư, năm 2015 gia đình bác của Bạn đã được cơ quan BHXH giải quyết hưởng 02 định suất tuất hàng tháng đối với vợ và 01 con trai bị tàn tật. Tháng 01/2017 con trai thứ hai bị suy giảm khả năng lao động trên 81% không đảm bảo thời hạn theo quy định trên nên cơ quan BHXH không có căn cứ để giải quyết bổ sung định suất tuất.
Câu 35: Bạn đọc từ địa chỉ email phuc959@gmail.com hỏi:
Tôi làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước trong điều kiện bình thường, đến năm 1987 được 10 năm 02 tháng. Tôi đã có sổ BHXH và được cơ quan BHXH chốt cho 10 năm 02 tháng với mức lương 330 đồng/tháng thời bấy giờ. Tôi xin hỏi bây giờ tôi muốn hưởng BHXH một lần cho thời gian 10 năm 02 tháng ấy thì làm thế nào? Và tính ra giá hiện tại được bao nhiêu? Tôi hưởng mức lương 330 đồng/tháng trong 6 năm cuối.
Theo quy định tại điểm 6 Công văn số 843/LĐ-TBXH ngày 25/3/1996 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số chế độ BHXH thì: Đối với những trường hợp cá biệt đã nghỉ việc trước ngày 01/01/1995 do chờ giải quyết chế độ, do ốm đau dài ngày, do bị tù, đi công tác ở nước ngoài về, hoặc những người đã nghỉ việc từ ngày 01/01/1995 trở đi nhưng chưa chuyển xếp lương mới mà chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc chế độ BHXH một lần thì cơ quan BHXH tỉnh, thành phố xem xét giải quyết lương hưu hàng tháng, trợ cấp một lần hoặc chế độ tử tuất theo quy định…”. Như vậy, trường hợp của ông thuộc đối tượng điều chỉnh của văn bản này. Tuy nhiên, ngày 07/8/2001, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Công văn số 2347/BLĐTBXH-BHXH chấm dứt việc giải quyết tồn đọng theo Công văn số 843/TB-TBXH nêu trên kể từ ngày 01/10/2001. Trong đó nêu rõ “Từ ngày 01/10/2001 trở đi, nếu có những trường hợp vướng mắc cá biệt chưa được giải quyết thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với BHXH tỉnh, thành phố thẩm định và có báo cáo gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết”.
Đề nghị ông nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH nơi cư trú để tổng hợp báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xin ý kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Về chuyển đổi mức lương 330 đồng: Việc chuyển đổi mức lương trước đây sang mức lương theo quy định hiện hành liên quan đến ngạch, bậc, chức danh nghề trong các thang, bảng lương do Nhà nước ban hành. Với thông tin ông cung cấp, cơ quan BHXH không đủ căn cứ để chuyển xếp sang mức lương mới.
(1972-02/1992) đã thôi việc nhưng chưa được giải quyết chế độ. Đến nay ông Hoa đã quá tuổi để được nghỉ hưu (65 tuổi). Như vậy, thời gian công tác của ông Hoa từ năm 1972 đến năm 1992 có được tính là thời gian đã đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí hay không? Ông Hoa phải làm gì để giải quyết chế độ hưu trí.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ thì trường hợp ông Hoa nếu có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995 mà được tính là thời gian công tác liên tục nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, BHXH một lần thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH để hưởng BHXH. Đề nghị Ông cung cấp hồ sơ, liên hệ với cơ quan BHXH nơi cư trú để được xem xét trả lời về việc xác định thời gian công tác từ tháng 01/1972 đến tháng 02/1992 của Ông có được tính là thời gian đã đóng BHXH không và đây là căn cứ để cơ quan BHXH xem xét, đề xuất giải quyết hoặc không giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với thời gian công tác nêu trên của ông Hoa.
Câu 34: Bạn đọc từ địa chỉ email phuonghien.202@gmail.com hỏi:
Bố em sinh năm 1961, đã đóng BHXH được 22 năm. Trong đó, có 12 năm đóng BHXH bắt buộc (4 năm bộ đội biên giới và 8 năm làm hàn hơi tại Công ty Cơ khí công trình) và 10 năm đóng BHXH tự nguyện. Vậy đến năm bao nhiêu tuổi thì bố em có thể được hưởng chế độ hưu trí? Trong 12 năm đóng BHXH bắt buộc, bố em có được hưởng chế độ là làm việc trong môi trường độc hại không?
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 71 Luật BHXH thì người vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc, vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện mà có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì điều kiện, mức hưởng lương hưu được thực hiện theo chính sách BHXH bắt buộc.
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ thì người lao động có tổng thời gian đóng BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là nam đủ 60 tuổi và nữ đủ 55 tuổi.
Với quy định trên, bố của Bạn có 12 năm đóng BHXH bắt buộc nên không thuộc diện được áp dụng theo chính sách BHXH bắt buộc mà thực hiện theo chính sách của BHXH tự nguyện. Mặc dù, bố của Bạn có 12 năm làm nghề độc hại nhưng cũng không ảnh hưởng đến tuổi nghỉ hưu vì BHXH tự nguyện không có quy định được giảm tuổi nghỉ hưu khi làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại. Như vậy, thời điểm bố của Bạn đủ 60 tuổi theo quy định thì đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.
Câu 33: Bạn đọc từ địa chỉ email luongthanhbinh505@gmail.com hỏi:
Tôi sinh ngày 26/4/1958, đến ngày 26/4/2018 đủ 60 tuổi được giải quyết chế độ hưu trí, hiện công tác tại Trung tâm Thể dục thể thao Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, chức danh Huấn luyện viên cao cấp, hệ số lương 6,20, Bậc 1 từ ngày 01/01/2017, đóng BHXH từ năm 1994. Nếu tôi nghỉ hưu trong năm 2018 tôi sẽ được hưởng chế độ như thế nào?
Theo quy định tại Điều 54 Luật BHXH, đến ngày 26/4/2018 Ông đủ 60 tuổi, nếu Ông có đủ 20 năm đóng BHXH thì Ông được giải quyết hưởng chế độ hưu trí. Nếu ông nghỉ hưu trong năm 2018 thì tỷ lệ hưởng lương hưu được thực hiện tại Điểm a Khoản 2 Điều 56 Luật BHXH, cụ thể: 16 năm đầu đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính lương hưu, sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính thêm 2%, tối đa 75%.
Về mức hưởng lương hưu được tính trên cơ sở tỷ lệ hưởng lương hưu nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Việc tính mức bình quân tiền lương tháng đã đóng BHXH theo quy định tại Điều 62 Luật BHXH phải căn cứ vào diễn biến quá trình công tác và tiền lương thực tế đã đóng BHXH. Đề nghị Ông liên hệ với cơ quan BHXH địa phương để được trả lời cụ thể.
Câu 32: Bạn đọc tên Phạm Khánh Toàn ở Hà Nội hỏi:
Vợ tôi có hộ khẩu ở Bình Dương và tham gia BHYT theo hộ gia đình ở đó. Nay vợ tôi muốn tách khẩu để chuyển ra Hà Nội cùng với tôi. Vậy các chế độ BHYT mà vợ tôi tham gia có bị ảnh hưởng gì không?
Hiện nay, người tham gia BHYT có thể đi khám, chữa bệnh tại tất cả các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc và được quỹ BHYT chi trả 100% trong phạm vi và mức hưởng quy định trên thẻ BHYT. Do đó, quyền lợi BHYT của vợ Ông không bị ảnh hưởng khi chuyển ra Hà Nội.
Tuy nhiên, nếu vợ Ông có đăng ký tạm trú ở Hà Nội thì được đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh tương đương với nơi đăng ký KCB ban đầu trên thẻ.
Để đảm bảo quyền lợi BHYT của mình, đề nghị vợ Ông đăng ký tạm trú tại Hà Nội và tiếp tục mua thẻ BHYT có thời hạn sử dụng tiếp nối với ngày hết hạn của thẻ BHYT cũ (trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng).
Câu 31: Bạn đọc tên Trần Ngọc Yến hỏi:
Tôi mua BHYT theo dạng CNVC nhà nước, nơi đăng ký KCBBĐ tại BV tư nhân An Phước. Nếu tôi sinh con ở BVĐK Bình Thuận thì tôi có được hưởng chế độ BHYT không?
Để được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT, đề nghị Bà sinh con tại nơi đăng ký KCB ban đầu hoặc tại các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, trường hợp Bà vẫn muốn sinh con tại BVĐK Bình Thuận thì chỉ được quỹ BHYT thành toán 60% chi phí điều trị nội trú do đây là Bệnh viện tuyến tỉnh. Đối với trường hợp cấp cứu, Bà được đến khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở y tế nào và phải xuất trình các giấy tờ giấy tờ tùy thân trước khi ra viện.
Câu 30: Bạn đọc tên Bình ở Bình Thạnh hỏi:
Tôi có thẻ BHYT đăng ký tại BV Nhân dân Gia Định quận Bình Thạnh, nếu tôi qua BV Quốc tế An Khang ở quận 2 để điều trị u xơ tử cung bằng phương pháp MRI-HIFU (do BV Nhân dân Gia Định không có phương pháp này) thì có được BHYT chi trả không?
Hiện nay, cơ quan BHXH đang tạm dừng ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT đối với Bệnh viện Quốc tế An Khang, do đó khi Bà đến điều trị tại đây sẽ chỉ được thanh toán trực tiếp theo mức: -Khám ngoại trú: 60.000 đồng/đợt; -Khám nội trú: 1.200.000 đồng/đợt
Câu 29: Bạn đọc tên congthuc.trg@gmail.com hỏi:
Em có đi khám và phẫu thuật ở Sài Gòn và có hóa đơn đầy đủ nhưng lúc mang về thanh toán thì BHYT tp Buôn Ma Thuột không thanh toán và yêu cầu phải có đóng dấu tròn của bệnh viện. Em có gọi về bệnh viện ở Sài Gòn thì họ nói đây là hóa đơn của BTC, đã đóng thuế, không phải xuất là xuất. Trong hồ sơ của em cũng có giấy ra viện có đầy đủ con dấu nhưng tại sao em vẫn không được thanh toán, có phải BHYT gây khó dễ?
Đề nghị Bạn cung cấp thêm thông tin về hóa đơn và họ tên, số thẻ BHYT, thời gian đi KCB để cơ quan BHXH có cơ sở trả lời bạn.
Câu 28: Bạn đọc từ địa chỉ email phuongoanh1976@yahoo.com.vn hỏi:
Ban Thực hiện chính sách BHXH trả lời bạn đọc
Câu 27: Bạn đọc từ địa chỉ email greenteapt90@gmail.com hỏi:
Câu 26: Bạn đọc từ địa chỉ email phuc959@gmail.com hỏi:
Câu 25: Bạn đọc từ mail phamle024@yahoo.com.vn hỏi:
Năm 1983-1987 tôi có thực hiện nghĩa vụ quốc tế chiến đấu tại Campuchia. Sau đó, phục viên về BV Lao và Bệnh Phổi Bình Định từ 1988 đến nay. Tôi không được hưởng chế độ tiền trợ cấp như các anh em cựu chiến binh vì còn đang công tác tại bệnh viện. Nhưng tôi có được hưởng chế độ BHYT như các anh em cựu chiến binh không?
Theo quy định tại Khoản 5, Điều 2, Pháp lệnh Cựu chiến binh thì người tham gia nghĩa vụ quốc tế chiến đấu tại Campuchia thuộc đối tượng cựu chiến binh và được hưởng 100% chi phí khi đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng quy định.
Do đó, đề nghị ông mang thẻ BHYT cùng với một trong các giấy tờ chứng minh thời gian tham gia chiến đấu như: Quyết định phục viên hoặc xuất ngũ hoặc chuyển ngành ghi rõ địa điểm nơi đóng quân theo quy định tại Quyết định 62/2011/QĐ-TTg đến cơ quan BHXH nơi cấp thẻ để được hướng dẫn thay đổi sang mã quyền lợi hưởng của đối tượng cựu chiến binh.
Câu 24: Bạn đọc từ mail tongquoccd@gmail.com hỏi:
Đối với NLĐ ký hợp đồng LĐ không xác định thời hạn (thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc), xin nghỉ dài ngày từ 1/6/2017-31/12/2017 theo giấy xác nhận của bệnh viện có thẩm quyền. Theo Luật BHXH thì NLĐ nghỉ từ trên 14 ngày để điều trị thì trong thời gian này không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN. Vậy thẻ BHYT có hạn đến 31/12/2017 của NLĐ còn giá trị KCB từ 1/6/2017 không (do từ tháng 6 đã ngừng đóng BHYT). Nếu không còn giá trị sử dụng thì NLĐ phải làm gì để được hưởng tiếp tục chế độ BHYT khi đi KCB?
Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT. Do đó, căn cứ vào thời gian nghỉ hưởng chế độ BHXH của Ông, cơ quan điều chỉnh giảm đóng BHYT. Ông vẫn sử thẻ BHYT đã cấp cho người lao động để đi KCB. Trường hợp, Công ty đã báo giảm không đóng BHYT cho ông thì trên hệ thống quản lý dữ liệu thu và cấp thẻ BHYT báo thẻ BHYT của ông hết hạn sử dụng.
Câu 23: Bạn đọc tên Phạm Gia Linh ở Hà Nội hỏi:
Gia đình tôi có người bị bệnh ung thư, đã điều trị hóa chất được 5 lần, đến lần thứ 6, bệnh viện báo không có thuốc và không xác định được khi nào có thuốc. Gia đình đề nghị bệnh viện kê đơn thuốc để tự mua điều trị cho đúng phác đồ. Trong trường hợp này, bệnh nhân có được thanh toán BHYT không?
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 6 Thông tư số 40/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ Y tế ban hành và hướng dẫn thực hiện danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế thì cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm cung ứng đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh bảo hiểm y tế theo danh mục thuốc đã xây dựng, không để người bệnh phải tự mua.
Trong thời gian điều trị, trường hợp Bệnh viện không cung cấp đủ thuốc cho bệnh nhân thì phải có trách nhiệm thanh toán phần chi phí mà người bệnh phải tự mua thuốc.
Câu 22: Bạn đọc từ mail hau.uetbg@gmail.com hỏi:
Bảo hiểm của em thuộc diện bảo hiểm dân tộc,ngày em đi viện do chưa có thẻ nên em đã xin cấp thẻ bảo hiểm tạm thời để hoàn thành hồ sơ nhập viện. Bảo hiểm tạm thời có giá trị từ 1/1/2017 đến 31/3/2017. Quá trình điều trị của em kéo dài sau ngày 31/3, ngày 14/4 em mới nhận được thẻ bảo hiểm có giá trị từ ngày 1/4/2017-12/2017. Bệnh viện có yêu cầu em đóng tiền tạm ứng vì thẻ bảo hiểm tạm thời đã hết hạn nhưng khi em cung cấp thẻ bảo hiểm mới có giá trị sau 31/3 thì bệnh viện không chấp nhận. Hiện tại em vẫn chưa xuất viện. Em xin hỏi em có phải đóng tiền tạm ứng không?
BHXH Việt Nam đã có Công văn số 5243/BHXH-ST ngày 27/12/2016 hướng dẫn đối với trường hợp đến thời điểm 31/12/2016 cơ quan quản lý đối tượng chưa hoàn thiện danh sách cấp thẻ BHYT cho đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn thì quyền lợi KCB vẫn được đảm bảo kể từ ngày 1/1/2017 hoặc kể từ ngày Quyết định phê duyệt danh sách của cơ quan quản lý nhà nước. Trường hợp, bạn chưa được thanh toán tại bệnh viện đề nghị ban mang hóa đơn chứng từ về cơ quan BHXH để được thanh toán theo quy định.
Câu 21: Bạn đọc từ mail 13143035@student.hcmute.edu.vn hỏi:
Em là sinh viên và có tham gia BHYT tại trường học. Hiện nay em đăng kí KCBBĐ tại BVĐK quận Thủ Đức nhưng do khám và uống thuốc lâu không khỏi nên em chuyển lên khám ở BV TMH quận 3. Em khám và nhận thuốc không được hưởng chế độ BHYT do đây là BV tuyến Trung ương. Vậy nếu em khám ở bệnh viện tuyến trung ương nhưng mang đơn thuốc về mua ở nơi đăng ký KCBBĐ thì các thuốc trong danh sách có được thanh toán BHYT không?
Thuốc sử dụng tại các cơ sở y tế được quy định theo hạng bệnh viện, việc mua sắm thuốc để sử dụng tại mỗi bệnh viện là không giống nhau. Trường hợp Bạn đi KCB ngoại trú trái tuyến tại cơ sở KCB tuyến tỉnh thì không được quỹ BHYT thanh toán chi phí này. Hiện nay, không có quy định nào đối với việc người có thẻ BHYT đi KCB trái tuyến tại cơ sở y tế tuyến tỉnh/trung ương mang đơn thuốc về nơi đăng ký KCB ban đầu lấy thuốc.
Để được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT, đề nghị Bạn thực hiện KCB đúng nơi đăng kí KCBBĐ và chuyển tuyến theo đúng quy định.
Câu 20: Bạn đọc từ mail buivanduccainuoc@yahoo.com.vn hỏi:
Tôi là BS đang công tác tại Cà Mau, theo CV số 7117 của BYT vv hướng dẫn bổ sung thực hiện TTLT 37, tại bệnh viện nơi tôi đang công tác, việc thanh toán tiền giường e rằng BHXH tỉnh Cà Mau đang hiểu lầm. Bệnh nhân khám bệnh đầu tiên tại khoa cấp cứu sau đó chuyển vào các khoa khác để điều trị tiếp. Thời gian bệnh nhân có mặt tại 02 khoa từ 20-24 giờ (<4h). Bệnh nhân không được thanh toán tiền khám bệnh hoặc tiền giường ngày hôm đó mà chỉ tính tiền giường vào ngày hôm sau. Việc thanh toán như vậy có hợp lý không?
Theo quy định tại điểm c, khoản 1 công văn số 7117/BYT-KHTC thì bệnh nhân vào khoa cấp cứu có thời gian điều trị dưới 4h thì chỉ thanh toán tiền khám bệnh, tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật không thanh toán tiền giường bệnh điều trị nội trú. Đây là công văn hướng bổ sung thực hiện Thông tư 37 nên các cơ sở KCB đều thực hiện theo đúng quy định trên.
Câu 19: Bạn đọc từ địa chỉ email minhloc12qlmt@gmail.com hỏi:
Lúc trước, mình đi lao động tại Liên Xô (cũ) từ ngày 13/12/1988 đã về nước đến nay đã 29 năm nhưng khi về nước chưa nhận tiền sau khi hoàn thành nhiệm vụ từ nước ngoài trở về. Hiện giờ, có thể làm đơn để nhận tiền BHXH được không. Như thông tin các bạn đã về nước nhiều bạn đã nhận số tiền khi hoàn thành nhiệm vụ hiện nay số người chưa nhận có làm được không?
Trong thư Bạn không cung cấp đầy đủ thông tin về quá trình làm việc tại nước ngoài và hồ sơ sau khi hoàn thành nhiệm vụ cũng như quá trình làm việc, đóng BHXH khi trở nước về nên chưa đủ căn cứ để trả lời câu hỏi của Bạn, đề nghị Bạn cung cấp hồ sơ và liên hệ với cơ quan BHXH địa phương để được trả lời cụ thể.
Câu 18: Bạn đọc từ địa chỉ email nguyenvantiensc@gmail.com hỏi:
Tôi là người lao động trong công ty TNHH Một thành viên. Có tham gia bảo hiểm bắt buộc. Ca làm việc từ 14h30 đến 22h30, nghỉ ăn ca từ 18h30 đến 19h30. Vì Công ty không tổ chức cho người lao động ăn ca tại Công ty, nên tôi về nhà ăn cơm, đến 19h15 trên đường trở lại công ty để tiếp tục ca làm việc, thì tôi bị tai nạn giao thông. Công ty đã điều tra về tai nạn, và cho tôi hưởng chế độ tai nạn lao động. Song khi làm hồ sơ gửi BHXH tỉnh Thái Nguyên, thì BHXH tỉnh Thái Nguyên cho rằng, tôi bị tai nạn giao thông vào giữa ca làm việc thì không được tính là tại nạn lao động. Như vậy có đúng luật không?
Với nội dung câu hỏi trên, BHXH Việt Nam xin tiếp thu ý kiến và sẽ chỉ đạo BHXH tỉnh Thái Nguyên làm việc với đơn vị nơi bạn đang công tác và báo cáo cụ thể về trường hợp của bạn để có hướng dẫn giải quyết chế độ cho bạn trong thời gian sớm nhất.
Câu 17: Bạn đọc từ địa chỉ email luudungbhxh@gmail.com hỏi:
Cho em hỏi: Ba em bị bệnh nghề nghiệp tháng 01/2011, đến tháng 5/2016 thì nghỉ hưu, vậy bây giờ đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp có được không.
Trường hợp Ba của bạn bị mắc bệnh nghề nghiệp tháng 01/2011 thuộc đối tượng theo quy định của Luật BHXH năm 2006. Tại Điều 40 quy định về điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp thì người lao động khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có đủ các điều kiện sau: Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;
Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh quy định tại Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
Về thời gian bảo đảm của bệnh nghề nghiệp được quy định tại Thông tư số 08/TTLB ngày 19/5/1976 Thông tư liên bộ của Bộ Y tế, Bộ Thương binh và Xã hội và Tổng Công đoàn Việt Nam, quy định một số bệnh nghề nghiệp và chế độ đãi ngộ công nhân viên chức nhà nước mắc bệnh nghề nghiệp đối với công nhân viên chức sau khi đã thôi tiếp xúc với yếu tố tác hại đã nghỉ hưu.
Nếu Ba của bạn bị mắc bệnh nghề nghiệp trong thời gian bảo đảm của bệnh và bị suy giảm khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp từ 5% trở lên thì được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo quy định.
Câu 16: Bạn đọc tên Nguyễn Thị Mai hỏi:
Tôi đang tham gia lao động tại một doanh nghiệp. Tháng trước tôi có xin nghỉ không hưởng lương 30 ngày (có thỏa thuận trước với công ty). Như vậy, tháng đó tôi có phải đóng BHXH không?
Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH năm 2014, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Theo đó, trường hợp Bà nghỉ việc không hưởng lương 30 ngày trong tháng thì không phải đóng BHXH tháng đó.
Câu 15: Bạn đọc tên Đặng Thị Hiền hỏi:
Tháng 12/2016 tôi nghỉ việc 12 ngày trong tháng và công ty vẫn tham gia BHXH cho tôi, nhưng đến tháng 01/2017 thì tôi mới nghỉ việc có 03 ngày mà công ty nói không tham gia BHXH cho tôi và truy thu lại tiền BHYT trong 3 tháng đó. Công ty nói do tôi không đủ điều kiện nên không được đóng BHXH trong 3 tháng đó. Như vậy có đúng không:
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, người lao động làm việc theo HĐLĐ từ đủ 03 tháng trở lên, HĐLĐ không xác định thời hạn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH năm 2014 người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó, do đó trường hợp Bà nghỉ việc 03 ngày làm việc/tháng mà công ty không đóng BHXH cho bạn tháng đó là không đúng quy định.
Vì vậy, Bà liên hệ với đơn vị để đề nghị đơn vị đóng BHXH cho Bà theo đúng quy định.
Câu 14: Bạn đọc tên Phạm Gia Khánh hỏi: Tôi thuộc hộ gia đình cận nghèo và đã có thẻ BHYT. Hiện nay tôi đã có chồng và đã cắt khẩu sang gia đình nhà chồng. Nơi sinh sống của gia đình chồng tôi là xã đảo. Theo tôi được biết người ở xã đảo có mức quyền lợi BHYT cao hơn người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Vậy tôi có được chuyển đổi mã quyền lợi trên thẻ BHYT không?
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 4 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT, thì “Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách tham gia BHYT của các đối tượng quy định tại các Khoản 2,3,4 và Khoản 5 Điều 1 Thông tư này theo hộ gia đình trừ đối tượng quy định tại các Điêm a,l và Điểm n Khoản 3, Điểm b Khoản 4 Điều 1 Thông tư này, gửi Bảo hiểm xã hội cấp huyện”.
Trường hợp của bạn có thẻ BHYT cấp theo đối tượng cận nghèo, nhưng đã chuyển sang nơi cư trú mới thuộc xã đảo, huyện đảo. Vì vậy, đề nghị bạn thông báo cho cơ quan BHXH nơi cấp thẻ cận nghèo để được hoàn trả tiền đóng và nộp lại thẻ BHYT cấp cho đối tượng cận nghèo, đồng thời liên hệ với Ủy ban nhân dân xã nơi cư trú mới để lập danh sách cấp theo đối tượng người đang sống tại xã đảo, huyện đảo.
Câu 13: Bạn đọc tên Nguyễn Hải Minh hỏi: Thời điểm thẻ BHYT có giá trị sử dụng? Gia đình tôi mới tham gia BHYT tự nguyện theo hộ gia đình nhưng tôi không biết khi nào thì thẻ BHYT của chúng tôi bắt đầu có hiệu lực. Mong anh, chị giải đáp giúp chúng tôi?
Theo quy định tại Điểm c, Khoản 10, Điều 1 Luật số 46/2014/QH13, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/06/2014 thì “Đối tượng quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 12 của Luật này tham gia bảo hiểm y tế từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng bảo hiểm y tế”.
Trường hợp của bạn tham gia BHYT tự nguyện theo hộ gia đình lần đầu. Vì vậy, thẻ BHYT sẽ có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày đóng tiền.
Câu 12: Bạn đọc phuongthan3883@gmail.com hỏi:
Kính chào BHXH Việt Nam!
Thời gian nghỉ thai sản có được tính là thời gian tham gia BHXH không? Do tôi nghỉ việc trước khi nghỉ thai sản.
Tôi nghỉ việc ngày 25/8/2014
Sinh con ngày 04/11/2014
Mong sớm nhận được phản hồi từ quý cơ quan. Xin cảm ơn!
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật BHXH năm 2014, trường hợp Bà đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng chế độ thai sản.
Căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 12 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, trường hợp Bà chấm dứt HĐLĐ trước khi sinh con thì thời gian hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đã đóng BHXH.
Câu 11: Bạn đọc tên Nguyễn Văn Vinh hỏi:
Công ty tôi đang gặp khó khăn về sản xuất do thay đổi cơ cấu nên đã phải tạm dừng hoạt động 02 tháng. Hiện nay, giám đốc công ty tôi muốn tạm dừng đóng bảo hiểm vào các quỹ dài hạn là hưu trí, tử tuất có được không? Điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất gồm những gì? Nếu được tôi cần làm thủ tục gì?
Căn cứ Khoản 1, Khoản 2 Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, người sử dụng lao động muốn tạm dừng đóng bảo hiểm vào quỹ hưu trí và tử tuất phải thuộc một trong các trường hợp và đáp ứng điều kiện sau:
- Các trường hợp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất:
+ Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế;
+ Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.
- Điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất:
+ Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên;
+ Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).
Thủ tục tạm dừng bao gồm văn bản đề nghị và các giấy tờ chứng minh doanh nghiệp thuộc một trong các trường hợp nêu trên (nếu có) gửi cơ quan BHXH nơi đang đóng BHXH để thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
Câu 10: Bạn đọc tên Trần Đình Ngang hỏi:
Cho tôi hỏi thời gian nghỉ hè của giáo viên có được tính là thời gian tham gia BHXH hay không? Tôi xin cảm ơn.
Căn cứ quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 2, Khoản 1 và Khoản 3 Điều 85, Khoản 1 Điều 86 Luật BHXH năm 2014, giáo viên là công chức, viên chức nhà nước, thời gian nghỉ hè vẫn được hưởng tiền lương, tiền công thì vẫn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Câu 9: Bạn đọc từ email vitrungman@gmail.com hỏi:
Vợ tôi là Nguyễn Thị Nhị, sinh năm 1993, thường trú tại xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Ngày 9/5/2017, vợ tôi đến đóng BHYT tại Ủy ban nhân dân xã Việt Lâm, cán bộ thu số tiền là 522.720 đ và giữ lại thẻ BHYT của vợ tôi mang tên: Nguyễn Thị Nhị (số thẻ GD 4020602800117; có thời hạn từ 27/5/2016 đến 26/5/2017) nói là để làm thủ tục cấp thẻ mới và hẹn sau 30 ngày mới có thẻ mới.
Vậy, cho tôi được hỏi cán bộ bảo hiểm giữ lại thẻ BHYT (còn thời hạn sử dụng) trên có đúng không? Hiện giờ vợ tôi cần có thẻ BHYT để đi khám, nhưng thẻ BHYT đã bị giữ lại để làm thủ tục cấp thẻ mới rồi, thì phải làm thế nào? Chẳng lẽ vợ tôi mất tiền đóng BHYT mà lại bị mất quyền sử dụng ? Thẻ BHYT mới sẽ có thời hạn sử dụng như thế nào?
Tôi xin chân thành cảm ơn! Kính mong sự giúp đỡ của các anh chị!
Trường hợp vợ của bạn (theo nội dung hỏi) tham gia BHYT theo hộ gia đình, thẻ BHYT của vợ bạn vẫn còn thời hạn sử dụng. Vì vậy, bạn có thể liên hệ với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ để được trả lại và tiếp tục sử dụng đi khám bệnh, chữa bệnh (trường hợp bị mất được cấp lại). Khi tham gia BHYT liên tục, nối tiếp chỉ phải nộp tiền, nhận biên lai và giấy hẹn trả thẻ (không quá 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định).
Về thời hạn sử dụng của thẻ BHYT: theo quy định tại Điểm b, Khoản 10, Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/06/2014, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định: “Người tham gia bảo hiểm y tế liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước”.
Câu 8: Bạn đọc từ email truonghuuphuc@gmail.com hỏi: BHXH Việt Nam vui lòng cho biết nếu nộp tiền BHYT tự nguyện (mua tiếp tục) vào ngày 6/5/2017 thì đến ngày nào tôi mới nhận được thẻ mới?
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 32 Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thì “Cấp mới: không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định”.
Trường hợp của bạn nếu đã đóng tiền và lập đủ hồ sơ cấp thẻ BHYT từ ngày 6/5/2017 thì sau 07 ngày làm việc bạn sẽ nhận được thẻ BHYT mới.
Câu 7: Em làm cho công ty văn phòng phẩm được 04 tháng. Ở công ty này em có làm tờ khai đóng BHXH. Sau khi em nghỉ ở công ty văn phòng phẩm thì em vào làm cho công ty Well power được một năm mười tháng và em có đóng BHXH. Bây giờ em nghỉ, công ty Well power yêu cầu em phải nộp sổ cũ ở công ty văn phòng phẩm hoặc phải có giấy hủy số sổ BHXH cũ đi thì công ty well mới chốt được sổ BHXH cho em và công ty BHXH huyện Vĩnh Bảo mới cấp sổ mới cho. Em có hỏi bên công ty văn phòng phẩm để lấy sổ nhưng chị ấy bảo em mới làm 4 tháng thì chưa có sổ. Bây giờ em muốn làm thủ tục hủy số sổ BHXH ở công ty văn phòng phẩm có được không và cần phải làm những gì để được hủy số sổ cũ. Cả 2 công ty em đều làm ở khu công nghiệp Vĩnh Bảo.
Tại Tiết a, Điểm 1.3, Khoản 1, Điều 33 Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy định về quản lý thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHTN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT (viết tắt là Quyết định số 959/QĐ-BHXH) quy định đối với người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN như sau: “Người lao động nhận sổ BHXH, thẻ BHYT do cơ quan BHXH cấp khi đóng BHXH, BHYT, BHTN đúng quy định” và tại Tiết b, Điểm 1.2, Khoản 1, Điều 34 Quyết định số 959/QĐ-BHXH quy định đối với đơn vị sử dụng lao động khi điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN hằng tháng như sau: “Phối hợp với cơ quan BHXH xác nhận, chốt sổ BHXH cho người lao động khi người lao động chấm dứt HĐLĐ, HĐLV hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, đề nghị Bạn liên hệ với Công ty văn phòng phẩm và yêu cầu đơn vị phối hợp với cơ quan BHXH để cấp, xác nhận trên sổ BHXH thời gian tham gia có đóng BHXH tại Công ty văn phòng phẩm. Sau đó, nộp sổ BHXH cho Công ty Well power để công ty đề nghị cơ quan BHXH ghi, xác nhận thời gian đóng BHXH tại Công ty Well power trên sổ BHXH cho Bạn.
Câu 6: Bạn đọc có địa chỉ mail thuy2k9@gmail.com hỏi:
Tôi tham gia BHXH từ năm 2012, tôi làm hợp đồng cho ban GPMB huyện. Trong Quyết định của tôi có ghi hưởng bậc lương 1/9 hệ số 2.34, thành tiền là 2.691.000 đồng, còn trong hợp đồng lao động chỉ ghi hệ số lương 2,34. Vậy tôi đóng BHXH theo hệ số lương 2.34 hay số tiền 2.691.000 đồng.
Căn cứ quy định tại Điều 90, Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2012; Điều 89 Luật BHXH năm 2014; Điều 14 Luật BHYT năm 2008; Điều 58 Luật Việc làm năm 2013; Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động; trường hợp của Ông/Bà làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) tại Ban Giải phóng mặt bằng huyện thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương ghi trong HĐLĐ do người sử dụng lao động quyết định, không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định tại thời điểm đóng.
Câu 5: Bạn đọc từ địa chỉ email ngocdoan83nb@gmail.com hỏi:
Hiện nay bác tôi đang là Phó chủ tịch HĐND phường, bệnh binh và đã giữ chức danh này từ năm 2000 cho đến nay. Thực hiện Công văn số 3805/BHXH-BT thì bác tôi thuộc chế độ truy nộp BHXH. Vậy năm 2017 trường hợp của bác tôi có được truy đóng theo tinh thần của Công văn số 3805/BHXH-BT nữa hay không.
Kính mong ban biên tập giúp đỡ. Tôi chân thành cảm ơn!
Ngày 29/4/2011, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 1726/BHXH-BT về việc truy thu BHXH đối với cán bộ xã là bệnh binh các hạng; Ngày 8/10/2014 BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 3805/BHXH-BT về việc truy thu BHXH đối với cán bộ xã và đã yêu cầu BHXH địa phương thông báo rộng rãi về đối tượng, thời gian truy thu, thời hạn thực hiện đến 31/12/2015, do đó, vấn đề Ông/Bà hỏi không thực hiện được.
Câu 4: Bạn đọc có địa chỉ email hoasao2508@yahoo.com.vn hỏi:
Trường hợp tôi như sau: Tháng 8/2016 tôi chuyển trường sang huyện ĐakPo dạy. Sau khi chuyển trường tôi mới nhận được quyết định thâm niên (trong thời gian công tác bên trường cũ tôi có làm hồ sơ thâm niên sau 1 năm tôi mới có quyết định). Trong quyết định tôi hưởng 7% thâm niên từ 16/2/2016. Nhưng do tôi chuyển sang huyện khác nên tôi đã rút sổ BHXH vì vậy trong sổ BHXH của tôi chưa có thâm niên từ 02/2016 đến bây giờ. Kế toán trường cũ của tôi lại tính tiền truy lĩnh và tiền bảo hiểm thâm niên từ tháng 02/2016 đến tháng 7/2016 cho tôi rồi. Vậy, giờ tôi muốn đóng tiền bảo hiểm thâm niên từ tháng 2/2016 đến tháng 7/2016 để bảo hiểm huyện cũ họ chốt sổ cho tôi được không? Hay tôi yêu cầu bảo huyện mới Đakpo làm bảo hiểm 8% (coi như tôi đã lấy tiền bảo hiểm 7%) được không?
Căn cứ Khoản 1 Điều 85, Khoản 1 Điều 86, Khoản 1 Điều 89 Luật BHXH năm 2014, trường hợp đơn vị cũ đã trả cho Ông/Bà khoản chênh lệch do điều chỉnh tăng phụ cấp thâm niên nghề bao gồm cả phần trách nhiệm đóng BHXH của Ông/Bà và của người sử dụng lao động thì Ông/Bà có thể đề nghị đơn vị mới truy đóng phần chênh lệch này để làm căn cứ xác nhận sổ BHXH; trường hợp đơn vị cũ trả cho Ông/Bà khoản chênh lệch do điều chỉnh tăng phụ cấp thâm niên nghề không bao gồm phần trách nhiệm đóng BHXH của người sử dụng lao động thì đơn vị cũ có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị truy đóng gửi cơ quan BHXH và xác nhận bổ sung sổ BHXH cho Ông/Bà.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh phát biểu khai mạc Chương trình giao lưu
Câu 3: Bạn đọc từ mail lamnv76@gmail.com hỏi:
Tên tôi là Nguyễn Văn Lâm, sinh ngày 28/8/1976, nơi công tác: Trung ương Hội nông dân Việt Nam. Đầu tháng 01/2017 tôi có nhận được thẻ BHYT do BHXH Hà Nội cấp ngày 19/12/2016, số thẻ : HC4010527200238, nơi khám chữa bệnh ban đầu: Bệnh viện YHCT Bộ Công an, trên thẻ có ghi thời điểm đủ 05 năm liên tục: từ 01/12/2018. Trong khi đó tôi đã tham gia đóng BHXH, BHYT liên tục từ tháng 11/2001 đến nay.
Đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH thành phố Hà Nội kiểm tra, điều chỉnh, thời điểm đủ 05 năm liên tục trên thẻ BHYT của tôi để tôi được hưởng đúng quyền lợi.
Để việc xác định thời gian tham gia BHYT liên tục đảm bảo chính xác, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 3222/BHXH-ST ngày 24/08/2016; Công văn số 4656/BHXH-CNTT ngày 21/11/2016 trong đó quy định “Đối với thẻ BHYT đã cấp mà còn giá trị và thông tin thời gian tham gia liên tục chưa chính xác: BHXH tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn người tham gia BHYT liên hệ với cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT và thực hiện đổi thẻ ngay trong ngày khi nhận đủ thông tin”.
Trường hợp thẻ BHYT của bạn có ghi thời điểm đủ 5 năm liên tục chưa chính xác thì đề nghị bạn liên hệ với Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội nơi cấp thẻ BHYT để được đổi thẻ theo quy định.
Câu 2: Hiện nay BHXH TP.HCM đang thực hiện phiếu đối chiếu quá trình đóng BHXH để trả sổ BHXH cho người lao động lưu trữ, trong quá trình thực hiện, tôi có ý kiến như sau:
Sổ BHXH đang có lưu giữ đầy đủ thông tin quá trình đóng BHXH của người lao động, nhưng hiện nay phiếu đối chiếu quá trình đóng BHXH chỉ thể hiện phần đã đóng BHXH tại BHXH TP.HCM (được trả lời qua điện thoại là BHXH TP không có thông tin nhưng sao sổ in từ Quận lại đầy đủ thông tin và trên trang tra cứu thông tin điện tử của BHXH TP.HCM lại có thông tin), do vậy phần chốt sổ BHXH trên phiếu đối chiếu thời gian tham gia BHXH sẽ ít hơn thời gian thực tế người lao động đã tham gia. Thời gian tham gia BHXH đóng ở Quận trên phiếu đối chiếu ghi thông tin là “Không tham gia”.
Ý kiến: vì phiếu đối chiếu được xây dựng năm 2017 nên đề nghị BHXH ghi nhận đầy đủ thông tin tham gia BHXH của người lao động (bao gồm đóng BHXH tại Quận và TP.HCM). Trường hợp không làm được thì ghi thêm dòng ghi chú:
- Phiếu chỉ thể hiện thời gian đóng BHXH tại BHXH TP.HCM
- Thay thế dòng chữ “Không tham gia” bằng dòng “Không tham gia tại BHXH TP.HCM”. Vì chữ “Không tham gia nghe rất buồn (có tham gia nhưng ghi nhận là không tham gia).
Tại Điểm 1 Công văn số 1527/BHXH-ST ngày 04/5/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc rà soát, trả sổ BHXH cho người lao động quy định: “Trước khi in Mẫu số 03, nhập đầy đủ thời gian công tác đã ghi trên sổ BHXH của người lao động vào cơ sở dữ liệu; thực hiện đối chiếu dữ liệu trên phần mềm quản lý thu và cấp sổ, thẻ với thông tin in trên Mẫu số 03 phải khớp đúng trước khi chuyển cho đơn vị sử dụng lao động (đơn vị) và người lao động”. Vì vậy, BHXH Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện in Phiếu đối chiếu quá trình đóng BHXH (Mẫu số 03) của Bạn chưa khớp đúng với dữ liệu trên phần mềm quản lý thu và cấp sổ, thẻ là không đúng quy định hiện hành.
Câu 1: Bạn đọc từ email levanhobti@gmail.com hỏi: Ngày 28/9/2015 trên trang chinhphu.vn có đăng tin trả lời như sau: Ông Lê Văn Hổ (tỉnh Bến Tre) là cựu chiến binh tham gia quân đội sau ngày 30/4/1975, hiện là hội viên Hội cựu chiến binh Bưu điện tỉnh Bến Tre, được Thủ tướng Chính phủ tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp quốc tế giúp bạn Căm-pu-chia và Kỷ niệm chương của Hội cựu chiến binh Việt Nam. Vậy, ông Hổ có được đổi mã quyền lợi trên thẻ BHYT sang mã quyền lợi 2 không?
Cho tới bây giờ vẫn chưa thấy thông tin gì hết. Xin websitebhxh@gmail.com có thông tin sớm. Xin cảm ơn!
Căn cứ Điểm 2, Khoản 15, Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật BHYT được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/6/2014 quy định: “Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”.
Trường hợp của Ông thuộc diện tham gia BHYT theo đối tượng khác, đồng thời cũng thuộc đối tượng cựu chiến binh tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia sau ngày 30/4/1975. Vì vậy, Ông được đổi thẻ BHYT theo mã quyền lợi hưởng BHYT của đối tượng cựu chiến binh có ký hiệu là số 2 (được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi được hưởng BHYT).
Về thủ tục đổi thẻ, Ông cần cung cấp hồ sơ, giấy tờ liên quan chứng minh đã tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia sau ngày 30/4/1975 và liên hệ với cơ quan BHXH quận (huyện) nơi cấp thẻ BHYT để được giải quyết theo quy định.
BHXHVN
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
(Video) BHXH Việt Nam chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực ...
Quy định mới trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?