Giữ chân NLĐ sau đại dịch Covid-19: Cần chú trọng hơn đến các chế độ phúc lợi, BHXH, BHYT

16/06/2022 02:24 PM


Tại Hội thảo “Giữ chân NLĐ sau đại dịch Covid-19”, do Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh Long An, BQL Khu kinh tế tỉnh Long An và Tập đoàn ManpowerGroup Việt Nam tổ chức , bên cạnh đề xuất giải pháp, các đại biểu đều cho rằng "muốn giữ chân NLĐ, không chỉ đáp ứng được mức thu nhập, mà quan trong hơn là phải chú trọng đến các chế độ phúc lợi, BHXH, BHYT cho NLĐ".

Ông Phạm Anh Thắng- Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cùng với thực hiện các chính sách trên, đặc biệt là triển khai quyết liệt chiến lược tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của Chính phủ, đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, tình hình kinh tế-xã hội đã khởi sắc, hầu hết các ngành, lĩnh vực đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng trở lại. Theo đó, thị trường lao động dần phục hồi, khi trong quý I/2022, lực lượng lao động là 51,2 triệu người, tăng 440.000 người so với quý IV/2021; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,1%, tăng 0,4% với quý trước; số NLĐ có việc làm là 50 triệu người, tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, nhưng chủ yếu ở khu vực phi chính thức.

Toàn cành Hội thảo (nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, nhu cầu lao động tăng trở lại, trong đó nhu cầu tuyển dụng năm 2022 của DN là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021, chủ yếu là lao động phổ thông, lao động không yêu cầu có bằng cấp, chứng chỉ (chiếm 75%); số lao động thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần (quý I/2022 giảm 489.000 người so với quý IV/2021. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động quay trở lại chiều hướng tích cực, trong đó giảm lao động trong khu vực nông nghiệp và tăng lao động trong khu vực công nghiệp, dịch vụ so với quý IV/2021 (tỷ lệ lao động nông nghiệp- công nghiệp- dịch vụ hiện tại là 27,8%- 33,5%- 38,7%). Thu nhập của NLĐ tăng dần, tăng 6,4 triệu đồng quý I/2022, tăng 20,1% so với quý IV/2021 và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, bên cạnh những tín hiệu khởi sắc, cũng còn một số vấn đề đáng quan tâm như: Nguồn cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao. Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ, riêng trong quý I/2022 xảy ra sự thiếu hụt cục bộ khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...

Trình độ NLĐ chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu công nghệ, nhất là giai đoạn phục hồi, nhiều DN đang rất tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0. Cơ cấu lao động giữa khu vực chính thức và phi chính thức chưa trở lại trạng thái trước khi có dịch bệnh và đang thiếu những động lực tích cực để thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ số lao động phi chính thức sang chính thức. Khả năng kết nối cung-cầu, giới thiệu việc làm đáp ứng yêu cầu thị trường cũng chưa thực sự đáp ứng được thực tế.

Theo ông Mai Văn Nhiều- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An, từ nay đến cuối năm, tỉnh Long An cần khoảng 51.000 lao động. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2022, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh khoảng trên 20.000 lao động. Chính vì vậy, nhu cầu về nhân lực, giải pháp để tuyển dụng, giữ chân NLĐ đang là vấn đề hết sức “đâu đầu” với nhiều lãnh đạo đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Đại Tánh- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Long An cũng cho biết, dự báo trong năm 2022, các DN trên địa bàn Long An có nhu cầu tuyển dụng trên 51.000 vị trí việc làm. Trong đó: Lao động phổ thông chiếm 71,8%; lao động chế biến, chế tạo chiếm 17,75%; lao động kỹ thuật cơ khí, công nghệ chiếm 7,57%; lao động kinh tế, văn phòng chiếm 7,58%.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Làm thế nào để giữ chân NLĐ?

Ông Lê Thanh Nghiêm- Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Long An cho biết, hiện nguồn nhân lực trên địa bàn Long An tương đối ổn định. Tuy nhiên, làm sao để giữ chân NLĐ là cả một vấn đề rất lớn khiến nhiều đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh hết sức “đau đầu”.

Trước mối lo chung này, bà Nguyễn Thu Trang- Giám đốc Tuyển dụng Cấp cao và Tư vấn Nhân sự của ManpowerGroup Việt Nam cho biết: “Sau đại dịch Covid-19, tư duy cũng như nhận thức của NLĐ về vấn đề việc làm đã có nhiều thay đổi. Cụ thể, việc đảm bảo thu nhập ổn định cho NLĐ chưa chắc đã là yếu tố quyết định giữ chân NLĐ, mà nhiều NLĐ đã có những suy nghỉ khác như quan tâm về “thu nhập” phi chính thức nhiều hơn. Nghĩa là, cũng với mức lương đó, thậm chí thấp hơn, nhưng họ quan tâm nhiều đến chế độ phúc lợi xã hội có được đảm bảo hay không, môi trường làm việc có tốt hơn không? Đó chính là nguồn thu sau lương, nhằm đảm bảo cho họ một cuộc sống ổn định khi về già, như việc tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Anh Nguyễn Đồng Công- một cán bộ nhân sự của DN sản xuất thức ăn ở tỉnh Long An lại băn khoăn: “Dường như Hội thảo chỉ đối thoại một chiều về việc chăm lo quyền lợi để giữ chân NLĐ, trong khi DN hết sức khó khăn về tài chính thì làm sao để NLĐ có thể thông cảm và chia sẻ với DN?”...

Vấn đề này, bà Đặng Hải Hà- Nhà sáng lập Respect Việt Nam & Weat work.co cho rằng, khi một đơn vị, DN gặp khó khăn, bằng chứng là giữa đại dịch Covid-19 mà để NLĐ quay lưng lại với DN, thì chúng ta cần phải xem lại cách ứng xử của ban lãnh đạo với NLĐ đã thật sự tốt hay chưa? Bà Hà dẫn chứng, giữa đại dịch Covid-19 đã có một DN chuyên kinh doanh về du lịch, nhà hàng, khách sạn của Việt Nam đứng trước bờ vực phá sản. Ngay thời điểm này, NLĐ ký cam kết không nhận lương tháng đầu, tháng tiếp theo nhận 50% lương… để chia sẻ khó khăn với DN. "Vậy, chúng ta là những lãnh đạo DN cần phải suy nghĩ vì sao họ làm được, còn mình thì không?"- bà Hà đặt vấn đề.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Đồng quan điểm, ông Phạm Anh Thắng dẫn chứng thêm, giữa đại dịch Covid-19, đã có nhiều ban lãnh đạo DN chăm lo cho NLĐ của mình từng miếng ăn, giấc ngủ như xuống tận nhà xưởng để chia sẻ với NLĐ thực hiện “3 tại chỗ”. "Đây mới là yếu tố khiến NLĐ phải đắn đo, suy nghĩ nếu quyết định rời DN"- ông Thắng chia sẻ.

Trong khi đó, theo bà Huỳnh Thị Ngọc Trúc- Phó Tổng Giám đốc nhân lực của Coca-Cola Việt Nam chia sẻ bí quyết giữ chân NLĐ: “Tại Công ty TNHH Coca-Cola Việt Nam đang giữ chân NLĐ bằng cách phân loại đối tượng để có phương pháp chăm lo quyền lợi một cách sát sườn. Đơn cử, đối tượng NLĐ là nhân sự cấp cao, DN sẽ tìm hiểu nguyện vọng của họ để có thể đáp ứng kịp thời; đối tượng NLĐ phổ thông, NLĐ tiềm năng phải có cách chăm lo trực tiếp và hoạch định cho họ biết kế hoạch sử dụng họ trong tương lai". Tuy nhiên, theo bà Trúc, ngoài lương, thì phúc lợi và chế độ BHXH, BHYT của NLĐ mới là quan trọng…

Bà Nguyễn Thanh Tâm- Giám đốc Nhân sự vùng của Cargill Việt Nam và Thái Lan cho biết thêm: “Kinh nghiệm giữ chân NLĐ tại Cargill Việt Nam và Thái Lan, đó là luôn tìm hiểu nguyện vọng của NLĐ ngay tại thời điểm hiện tại và đáp ứng ngay nhu cầu của NLĐ, để họ không phải đắn đo suy nghĩ có nên gắn bó với DN hay không…”.

Chia sẻ thêm tại Hội thảo, ông Mai Văn Nhiều- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An cho biết, việc giữ chân NLĐ luôn là vấn đề "nóng" không chỉ ở tỉnh Long An. Do đó, để bảo đảm nguồn lực lao động, lãnh đạo tỉnh Long An đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN, đẩy mạnh cải cách TTHC; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lao động. Đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành, đoàn thể, DN thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống NLĐ và an sinh xã hội, thực hiện nghiêm chính sách BHXH, BHYT, tạo điều kiện thuận lợi để NLĐ yên tâm làm việc.

PV