Thúc đẩy triển khai Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam - ILO về việc làm thỏa đáng 2022-2026

26/10/2023 08:30 AM


Ngày 25/10, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng ILO Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy triển khai Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam – ILO về việc làm thỏa đáng 2022-2026”. Ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTBXH) và bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo. Cùng dự có đại diện VCCI, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam và các chuyên gia về lao động việc làm, an sinh xã hội.

Ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTBXH) phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế chia sẻ, Chương trình nghị sự về Việc làm thỏa đáng được Tổng giám đốc ILO phát động từ năm 1999 với 4 trụ cột chính là: tạo việc làm, an sinh xã hội, thúc đẩy quyền của người lao động và đối thoại xã hội. Tại Việt Nam, Chương trình được triển khai từ năm 2006 và đến nay đã là chu kỳ thứ 4.

“Trong ba chu kỳ hợp tác vừa qua, ILO đã đồng hành cùng với các đối tác ba bên của Việt Nam triển khai chương trình việc làm thỏa đáng, góp phần thúc đẩy công bằng và tiến bộ xã hội. Trong ba chu kỳ này, Chính phủ và các đối tác xã hội đã hợp tác cùng ILO tập trung vào việc cải thiện chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng thông qua phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy phát triển toàn diện, công bằng và bao trùm thông qua các chính sách xã hội, cải thiện hệ thống an sinh xã hội, chú trọng hỗ trợ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương và tăng cường quản trị thị trường lao động.” Vụ trưởng Lưu Quang Tuấn thông tin.

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Vụ trưởng cho biết, trong chu kỳ hợp tác lần thứ tư giai đoạn 2022-2026, Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam - ILO về Việc làm thỏa đáng tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề việc làm, phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội; đảm bảo hài hòa giữa quyền lợi của người lao động và của doanh nghiệp, gắn với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia cũng như Chương trình nghị sự về phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Vụ trưởng Lưu Quang Tuấn lưu ý, Hội thảo thúc đẩy triển khai Chương trình khung hợp tác quốc gia về Việc làm thỏa đáng 2022-2026 ngày hôm nay nhằm lan tỏa thông tin về Chương trình và tạo diễn đàn để Bộ LĐTBXH và Văn phòng ILO Việt Nam có cơ hội lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, các địa phương để việc triển khai Chương trình đáp ứng yêu cầu thực tiễn hơn.

Ông Đào Quang Vinh, Chuyên gia tư vấn tham luận tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam cho biết, hồi tháng 3 năm nay, Khung Chương trình hợp tác Quốc gia Việt Nam – ILO về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026 đã được công bố và ký kết giữa đại diện Chính phủ Việt Nam, VCCI, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam và ILO.

Bà Ingrid Christensen chia sẻ, Chương trình này không chỉ được thực hiện ở Việt Nam mà nó được triển khai ở nhiều nơi trên thế giới. Đối với Việt Nam, đây cũng là chu kì thứ 4 của Chương trình. Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam - ILO về Việc làm thỏa đáng đặt ra khuôn khổ để các bên hợp tác và phát triển việc làm thỏa đáng trong đất nước, có cân nhắc tới điều kiện kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, cùng với đó là sự hỗ trợ của ILO.

Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam hy vọng, Hội thảo hôm nay là cơ hội để góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của các bên về Chương trình việc làm thỏa đáng. Bà đồng thời hy vọng các đại biểu sẽ thảo luận thẳng thắn, sâu sắc về chương trình để có thể phát triển và lan tỏa chương trình này hơn nữa.

Quang cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận và cùng nhau trao đổi nhiều nội dung liên quan đến Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam - ILO về Việc làm thỏa đáng 2022-2026, bao gồm các bài học, kinh nghiệm, nỗ lực đảm bảo việc làm thỏa đáng trên toàn cầu và tại Việt Nam, trong đó có tính đến việc làm thỏa đáng trong khu vực phi chính thức; các nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em, lao động cưỡng bức; vai trò của các đối tác xã hội trong các nỗ lực thúc đẩy việc làm thỏa đáng tại Việt Nam.