Mức lương hưu thấp dưới 1.300.000 đồng là bất hợp lý?

01/11/2017 07:11 AM


Về mức lương hưu thấp hơn mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở 1.300.000 đồng) đang là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm những ngày gần đây, Cổng Thông tin điện tử trân trọng giới thiệu bài viết của ông Điều Bá Được, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH xung quanh nội dung này:

Ông Điều Bá Được, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam.

Kể từ ngày 01/01/1995, theo quy định tại Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ, Quỹ BHXH chính thức được thành lập hoạt động độc lập, quản lý tập trung thống nhất theo nguyên tắc đóng, hưởng, cụ thể: 

Mức hưởng lương hưu phụ thuộc vào mức đóng BHXH và thời gian đóng BHXH, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa bằng 75%. Theo đó, Chính phủ quy định cụ thể đối tượng thuộc diện đóng BHXH bắt buộc. Dự báo về lương hưu của một số nhóm đối tượng sẽ rất thấp, từ cuối năm 2014, BHXH Việt Nam đã có báo cáo các cơ quan có thẩm quyền về việc kể từ ngày 01/01/2015 trở đi sẽ có những người đầu tiên hưởng lương hưu với mức rất thấp chỉ bằng mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) vì trước đó họ chỉ đóng BHXH cao nhất bằng mức lương tối thiểu chung (bắt đầu tham gia đóng BHXH từ ngày 01/01/1995 với mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bằng 120.000 đồng bằng đúng tiền lương tối thiểu chung tại thời điểm đó mặc dù hàng tháng họ có thể nhận được số tiền lương tiền công cao hơn. Cùng với quy định tăng mức lương tối thiểu chung qua các thời kỳ thì những lao động này cũng chỉ đóng BHXH trên đúng mức lương tối thiểu chung (mức lương cơ sở) do Chính phủ quy định). Do đó, khi nghỉ hưu thì mức lương hưu đương nhiên không thể cao hơn mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) đó là một thực tế, rất bất hợp lý tạo dư luận trong thời gian qua. Tuy nhiên, để được hưởng mức lương hưu này, quỹ BHXH đã phải bù để cho mức lương hưu bằng mức lương cơ sở đối với những người có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên mà khi tính lương hưu theo công thức = Tỷ lệ % x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. 

Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% theo quy định này hiện nay (2017) để đạt tỷ lệ 75% thì lao động nam phải có từ đủ 30 năm đóng BHXH; lao động nữ phải có từ đủ 25 năm đóng BHXH; mức bình quân tháng đóng BHXH nếu chỉ đóng bằng mức tiền lương tối thiểu chung (mức lương cơ sở) thì mức lương hưu nếu tính tại thời điểm nghỉ hưu 01/9/2017 sẽ chỉ bằng: 75% x 1.300.000 = 975.000 (đồng); theo quy định của Luật BHXH trường hợp này người lao động sẽ được bù (325.000 đồng) để lương hưu bằng mức lương cơ sở (1.300.000 đồng) nếu có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên; nếu thời gian đóng BHXH bắt buộc trong tổng thời gian tham gia BHXH không có đủ 20 năm thì không được bù bằng mức lương cơ sở mà lương hưu chỉ bằng 975.000 đồng. 

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện nay, đang có trên 3.200 người có mức lương hưu dưới 1.300.000 đồng, trong đó, có 722 người hưởng lương hưu theo diện tham gia BHXH tự nguyện nông dân tỉnh Nghệ An có mức lương hưu từ 350.000 đồng đến sấp sỉ 1 triệu đồng (trước tháng 7/2017 khi chưa điều chỉnh lương hưu theo quy định của Chính phủ thì người có lương hưu thấp nhất chỉ sấp sỉ 100.000 đồng, và từ ngày 01/7/2017 được bù 250.000 đồng nên lương hưu hiện nay bằng 350.000 đồng.

Theo nguyên tắc đóng, hưởng nêu trên, có một thực tế còn bất ngờ hơn đó là hiện nay có người hưởng lương hưu cao kỷ lục 101.131.100 đồng do có mức đóng BHXH cao ở giai đoạn từ 31/12/2006 trở về trước, khi đó Nhà nước chưa khống chế trần đóng BHXH, từ ngày 01/01/2007 trở đi mức đóng BHXH cao nhất không quá 20 lần mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) nên sẽ không còn khoảng cách quá xa về mức lương hưu.

Mức lương hưu theo nguyên tắc, sẽ phải bảo đảm mức sống tối thiểu về vật chất, tinh thần, chăm sóc sức khỏe... của người về hưu. Đây là vấn đề cực kỳ khó khăn là thánh thức đối với các cơ quan nghiên cứu xây dựng pháp luật để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân một cách bền vững./.

Điều Bá Được

Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam