Người dân hiểu BHXH hơn nhờ “cầu nối” báo chí

21/06/2017 04:00 PM


Chưa bao giờ, hiệu ứng truyền thông đang có tác dụng to lớn tới việc triển khai chính sách BHXH như giai đoạn 2016-2017. Điều này có được nhờ sự “mát tay” và thiện chí của hai bên: Ngành BHXH và các cơ quan thông tấn báo chí. Ba câu chuyện sau sẽ phần nào nói lên điều đó.

Trục lợi BHYT, không còn “lộng hành”

Hệ thống Thông tin Giám định BHYT đã giúp phát hiện hàng loạt các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. (Nguồn ảnh: Internet)

Nhờ sự cung cấp thông tin của BHXH Việt Nam, hàng loạt tờ báo đã cảnh báo về tình trạng, qua 4 tháng đầu năm 2017, gần 2.800 người có thẻ BHYT có tổng số lượt khám bệnh hơn 160.000 (bất kể ngày cuối tuần, ngày lễ và Tết). Trong đó, gần 200 trường hợp thường xuyên đến khám tại 4 cơ sở KCB trở lên với số tiền trên 7,7 tỷ đồng.

Cá biệt, có trường hợp ông Nguyễn Văn H (đối tượng hưu trí ở Tp.Hồ Chí Minh) đã đi khám 58 lần tại 15 cơ sở y tế. Tổng chi phí KCB BHYT hết hơn 30 triệu đồng. Tính ra mỗi ngày ông H khám 2-3 lần tại các cơ sở y tế được chẩn đoán và cấp thuốc điều trị các bệnh lý khác nhau như tăng huyết áp, bệnh hô hấp.

Sự nực cười này được nhiều tờ báo đồng loạt phanh phui đã buộc đối tượng phải chủ động nộp lại số tiền hơn 9 triệu đồng trục lợi BHYT và cam kết không tái phạm. Câu chuyện là sự cảnh báo tới những ai có dự định dùng chính sách thông tuyến trong KCB để trục lợi bất chính.

Vỡ quỹ BHXH - chuyện viển vông

Đầu năm 2017, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu gắn với việc đảm bảo tính bền vững của quỹ BHXH được không ít người cho rằng nguyên nhân sâu xa là nhằm tránh vỡ quỹ BHXH.

Thông qua nhiều cuộc toạ đàm tực tuyến do BHXH Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của báo giới, nhiều thông tin chính thống đã được công bố và giúp người dân hiểu đúng về câu chuyện nguy cơ vỡ quỹ BHXH.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân trí, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội giải thích: “Chúng ta vẫn còn “dư địa”. Mức đóng quỹ BHYT hiện nay mới là 4,5 % lương cơ sở. Mức trần đóng cho phép lên tới 6%. Chúng ta nên yên tâm bởi hai quỹ BHYT và BHXH, theo Luật BHXH năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT thì đều do Nhà nước bảo hộ và điều chỉnh. Đơn cử là lương hưu vẫn được Nhà nước điều chỉnh trong từng thời kỳ nhằm phần nào đảm bảo đời sống của NLĐ khi hết tuổi lao động”.

Qua báo chí, vị đại biểu Quốc hội trên đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới người dân: “Hai quỹ BHXH, BHYT này hoàn toàn nằm trong tầm quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Chúng ta không nên dùng khái niệm “vỡ quỹ”, “thủng quỹ” ở đây, bởi dễ làm dư luận hiểu nhầm".

Nghỉ hưu trước 2018 - không phải ai cũng có lợi

Không phải ai nghỉ hưu trước 2018 cũng đều có lợi, thậm chí có đối tượng còn bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu. (Nguồn ảnh: Internet)

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ năm 2018, việc tính năm hưởng lương hưu sẽ thay đổi. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng nếu nghỉ hưu trước 2018, việc tính trung bình số lương hưu sẽ lợi hơn việc tính trung bình cộng của cách tính mới.

Từ những thông tin được BHXH Việt Nam cung cấp, làm rõ, và được cập nhật trên báo chí, bạn đọc hiểu rõ hơn về những quy định của Luật BHXH: “Không phải ai nghỉ hưu trước 2018 cũng đều có lợi, thậm chí có đối tượng còn bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu”.

Theo đó, NLĐ muốn nghỉ hưu sớm, ngoài điều kiện quy định về độ tuổi, số năm đóng BHXH còn phải giám định sức khỏe.

Chưa kể việc ra Hội đồng giám định y khoa để kiểm tra có suy giảm sức lao động hay không đều có quy trình, quy định cụ thể. Không phải NLĐ cứ muốn là có thể về hưu sớm trước tuổi.

Cũng theo các chuyên gia của BHXH, NLĐ cần cân nhắc kỹ, bởi không phải ai nghỉ hưu sớm cũng có lợi, do mỗi năm NLĐ nghỉ hưu sớm sẽ bị trừ 2% lương hưu./.

Nhà báo Hoàng Mạnh