Tháo gỡ các điểm nghẽn về cải cách thủ tục hành chính
09/09/2023 02:30 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 8/9, phiên họp thứ nhất Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ được tổ chức với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác. Phiên họp thứ nhất được tổ chức trực tuyến, kết nối đầu cầu Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố.
Phiên họp trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, thủ tục hành chính
Theo quyết định thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, Tổ công tác gồm 15 thành viên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm tổ trưởng. Tổ công tác đã xác định nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính cần tập trung chỉ đạo đôn đốc những tháng cuối năm theo nhiệm vụ của từng bộ, cơ quan ngang bộ.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, thủ tục hành chính, giấy tờ công dân đã được phê duyệt gồm: trên 120 thủ tục hành chính, nhóm thủ tục hành chính, giấy tờ công dân của 16 bộ, cơ quan; trên 400 quyết định kinh doanh, nhóm quyết định kinh doanh của 9 bộ, cơ quan; trên 100 thủ tục hành chính, nhóm thủ tục hành chính cần phân cấp thẩm quyền giải quyết của 17 bộ, cơ quan.
Tổ công tác rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tổng thể cắt giảm, đơn giản hóa 13 nhóm quy định, thủ tục hành chính trọng tâm thuộc phạm vi quản lý của 9 bộ, trong đó có 2 nhóm chung của các bộ, cơ quan liên quan. Tổ công tác rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt, giảm, đơn giản hóa 59 nhóm thủ tục hành chính nội bộ trọng tâm ưu tiên trên 12 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của 6 bộ.
Ông Ngô Hải Phan (Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ - Ủy viên thường trực Tổ công tác) cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của Tổ công tác là chỉ đạo thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách tại các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, chỉ đạo xử lý các báo cáo kiến nghị của các cá nhân, tổ chức và Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người dân.
Tại phiên họp này, đại diện các bộ, ngành, địa phương cũng đã báo cáo những kết quả đạt được, nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Đại diện Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, đại diện cộng đồng doanh nghiệp cũng nêu một số ý kiến về vấn đề thủ tục hành chính, đánh giá cao việc Thủ tướng thành lập Tổ công tác trong thời điểm cả nước đang nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Các đại biểu cũng bày tỏ hy vọng, sự vào cuộc của Tổ công tác sẽ sớm giải quyết được những "tắc nghẽn", đặc biệt là tháo gỡ những tắc nghẽn có tác động lớn đối với xã hội về thủ tục hành chính, đáp ứng được mong muốn phát triển kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động và của người dân.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, việc cải cách hành chính không mới nhưng rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho Tổ công tác rất lớn, vì thủ tục hành chính được cải cách và ngày càng đơn giản, hiệu quả hơn sẽ tạo được rất nhiều thuận lợi và thúc đẩy phát triển về mọi mặt.
Việc thành lập Tổ công tác với sự tham gia đầy đủ các bộ, ngành cho thấy tầm quan trọng trong bối cảnh hiện nay, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ tạo được cảm hứng và tạo điều kiện để vượt qua khó khăn. Thời gian qua, công tác cải cách hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính nói riêng đã đạt được nhiều kết quả. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nội dung này, mà gần nhất là ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính 6 tháng cuối năm 2023.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Mặc dù thủ tục hành chính thời gian qua đã có nhiều cải cách theo hướng tinh gọn hơn, nhưng phải thừa nhận rằng đến thời điểm này vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Trách nhiệm của Tổ công tác chính là giải quyết những điểm nghẽn này". Theo Phó Thủ tướng, cải cách thủ tục hành chính còn chậm do một số nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân có nơi, có người không mong muốn sự minh bạch. Bên cạnh đó, thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính còn có sự né tránh, sự phối hợp chưa tốt giữa các bộ, ngành...
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, điểm mới của Tổ công tác lần này là giao định lượng, tiến độ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Tổ công tác, đề nghị các thành viên đeo bám thực hiện nhiệm vụ để hoàn thành mục tiêu đề ra. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, nơi nào người đứng đầu địa phương quan tâm, quyết liệt chỉ đạo thực hiện, thì nơi đó sẽ làm tốt và ngược lại.
Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương cần phân cấp mạnh mẽ. Việc cắt giảm thủ tục hành chính không thực hiện một cách máy móc mà phải đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước, kiểm soát tình hình và thực sự tạo thuận tiện hơn cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số, các bộ, ngành và địa phương cũng cần tập trung cải cách cả quy trình, thủ tục nội bộ của bộ, ngành, địa phương mình.
Đối với những thủ tục chưa thể cắt giảm do quy định của luật, Phó Thủ tướng yêu cầu hạn chót đến ngày 30/9, các bộ, ngành, địa phương phải gửi báo cáo đến Thường trực Tổ công tác để đề xuất phương án với các cơ quan có thẩm quyền.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, luôn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và người dân. đồng thời mong muốn được tiếp nhận thông tin phản ánh gửi đến Tổ công tác. Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ - cơ quan thường trực của Tổ công tác - ban hành văn bản nêu rõ những nhiệm vụ và thời hạn hoàn thành cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương từ nay đến cuối năm; nhấn mạnh kết quả thực hiện những nhiệm vụ này sẽ là một trong những cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm của từng bộ, ngành, địa phương.
Nâng cao năng lực phản ứng chính sách
Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố Quyết định thành lập Tổ công tác. Theo công bố, vào ngày 6/8/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Tổ trưởng Tổ công tác là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Tổ phó Tổ công tác gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (Tổ phó thường trực); Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; lãnh đạo Bộ Công an là Tổ phó thường trực Tổ công tác triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030".
Các thành viên Tổ công tác là lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội và Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ (Ủy viên thường trực).
Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương theo các văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tổ kịp thời nắm bắt, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các báo cáo, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người dân về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân (bao gồm cả những quy định dự kiến ban hành trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật). Định kỳ hoặc đột xuất, Tổ công tác làm việc với Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức liên quan để lắng nghe, nhận diện các khó khăn, vướng mắc và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ.
Tổ công tác cũng đồng thời giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách của các bộ, ngành, địa phương; nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến, giải pháp thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách và thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Bản tin Audio số 46 - Tuần 2 tháng 1/2025
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?