Sửa Luật BHYT: Đảm bảo tính thực tiễn trong áp dụng chính sách
29/06/2023 08:30 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ Y tế và Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về dự án Luật BHYT (sửa đổi). Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa…
Sự cần thiết trong việc sửa đổi Luật BHYT
Thông tin tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, việc thực hiện chính sách BHYT đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cả về độ bao phủ, quyền lợi người tham gia BHYT và chất lượng KCB. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cho thấy, Luật BHYT hiện hành vẫn còn một số tồn tại, bất cập do nội tại các quy định của văn bản luật và những yếu tố mới phát sinh chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ để giải quyết; thậm chí một số văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, chưa đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Bên cạnh đó, năng lực, điều kiện cơ sở vật chất và công tác quản lý cũng chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân; cơ chế tài chính chưa tạo động lực cho sự phát triển của y tế cơ sở; chưa cụ thể, rõ ràng trong quy trình thanh quyết toán, giám định chi phí KCB BHYT…
Do đó, từ cuối năm 2018, Bộ Y tế cùng với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan đã nghiên cứu, xây dựng Luật BHYT (sửa đổi). Theo đó, lần sửa đổi này dự kiến sẽ điều chỉnh 5 nhóm chính sách lớn, đó là: Mở rộng đối tượng tham gia; mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT; đa dạng các loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở; bảo đảm tính minh bạch, công khai, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan BHXH trong hoạt động giám định; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ BHYT.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo.
Khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi Luật BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh: “Thực tế cho thấy, Luật BHYT đã góp phần quan trọng tạo cơ chế chính sách để hiện nay chúng ta đạt độ bao phủ hơn 91%. Do đó, dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) phải căn cứ vào những vấn đề cấp thiết trên thực tế để thực thi tốt hơn. Đồng thời, cũng phải làm rõ việc xây dựng Luật BHYT lần này là sửa đổi lại toàn bộ hay chỉ là sửa đổi, bổ sung”.
Đặc biệt, theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa, các khái niệm được quy định trong Luật BHYT (sửa đổi) lần này cũng cần được làm rõ. Thứ nhất, về khái niệm công tác giám định BHYT- theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thực tế tại Việt Nam, cần định nghĩa rõ lại trong luật về trách nhiệm của cơ quan BHXH trong thực hiện nhiệm vụ “giám định” này là: Kiểm soát chi phí KCB BHYT trên cơ sở kiểm tra, kiểm soát, đối chiếu các yêu cầu thanh toán của cơ sở KCB với các quy định pháp luật, nhằm xác định chi phí thanh toán, quyết toán theo chế độ BHYT.
Phó Tổng Giám đốc cũng đề nghị, Luật BHYT (sửa đổi) cần phải có định hướng thay đổi phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT (hiện chủ yếu theo giá dịch vụ) và thay đổi có lộ trình, để khắc phục những vướng mắc hiện nay. Đồng thời, có giải pháp quản lý thấu đáo việc thực hiện “thông tuyến” KCB BHYT hiện nay; thống nhất tên gọi cụ thể của tổ chức thực hiện chính sách BHYT xuyên suốt toàn bộ dự thảo luật...
Xác định rõ các vấn đề ưu tiên
Nhấn mạnh cần làm rõ mục tiêu của việc sửa đổi Luật BHYT lần này, bà Nguyễn Thị Kim Phương- Chuyên gia lĩnh vực tài chính y tế và BHYT (Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam- WHO) đề nghị dự thảo luật cần phải làm rõ một số khái niệm, thống nhất tên gọi để không gây những hiểu nhầm, khó hiểu trong quá trình thực hiện. Cụ thể như thống nhất tên gọi cụ thể của tổ chức thực hiện chính sách BHYT xuyên suốt toàn bộ dự thảo luật là tổ chức BHXH (cơ quan đang được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách BHYT). Bà Phương cũng lưu ý, tổ chức BHXH là chủ thể quan trọng trong thực hiện chính sách BHYT, tuy nhiên hiện trong dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) vẫn chưa nêu rõ trách nhiệm của cơ quan này về BHYT trong một nội dung riêng biệt và rõ ràng.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa phát biểu.
Đánh giá “nếu Luật BHYT không sửa đổi toàn bộ thì sẽ có rất nhiều vướng mắc”, bà Tống Thị Song Hương- Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam cũng đề nghị: Dự thảo Luật BHYT đang xây dựng cần làm rõ các khái niệm như: KCB BHYT ban đầu, cấp KCB ban đầu, BHYT hộ gia đình, cấp cứu, hay khái niệm thế nào là “vượt quá khả năng chuyên môn”... Bà Hương cho rằng, cần có một chương quy định rõ về công tác giám định, trong đó làm rõ về quyền và trách nhiệm của cơ quan thực hiện, người bệnh, cơ sở y tế; xử lý khi có tranh chấp... Bên cạnh đó, cần xác định rõ phạm vi quyền lợi người bệnh BHYT, mức hưởng phù hợp với việc phân cấp cơ sở y tế của Luật KCB, quy định “thông tuyến” trong giai đoạn tới; cũng như xác định các điều kiện và tiêu chuẩn của cơ sở y tế ký hợp đồng KCB BHYT...
Chia sẻ quan điểm về những vấn đề cần ưu tiên trong xây dựng Luật BHYT (sửa đổi), bà Nguyễn Khánh Phương- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho rằng, điểm nhấn đột phá của luật cần tập trung vào quyền lợi người tham gia BHYT, đồng thời đảm bảo tính bền vững về tài chính của quỹ BHYT và quan hệ giữa các bên. Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc "sự đánh đổi giữa các ưu tiên".
Trong việc mở rộng quyền lợi BHYT, bà Phương cho rằng, khi xây dựng gói quyền lợi, với danh mục các dịch vụ y tế được thanh toán, cần kèm theo mức độ thanh toán, có thể bao gồm cả điều kiện thanh toán, quy định mức giới hạn được thanh toán. "Thực tế việc tăng cường kiểm soát và hạn chế chỉ định dịch vụ đắt tiền khá phổ biến tại các hệ thống BHYT xã hội, kể cả các nước phát triển như Anh, Hàn Quốc... Việc áp dụng đồng chi trả cần được xem xét kỹ lưỡng, có sự điều chỉnh theo loại dịch vụ, tuyến y tế"- bà Phương chia sẻ; đồng thời lưu ý thêm, việc xác định phạm vi gói quyền lợi cần dựa trên tính toán cân đối giữa chi phí và dự báo khả năng cân đối thu-chi của quỹ BHYT...
Một trong những nội dung được quan tâm tại Hội thảo là quy định mới về BHYT bổ sung. Theo đại diện WHO, dự thảo đề cập đến 2 loại hình là BHYT và BHYT bổ sung. Do đó, Ban soạn thảo cần phân định rõ khái niệm của 2 loại hình này, bởi “2 loại hình khác nhau về mục đích, đặc điểm, cách làm, không nên gộp chung...”.
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo.
Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xác định rõ, để không chồng chéo nguồn quỹ thực hiện y tế dự phòng và BHYT chi trả cho dự phòng bệnh; cũng như cân nhắc mở rộng dịch vụ chi trả BHYT đến mức hợp lý và phải có lộ trình phù hợp. Theo ông Mai, vấn đề này liên quan đến 3 lộ trình của 3 vấn đề mà ngành Y tế phải thực hiện, đó là: Lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; lộ trình tăng mức đóng BHYT; lộ trình tăng quyền lợi người tham gia BHYT.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hoàng Mai, BHYT bổ sung là vấn đề hoàn toàn mới và chưa được làm rõ, nên cần tách biệt và có hội nghị chuyên sâu về BHYT bổ sung. “Chúng ta mong muốn quỹ BHYT đáp ứng nhu cầu cao, nhưng Bộ Y tế cần phải đánh giá kỹ tác động cho các đề xuất chính sách để đảm bảo hiệu quả thực tế, khả năng đáp ứng của quỹ...”- ông Mai lưu ý. Đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cần phải bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT trong phạm vi quyền lợi được hưởng…
Tiếp thu các ý kiến góp ý, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chia sẻ: “Luật BHYT lần này sẽ sửa đổi toàn diện thay thế luật hiện hành, nhằm thể chế quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Luật phải đồng bộ với các luật hiện hành, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời sẽ từng bước đổi mới phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT theo DRG... Do đó, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa dự thảo luật”.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?