Đảm bảo chính sách BHXH thực sự là giải pháp lâu dài cho người lao động
25/09/2023 02:26 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thảo luận về “Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới” tại Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2023 diễn ra ngày 19/9, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng như đảm bảo an sinh cho người lao động. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho rằng, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần là một thực trạng rất day dứt. Trong giai đoạn 2016- 2022, số người rút bảo hiểm bảo hiểm xã hội một lần lên đến 3,5 triệu người…
Nhiều điểm mới tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)
Điều hành phiên thảo luận, ông Nguyễn Đức Hiển- Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định, chính sách BHXH đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống. Do đó, phát triển BHXH sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Theo ông Nguyễn Đức Hiển, trong thời gian qua, số người lao động rút BHXH một lần gia tăng đang nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, đòi hỏi cần sửa đổi, bổ sung các luật liên quan nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi (ở giữa) phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: ĐCS
"Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024, Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7- tháng 5/2024. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ có rất nhiều điểm mới, đặc biệt có chính sách thu hút lao động tham gia BHXH…"- ông Nguyễn Đức Hiển thông tin.
Làm rõ những vấn đề liên quan trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, việc sửa đổi luật lần này hết sức quan trọng và cần thiết, đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023-2024. Theo đó, định hướng sửa đổi Luật BHXH là nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28/NQ-TW, hướng đến bảo đảm an sinh xã hội toàn dân.
Cụ thể, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội bổ sung nhóm lực lượng lao động là chủ hộ kinh doanh (khoảng 2 triệu chủ hộ có đăng ký kinh doanh và đóng thuế) thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Đồng thời, bổ sung nhóm đối tượng quản lý HTX và cơ sở kinh doanh; bổ sung nhóm chế độ hưu trí BHXH cho những người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên. Qua đó, giúp gia tăng độ bao phủ chính sách BHXH.
“Có 5 nhóm chính sách lớn trong Luật BHXH (sửa đổi) trình lên Quốc hội, đáng chú ý là sửa đổi quy định mức đóng, mức hưởng BHXH, quy định thu-chi quỹ BHXH; giải quyết việc trốn đóng BHXH; giải quyết việc rút BHXH một lần; cải cách hệ thống BHXH một cách hiệu quả hơn, công khai, minh bạch hơn; quy định về đầu tư an toàn, hiệu quả của quỹ BHXH trong tương lai”- Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nêu rõ.
Phải đảm bảo chính sách BHXH thực sự là giải pháp lâu dài cho người lao động
Liên quan đến vấn đề rút BHXH một lần, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhìn nhận đây là thực trạng rất day dứt. Trong giai đoạn 2016-2022, cả nước có tới 3,5 triệu người rút BHXH một lần và số người rút BHXH một lần thường rơi vào các trường hợp đóng dưới 5 năm (70%). Tuy nhiên, vấn đề đáng lo nhất là nhiều người lao động chưa nhận thức được vai trò, vị trí quan trọng của BHXH trong bảo đảm an sinh xã hội; thu nhập của người lao động thấp nên khi gặp khó khăn mất việc làm sẽ rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt.
Đề cập đến giải pháp, Thứ trưởng cho biết, phải giải quyết vấn đề nhận thức, tăng cường truyền thông, vận động. “Bảo hiểm nhân thọ chỉ có khía cạnh bảo hiểm, nhưng các chiến dịch truyền thông của họ thu hút rất nhiều người tham gia. Do đó, chúng ta nên có các chương trình xúc tiến để mở rộng diện bao phủ BHXH” – Thứ trưởng nói.
Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng tính hấp dẫn của BHXH và có cơ chế hỗ trợ người lao động một khoản trợ cấp tạm thời giải quyết khó khăn; có cơ chế để tiếp cận vốn chính sách để người lao động tham gia BHXH…
Chia sẻ về chính sách BHXH một lần trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, Dự thảo Luật có 5 nhóm chính sách lớn và 11 vấn đề mà Chính phủ đã trình. Ủy ban đã tiến hành thẩm tra nội dung này tại Phiên họp lần thứ 10 vừa qua. Tuy nhiên, với các chính sách này, cần làm rõ đâu là chính sách thể chế hóa Nghị quyết, đâu là giải pháp tình thế…?
Cũng theo ông Đặng Thuần Phong, hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung rút BHXH một lần trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Do đó, cơ quan soạn thảo đang lắng nghe, tiếp thu các ý kiến này. Quan điểm của Ủy ban Xã hội là dù chọn phương án nào cũng phải đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động. “Phải đảm bảo chính sách BHXH thực sự là giải pháp lâu dài cho người lao động. Còn việc rút bao nhiêu, một lần hay nhiều lần thì cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng” – ông nói và cho biết, ngoài giải pháp trực tiếp là sửa luật, thì có giải pháp gián tiếp là cơ chế tín dụng, chính sách bảo đảm việc làm ổn định... để đáp ứng yêu cầu, giải quyết bài toán đặt cho cho việc rút BHXH một lần hiện nay.
“Ủy ban Xã hội đang tích cực tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để có căn cứ rõ hơn về vấn đề này”- ông Đặng Thuần Phong thông tin./.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
(Video) BHXH Việt Nam chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực ...
Quy định mới trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?