Nghiên cứu "phủ sóng" chính sách BH thất nghiệp cho lao động phi chính thức

29/11/2017 06:25 PM


Ngày 27/11 tại Hà Nội, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo việc làm phi chính thức ở Việt Nam. Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau nhận diện việc làm phi chính thức và chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp để chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang chính thức, hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững.

Việt Nam có 18 triệu lao động phi chính thức 

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, Việt Nam có khoảng 18 triệu lao động đang làm các công việc phi chính thức (chiếm 57,2 % tổng số lao động), 1/3  lao động làm công ăn lương trong khu vực chính thức là lao động phi chính thức. Khoảng 60% lao động phi chính thức tập trung ở các khu vực nông thôn, nơi có nhiều các làng nghề truyền thống, các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác. 

Mặc dù chiếm số lượng lớn nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong lao động phi chính thức khá thấp, chỉ chiếm 14,8% (tỷ lệ này cả nước là 20,6%).

Các đại biểu chia sẻ những giải pháp để chính thức hóa việc làm.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, theo số liệu thống kê của ILO, trên toàn thế giới việc làm phi chính thức chiếm đến 60% quy mô việc làm và ước tính việc làm trong khu vực phi chính thức, đóng góp khoảng 30% GDP của quốc gia. Điều này cho thấy việc làm phi chính thức có vai trò rất quan trọng đối với mỗi quốc gia.

Theo Thứ trưởng, con số 18 triệu lao động phi chính thức ở Việt Nam theo số liệu của Tổng Cục Thống kê là chưa bao gồm số lao động trong khu vực nông nghiệp. Nếu tính cả con số 22 triệu lao động nông nghiệp thì tổng lao động phi chính thức ở Việt Nam có thể lên tới 40 triệu người, chiếm trên 70% tổng lực lượng lao động hiện nay.

Khu vực phi chính thức có những đặc điểm dễ nhận thấy như lao động trong khu vực này có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, không có hợp đồng lao động hoăc hợp đồng thỏa thuận miệng, thời gian làm việc dài, thu nhập thấp. Tiền lương bình quân của lao động phi chính thức thấp hơn của lao động chính thức ở tất cả các vị trí việc làm. Điều này đòi hỏi cần có hệ thống chính sách hỗ trợ, tác động riêng cho từng nhóm đối tượng để chính thức hóa việc làm, có giải pháp, chính sách trước mắt và lâu dài, trong đó có cả các giải pháp về kinh tế.

“Việc nhận diện việc làm phi chính thức và thúc đẩy các giải pháp chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang chính thức chính là các ưu tiên và cũng là các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ở cấp khu vực và toàn cầu”- Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Cần khuyến khích và hỗ trợ người lao động tham gia BHXH tự nguyện

Bà Trịnh Thu Nga (Viện Khoa học Lao động và Xã hội) cho biết, qua nghiên cứu khảo sát lao động phi chính thức tại Hà Nội và Nghệ An cũng cho thấy, việc tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, BHXH tự nguyện của lao động khu vực phi chính thức còn rất hạn chế. Từ kết quả nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị: Cần tăng cường nhận thức và hiểu biết của lao động phi chính thức về pháp luật lao động và các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, BHXH; nâng cao chất lượng lao động phi chính thức, đào tạo nghề và phát triển kỹ năng cho người lao động; nâng cao chất lượng việc làm và cải thiện điều kiện làm việc cho lao động phi chính thức; tăng cường an sinh xã hội cho lao động phi chính thức, đảm bảo tính tuân thủ của các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh trong ký kết hợp đồng lao động và đóng BHXH bắt buộc cho người lao động, đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Lao động phi chính thức khó tiếp cận với các chính sách hỗ trợ việc làm, trong đó có BH thất nghiệp.

Theo Cục Việc làm, hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức mới để đạt Mục tiêu 8 “Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người” trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.  Bên cạnh đó là Tuyên bố Viêng Chăn tại Hội nghị Bộ trưởng lao động ASEAN lần thứ 24 về chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững trong ASEAN.

Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải thống nhất và chính thức thừa nhận khái niệm kinh tế chính thức/ phi chính thức và việc làm chính thức/ phi chính thức; xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý lao động; thu thập, cập nhật, phổ biến thông tin thị trường lao động đầy đủ, chính xác, kịp thời; nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn; bên cạnh đó là nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Nhà nước về lao động việc làm.

Đặc biệt, cần thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm, chính sách việc làm công; nghiên cứu mở rộng phạm vi bao phủ của chính sách BH thất nghiệp, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BH thất nghiệp, chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nâng cao tay nghề. Tiếp cận được vấn đề BH thất nghiệp, lao động phi chính thức không chỉ nhận được trợ cấp, giúp họ ổn đinh cuộc sống khi mất việc mà còn được hỗ trợ học nghề, được tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm miễn phí và được hưởng chế độ BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp./.

Theo baodansinh.vn