BHXH tỉnh Yên Bái: Truyền thông, triển khai các giải pháp phát triển thanh toán lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt

17/06/2024 08:47 AM


Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam và Tỉnh ủy Yên Bái giao về vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Trên cơ sở đó, BHXH tỉnh Yên Bái đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện và giao chỉ tiêu cho BHXH các huyện, thị xã; đồng thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh văn bản chỉ đạo các sở, ngành phối hợp cơ quan BHXH tổ chức thực hiện và hướng dẫn BHXH các cấp huyện tham mưu cho UBND cấp huyện ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp thực hiện tại địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền và xác định nhóm người hưởng tiềm năng; phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm, các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn hướng dẫn người lao động khai báo thông tin tài khoản để nhận chế độ qua tài khoản cá nhân ngay từ khi lập hồ sơ đề nghị hưởng các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp,…

Ảnh minh họa

Tính đến tháng 5/2024 trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 38.464 người hưởng chế độ BHXH hàng tháng với số tiền chi trả trên 189 tỷ đồng. Số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua ATM đạt 39.5%; Số người hưởng trợ cấp một lần qua ATM đạt 97%; Số người hưởng trợ cấp BHTN qua ATM đạt 99% so với người hưởng trợ cấp BHTN.

Việc thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư góp phần thực hiện tốt công tác chuyển đổi số của Ngành theo Đề án 06 của Chính phủ, hướng tới theo lộ trình của BHXH Việt Nam là triển khai chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng không dùng tiền mặt trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư; nhằm mục tiêu: Tăng tỷ lệ người nhận các chế độ BHXH qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Rà soát xác thực người hưởng, tình trạng người hưởng để đảm bảo quản lý người hưởng chặt chẽ, chi trả đúng người hưởng, đúng chế độ, tránh lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH. Đồng thời tiến tới cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ, phục vụ tốt hơn nữa chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Việc thúc đẩy chính sách chi trả không dùng tiền mặt là chính sách mang lại thuận lợi cho cả cơ quan quản lý và người dân, đảm bảo công khai, minh bạch; người dân có thể theo dõi, giám sát xuyên suốt quá trình được nhận chi trả đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời và đủ chế độ chính sách mà người dân được hưởng.

Tuy nhiên, việc đồng bộ thông tin người hưởng vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và việc phát triển thanh toán không dung tiền mặt trong công tác chi trả trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn nhất định như: Hiện tại toàn tỉnh có trên 38 nghìn người hưởng chế độ, hiện nay số chưa đồng bộ còn trên 14 nghìn người, chiếm khoảng 37% trên tổng số đối tượng hưởng. Lý do là một số thông tin của người hưởng như: Ngày tháng năm sinh, họ tên, số điện thoại, địa chỉ nơi cư trú; nơi tạm trú… chưa đồng bộ được với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về phát triển thanh toán không dung tiền mặt: Người hưởng vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt hoặc nhiều người hưởng lương hưu lớn tuổi không biết sử dụng thẻ ATM, trí nhớ kém dẫn tới quên mật khẩu thẻ ATM nên không rút được tiền tại cây ATM; mặt khác người hưởng muốn tập trung đến điểm chi trả hàng tháng để gặp gỡ, chuyện trò với nhau. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái chỉ có các cây rút tiền ATM tại các trung tâm thành phố, huyện, thị xã; ở địa bàn vùng sâu, vùng xa không có cây ATM; nên cũng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân đăng ký hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH qua thẻ ATM.

Để triển khai tốt công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm tạo thuận lợi tốt nhất cho người thụ hưởng, góp phần thực hiện tốt Đề án 06, thời gian tới BHXH tỉnh Yên Bái tiếp tục phối hợp với các đơn vị triển khai những giải pháp cụ thể như: Phối hợp với sở, ngành liên quan, các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chủ trương chuyển đổi số, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản ngân hàng; thông tin, tuyên truyền về các sản phẩm, dịch vụ và quy trình, thủ tục thanh toán không dùng tiền mặt; những lợi ích và hiệu quả của việc sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH mở và sử dụng tài khoản, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ tài chính cơ bản để họ hiểu ý nghĩa cũng như các tiện ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó đồng tình ủng hộ và chủ động mở tài khoản để thực hiện giao dịch.

Cùng với đó, phối hợp với lực lượng Công an và cơ quan Bưu điện tại địa phương thành lập các tổ công tác để rà soát, xác minh, cập nhật, làm sạch dữ liệu thường xuyên người hưởng các chính sách an sinh xã hội thuộc phạm vi chi trả của cơ quan BHXH để quản lý chặt chẽ người hưởng, phục vụ công tác chi trả đúng người, đúng chế độ, tránh lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH. Cung cấp cho cơ quan Công an những thông tin cần thiết về người hưởng các chính sách an sinh xã hội thuộc phạm vi chi trả của cơ quan BHXH khi có đề nghị để phục vụ công tác cập nhật thông tin về người hưởng các chính sách an sinh xã hội vào phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Phối hợp với các Ngân hàng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích đến từng người hưởng các chế độ BHXH qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Với những giải pháp như trên, việc thực hiện các bước trong quy trình 2286 của Bộ Công an và BHXH Việt Nam về việc phối hợp triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt hiệu quả, góp phần phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao./.

Thúy Vinh (BHXH tỉnh Yên Bái)