Hệ thống BHXH Việt Nam: Tiếp tục triển khai tốt chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau”

23/07/2025 03:05 PM


BHXH Việt Nam vừa có Công văn số 1655/BHXH-TTHT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH tỉnh) về việc tổ chức chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau” hằng năm.

Công văn nêu: Thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, trong 5 năm qua, hệ thống BHXH Việt Nam đã bám sát những nội dung chương trình do Thủ tướng Chính phủ phát động, gắn kết với các mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho người yếu thế, triển khai các chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau” thông qua việc tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước. Chương trình đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và sự đồng hành của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm thuộc các thành phần kinh tế. Qua đó, số người có hoàn cảnh khó khăn được tham gia BHXH, BHYT từ Chương trình tăng lên từng năm, góp phần quan trọng trong thực hiện hiệu quả chủ trương “Không để ai bị bỏ lại phía sau” ngay trong lĩnh vực an sinh xã hội.

Qua đó các hoạt động của hệ thống BHXH Việt Nam số người có hoàn cảnh khó khăn được tham gia BHXH, BHYT tăng lên từng năm

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh chủ động triển khai chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau” hằng năm.

Theo đó, trên cơ sở nội dung chương trình do Thủ tướng Chính phủ phát động, chủ động xây dựng Kế hoạch, phù hợp với việc triển khai nhiệm vụ của đơn vị và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó chú trọng các nội dung sau:

- Tham mưu với Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh triển khai sâu rộng Chương trình nhằm thu hút sự tham gia chủ động, tích cực, trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm vào chủ trương “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong lĩnh vực an sinh xã hội.

- Phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đăng ký tham gia Chương trình, kết hợp với chính quyền địa phương rà soát danh sách người có hoàn cảnh khó khăn, nhóm người yếu thế trên địa bàn phù hợp, đảm bảo danh sách người dân được hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình khách quan, công khai, minh bạch.

- Đề xuất thời gian, địa điểm và hình thức tổ chức các hoạt động hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, nhóm người yếu thế trên địa bàn, đảm bảo kịp thời ngay sau khi các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đăng ký tham gia Chương trình.

- Tiếp tục tuyên truyền rộng sâu, lan tỏa ý nghĩa nhân văn sâu sắc, sự đồng hành thiết thực của BHXH Việt Nam với người có hoàn cảnh khó khăn, nhóm người yếu thế trong cả nước. Gắn việc thực hiện Chương trình với việc thực hiện Hiến định “công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” và mục tiêu “BHXH, BHYT toàn dân” đã được đề ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc ​và nâng cao sức khoẻ Nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH.

Hằng năm, căn cứ vào tình hình cụ thể, BHXH Việt Nam sẽ quyết định việc tổ chức Chương trình tập trung (nếu có) tại những sự kiện, thời điểm nhất định và hướng dẫn BHXH tỉnh thực hiện; bảo đảm thống nhất, tiết kiệm, hiệu quả và ý nghĩa./.

Phạm Chính