Số người rút BHXH một lần tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm mạnh
02/01/2025 01:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc BHXH Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2024, số người rút BHXH một lần trên địa bàn là hơn 99.900 người, thấp nhất trong 5 năm và giảm 11,4% so với cùng kỳ.
Giám đốc BHXH Thành phố Hồ Chí Minh Lò Quân Hiệp
Giám đốc BHXH Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, số người nhận trợ cấp một lần giảm mạnh là tín hiệu đáng mừng và trái ngược với dự báo hồi đầu năm 2024. Lý do là năm 2023 số người nhận trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tăng kỷ lục với gần 160.000 người. Khi đó, nhiều ý kiến nhận định số lao động này sẽ rút bảo hiểm sau một năm khiến số lượng này tiếp tục tăng.
Đánh giá nguyên nhân, ông Hiệp cho rằng, trước đó, trong hơn một năm (từ năm 2022-2023) lấy ý kiến sửa Luật Bảo hiểm xã hội, khi các phương án về trợ cấp một lần chưa được chốt đã khiến người lao động hoang mang. Nhiều người đã chủ động nghỉ việc, rút "chạy luật" khiến hồ sơ tăng nhanh. Tuy nhiên, giữa năm ngoái, khi luật được thông qua, phương án được chốt thì người lao động đã an tâm. Nhiều người có ý định nghỉ việc để rút bảo hiểm có thể đã tìm việc mới.
Công tác truyền thông về chính sách được thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả giúp nhiều người hiểu rõ hơn về quyền lợi khi tham gia BHXH và quyết định tiếp tục tham gia.
Ngoài ra, trong quá trình sửa luật, công tác truyền thông về chính sách được thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả giúp nhiều người hiểu rõ hơn về quyền lợi khi tham gia BHXH và quyết định tiếp tục tham gia. Ông Lò Quân Hiệp cho biết, trong thời gian tới, BHXH Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động ở lại với bảo hiểm xã hội. Điều này không chỉ để lao động được đảm bảo các quyền lợi ngắn hạn như ốm đau, thai sản mà còn hưu trí khi về già.
Chị Nguyễn Ngọc Lan làm việc cho bộ phận truyền thông của một công ty bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh, đột ngột rơi vào cảnh thất nghiệp do doanh nghiệp cắt giảm người. Mất việc giữa lúc kinh tế khó khăn, khó tìm việc mới, chị quyết định rút BHXH một lần và cũng để chờ ngành bất động sản "tan băng". Với hơn 10 năm tham gia BHXH và có thời điểm mức lương làm căn cứ đóng gần 10 triệu đồng, chị Lan tính sơ số tiền rút được “kha khá”. Xác định sẽ nhận trợ cấp một lần nên sau thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp, chị Lan ưu tiên nhận công việc thời vụ, làm thêm ngoài giờ để chờ đủ 12 tháng không tham gia BHXH. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, doanh nghiệp chị đang làm việc đề nghị ký hợp đồng chính thức nếu không sẽ tuyển người khác. Cùng lúc đó, hồ sơ nhận trợ cấp một lần của chị được cơ quan BHXH thông báo trong tổng thời gian tham gia BHXH có ba tháng bị nợ. Do đó, chị cần liên hệ doanh nghiệp đóng số tiền còn thiếu để cơ quan bảo hiểm giải quyết hồ sơ. Liên hệ doanh nghiệp cũ cũng mất thời gian mà công việc mới ổn, thu nhập tốt nên Chị Lan quyết định ký hợp đồng chính thức, không rút BHXH một lần nữa. Bởi theo chị, việc có lương hưu hàng tháng khi không còn đủ sức khoẻ để lao động sẽ giúp chị ổn định cuộc sống khi về già.
Rõ ràng, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi tác động tốt đến tâm lý của người lao động khiến số người nhận trợ cấp một lần giảm, bà Nguyễn Phan Bảo Khuyên, chuyên viên Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn (Liên đoàn lao động TP HCM) cho biết, nhiều năm tham gia tư vấn pháp luật tại các nhà máy, đặc biệt giai đoạn cao điểm lấy ý kiến sửa đổi Luật BHX, bà Khuyên thấu hiểu sự lo lắng của người lao động trước sự thay đổi của luật. Nhiều lao động chủ động nghỉ việc để chờ rút bảo hiểm, không chịu nhận việc mới. Tuy nhiên, khi luật được thông qua, tình hình đã được cải thiện.
Theo bà Khuyên, một số điều khoản mới trong luật tạo ra kỳ vọng lớn cho người lao động. Ví dụ, việc giảm số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm giúp người lao động dễ dàng đạt đủ điều kiện "về già có lương". Luật cũng đã bổ sung các quy định hỗ trợ cho lao động thất nghiệp, người lớn tuổi hoặc thu nhập thấp bằng các gói hỗ trợ ngắn hạn. Điều này giúp lao động giảm bớt nhu cầu rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt, thay vào đó họ sẽ bảo lưu mà không lo mất quyền lợi.
Đặc biệt, bà Khuyên cho rằng từ lúc bắt đầu sửa luật đến nay, không chỉ cơ quan bảo hiểm xã hội mà công đoàn, các tổ chức đoàn thể đều tham gia tuyên truyền về hưu trí, chế độ ngắn hạn được hưởng, thiệt thòi khi nhận trợ cấp một lần. Đặc biệt, những thông tin về xã hội già hóa cũng khiến người lao động suy nghĩ về tương lai của mình.
Cũng trong năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận số người nhận trợ cấp thất nghiệp giảm. Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố đã tiếp nhận hơn 143.300 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, giảm gần 22.800 hồ sơ, tương đương giảm 13,72% so với năm 2023 (hơn 166.100 hồ sơ).
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng người nhận trợ cấp thất nghiệp giảm là tín hiệu tích cực của thị trường lao động. Trong năm 2024, nhiều doanh nghiệp phục hồi đơn hàng, tăng cường tuyển dụng. Các doanh nghiệp cũng cải thiện tiền lương, tăng cường chính sách phúc lợi để giữ chân lao động. Ngoài ra, sau thời gian khó khăn, cắt giảm nhân sự, nhiều người cũng mong muốn giữ việc, giảm bớt tâm lý "nhảy việc" hoặc chủ động nghỉ "xả hơi" như trước.
*** Trong năm 2024, BHXH Thành phố Hồ Chí Minh cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật nhất là công tác giải quyết và chi trả chế độ BHXH, BHTN. Cụ thể, BHXH TPHCM đã giải quyết BHXH một lần cho 99.922 người, giảm 11,4% so với năm 2023.
thứ hai là công tác giám định và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT). Trong năm 2024, BHXH Thành phố phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan chi trả cho 22,74 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT, tăng 10,46% so với năm 2023.
Theo ông Lò Quân Hiệp, trong tổng số 22,74 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT có khoảng 50% là người ngoại tỉnh. Ông cho biết: "Đặc thù TPHCM có nhiều bệnh viện tuyến chuyên sâu, phục vụ không chỉ cho người dân ở TPHCM mà còn ở các tỉnh lân cận".
Trong năm 2024, BHXH TPHCM chủ động phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra 2.792 đơn vị, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 14 đơn vị với tổng số tiền xử phạt là 1,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2024, BHXH Thành phố Hồ Chí Minh đã xử phạt hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp đối với 11 đơn vị với 643 lao động, số tiền xử phạt là 1,3 tỷ đồng. Riêng đối với việc xử lý hình sự hành vi trốn đóng BHXH của các doanh nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội đã làm việc với cơ quan công an, sắp tới sẽ làm triển khai quy chế phối hợp làm việc cụ thể giữa hai cơ quan, chờ đến ngày 1/7 (Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực) sẽ triển khai.
Thuỳ Duyên
Chi tiết >>
Video: Kỷ niệm 30 năm thành lập ngành BHXH Việt ...
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
(Video) Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện chính sách ...
BHXH Việt Nam: 30 năm phát triển bền vững vì sự nghiệp an ...
BHXH Việt Nam chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau ...
Bản tin Audio số 50 - Tuần 2 tháng 2/2025
Kết quả nổi bật của ngành BHXH Việt Nam trong 30 năm xây ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?