Thanh Hóa: Nỗ lực nâng cao tỷ lệ BHYT học sinh ở các xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn
13/01/2023 03:35 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhiều học sinh dân tộc thiểu số và miền núi sau khi ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn không còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) do Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Quyết định số 861). Vượt khó, nhiều địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Khi nhà trường đồng hành...
Năm học 2022-2023, Trường THCS Xuân Phúc (Như Thanh) có 300/321 học sinh không còn được cấp thẻ BHYT. Đây là 1 trong những trường của huyện bị ảnh hưởng nhiều nhất từ Quyết định số 861.
Cô giáo Bùi Thị Hương chủ nhiệm lớp 9B có 27/31 học sinh không còn trong diện được cấp thẻ BHYT. Từ cấp chuyển sang mua, là một sự thay đổi lớn. Với học sinh vùng dân tộc thiểu số, được xem là cả vấn đề khi cuộc sống của các em, phần lớn đang còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Với giáo viên, lại thêm một công việc mới. “Giáo viên ngoài chuyên môn, giờ phải thêm công tác tuyên truyền, vận động học sinh mua bảo hiểm”, cô giáo Bùi Thị Hương nói. “Nhiều phụ huynh cho rằng, chúng tôi là người đi bán bảo hiểm”.
Đến nay, sau nhiều nỗ lực, Trường THCS Xuân Phúc đã có 100% học sinh có thẻ BHYT. Theo hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Lê Đức Trung thì để có kết quả này, từ lãnh đạo đến giáo viên cũng phải đối diện với nhiều áp lực. Hiệu trưởng Trung nhớ lại: “Cách đây không lâu, có một số phụ huynh yêu cầu nhà trường trả lời bằng văn bản, rằng tại sao nhà trường lại bán BHYT học sinh? Trước đó, chúng tôi đã phối hợp với UBND xã để tuyên truyền nhưng có những phụ huynh chưa nắm được quy định mới nên nghĩ rằng nhà trường bán BHYT”.
Ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, Trường Tiểu học Vân Am 1 cũng như nhiều trường học khác trên địa bàn huyện Ngọc Lặc cũng gặp sự khó đối với thẻ BHYT học sinh. Trường có 224/361 học sinh không còn được cấp thẻ BHYT. Trong cái khó, nhà trường bằng nhiều giải pháp, cách làm để 224 học sinh này tiếp tục tham gia BHYT. Cô giáo Trần Thị Anh, chủ nhiệm lớp 3A, nơi có 18/28 học sinh bị ảnh hưởng bởi Quyết định số 861 cho biết: “Từ cấp sang mua, lúc đầu phụ huynh có những ngỡ ngàng và họ đắn đo. Cách tốt nhất là phải tuyên truyền để họ hiểu về tấm thẻ BHYT. Riêng với học sinh còn khó khăn, giáo viên chúng tôi bỏ tiền ra mua trước cho các em, phụ huynh sẽ gửi sau, gửi dần. Với hoàn cảnh nào thì sẽ phải ứng xử với hoàn cảnh đó, để đích cuối cùng, các em có trên tay tấm thẻ BHYT, hỗ trợ lúc ốm đau”.
Đảm bảo tiến độ, hoàn thành chỉ tiêu
Quyết định 861 đã ảnh hưởng tới hàng chục nghìn học sinh vùng dân tộc thiểu số. Theo đó, đối tượng học sinh thuộc địa bàn này không tiếp tục được ngân sách Nhà nước đóng BHYT mà phải tham gia tại trường. Theo ông Đỗ Quang Anh, Trưởng Phòng Truyền thông và phát triển đối tượng - BHXH tỉnh, việc học sinh tham gia BHYT tại trường cũng gặp một số khó khăn. Ông cho biết: “Thứ nhất, nhiều phụ huynh điều kiện kinh tế còn hạn chế. Thứ hai, công tác y tế trường học ở một số địa phương còn ít được quan tâm đã ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh ngay tại trường. Một số trường số lượng học sinh ít, tỷ lệ tham gia thấp nên nguồn kinh phí được trích lại không đáp ứng điều kiện hoạt động y tế trường học”.
Khó vượt khó, nhiều địa phương đã nỗ lực để hoàn thành chỉ tiêu được giao. Huyện Ngọc Lặc, nơi có trên 8.000 học sinh không còn được cấp thẻ BHYT bởi Quyết định số 861 thì đến ngày 31-12-2022, huyện đã đạt 99,85% số học sinh tham gia. Tại huyện Như Thanh, với 4.925 học sinh không còn được cấp thẻ BHYT, thì đến 31-12-2022, tỷ lệ học sinh tham gia mua thẻ đã đạt 98%. Theo ông Mai Văn Hùng, Phó Giám đốc BHXH huyện Như Thanh: “Xác định ban đầu là rất khó khăn, vì để thay đổi nhận thức, tư tưởng của người dân cũng cần có thời gian. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của BHXH tỉnh, của cấp ủy, chính quyền địa phương và hoạt động truyền thông của BHXH huyện về chính sách, pháp luật BHYT nên đã tạo sự đồng thuận giữa nhà trường, phụ huynh và các em học sinh”.
Đến nay, đã có trên 98% số học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn tham gia BHYT sau khi không còn được ngân sách Nhà nước cấp. Trong số đó, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn cũng đã được BHXH tỉnh, UBND cấp huyện trao tặng thẻ, góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT trong học sinh, giúp các em có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn...
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua cơ quan BHXH ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?