BHXH Việt Nam: Triển khai hiệu quả chính sách BHYT, đảm bảo tối đa quyền lợi người khám chữa bệnh trong tình hình mới

18/07/2025 02:00 PM


Sáng 18/7, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả công tác thực hiện chính sách BHYT 6 tháng đầu năm 2025 và nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát chi phí 6 tháng cuối năm; triển khai Nghị định 188/2025/NĐ-CP của Chính phủ. Phó Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa dự và chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu BHXH Việt Nam có đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức cán bộ, Ban Thực hiện chính sách BHYT, Trung tâm Kiểm soát thanh toán BHXH, BHYT điện tử, Trung tâm Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số, Ban Tài chính - Kế toán, Thanh tra BHXH Việt Nam; tại điểm cầu trực tuyến BHXH các địa phương có Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách công tác giám định BHYT và các Phòng nghiệp vụ có liên quan.

Phát biểu mở đầu, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh: Thời gian qua, toàn hệ thống BHXH đã nỗ lực tổ chức triển khai chế độ chính sách BHYT trong 6 tháng đầu năm và đạt được nhiều kết quả rõ rệt. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm 2025, chi phí KCB BHYT có chiều hướng gia tăng nhanh. Bên cạnh đó, nhiều quy định của Nghị định số 188/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 cần triển khai kịp thời, đồng bộ. Do đó, Phó Giám đốc Nguyễn Đức Hòa đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến nắm bắt đầy đủ các nội dung trình bày của các báo cáo viên; tích cực trao đổi, thảo luận, đề ra những khó khăn cũng như những giải pháp để thực hiện chính sách BHYT trong thời gian tới một cách tốt nhất.

Tại Hội nghị, đại diện Ban Thực hiện chính sách BHYT đã báo cáo kết quả công tác thực hiện chính sách BHYT 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, đồng thời phổ biến, hướng dẫn các địa phương thực hiện một số quy định tại Nghị định số 188/2025/NĐ-CP về phạm vi, quyền lợi của người tham gia BHYT, các vấn đề liên quan đến hợp đồng KCB BHYT. Tính đến hết tháng 06/2025, toàn quốc có 12.617 cơ sở y tế có tổ chức KCB BHYT với 2.703 cơ sở đầu mối ký hợp đồng. Tổng cộng đã có 94.730.851 lượt KCB BHYT, tăng hơn 6,5 triệu lượt so với cùng kỳ năm trước; với số chi BHYT hơn 76 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 52,43% dự toán chi KCB trong năm. Trong đó, tháng 3 và tháng 4 có số chi cao nhất, lần lượt là 13.938 tỷ và 13.877,5 tỷ.

Phó Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Trong bối cảnh triển khai thực hiện chính sách BHYT theo chức năng, mô hình tổ chức bộ máy mới, BHXH Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân trong hoạt động KCB BHYT. Kịp thời nắm bắt, hướng dẫn BHXH các địa phương tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. BHXH các tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác tổ chức ký hợp đồng KCB BHYT; kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng KCB BHYT; tổ chức thực hiện giám định BHYT theo quy định của pháp luật BHYT; chi trả chi phí KCB BHYT, bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT; kiểm soát chi phí KCB BHYT, chống lạm dụng, trục lợi chế độ BHYT theo chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Về tình hình xây dựng và triển khai Nghị định 188/2025/NĐ-CP của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã chủ động tích cực, phối hợp với các Vụ/Cục Bộ Tài chính tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT. Trong đó, đáng kể nhất là Nghị định số 188/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT được ban hành ngày 1/7/2025. Trong đó có nhiều nội dung quan trọng như: (1) Nâng mức NSNN hỗ trợ cho một số đối tượng như HSSV từ tối thiểu 30% lên tối thiểu 50%, hỗ trợ nhân viên y tế thôn bản/cô đỡ thôn bản,...; (2) Cơ sở KCB phải bảo đảm điều kiện hoạt động trong quá trình thực hiện hợp đồng; trách nhiệm gửi dữ liệu điện tử, ký số bảng tổng hợp chi phí KCB, xác thực dữ liệu và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản tổng hợp chi phí với bảng kê chi phí KCB BHYT; trách nhiệm rà soát, thuyết minh các nguyên nhân gây vượt dự kiến chi; (3) Trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc ban hành tài liệu hướng dẫn lập dự kiến chi, điều chỉnh dự kiến chi, xác định số chi KCB BHYT vượt dự kiến chi được thanh toán; (4) Không quy định thành lập hội đồng chuyên môn để giải quyết vướng mắc; thời hạn giải quyết vướng mắc đối với chi phí KCB đã đề nghị thanh toán đúng quy định không quá 12 tháng; không quy định thanh toán hồi tố 3 nội dung vướng mắc do cơ sở KCB chưa tuân thủ các quy định trước đó; sửa đổi mức thanh toán theo giá thấp nhất trong trường hợp cơ sở KCB không tự tổ chức đấu thầu thuốc, thiết bị y tế; (5) Thẩm quyền của cơ quan BHXH các cấp trong kiểm tra việc thực hiện hợp đồng KCB BHYT.

Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu tham dự hội nghị cũng cho biết, trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHYT hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Việc hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách BHYT chưa được kịp thời cho một số nhóm đối tượng; còn tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT của một số chủ sử dụng lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi KCB của người lao động; khó khăn trong công tác quản lý đối tượng lao động khu phi chính thức tham gia BHYT; công tác giám định KCB BHYT tại một số cơ sở y tế chưa thực sự chặt chẽ;…

Các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, đặc biệt trong công tác giám định nhằm sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, đảm bảo tối đa quyền lợi của người khám chữa bệnh BHYT. Theo đó, cần tập trung hướng dẫn các cơ sở KCB BHYT xây dựng quy định, tiêu chuẩn điều trị phù hợp với yêu cầu chuyên môn, số lượng giường bệnh, sử dụng hiệu quả thuốc điều trị, điều kiện trang thiết bị và nhân lực; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Tài chính (BHXH Việt Nam) và Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT;…

Điểm cầu trực tuyến các tỉnh, thành phố tham dự hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh: “Ưu tiên hàng đầu trong thực hiện chính sách BHYT, nâng cao hiệu quả công tác giám định của BHXH Việt Nam là đảm bảo quyền lợi đúng, đủ và tốt nhất cho người tham gia BHYT theo đúng các quy định”. Phó Giám đốc cũng yêu cầu BHXH các địa phương tiếp tục nghiên cứu kỹ các quy định, chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả. Đồng thời, Ban Thực hiện chính sách BHYT sớm lập dự toán chi phí KCB BHYT 6 tháng cuối năm 2025; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời hướng dẫn, trả lời những khó khăn, vướng mắc của BHXH các tỉnh, thành phố trong triển khai thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ; thường xuyên tổng hợp, báo cáo lãnh đạo BHXH Việt Nam có văn bản gửi Bộ Y tế, các cấp có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn giải quyết vướng mắc.

Cùng với đó, cần tiếp tục tham gia tích cực trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHYT, đảm bảo phù hợp thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHYT. Tiếp tục đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ; thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, trách nhiệm, hiệu quả công tác giám định, kiểm soát chặt chẽ chi phí KCB BHYT và kiên quyết từ chối thanh toán các chi phí không đúng quy định; thực hiện nghiêm túc việc tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT hằng quý với cơ sở KCB BHYT theo đúng quy định của Luật BHYT.

Phó Giám đốc Nguyễn Đức Hòa yêu cầu các địa phương chủ động nghiên cứu kỹ Nghị định số 188/2025/NĐ-CP, tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm công tác BHYT, đồng thời đề ra phương hướng thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương để đảm bảo thông suốt, thống nhất, đúng quy định./.

Thắng Trần