Trợ lực cho người tham gia BHXH tự nguyện

07/01/2023 05:50 PM


Chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn Quảng Ninh có hiệu lực đã và đang đem lại nguồn động viên rất lớn cho những đối tượng khó khăn có thu nhập bấp bênh.

Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của BCH Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH đặt ra mục tiêu đến năm 2025, trong số 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; đến năm 2030 nông dân và lao động phi chính thức chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện.

Theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, nhằm tăng diện bao phủ BHXH, BHYT và đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong toàn tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này, ngày 4/11/2022, kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIV, thông qua Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2027.

Theo đó, bắt đầu từ 1/1/2023, người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 30% đối với hộ nghèo, cận nghèo và 20% đối với các đối tượng khác từ nguồn ngân sách tỉnh. Điều này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho đối tượng lao động tự do, nông dân, người thu nhập bấp bênh... tham gia BHXH tự nguyện để sau này được hưởng lương hưu, cấp thẻ BHYT.

Chị Lương Thị Quyên (46 tuổi) ở khu 5, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long có 20 năm kinh doanh tại chợ Hạ Long 1, chia sẻ: Tôi tham gia BHXH tự nguyện đến nay được 8 tháng. Tôi thấy tham gia BHXH tự nguyện rất tốt, nhất là khi về già và không còn khả năng lao động. Từ năm 2023, người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ thêm 20% tiền đóng. Như vậy cộng cả tiền hỗ trợ trước đây nữa, tôi được hỗ trợ 30% tiền đóng BHXH tự nguyện. Tôi thấy chính sách hỗ trợ của tỉnh rất kịp thời và giảm chi phí giúp mọi người tham gia BHXH tự nguyện đông hơn, sau này về già được hưởng chế độ hưu, không phụ thuộc con cái.

Chị Vi Thị Biển (thôn Đông Thành, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) được cán bộ BHXH tỉnh và chính quyền địa phương tư vấn chính sách hỗ trợ của Nhà nước về BHXH tự nguyện.

Chị Vi Thị Biển (thôn Đông Thành, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) được cán bộ BHXH tỉnh và chính quyền địa phương tư vấn chính sách hỗ trợ của Nhà nước về BHXH tự nguyện.

Còn chị Vi Thị Biển (45 tuổi), ở thôn Đông Thành, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, đã có thời gian làm công nhân tại huyện Hải Hà, do bị bệnh không đảm bảo sức khỏe nên xin nghỉ từ 3 năm trước đây. Hiện nay chị Biển làm nông nghiệp, thu nhập thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn mong muốn được tham gia BHXH tự nguyện. Thông qua đài, báo, chị Biển được biết từ năm 2023, tỉnh hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện. Chị Biển cho hay: Tôi lên xã để hỏi thông tin về các mức hỗ trợ BHXH tự nguyện và được biết trường hợp cận nghèo được hỗ trợ tất cả 55% tiền đóng khi tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, tiền hỗ trợ Chính phủ là 25%, của tỉnh là 30%, nếu tôi tham gia đóng mức thấp nhất chỉ phải bỏ ra 148.500 đồng/tháng. Tôi sẽ tham gia để sau này hết tuổi lao động có lương hưu.

Nghị quyết về hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện là chính sách đặc thù riêng của Quảng Ninh có ý nghĩa rất lớn, giảm bớt áp lực chi phí cho người tham gia. Qua đó, thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm của tỉnh đối với người dân, người lao động trên địa bàn.

Hết năm 2022, tổng số người tham gia BHXH trong toàn tỉnh đạt 274.610 người, chiếm 43,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, tham gia BHXH tự nguyện là 22.800 người, số lượng vẫn thấp so với mục tiêu đề ra. Nguyên nhân do thời gian tham gia để hưởng lương hưu tối thiểu phải đủ 20 năm, với điều kiện người tham gia phải hết tuổi lao động; mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn nâng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng, đồng nghĩa mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng lên; chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự đến với người dân, nhất là với khu vực vùng sâu, vùng xa...

Cán bộ BHXH TP Móng Cái tuyên truyền cho các hộ tiểu thương trên địa bàn tham gia BHXH tự nguyện.

Cán bộ BHXH TP Móng Cái tuyên truyền cho các hộ tiểu thương trên địa bàn tham gia BHXH tự nguyện.

Mặc dù Chính phủ đã có mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện đối với hộ nghèo là 30%, hộ cận nghèo 25%, các đối tượng khác 10%, nhưng vẫn chưa thu hút người tham gia.

Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách của tỉnh sẽ kích cầu và tăng tính hấp dẫn trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện; tăng bao phủ BHXH trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu tình trạng người lao động giải quyết hưởng BHXH 1 lần.

Để đưa nghị quyết này đến với người dân, BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tư vấn, giải đáp về chính sách BHXH, BHYT nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng. Đặc biệt là nội dung thông báo về các mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện theo Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND của tỉnh cho các nhóm đối tượng, nhất là các địa bàn có hộ nghèo, cận nghèo…

Theo ông Lê Đình Tuấn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện của Quảng Ninh giúp người lao động ở khu vực phi chính thức được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh. Điều này tạo động lực để người có thu nhập thấp tham gia BHXH tự nguyện, thúc đẩy phát triển KT-XH, chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân, đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững.

PV