Đẩy mạnh công tác thanh tra BHXH, BHYT, BHTN: Ngăn chặn sớm các hành vi vi phạm

24/10/2024 08:52 AM


Qua 7 năm (năm 2016-2023) ngành BHXH Việt Nam triển khai chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã góp phần tạo nhiều hiệu ứng tích cực trong thực hiện chính sách, bảo vệ quyền lợi NLĐ.

Tỷ lệ số tiền chậm đóng/số thu đã giảm dần qua các năm, từ 6% năm 2016 xuống còn 2,69% vào năm 2023… Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng thời gian dài, số tiền lớn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của NLĐ vẫn tiếp diễn đặt ra yêu cầu những giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ hơn...

Công cụ mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi NLĐ

Các số liệu thống kê cho thấy, với chức năng TTCN về đóng BHXH, BH thất nghiệp. BHYT được giao, ngành BHXH Việt Nam đã phát huy hiệu quả của công cụ này trong công tác phát triển người tham gia, tăng thu và quản lý thu hồi tiền chậm đóng. Đồng thời, hoạt động TTCN cũng tạo hiệu ứng tích cực trong phòng ngừa hành vi vi phạm của các chủ SDLĐ, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Cụ thể, chỉ tính riêng trong năm 2023, toàn ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện TTKT tại 22.584 đơn vị, trong đó, TTKT theo kế hoạch tại 17.775 đơn vị và TTKT đột xuất tại 4.809 đơn vị. Theo đó, nhiều lao động bị DN “trốn” tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; hoặc giảm mức đóng, đóng thiếu thời gian tham gia BHXH đã được cơ quan BHXH phát hiện, yêu cầu DN khắc phục để đảm bảo quyền lợi. Cụ thể, trong năm 2023, ngành BHXH Việt Nam thông qua các cuộc TTCN, kiểm tra về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã yêu cầu: truy thu tiền đóng của số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhưng chưa được đơn vị SDLĐ tham gia là 7.234 lao động với số tiền 45,8 tỷ đồng; truy thu tiền đóng thiếu thời gian của 8.835 lao động với số tiền là 57,3 tỷ đồng; truy thu tiền đóng của 38.820 lao động bị đóng thiếu mức đóng quy định với số tiền là 89,4 tỷ đồng. Đặc biệt, với tổng số tiền các đơn vị được TTKT chậm đóng trước khi có Quyết định TTKT của năm 2023 là 2.321,6 tỷ đồng, nhưng 57,05% số này đã được các đơn vị SDLĐ nộp ngay sau khi thực hiện TTKT (tương đương 1.324,4 tỷ đồng)

Đẩy mạnh công tác thanh tra BHXH, BHYT, BHTN

Tương tự, trong 9 tháng năm 2024, toàn Ngành ban hành Quyết định thực hiện TTKT tại 15.693 đơn vị (trong đó thanh tra chuyên ngành đóng tại 7.283 đơn vị; kiểm tra tại 6.233 đơn vị; thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 2.177 đơn vị). Đoàn TTKT của cơ quan BHXH đã yêu cầu: truy thu tiền đóng của số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhưng chưa tham gia là 5.746 lao động với số tiền 25,1 tỷ đồng; truy thu tiền đóng thiếu thời gian của 3.214 lao động với số tiền 32,2 tỷ đồng; truy thu tiền đóng thiếu mức đóng quy định của 21.376 lao động với số tiền là 59 tỷ đồng. Có khoảng 53,4% số tiền chậm đóng các đơn vị phải nộp trong tổng số 1.114,5 tỷ đồng tiền chậm đóng đã được các đơn vị được TTKT đã nộp trong thời gian TTKT...

Ban hành, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều Quyết định xử phạt VPHC về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Cụ thể, năm 2023 là 1.797 Quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt là 63,9 tỷ đồng (trong đó, số tiền xử phạt VPHC đã nộp Ngân sách Nhà nước là 24,5 tỷ đồng, đạt 38,3% số tiền xử phạt phải nộp Ngân sách Nhà nước). Trong 9 tháng đầu năm 2024 là 1.069 Quyết định xử phạt (bằng 115,2% so với cùng kỳ năm 2023) với tổng số tiền xử phạt là 32,3 tỷ đồng (bằng 107,3% so với cùng kỳ năm 2023); số tiền xử phạt VPHC đã nộp Ngân sách Nhà nước là 15,2 tỷ đồng.

Trong hoạt động kiểm tra công tác chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, ngành BHXH Việt Nam cũng đã yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp do hưởng chế độ không đúng quy định trong năm 2023 là 123,8 tỷ đồng; và trong 9 tháng đầu năm 2024 là 79,6 tỷ đồng.

Theo BHXH Việt Nam, công tác thanh tra thời gian qua tiếp tục được đổi mới theo cách thức kết hợp giữa thanh tra truyền thống với ứng dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả, chất lượng, giảm nhân lực, thời gian TTKT. Ngành BHXH Việt Nam cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động, tổ chức, cá nhân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Thông qua việc tổ chức tốt các buổi tiếp công dân định kỳ nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến chế độ BHXH, BHYT của người dân được giải quyết tận tình, thấu đáo…

Triển khai Nghị quyết số 03/NĐ-CP ngày 11/01/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh chuyên ngành, từ ngày 01/3/2024, Ngành BHXH Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra. Việc thành lập cơ quan thanh tra ở BHXH Việt Nam là sự ghi nhận của Quốc hội, Chính phủ đối với sự đóng góp của Ngành cho sự nghiệp ASXH trong suốt 29 năm qua.

Cần gia tăng “liều lượng” trong xử lý, phòng ngừa các vi phạm

Đảm bảo “công cụ” chức năng TTKT phát huy hiệu quả cao trong bảo vệ quyền lợi NLĐ, trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai thực hiện kế hoạch TTKT, khai thác dữ liệu lớn, đồng thời phân tích các tiêu chí rủi ro để đôn đốc thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt, tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, đơn vị chậm đóng với thời gian dài. Bên cạnh đó, kiểm tra chuyên đề, đột xuất các cơ sở KCB có tỷ lệ chi KCB BHYT cao, gia tăng chi phí bất hợp lý; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm pháp luật đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp…

Tuy nhiên, báo cáo tổng hợp của BHXH Việt Nam từ phản ánh của BHXH các địa phương cho thấy, vẫn tồn tại tình trạng chậm đóng thời gian dài, số tiền lớn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của NLĐ. Một số nguyên nhân đã được chỉ rõ, mà trước hết là ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ SDLĐ về trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ còn thấp. Bên cạnh đó, cũng phải xem xét khía cạnh khách quan trong bối cảnh kinh tế còn đang phục hồi sau giai đoạn dịch bệnh là: một số đơn vị thực sự gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nên mọi nguồn lực tài chính được tập trung cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chi trả tiền lương cho NLĐ hằng tháng.

Ngoài ra, một số vướng mắc của hành lang pháp lý để ngăn ngừa các vi phạm này cũng cần được xem xét thấu đáo. Hiện chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp bị đánh giá là chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe (mức phạt vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cao nhất đối với các tổ chức là 150 triệu đồng trong khi số tiền chậm đóng có thể lớn hơn nhiều); trong khi thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt còn nhiều vướng mắc, hiệu quả còn thấp.

Kể cả với một số vi phạm được xem xét xử lý hình sự, thì việc triển khai trong thực tế cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, tại Điều 216 Bộ Luật hình sự, để xử lý hình sự đơn vị SDLĐ thì hành vi vi phạm phải là hành vi “trốn đóng”; và một trong các điều kiện là đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này. Tuy nhiên, để xác định đơn vị “trốn đóng” thì phải chứng minh đơn vị có “gian dối” hoặc “bằng thủ đoạn khác” để không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ (theo hướng dẫn tại khoản 10 Điều 2 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/20219 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao). Trong khi, hiện nay cơ quan BHXH không có thẩm quyền, công cụ, khả năng để chứng minh nội dung nêu trên, vì vậy rất khó khăn trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi “trốn đóng”…

Đề xuất các giải pháp ngăn ngừa các vi phạm trong thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong thời gian tới, BHXH Việt Nam cho biết, một trong các giải pháp cần tiếp tục triển khai là tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đặc biệt là trách nhiệm của chủ SDLĐ và các biện pháp xử lý hành chính và hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp… Đây không thể là trách nhiệm của riêng ngành BHXH Việt Nam, mà cần sự vào cuộc, lan tỏa của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội.

Ngành BHXH Việt Nam cũng sẽ thường xuyên rà soát, nắm bắt, đôn đốc đơn vị SDLĐ chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký tham gia và đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ; tăng cường công tác TTCN đóng đột xuất với các đơn vị chậm đóng; kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm. Hiện nay, tại Điều 39 Luật BHXH năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025) đã quy định rõ hơn về hành vị trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp và giao Chính phủ quy định chi tiết về Điều này. Hy vọng nội dung này sẽ được quy định, hướng dẫn rõ hơn trong các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật BHXH…

Thắng Trần