Thụy Điển và chính sách an sinh xã hội hoàn hảo

06/03/2018 10:40 AM


Hệ thống BHYT của Thụy Điển gắn liền với BHXH, nghĩa là bất cứ ai sống và làm việc ở Thụy Điển đều có khả năng tiếp cận và được bảo hiểm về mặt sức khỏe.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Một người ốm ở Thụy Điển thường không phải là một gánh nặng cho gia đình. Bởi ngoài việc công ty nơi người đó làm việc vẫn phải trả tới 80% tiền lương hàng ngày (trừ ngày ốm đầu tiên phải đi khám bệnh), nếu bệnh kéo dài quá 14 ngày, lúc đó BHXH Thụy Điển sẽ can thiệp và giúp người bệnh chi trả các khoản chi phí.

Khi khám bệnh, chi phí khám bệnh mà người bệnh phải trả rơi vào khoảng 100-200 SEK (13- 25 USD), và tối đa là 300 SEK (37 USD) nếu phải khám bác sĩ chuyên khoa. Còn chi phí nằm viện sẽ rơi vào khoảng 80 SEK/ngày (10USD/ngày). Chi phí tối đa mỗi năm cho 1 người ở Thụy Điển là 1.100 SEK (134USD) cho khám bệnh và 2,200 SEK (267USD) cho cả khám bệnh và kê đơn. Nhưng hầu hết các chi phí này đều do BHYT chi trả.

Tuổi thọ trung bình của người Thụy Điển hiện nay là 83 tuổi đối với phụ nữ và 79 tuổi với đàn ông, ở mức cao thứ 2 trên thế giới và chỉ sau Nhật Bản. Bên cạnh các yếu tố khác như di truyền, khi hậu, môi trường, tuổi thọ cao ở Thụy Điển là nhờ một phần không nhỏ vào hệ thống BHYT khá công bằng và toàn diện ở nước này.

Bên cạnh những ưu việt về BHYT, có lẽ cũng cần nhắc một chút tới hệ thống giáo dục và nghiên cứu ở đất nước Thụy Điển.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Quyền bình đẳng và được hưởng giáo dục miễn phí đối với trẻ từ 6 tuổi là một trong những cột trụ trong hệ thống an sinh của Thụy Điển. Cha mẹ các bé ở từ 1 tuổi rưỡi trở lên ở Thụy Điển không bao giờ phải chi trả mức chi phí quá 3% thu nhập của họ (tối đa là 1.260 SEK) cho con cái học ở nhà trẻ. Qui định này áp dụng cho cả nhà trẻ công lập lẫn nhà trẻ tư nhân. Điều này khuyến khích toàn bộ trẻ em được đến trường để học tập và phát triển tính cách cá nhân, từ đó các bậc phụ huynh sẽ bớt lo lắng và tập trung cho công việc của mình.

Khi trẻ được 6 tuổi, phần lớn trẻ đều tham gia lớp dự bị tiểu học (một dạng như lớp vỡ lòng, nhưng không bắt buộc) trước khi bắt đầu 9 năm phổ cập giáo dục hoàn toàn miễn phí.

Ngoài các lớp học thông thường, phổ cập giáo dục ở Thụy Điển còn gồm các trường học Sami, trong đó dạy cả tiếng Thụy Điển lẫn tiếng Sami (người dân gốc ở bán đảo Bắc Âu) cho trẻ có bố mẹ là người Sami, các trường học cho trẻ tàn tật, và các chương trình giáo dục cho trẻ bị thiểu năng trí tuệ…

Sau 9 năm học phổ cập giáo dục, thanh niên Thụy Điển có thể tiếp tục bậc đại học, học phí do trợ cấp của nhà nước và được hưởng các khoản vay học tập cực kỳ ưu đãi. Sinh viên nghèo được vay các khoản vay ưu đãi, và chỉ phải trả khi có thu nhập ổn định, kỳ hạn trả các khoản vay này là tới khi về hưu. Chính vì vậy, khoản tiền phải trả chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong phần thu nhập của mỗi người khi họ có việc làm.

Theo quy định của luật pháp Thụy Điển, khi một người trong độ tuổi lao động bị mất việc, người đó sẽ nhận được khoản BH thất nghiệp với số tiền tương ứng với tỉ lệ lương mà người đó nhận vào thời điểm gần nhất nếu họ tham gia vào môt chương trình BH thất nghiệp trước đó, trong trường hợp không tham gia chương trình bảo hiểm nào, người đó vẫn sẽ nhận được một khoản tiền trợ cấp từ BHXH, nhưng số tiền này sẽ ít hơn…

PV