Đề nghị xem xét lại quy định về lương hưu cho nữ giới từ năm 2018

10/11/2017 01:02 AM


Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 4, sáng 9/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã nêu ra sự thiệt thòi của lao động nữ sau quy định mới về lương hưu đối với lao động nữ về hưu từ năm 2018, và đề nghị Chính phủ xem xét lại quy định này.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Đại biểu Ngàn Phương Loan - Lạng Sơn đề cập đến quy định mức lương hưu hàng tháng của người lao động tại Điều 56, Điều 74, Luật BHXH năm 2014 và Điều 7, Nghị Định 115 của Chính phủ ngày 11/11/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc. Do quy định công thức tính lương hưu của nữ không có lộ trình thay dần trong vòng 5 năm như của nam giới dẫn đến số lao động nữ nghỉ hưu kể từ năm 2018 có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với nam giới và so với người cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu trong năm 2017, nhất là người có dưới 30 năm đóng BHXH. Theo đại biểu Ngàn Phương Loan, cách tính này của lao động nữ chưa bình đẳng trong tổng thể nguyên tắc chung về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh - Bình Dương cho rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 56 của Luật BHXH năm 2014 cho thấy có sự khác biệt về giới trong cách tính lương hưu đối với lao động nam và lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 thật sự gây thiệt thòi cho lao động nữ. Đồng tình và đánh giá cao trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã kịp thời báo cáo Chính phủ xem xét phương án về lộ trình thực hiện cách tính lương hưu đối với lao động nữ từ ngày 1/1/2018, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh đề nghị, Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét quyết định về thời điểm có hiệu lực của quy định này chỉ còn gần 2 tháng nữa, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của lao động nữ, không tạo ra những bức xúc trong xã hội và cũng để đảm bảo ổn định tình hình quan hệ lao động vào những tháng cuối năm.

Với quan điểm, tuổi nghỉ hưu quy định 2 giới phải tương đương nhau, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Bến Tre đề nghị, khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sửa Bộ Luật Lao động thì để bộ phận lao động nữ được lựa chọn quyền nghỉ hưu từ 55 tuổi đến 60. Phụ nữ có quyền lựa chọn về hưu từ tuổi 55 hay tuổi 56 hay tuổi 59 hay tuổi 60 chứ không bắt buộc phải về nghỉ hưu từ lúc 55 tuổi.. Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, giải quyết như thế sẽ hài hòa, vừa bình đẳng giới và cũng vừa đảm bảo quyền của một bộ phận người lao động nữ sẽ có cơ hội để thăng tiến, cơ hội để cống hiến cho đất nước và cho xã hội.

Đại biểu Trần Thị Phương Hoa - Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng tác động giới của việc thực hiện cách tính lương hưu đối với lao động nữ và phải có lộ trình phù hợp để bảo đảm bình đẳng ở cả cách tính lương, ở cả độ tuổi nghỉ hưu, vì hiện nay lương bình quân trước khi nghỉ hưu của nữ giới chỉ bằng 87% so với nam giới.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Bắc Giang cũng chia sẻ những bức xúc về quy định lương hưu mới cho nữ giới khi đưa ra ý kiến “Cơ hội để một số lao động nữ được hưởng 75% lương hưu sau 1-1-2018 sẽ bị thu hẹp trong khi tuổi nghỉ hưu chưa thay đổi” và đề nghị trước mắt, Chính phủ cần nghiên cứu để bảo đảm không giảm sút lương hưu cho phụ nữ nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018. Về lâu dài, “nghiên cứu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XII.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình cũng đề nghị Quốc hội cần có giải pháp điều chỉnh cách tính lương hưu cho lao động nữ.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chênh lệch mức lương hưu của phụ nữ nghỉ hưu trước và sau ngày 1/1/2018 theo Điều 2 khoản 2, Điều 56 và khoản 2 Điều 74 Luật BHXH, Chính phủ đã sớm phát hiện và tiến hành khảo sát đánh giá tác động và báo cáo Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9. Hiện nay Chính phủ đã xem xét tại phiên họp thường kỳ tháng 10 và có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét quyết định theo thẩm quyền đề xuất của Chính phủ theo hướng vừa đảm bảo thực thi pháp luật vừa đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng và quan tâm tới vấn đề bình đẳng giới. Thực hiện theo lộ trình, không gây sốc, không gây bức xúc cho xã hội, thẩm quyền này thuộc Quốc hội xem xét./.

PV