Thêm nhiều quy định mới về chính sách BHXH sẽ được áp dụng từ 01/01/2018

12/05/2017 10:02 AM


Ngày 20/11/2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13 (Luật BHXH năm 2014), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Trong đó, có một số quy định mới được áp dụng từ ngày 01/01/2018. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Điều Bá Được, Trưởng ban, Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam.

DBDuoc 120517.JPG
Ông Điều Bá Được- Trưởng ban, Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam

- PV: Thưa ông, từ ngày 01/01/2018 trở đi, theo Luật BHXH năm 2014 có một số quy định mới sẽ được áp dụng, ông có thể cho biết cụ thể những quy định đó là gì?

+ Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Điều Bá Được: Luật BHXH năm 2014 có những quy định mới áp dụng từ ngày 01/01/2018 như sau:

Một là, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tới: NLĐ có hợp đồng lao động từ 01 tháng đến dưới 03 tháng; NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

Hai là, sửa đổi quy định về đóng, hưởng cho phù hợp nhằm bảo đảm tính bền vững của quỹ BHXH trong dài hạn.

Về đóng BHXH: Từ ngày 01/01/2018 trở đi, quy định tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động, ghi trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương; từ ngày 01/01/2018 trở đi Nhà nước có chính sách hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện đối với người tham gia BHXH tự nguyện.

Về hưởng BHXH: Từ ngày 01/01/2018 trở đi, quy định điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu đối với người nghỉ hưu trước tuổi tăng lên so với Luật BHXH năm 2006. Theo đó, NLĐ khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, được hưởng lương hưu với mức thấp hơn trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% thì phải đủ điều kiện về tuổi đời theo bảng dưới đây:
 

Năm nghỉ hưởng lương hưu

Điều kiện về tuổi đời đối với nam

Điều kiện về tuổi đời đối với nữ

2018

Đủ 53 tuổi

Đủ 48 tuổi

2019

Đủ 54 tuổi

Đủ 49 tuổi

Từ 2020 trở đi

Đủ 55 tuổi

Đủ 50 tuổi

 

Sửa đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH:

Đối với lao động nam để được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng, thì khi nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi, mỗi năm tăng thêm 01 năm cho đến khi tròn 20 năm đóng BHXH tương ứng với 45%, cụ thể:
 

Năm 2018

16 năm

Năm 2019

17 năm

Năm 2020

18 năm

Năm 2021

19 năm

Năm 2022 trở đi

20 năm


Đối với lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi, quy định đủ 15 năm đóng BHXH tương ứng với 45% .

Sau đó cả lao động nam và nữ đều được tính thêm 2% cho mỗi năm đóng BHXH nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa chỉ bằng 75%.

Với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, thì phải giảm trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi quy định: Cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi giảm 2% (cả nam và nữ); khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với trường hợp tuổi nghỉ hưu có tháng lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỷ lệ %. Tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với trường hợp thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm; từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
 
NLD 311214.jpg
Từ năm 2018, NLĐ có HĐLĐ từ 01 đến dưới 03 tháng là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

- PV: Xin ông cho biết với quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến người có hợp đồng lao động từ 01 đến dưới 03 tháng nêu trên, dự báo sẽ có khó khăn gì trong công tác tổ chức thực hiện?

+ Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Điều Bá Được: Với quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến NLĐ có hợp đồng lao động từ 01 tháng đến dưới 03 tháng theo quy định trong Luật BHXH năm 2014, dự báo khi tổ chức thực hiện sẽ gặp không ít khó khó khăn. Bởi trên thực tế, hiện với quy định NLĐ có hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên, là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nhưng tính tuân thủ pháp luật của các chủ sử dụng lao động còn ở mức thấp.

Cụ thể, mới chỉ có khoảng gần 50% số DN tham gia BHXH bắt buộc. Theo đó, tuy chưa có số liệu thống kê chính xác về tính tuân thủ của chủ sử dụng lao động cho đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là NLĐ có hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên, nhưng ước tính mới có khoảng 70% NLĐ thuộc diện này được tham gia BHXH bắt buộc.

Bên cạnh đó, việc “né” tham gia BHXH bắt buộc, trốn đóng BHXH với đối tượng NLĐ có hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên còn đang tồn tại không chỉ do người sử dụng lao động, mà còn có một phần lớn do chính NLĐ thiếu hiểu biết, hoặc đồng ý với quan điểm của chủ sử dụng lao động để tìm mọi cách né tránh việc tham gia, đóng BHXH bắt buộc. Đây là một trong những khó khăn lớn cho cơ quan tổ chức thực hiện, trong việc phấn đấu hoàn thiện mục tiêu tiến tới BHXH cho mọi NLĐ.

Vì vậy, để quy định này đi vào cuộc sống cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với những biện pháp đồng bộ như: Tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý chia sẻ, liên thông dữ liệu quản lý lao động, tiền lương, thuế, BHXH giữa các ngành LĐ-TB&XH, Thuế, BHXH; đồng thời, tập trung triển khai hiệu quả công tác, thanh tra, kiểm tra nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhằm tăng cường tính tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động, bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ.

- PV: Xin ông cho biết cụ thể mức Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện trong giai đoạn 2018-2020?

+ Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Điều Bá Được: Mức hỗ trợ tiền đóng hằng tháng cho người tham gia BHXH tự nguyện trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020 theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ được thực hiện như sau:

Thứ nhất, mức hỗ trợ tiền đóng hằng tháng được tính bằng công thức sau:

Mhtt = k × 22% × CN

Trong đó:

- k: Tỷ lệ phần trăm hỗ trợ của Nhà nước (%), cụ thể: k = 30% với người tham gia thuộc hộ nghèo; k = 25% với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; và k = 10% với các đối tượng khác.

- CN: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn làm căn cứ xác định mức hỗ trợ là mức chuẩn hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định tại thời điểm đóng (đồng/tháng).

Mức hỗ trợ tiền đóng hằng tháng cho người tham gia BHXH tự nguyện trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020 là 46.200 đồng/tháng đối với người thuộc hộ nghèo; 38.500 đồng/tháng đối với người thuộc hộ cận nghèo; và 15.400 đồng/tháng đối với các đối tượng khác.

Thứ hai, mức hỗ trợ tiền đóng đối với người tham gia BHXH đóng theo phương thức 03 tháng một lần, 06 tháng một lần, 12 tháng một lần hoặc một lần cho nhiều năm về sau được tính bằng công thức sau:

Mht = n × k × 22% × CN

Trong đó:

- n: Số tháng được hỗ trợ tương ứng với các phương thức đóng 03 tháng một lần, 06 tháng một lần, 12 tháng một lần hoặc một lần cho nhiều năm về sau.

- k: Tỷ lệ phần trăm hỗ trợ của Nhà nước (%), cụ thể: k= 30% với người tham gia thuộc hộ nghèo; k= 25% với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; và k= 10% với các đối tượng khác.

- CN: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn làm căn cứ xác định mức hỗ trợ là mức chuẩn hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định tại thời điểm đóng (đồng/tháng).

Thứ ba, mức hỗ trợ tiền đóng đối với người tham gia BHXH đóng theo phương thức một lần cho những năm còn thiếu:

ctt 120517.jpg

Trong đó:

- k: Tỷ lệ phần trăm hỗ trợ của Nhà nước (%).

- CN: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn làm căn cứ xác định mức hỗ trợ là mức chuẩn hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định tại thời điểm đóng (đồng/tháng).

- r: Lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng (%/tháng).

- t: Số tháng còn thiếu, nhận một trong các giá trị từ 01 đến 120.

- i: Tham số tự nhiên có giá trị từ 01 đến t.

Số tiền hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện, đóng theo phương thức một lần cho những năm còn thiếu được Nhà nước chuyển toàn bộ một lần vào quỹ hưu trí và tử tuất trong cùng năm đóng.

Ví dụ: Bà T thuộc hộ cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 6/2018 với mức thu nhập tháng lựa chọn là 800.000 đồng/tháng, phương thức đóng 12 tháng một lần. Giả định mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm tháng 6/2018 là 700.000 đồng/tháng. Số tiền đóng BHXH tự nguyện của bà T cho thời gian từ tháng 6/2018 đến tháng 5/2019 sẽ là:

(22% x 800.000 đồng/tháng - 25% x 22% x 700.000 đồng/tháng) x 12 tháng = 1.650.000 đồng.

- Từ tháng 01/2019 bà T không còn thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo, tuy nhiên do đã đóng đến hết tháng 5/2019 nên không điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.

- Từ tháng 6/2019, bà T chuyển sang phương thức đóng hằng tháng vẫn với mức thu nhập tháng lựa chọn là 800.000 đồng/tháng (giả định mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm tháng 6/2019 vẫn là 700.000 đồng/tháng). Số tiền đóng BHXH tự nguyện hằng tháng của bà T từ tháng 6/2019 sẽ là:

22% x 800.000 đồng/tháng - 10% x 22% x 700.000 đồng/tháng = 160.600 đồng/tháng.

- Trường hợp bà T tham gia BHXH tự nguyện liên tục từ tháng 6/2018 đến hết tháng 5/2028 thì thời gian dừng hỗ trợ tiền đóng đối với bà T từ tháng 6/2028.
 
BHYT TN 140314.JPG
Từ năm 2018, Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện.

- PV: Trong giai đoạn 2018-2020, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Hiện nay, NLĐ làm việc trong khu vực phi chính thức ở nước ta chiếm tỷ trọng rất lớn, đây là khu vực có nhiều tiềm năng trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Vậy theo ông, BHXH Việt Nam cần quan tâm hướng tới nhóm đối tượng nào ở khu vực này?

+ Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Điều Bá Được: Theo số liệu thống kê, ở nước ta hiện có khoảng 04 triệu hộ kinh doanh dịch vụ vừa và nhỏ, với đặc thù công việc và thu nhập của NLĐ khá ổn định, nên về mặt lý thuyết thì đây là nhóm đối tượng tiềm năng nhất có thể tham gia BHXH tự nguyện. Hiện nay, BHXH Việt Nam đang quan tâm hướng tới nhóm đối tượng này để có các chương trình tuyên truyền phù hợp, giúp NLĐ hiểu rõ về quyền lợi khi tham gia BHXH, so sánh với các loại hình bảo hiểm thương mại khác với những ví dụ minh họa rất cụ thể, dể hiểu để NLĐ xem xét, lựa chọn tham gia. Đồng thời, thông qua các Hội nghề nghiệp, các tổ chức đại diện của NLĐ để họ tự tuyên truyền, vận động hội viên tham gia BHXH tự nguyện nhằm tự bảo đảm cuộc sống khi về già, không tạo gánh nặng cho con cháu và xã hội.

Với các nhóm đối tượng khác, BHXH Việt Nam cũng đang tập trung tuyên truyền để phát triển đối tượng tham gia nhằm bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người dân. Bởi BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức, quỹ BHXH trong đó có tiền đóng góp BHXH tự nguyện của người dân được Nhà nước cam kết bảo hộ và đã được quy định rõ ràng trong Luật BHXH, nên người tham gia BHXH hoàn toàn yên tâm mà không lo quỹ bị phá sản như khi tham gia các quỹ bảo hiểm thương mại khác (các quỹ này hoạt động theo luật kinh doanh bảo hiểm, theo cơ chế thị trường và có thể gặp rủi ro dẫn đến phá sản), khi đó quyền lợi của người tham gia sẽ bị ảnh hưởng.

Người tham gia BHXH tự nguyện khi đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH được nhận lương hưu hàng tháng, được nhận thẻ BHYT do quỹ BHXH đóng thay vào quỹ BHYT, được quỹ BHYT chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định. Lương hưu và trợ cấp BHXH được miễn thuế, lương hưu được điều chỉnh theo quy định của Chính phủ, khi qua đời thì thân nhân còn được nhận mai táng phí và tiền tuất.

Đây là một chính sách an sinh xã hội rất thiết thực, phù hợp với truyền thống của người Việt Nam “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”, với sự hỗ trợ đóng BHXH của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020, mặc dù chưa nhiều (do điều kiện kinh tế của đất nước chưa cho phép) nhưng hy vọng đây sẽ là cú hích động viên người dân tìm đến với BHXH tự nguyện, để được bảo vệ cuộc sống khi về già.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai, tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, chúng tôi tin tưởng trong thời gian tới BHXH tự nguyện sẽ có đông đảo người dân lựa chọn tham gia./.

BAT (thực hiện)