Huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum): Số người tham gia BHXH tự nguyện không ngừng gia tăng

01/07/2021 06:32 PM


Phát huy kết quả nổi bật về phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện của năm ngoái, 6 tháng đầu năm 2021 BHXH huyện Đăk Glei tiếp tục dẫn đầu toàn tỉnh về chỉ tiêu này. Tính đến cuối tháng 6/2021, toàn huyện có 1.224 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 108% kế hoạch 6 tháng đầu năm, đạt 84,5% kế hoạch năm.

Đăk Glei là huyện miền núi, có 10/12 xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 90% dân số, mức thu nhập thấp, không ổn định, đời sống người dân lắm nỗi nhọc nhằn, để phát triển mạnh số người tham gia BHXH tự nguyện, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị.

Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến người dân huyện Đăk Glei

Giám đốc BHXH huyện Đăk Glei Thái Đông Hải cho biết: tính đến cuối năm 2019, sau 12 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, toàn huyện có 222 người tham gia, rất thấp. Nguyên nhân phần lớn người dân thiếu thông tin về chính sách BHXH tự nguyện. Trước thực tế đó, BHXH huyện đã triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phù hợp điều kiện của địa phương, ưu tiên đẩy mạnh truyền thông hướng về cơ sở, gần dân, hiểu dân, tạo dựng, củng cố niềm tin trong Nhân dân vào chính sách BHXH, BHYT nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng, đưa chính sách lan tỏa khắp tận thôn, làng, tích cực góp phần thúc đẩy bao phủ BHXH tự nguyện trên diện rộng.

Một số giải pháp hữu hiệu có thể kể đến đó là, BHXH huyện đề xuất UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT (BCĐ) cấp huyện, chỉ đạo UBND xã thành lập BCĐ cấp xã và ban hành quy chế hoạt động từng cấp. Theo đó, với tư cách cơ quan Thường trực BCĐ của huyện, BHXH huyện chủ động phối hợp các đơn vị thành viên, đặc biệt là UBND xã, thị trấn, tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, lồng ghép tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Các hội nghị được tổ chức cả ban đêm tận nhà rông Văn hóa cộng đồng từng thôn làng, tuyên truyền bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số, kết hợp phát hành tờ gấp bằng cả 2 thứ tiếng. Tại các hội nghị, bà con được hướng dẫn thấu đáo, được cung cấp số điện thoại đường dây nóng, số điện thoại của Giám đốc và viên chức nghiệp vụ để được tư vấn, giải đáp thắc mắc, cung cấp thêm thông tin cần thiết, tiếp tục tạo dựng và củng cố niềm tin đối với người dân vào chính sách BHXH tự nguyện. Qua kênh tuyên truyền này, người dân được trực tiếp trao đổi, chia sẻ, giải tỏa boăn khoăn, được tư vấn cụ thể về kế hoạch tiết kiệm tương thích với đặc thù của điều kiện mỗi gia đình để tham gia bền vững, điển hình như: đối với người buôn bán hoặc làm thuê, làm công, gần như có thu nhập hàng ngày, định hướng tham gia theo tháng, nhằm chia nhỏ mức đóng để không áp lực về phí đóng; đối với nhà nông thì đóng theo chu kỳ thu hoạch mùa màng hoặc vòng đời sản vật nuôi trồng, để không phải chạy vạy đồng tiền cho mỗi kỳ phí… tùy thuộc vào mức thu nhập, tư vấn lựa chọn mức phí đóng phù hợp, sao cho hoàn toàn không ảnh hưởng đến chi tiêu thiết yếu hàng ngày, giúp tham gia bền vững, giảm thiểu tối đa tình trạng dừng đóng, ngắt quãng đóng do “đuối sức”.

Tại một hội nghị tuyên truyền ở làng Đăk Ung, xã Đăk Nhoong, có trên 70 người dự, đăng ký tham gia 25 người, trong đó, 12 người nộp tiền tại chỗ cho nhân viên đại lý thu thuộc UBND xã. Anh A Tương vừa đóng tiền cho đại lý thu vừa nói: - mình làm thuê, thu nhập thấp, chỉ chọn mức đóng 154.000 đồng/tháng, Nhà nước hỗ trợ 15.400 đồng/tháng, mình chỉ còn đóng 138.600 đồng/tháng. Tính ra mỗi ngày để dành chưa tới 5.000 đồng, ít hơn gói mì tôm giá rẻ, cũng đủ để đóng.

Cùng với kênh tuyên truyền trực tiếp, BHXH huyện đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức khác, như: ký kết quy chế/kế hoạch/chương trình phối hợp với nhiều đơn vị liên quan; mở rộng, phát triển hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT; phát thanh lưu động bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số; làm phóng sự, phát thanh trên Đài Truyền hình - Truyền thanh huyện; phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh không dây của các xã, thị trấn; tuyên truyền trực quan bằng pano, áp phích, băng rôn, phướn, phát hành tờ gấp; tổ chức quầy tư vấn tại chợ; tổ chức các buổi thảo luận nhóm; thăm hộ gia đình; đối thoại chính sách; tư vấn; mở Chuyên mục “Chính sách BHXH, BHYT” trên Trang Thông tin điện tử huyện…

Ông Đỗ Sum - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei, Trưởng ban Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện cho biết: xác định phát triển BHXH tự nguyện là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, cần sự vào cuộc cả cả hệ thống chính trị. Ban Chỉ đạo duy trì giao ban hàng quý đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác BHXH, BHYT nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng để có những chỉ đạo kịp thời, sát thực tiễn. Giao BHXH huyện - cơ quan thường trực BCĐ, chủ động kết nối triển khai đồng loạt các giải pháp, trong đó, chú trọng tuyên truyền trực tiếp tại thôn, làng, tổ dân phố, đưa chính sách BHXH tự nguyện lan tỏa sâu rộng vào đời sống, tạo chuyển biến nhận thức tích cực trong quần chúng Nhân dân, thúc đẩy mạnh mẽ số người tham gia BHXH tự nguyện.

Tính đến hết tháng 6/2021, toàn huyện có 1.224 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng mạnh nhất là từ năm 2020 đến nay, gấp trên 5,5 lần so 12 năm trước cộng lại, tính từ ngày chính sách BHXH tự nguyện ra đời - 01/01/2008; đến nay đạt 108% kế hoạch 6 tháng đầu năm, đạt 84,5% kế hoạch năm 2021, dẫn đầu toàn tỉnh về phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện, chính thức từ cuối quý I-2021, BHXH huyện Đăk Glei gia nhập “Câu lạc bộ 1.000”, một trong ba đơn vị trong tỉnh Kon Tum có số người tham gia BHXH tự nguyện từ 1.000 người trở lên.

Với kết quả đạt được, liên tục trong 5 tháng đầu năm 2021, BHXH huyện Đăk Glei được BHXH tỉnh trao tặng Giải Nhất hàng tháng. Theo đà này, BHXH huyện Đăk Glei phấn đấu trở thành đơn vị “cán đích” đầu tiên về phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2021, tích cực góp phần quan trọng vào công tác an sinh xã hội ở địa phương./.

Thái Đông Hải