Mở rộng diện bao phủ, linh hoạt mức đóng và tăng cường các biện pháp xử lý chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp
09/12/2024 09:16 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là một trong những dự thảo luật được quan tâm tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn với một số nhóm chính sách, như: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững; và hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động, với những sửa đổi như quy định mở rộng diện bao phủ, linh hoạt mức đóng, biện pháp xử lý chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp… được đặc biệt quan tâm.
Ảnh minh hoạ, nguồn Internet
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không chỉ dừng lại hỗ trợ người lao động về thu nhập, kỹ năng khi bị thất nghiệp để mau chóng tìm được việc làm mới mà quan trọng hơn là phải duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp cho người lao động…
Bảo hiểm thất nghiệp có vai trò rất lớn không chỉ đối với cá nhân người lao động và doanh nghiệp, mà còn đóng vai trò thăng bằng nền kinh tế, có giá trị ổn định kinh tế - xã hội, là liều thuốc làm “hạ nhiệt” sự căng thẳng xã hội do tình trạng thất nghiệp gây ra, là một trong những công cụ để thực hiện chính sách an sinh xã hội của mỗi quốc gia. Đối với các nước phát triển, hệ thống bảo hiểm thất nghiệp được coi là một công cụ “hấp thụ sốc tự động” cho nền kinh tế; trên thế giới, bảo hiểm thất nghiệp phát triển khi kinh tế thị trường phát triển, thị trường lao động phát triển mạnh thì khả năng rủi ro thất nghiệp lớn.
Bảo hiểm thất nghiệp ra đời chính là hướng đến người lao động với mục đích giúp họ có được sự bù đắp về kinh tế nếu xảy ra tình trạng thất nghiệp, yên tâm để ổn định cuộc sống và tiếp tục tìm việc làm mới, phát triển kinh tế cho bản thân, đồng thời đóng góp công sức vào sự phát triển của xã hội. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng giúp người sử dụng lao động không mất chi phí trả thêm cho người lao động khi họ mất việc làm. Ngoài ra, Quỹ BHTN có thể là nguồn vốn nhàn rỗi để đầu tư và phát triển nền kinh tế đất nước, mặc dù chỉ là một phần nhưng đây là nguồn vốn đáng kể để Nhà nước có thể khắc phục những vấn đề xã hội và đầu tư phát triển nhiều hạng mục kinh tế. Đặc biệt, vai trò của bảo hiểm thất nghiệp còn thể hiện ở việc giúp giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia đối với việc hỗ trợ chi phí cho người lao động khi họ thất nghiệp. Đây là cách tốt nhất để sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước vào các mục đích ổn định và phát triển kinh tế xã hội về sau.Có thể nói, vai trò của bảo hiểm thất nghiệp đối với cả 3 bên có liên quan là người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước đều rất quan trọng. Đây là chính sách an sinh xã hội có thể phát huy hiệu quả rất lớn trong quá trình hoạt động của mình.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là một trong những dự thảo luật được quan tâm tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn với một số nhóm chính sách, nhất là những vấn đề liên quan đến BHTN
Liên quan tới đóng BHTN, đại biểu Dương Khắc Mai (Ðoàn Ðắk Nông) cho rằng, đoạn 2 Khoản 5 Ðiều 58 dự thảo Luật là điểm mới so với Luật hiện hành: "Trường hợp, người sử dụng lao động không còn khả năng đóng số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi chấm dứt quan hệ lao động thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình nhưng người sử dụng lao động chưa đóng cho cơ quan BHXH để làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Khi cơ quan Bảo hiểm xã hội thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động thì hoàn trả lại tiền mà người lao động đã đóng".
Tuy nhiên, theo đại biểu Dương Khắc Mai, quy định này khi áp dụng vào thực tiễn hiệu quả chưa cao, bởi đến khi cơ quan Bảo hiểm xã hội thu được số tiền mà doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng mới trả lại cho người lao động thì khả năng thu hồi quá lâu cho nên cần xem xét lại. Trong trường hợp vẫn giữ quy định này, phải có thời hạn giữ, thời hạn trả tiền cụ thể, rõ ràng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động.
Ðại biểu Trần Thị Vân (Ðoàn Bắc Ninh) đánh giá cao việc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Chính phủ đã tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp thời gian qua về việc giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động.
Theo quy định hiện hành, người lao động và người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cố định bằng 1% tiền lương tháng.
Dự thảo Luật quy định giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng linh hoạt là người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm.
Ðồng thời, giao cho Chính phủ căn cứ vào khả năng cân đối quỹ Bảo hiểm thất nghiệp quy định chi tiết mức đóng. "Quy định như dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp.
Về cơ sở lý luận, cơ sở chính trị, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, cũng nhấn mạnh việc sửa đổi các quy định về mức đóng, tăng cường tính linh hoạt của chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động...".
Ðể hoàn thiện hơn quy định về bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, quy định về thời gian đóng bảo hiểm từ 12 đến 36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp chưa thật sự công bằng giữa người tham gia 12 tháng và người tham gia 36 tháng, đồng thời quy định thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp tối đa 12 tháng như vậy là không phù hợp với nguyên tắc đóng-hưởng của bảo hiểm thất nghiệp.
Vì vậy, nguyên tắc đóng-hưởng của chế độ bảo hiểm thất nghiệp nên tương tự nguyên tắc đóng-hưởng của chế độ bảo hiểm xã hội, nghĩa là người lao động phải đóng bảo hiểm mới được hưởng và mức thụ hưởng tùy theo mức tiền lương đóng và thời gian đóng hay "hiểu nôm na là đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít".
Ðại biểu Trần Thị Vân cũng đặt ra câu hỏi: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mà sau khi tính hưởng lương hưu đủ tối đa 75% còn thừa thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì ngoài được hưởng lương hưu, người lao động còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu đối với thời gian còn lại (quy định tại Ðiều 68 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024). Nhưng đối với bảo hiểm thất nghiệp lại quy định thời gian hưởng tối đa là 12 tháng, đồng thời tại điểm đ Khoản 3 Ðiều 60 dự thảo Luật quy định không cho bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp hơn 144 tháng (tương ứng với 12 tháng hưởng bảo hiểm thất nghiệp)… Dự thảo Luật cũng phải xem xét yếu tố này?
Ðại biểu Thái Thu Xương (Ðoàn Hậu Giang) đề nghị mở rộng đối tượng tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tự nguyện. Thực tế cho thấy, đối tượng tham gia chủ yếu là người có hợp đồng lao động, còn các đối tượng không có hợp đồng lao động, lao động tự do không được đóng bảo hiểm thất nghiệp, trong khi những người này lại có nguy cơ thất nghiệp cao hơn. Việc mở rộng đối tượng này cũng nhằm đạt mục tiêu Nghị quyết số 28 của Trung ương, qua đó nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, đại biểu Thái Thu Xương đề nghị có giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết các vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp. "Chúng ta cũng nên đưa ra và có hướng xử lý như với bảo hiểm xã hội. Việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội thì người lao động bị ảnh hưởng. Người lao động đóng góp bảo hiểm thất nghiệp để chẳng may khi bị mất việc làm còn có sự hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng thì người lao động sẽ không được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, cần nghiên cứu để thực hiện, không nên đẩy vấn đề khó khăn này cho người lao động".
Ðối với Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá cao đề xuất của Chính phủ trong các quy định về cơ chế xử lý đối với những trường hợp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp để người lao động được giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ cơ chế để tách bạch số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp với tổng thể việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định về việc chốt thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp với thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong trường hợp người lao động đóng bù bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đóng bù bảo hiểm xã hội để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, thống nhất.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Báo chí có đóng góp rất quan trọng vào kết quả nổi bật của ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?