“Cần nhìn thẳng vào vấn đề nguyên tắc đóng - hưởng để hoàn thiện chính sách BHXH”

01/11/2017 11:14 AM


Từ sự việc mức lương hưu của một cô giáo mầm non chỉ có 1.300.000 đồng/tháng, mà nguyên nhân trực tiếp là do mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp, hiện đang được cộng đồng xã hội cũng như các cơ quan ban, ngành quan tâm, các ý kiến của đại diện lãnh Quốc hội, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam về vấn đề này đều cho rằng, đứng về mặt quản lý Nhà nước chúng ta đang làm đúng quy định, nhưng về mặt con người thì chưa thỏa đáng. Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn- Người phát ngôn của Ngành BHXH nhấn mạnh: “Cần nhìn thẳng vào vấn đề nguyên tắc đóng - hưởng BHXH để hoàn thiện chính sách BHXH”.

Vì sao lương hưu đối với giáo viên mầm non thấp?

Lương thấp, nên mức đóng BHXH của giáo viên mầm non thấp, dẫn đến lương hưu cũng sẽ thấp. (Ảnh: Nguồn Internet)

Theo Luật BHXH quy định thì mức hưởng lương hưu phụ thuộc vào mức đóng BHXH, thời gian đóng BHXH, và tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa bằng 75%.

Đối với các giáo viên mầm non, trước tháng 01/1995 giáo viên mầm non không được tuyển dụng vào biên chế Nhà nước nên xét tổng thể chung thời gian công tác là giáo viên mầm non trước tháng 01/1995 không được tính là thời gian công tác để hưởng BHXH.

Từ ngày 01/01/1995, theo quy định tại Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ, giáo viên mầm non không thuộc đối tượng tham gia đóng BHXH nên thời gian này cũng không được tính hưởng BHXH.

Phải đến ngày 19/8/1999, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP về chủ trương khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, có chính sách phát triển giáo dục mầm non, thì mới quy định giáo viên mần non công lập và ngoài công lập thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Đồng thời, để tạo điều kiện cho giáo viên mầm non khi hết tuổi lao động có đủ điều kiện hưởng lương hưu, ngày 22/3/2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo, BHXH Việt Nam đã ban hành văn bản số 2150/GDĐT-BHXH với nội dung: NLĐ đã có thời gian làm việc liên tục tại các cơ sở giáo dục mầm non trước hoặc sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP mà chưa tham gia đóng BHXH thì có thể đóng BHXH cho thời gian từ 01/1995 đến khi đã tham gia đóng BHXH (mức đóng tính trên mức lương tối thiểu chung). Do đó, những trường hợp truy đóng BHXH thì thời gian đóng BHXH được tính từ tháng 01/1995.

Và để tạo điều kiện cho giáo viên có thời gian công tác trước tháng 01/1995 mà khi nghỉ việc hết tuổi lao động nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH có thể đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu, ngày 18/8/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2011/QĐ-TTg quy định hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện cho những giáo viên này (mức hỗ trợ cũng tính trên mức tiền lương tối thiểu chung).

Từ diễn biến quy định của chính sách nêu trên, có thể thấy lương hưu của giáo viên mầm non thấp là tình hình chung của nhiều địa phương mà nguyên nhân là do: Thời gian đóng BHXH ngắn (thường chỉ đóng BHXH từ tháng 01/1995 trở đi cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, khi đó mới chỉ đóng đủ 20 năm) nên tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ rơi vào khoảng 60%. Mức đóng BHXH chủ yếu chỉ tính trên mức tiền lương tối thiểu chung (hiện là lương cơ sở với mức 1.300.000 đồng/tháng) nên lương hưu thấp (khoảng 60% của lương cơ sở).

Qua diễn biến chính sách đối với giáo viên mầm non, có thể thấy Chính phủ đã rất quan tâm ban hành một số quy định điều chỉnh chính sách nhằm cải thiện chế độ BHXH đối với giáo viên mầm non, đặc biệt là những người có thời gian làm việc trước tháng 01/1995: Từ không thuộc đối tượng tham gia BHXH chuyển sang thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; từ thực tế thời gian đóng BHXH ngắn không đủ điều kiện hưởng lương hưu đã cho truy đóng BHXH cũng như hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện để nhiều giáo viên mầm non tích lũy đủ điều kiện số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng. Nhiều trường hợp lương hưu thấp đã được bù đủ bằng lương cơ sở.

Nguyên tắc của BHXH là có đóng - có hưởng

“Chúng ta đang thực hiện đúng quy định, nhưng tôi vẫn thấy buồn, thấy bất công và chắc chắn không ai trong chúng ta bằng lòng”, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chia sẻ. (Ảnh: AT)

Trước đó, đại diện Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, mức tiền lương của giáo viên mầm non thấp, trên thực tế còn do điều kiện về kinh tế của các cơ sở giáo dục mầm non ở nông thôn chỉ bảo đảm trả lương cho giáo viên ở mức ngang hoặc trên một chút so với mức lương tối thiểu. Lương thấp, nên mức đóng BHXH của giáo viên mầm non thấp, dẫn đến lương hưu cũng sẽ thấp.

Xét trên tổng thể chung thì số tiền mà giáo viên mầm non đóng vào quỹ BHXH trong vòng 20 năm tham gia, mới chỉ đủ chi trả lương hưu cho họ trong vòng chưa đầy 6 năm, do tỷ lệ đóng góp hàng tháng chỉ là từ 15-22% tiền lương, còn tỷ lệ hưởng lương hưu là 60% tiền lương.

Đại diện Vụ này cũng cho biết, trên thực tế hiện có hàng hàng ngàn giáo viên mầm non hợp đồng tại Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Nam Định, Hưng Yên, Thanh Hóa đang phải nhận mức lương chỉ từ 17.000-20.000 đồng/ngày; nếu trừ đi BHYT, BHXH, BH thất nghiệp, mức lương còn được nhận không đáng là bao, có những người nhận không quá 500.000 đồng/tháng. Chính vì vậy, có rất nhiều trường hợp giáo viên mầm non nhận mức lương hưu thấp hơn rất nhiều so với trường hợp của bà Lan. Điển hình như trường hợp của bà Nguyễn Thị Vóc (sinh năm1959, trú tại xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) có hơn 34 năm công tác trong ngành mầm non, có 18 năm, 9 tháng đóng BHXH bắt buộc, 2 năm và 3 tháng đóng BHXH tự nguyện; ngày 01/01/2015, bà nhận sổ hưu với mức lương hưu vỏn vẹn 339.873 đồng/tháng…

Tại Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 10/2017 vừa được BHXH Việt Nam tổ chức chiều 31/10, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH Đinh Thu Hiền cho biết, hiện không chỉ riêng trường hợp cô giáo mầm non Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng, mà theo thống kê của BHXH Việt Nam còn rất nhiều người phải nhận mức thấp hơn. Cụ thể, hiện cả nước có 3.228 người đang hưởng lương hưu dưới mức tối thiểu (thấp hơn mức lương cơ sở 1,3 triệu đồng/tháng). “Đơn cử như, đối tượng cán bộ cấp xã không chuyên trách cũng đóng bảo hiểm trên nền lương cơ sở, thời gian đóng cũng ngắn nên mức hưởng lương hưu chỉ đạt từ 55-60% lương tối thiểu. Ngoài ra, còn có những đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở mức đóng thấp nhất nên cũng chỉ hưởng mức lương hưu rất thấp”, bà Hiền cho biết.

Cũng tại Hội nghị này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn bày tỏ, "Cô giáo mầm non làm việc 37 năm đến khi nghỉ hưu chỉ được nhận lương hưu 1,3 triệu/tháng. Chúng ta đang thực hiện đúng quy định, nhưng tôi vẫn thấy buồn, thấy bất công và chắc chắn không ai trong chúng ta bằng lòng. Chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa để làm tròn trách nhiệm của mình, sử dụng nhiều biện pháp phát triển chính sách BHXH, phục vụ quyền lợi tốt nhất cho mọi người dân, NLĐ”.

Ông Phạm Lương Sơn cho rằng, đây cũng là dịp để các cơ quan chức năng cần nhìn thẳng vào vấn đề về nguyên tắc đóng - hưởng BHXH, từ đó có những điều chỉnh nhằm hoàn thiện chính sách để đảm bảo mức sống cho nhóm NLĐ yếu thế khi về hưu.

Trả lời báo giới bên hành lang Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, không phải chỉ riêng một mình trường hợp bà Trương Thị Lan mà đây là thực trạng phổ biến đối với các thầy cô trong ngành. Bởi thang bảng lương trong giáo dục thấp so với yêu cầu. “Đứng về mặt quản lý Nhà nước, chúng ta đang thực hiện đúng quy định, nhưng xét về thực tế, về mặt con người thì các thầy, cô hy sinh gần như cả đời cho giảng dạy, bây giờ về hưu chỉ được hưởng lương hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng thì làm sao để đảm bảo cuộc sống”, Bộ trưởng trăn trở.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, hiện Bộ này đang làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để điều chỉnh thang, bảng lương của các thầy cô giáo. (Ảnh: Nguồn Internet)

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện Bộ GD&ĐT đang làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để làm sao điều chỉnh thang, bảng lương của các thầy cô để đưa vào dự án Luật Giáo dục sửa đổi đang được xây dựng. Hiện Luật Giáo dục sửa đổi đang được xây dựng và theo kế hoạch tháng 5/2018 sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến tháng 10/2018 sẽ được Quốc hội thông qua. Hiện Bộ GD&ĐT đang tích cực rà soát, chỉnh sửa, bổ sung những vấn đề bất hợp lý để làm sao vị thế của giáo viên đặt đúng chỗ (nhất là liên quan đến đời sống giáo viên) thì mới khuyến khích các thầy cô, động viên được các thầy cô gắn bó, cống hiến cho ngành, cho xã hội.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, với quy định hiện hành của Luật BHXH, BHXH vận hành trên nguyên tắc có đóng - có hưởng. Từ trường hợp của bà Lan, chúng ta phải nghiên cứu cơ chế để giải thích cho những người tham gia BHXH từ hôm nay thấy rằng, muốn lương hưu cao thì phải đóng BHXH ở mức cao.

Chú trọng công tác thiết kế chính sách BHXH

“Chúng ta phải nghiên cứu cơ chế để giải thích cho những người tham gia BHXH từ hôm nay thấy rằng, muốn lương hưu cao thì phải đóng BHXH ở mức cao”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nói. (Ảnh: Nguồn Internet)

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng khẳng định, trên thế giới không có đất nước nào mà tỷ lệ lương về hưu lại vượt quá 75% tiền lương đóng BHXH như Việt Nam. Các nước cao nhất cũng chỉ cho phép mức hưởng lương hưu đạt đến 50-60%. Nhưng mặt khác, tỷ lệ hưởng lương hưu của ta cao, mà số tuyệt đối lại thấp vì mức đóng quá thấp. NLĐ chủ yếu đóng BHXH trên tiền lương tối thiểu vùng, chỉ hơn 3 triệu đồng, trong khi đúng ra phải đóng trên tổng thu nhập.

Đồng thời, bài toán đặt ra là thiết kế chính sách làm sao nâng mức đóng BHXH để mức hưởng cao, nhưng hiện có một thực tế là khi chúng ta tăng mức đóng BHXH, đơn cử như từ ngày 01/01/2018 tiền lương tháng đóng BHXH sẽ là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thì cả NLĐ và DN đều phản ứng. “Đây là một nghịch lý. Bởi khi NLĐ được điều chỉnh tiền lương, thu nhập họ thường không muốn đóng vào BHXH mà muốn hưởng tiền tươi thóc thật ngay”, ông Bùi Sỹ Lợi nói./.

BAT (t/h)