Tiếp tục rà soát, đảm bảo chất lượng cao nhất cho Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

07/03/2024 09:05 AM


Chiều 06/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc làm việc với Thường trực cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhằm rà soát dự án Luật. Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng chủ trì cuộc làm việc.

Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thường trực Ủy ban Xã hội và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tham dự cuộc làm việc.

Toàn cảnh cuộc làm việc (Ảnh quochoi.vn)

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là dự án luật khó, có tác động lớn đến đời sống của người dân, cũng như đến các chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, tại Phiên họp thứ 25, sau khi thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận về nội dung này, trong đó đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động đối với từng nội dung sửa đổi. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, nguyên tắc là thể chế hóa những nội dung, yêu cầu của cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW. Đối với các nội dung có tác động lớn, nhạy cảm thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, cần lưu ý các vấn đề cụ thể về: Hội đồng quản lý quỹ bảo hiểm xã hội; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; quản lý thu quỹ bảo hiểm xã hội; thẩm quyền của cơ quan bảo hiểm xã hội; điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu; về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần; xác định hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội và mức xử phạt; về quản lý quỹ bảo hiểm xã hội… Nêu lên những vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, đại diện cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan cho ý kiến; trên cơ sở đó các cơ quan chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy.

Tại cuộc làm việc, đại diện Thường trực Ủy ban Xã hội đã báo cáo tóm tắt một số nội dung lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Các đại biểu cũng đã tập trung cho ý kiến, làm rõ những vấn đề được nêu trong báo cáo của Thường trực Ủy ban Xã hội như: quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần; tác động của cải cách chính sách tiền lương đến các quy định có liên quan của dự thảo Luật; các chế độ bảo hiểm xã hội có liên quan đến lĩnh vực y tế …

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc làm việc (Ảnh quochoi.vn)

Kết luận sơ bộ cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đặc biệt, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính… đã giải trình và làm sáng tỏ nhiều vấn đề tại cuộc làm việc.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao Ủy ban Xã hội đã phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, làm việc nghiêm túc, tích cực nhằm tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Đáng chú ý, Thường trực Ủy ban Xã hội đã tổ chức 6 cuộc họp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan; tổ chức phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng nhằm cho ý kiến về các nội dung lớn báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với những vấn đề Thường trực Ủy ban Xã hội đặt ra nhưng chưa được trả lời hoặc làm rõ tại cuộc làm việc này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan cần sớm có văn bản trả lời, làm rõ. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các báo cáo, Hồ sơ và giải trình đầy đủ các nội dung để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục lắng nghe ý kiến góp ý nhiều chiều của các cơ quan liên quan, của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp như doanh nghiệp, người lao động... nhằm bảo đảm chất lượng dự thảo Luật tốt nhất khi trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV.