Tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

03/06/2022 11:09 AM


Chiều 2/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung để tham mưu Chính phủ và tăng cường thanh tra, kiểm tra để thực hiện tốt việc quản lý thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách tốt nhất - Ảnh: quochoi.vn

Thực hiện tốt việc quản lý thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách tốt nhất

Giải trình một số nội dung đại biểu hỏi về lập dự toán ngân sách, đặc biệt là dự toán thu ngân sách không sát với thực tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, vì niên độ tài khóa đến ngày 31/12 dương lịch, như vậy, khi lập dự toán theo Luật Ngân sách là khoảng tháng 9 và tháng 10, có nghĩa khoảng 4 tháng nữa mới hết năm ngân sách, nên ước thực hiện nhiều lúc chưa sát.

Vấn đề thứ hai liên quan đến chi cho giáo dục, đào tạo, trong những năm qua, việc chi cho giáo dục, đào tạo đảm bảo theo yêu cầu của Luật Giáo dục, tức là trên 20%, ý kiến của đại biểu Quốc hội thống kê chưa cộng đầu tư xây dựng cơ bản.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng giải trình nội dung về vấn đề dự phòng ngân sách là 1.150 tỷ đồng được chi vào đầu tư xây dựng cơ bản, mà chi vào đầu tư phát triển rất tốt. Đầu tư công của gồm có các loại: Theo kế hoạch giao từ đầu năm và nguồn vượt thu ngân sách. Vượt thu ngân sách thuộc thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội. Còn dự phòng ngân sách đã được Quốc hội giao là thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, mà Thủ tướng đã bổ sung cho hơn 30 tỉnh đầu tư công trình xây dựng cơ bản thuộc lũ lụt. Như vậy, đến hết niên độ ngân sách thì được kéo dài theo Luật Đầu tư công, chúng ta sẽ quyết toán 850.236 tỷ đồng, số còn lại là 291,9 tỷ đồng sẽ quyết toán vào năm 2021.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải trình là sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, từ Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, Luật PPP và Luật Đất đai. Hiện nay trong thực tiễn còn rất "mắc".

Về đền bù giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật, dự toán, đấu thầu xong mới đền bù giải phóng mặt bằng thì 1 năm sau mới triển khai được dự án.

Về vấn đề định mức kinh tế kỹ thuật như các đại biểu Quốc hội có ý kiến, chẳng hạn sử dụng ô tô, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng để sửa đổi Nghị định 04 về định mức ô tô. Lúc đó định mức ô tô sẽ căn cứ vào đơn vị hành chính, căn cứ vào diện tích, địa hình. 

Vấn đề về quản lý, điều hành, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, trong chi thường xuyên đã rất tiết kiệm. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thêm, sẽ tập trung tham mưu Chính phủ và tăng cường thanh tra, kiểm tra để thực hiện tốt việc quản lý thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách tốt nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp - Ảnh: quochoi.vn

Phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 đạt kết quả tích cực

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua phiên làm việc một cách tích cực, khẩn trương, nghiêm túc đã có 24 ý kiến phát biểu, nội dung thảo luận đã tập trung toàn diện, toàn diện, các ý kiến phong phú, thẳng thắn, sâu sắc, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với các vấn đề trọng tâm của việc phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Đại biểu cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ, báo cáo của cơ quan thẩm tra, các báo cáo được xây dựng công phu, có đổi mới, có số liệu, dẫn chứng, lập luận phản biện tốt, nêu được các tồn tại, một số nguyên nhân và các giải pháp khắc phục.

Về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020, các đại biểu đánh giá cao việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức. Song, dưới sự sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt.

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp nâng cao chất lượng quản lý điều hành ngân sách, quản lý chặt chẽ các khoản chuyển nguồn, tạm ứng sử dụng, kết dư ngân sách… 

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với báo cáo đánh giá của Chính phủ, báo cáo thẩm tra. 

Các đại biểu cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần huy động thêm nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để phục vụ công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ kết quả tiết kiệm, sử dụng nguồn tiết kiệm, đánh giá rõ hơn về sắp xếp bộ máy, về chất lượng, về nguyên nhân chủ quan, chỉ rõ nơi nào ai làm tốt, nơi nào ai làm chưa tốt hoặc vi phạm pháp luật, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cùng với đó, đề nghị rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật, cụ thể hóa quan điểm của Đảng về khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm bằng các chính sách cụ thể, tập trung khắc phục các tồn tại, bất cập đã được nêu ra trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo của các cơ quan thẩm tra.