Chính sách BHXH tự nguyện góp phần thúc đẩy bình đẳng giới

31/03/2021 11:23 PM


Ngày 31/3/2021, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Đại học kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Tăng cường vai trò của Hội LHPN góp phần thúc đẩy thực hiện tài chính toàn diện”. Tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu có bài tham luận về “Thúc đẩy phổ cập BHXH tự nguyện - chính sách và giải pháp; Khuyến nghị đối với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam”.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc BHXH Việt Nam, Trường Đại học kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, các Ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương cùng hơn 160 giảng viên, cán bộ, viên chức và sinh viên của Trường Đại học kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Phát triển tài chính toàn diện – nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cho biết, tài chính toàn diện được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững và đang thu hút sự quan tâm của toàn cầu. Phát triển tài chính toàn diện nhằm gia tăng khả năng tiếp cận tài chính, đặc biệt là nhóm cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương. Phát triển tài chính toàn diện sẽ giúp việc phân bổ và sử dụng nguồn lực một cách có hiệu quả, góp phần quan trọng để giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến nay, đã có hơn 60 quốc gia xây dựng và triển khai tài chính toàn diện.

Ở Việt Nam, các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững đều nhấn mạnh đến việc tạo cơ hội bình đẳng cho người dân trong tiếp cận các nguồn lực phát triển và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản, trong đó, có các dịch vụ tài chính cơ bản. Sự bình đẳng giới còn được phải được thể hiện một cách cụ thể hơn giữa nam và nữ trong việc tiếp cận với hệ thống tài chính chính thức. Đối với tăng trưởng và phát triển của toàn nền kinh tế, IFC (2013) cho rằng, khi phụ nữ tích cực tham gia vào hệ thống tài chính thì tăng trưởng kinh tế cao hơn, bất bình đẳng giảm và gia tăng phúc lợi xã hội. Chính vì vậy, để góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân, tạo cơ hội bình đẳng cho người dân trong tiếp cận các nguồn lực phát triển và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản, năm 2020, Chính phủ đã ban hành “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030” với 03 nội dung quan trọng là: Các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng; các kênh phân phối đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin, bảo vệ người tiêu dùng tài chính và tăng cường hiểu biết tài chính. Đây là một dấu mốc quan trọng thúc đẩy sự vào cuộc quyết liệt và có trách nhiệm của hệ thống chính trị, các ngành chức năng, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cả người dân Việt Nam.

Thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã sáng tạo, chủ động triển khai nhiều hoạt động giáo dục tài chính, khảo sát tìm hiểu khả năng tiếp cận tài chính của phụ nữ, kết nối với tổ chức cung cấp dịch vụ phát triển và thử nghiệm các sản phẩm như tín dụng, bảo hiểm có nhạy cảm giới. Với mục tiêu “Phụ nữ được nâng cao hiểu biết năng lực tài chính tiếp cận và sử dụng an toàn thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu, với chi phí hợp lý do các tổ chức được cấp phép cung ứng một các có trách nhiệm và bền vững”, Hội LHPN Việt Nam đã cụ thể hóa thực hiện chiến lược với những mục tiêu cụ thể như:

Một là, nâng cao hiểu biết, năng lực tài chính, giúp phụ nữ có kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vị trong việc lựa chọn, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, quản lý tài chính cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp một các hiệu quả, hợp lý, an toàn;

Hai là, kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính, phi tài chính nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho phụ nữ;

Ba là, nâng cao chất lượng tham gia xây dựng, đề xuất và giám sát việc thực hiện pháp luật chính sách về tài chính toàn diện có tác động đến phụ nữ, các hộ nghèo và cận nghèo.

Bốn là, nâng cao năng lực, phát triển hệ thống các tổ chức, chương trình dự án tài chính vi mô của Hội LHPN Việt nam ở các cấp hoạt động chuyên nghiệp, an toàn, hiệu quả, bền vững.

Theo bà Đỗ Thị Thu Thảo, trên đây chỉ là một vấn đề liên quan đến vai trò trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội, trong khuôn khổ của Hội thảo hy vọng sẽ trả lời bài toàn về giải pháp cần thúc đẩy tài chính toàn diện cũng như tăng cường hiểu biết của nữ giới nói chung về lĩnh vực tài chính trong thời gian tới.

Nhiều giải pháp để thúc đẩy thực hiện tài chính toàn diện

Trao đổi tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hòa cho biết, ngày 22 tháng 01 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có việc thúc đẩy tài chính toàn diện.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu phát biểu tham luận tại Hội thảo

Để thúc đẩy tài chính toàn diện theo tinh thần của Chính phủ, bà Hòa khuyến nghị, cần thiết phải hoàn thiện cơ sở pháp lý; Phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối; Phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản; Phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản; Hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng tài chính; Giáo dục tài chính & Bảo vệ người tiên dùng tài chính và các nhóm giải pháp khác như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò và ý nghĩa của tài chính toàn diện; xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực ở các cơ quan quản lý và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính về thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam…

Đồng tình với quan điểm thúc đẩy tài chính toàn diện, bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPNVN - Tổng Giám đốc Tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thường (TYM) cho rằng, nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân nói chung, cho phụ nữ nói riêng là việc làm hết sức quan trọng góp phần vào việc thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Nhưng nâng cao hiểu biết cụ thể về những nội dung gì và bằng cách nào là những vấn đề cần có sự nghiên cứu sâu và triển khai bài bản.

Trong thời gian qua, TYM chú trọng phát triển hoạt động giáo dục tài chính, cung cấp sản phẩm tiết kiệm cho phụ nữ nghèo và thu nhập thấp nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện đối với phụ nữ. Các hoạt động giáo dục tài chính cung cấp cung cấp kiến thức cho phụ nữ, giúp họ cải thiện kinh tế gia đình và nâng cao địa vị trong xã hội. Đến nay, giáo dục tài chính đã nâng cao nhận thức cho 80.000 chị em về tài chính, trong đó, việc xây dựng cơ chế cho phụ nữ tiết kiệm là một yếu tố vô cùng quan trọng, giúp chị em đi từ nhận thức đến hành động cụ thể và đạt được thành quả. Qua tổ chức triển khai có thể khẳng định, giáo dục tài chính, giáo dục tiết kiệm cho phụ nữ đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực nhằm giúp cho các cơ quan quản lý, tổ chức tiếp cận tốt hơn đến các tầng lớp nhân dân trong mục tiêu phổ cập Giáo dục tài chính mà Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đề ra.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Nữ giới là đối tượng gặp các khó khăn trong việc tiếp cận tài chính nói chung và các sản phẩm tài chính nói riêng. Đặc biệt, phụ nữ ở nông thôn lại càng gặp niều hạn chế trong việc tiếp cận với các sản phẩm tài chính. Theo Giám đốc Ban Khách hàng hộ sản xuất và cá nhân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Linh Đức Hoàng, phát triển tài chính vi mô là một trong những giải pháp tích cực để phát triển tài chính toàn diện. Tài chính vi mô hỗ trợ người dân tạo thu nhập và cải thiện đời sống, điều này có ý nghĩa đối với người phụ nữ khi tỷ lệ nữ giới tại Việt Nam chiếm trên 50% dân số cả nước và trở thành lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Hoạt động tài chính vi mô hướng tới các hộ gia đình có thu nhập thấp với các khoản vay nhỏ, nhằm mục đích giúp họ tham gia vào các hoạt động sản xuất hoặc khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ. Vì vậy, việc tăng cường hiệu quả của đầu tư tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng góp phần nâng cao năng lực tài chính vi mô cho phụ nữ nông thôn trong chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Phụ nữ có quyền thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội nhân văn và ưu việt

Phạm vi của chiến lược tài chính toàn diện quốc gia hướng tới việc phổ cập các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản do các tổ chức được cấp phép cung ứng, trong đó có BHXH, BHYT nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020 và ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đều đã khẳng định quan điểm: BHXH và BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định đời sống Nhân dân, ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững đất nước. Phát triển BHXH, BHYT đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân. Các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đặt mục tiêu hướng đến mở rộng bao phủ BHXH, BHYT đến toàn dân; đồng thời đề ra các nhiệm vụ và giải pháp hữu hiệu để đạt được các mục tiêu theo từng giai đoạn, lộ trình để tất cả các tầng lớp Nhân dân được hưởng các chính sách nhân văn ưu việt này.

Bà Đỗ Thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao Học bổng cho các em học sinh xuất sắc

Nhấn mạnh về vai trò của Phụ nữ trong gia đình và xã hội, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho rằng, phụ nữ có quyền thụ hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta, nhất là chính sách BHXH, BHYT. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, vẫn còn nhiều hội viên, phụ nữ và người dân chưa được tiếp cận chính sách BHXH, BHYT, đặc biệt là chính sách BHXH tự nguyện.

Là tổ chức có lực lượng đông đảo, đoàn kết, vững mạnh từ Trung ương đến tận thôn, bản, tổ dân phố, có nhiều lợi thế, tiếng nói trong cộng đồng, bên cạnh đó, Phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 48% lực lượng lao động xã hội, có mặt trong mọi lĩnh vực, là “Tay hòm chìa khóa” của mỗi gia đình, là người quan tâm, chăm lo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phát huy vai trò của Hội LHPN, chủ động phối hợp nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên.

Theo thống kê, giai đoạn 2015-2020 đã có khoảng trên 8.000 hội nghị tập huấn, tư vấn, đối thoại, gameshow, lồng ghép trong các hội nghị, hội thảo,… Qua đó, giúp hội viên, phụ nữ hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa, quyền, lợi ích của chính sách BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Nhiều mô hình hay, mang lại hiệu quả trong phát triển BHYT hộ gia đình như: Mô hình “Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua BHYT  - Vì sức khỏe gia đình” tại Nam Định, mô hình: “Mua BHYT hộ gia đình”, “Tổ phụ nữ giúp đỡ mua BHYT cho hộ khó khăn” tại Long An;...

Để hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW và thúc đẩy thực hiện tài chính toàn diện, thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đề nghị Trung ương Hội LHPN Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, lợi thế của Hội trong tuyên truyền, vận động phát triển BHXH tự nguyện, với một số giải pháp như: Xây dựng Chương trình hành động với chủ đề: “Phụ nữ gắn với thực hiện chính sách BHXH và phát triển người tham gia BHXH tự nguyện” để cùng với Ngành BHXH sớm hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đề ra. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về các chủ trương, chính sách BHYT, BHXH của Đảng và Nhà nước, giúp hội viên, phụ nữ hiểu sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của BHXH, BHYT, từ đó, thay đổi thói quen từ việc tự mình để riêng phòng ngừa rủi ro sang thói quen tham gia các hình thức bảo hiểm như BHXH, BHYT của Nhà nước. Đưa tỷ lệ hội viên tham gia BHXH tự nguyện trong mỗi tổ chức cơ sở hội là tiêu chí thi đua của đơn vị. Trước mắt, khuyến khích các hội viên Phụ nữ hiện chưa tham gia BHXH thì sớm đăng ký tham gia, đóng BHXH tự nguyện và tuyên truyền, vận động người thân tham gia BHXH tự nguyện tạo hiệu ứng lan tỏa đến cộng đồng dân cư. Tiếp tục xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình Phụ nữ với chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Trong giai đoạn tới, ưu tiên tập trung vào các mô hình hỗ trợ hội viên phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện. Kêu gọi hội viên tiếp tục là Đại lý thu, nhân viên đại lý thu, là cộng tác viên nhiệt huyết phối hợp tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Phát huy vai trò của cán bộ hội với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động hội viên. Đào tạo kỹ năng truyền thông phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT cho Hệ thống Đại lý và Nhân viên đại lý thu của Hội phụ nữ. Phối hợp kiến nghị, đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách BHXH đảm bảo quyền lợi chính đáng cho phụ nữ.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo trân trọng cảm ơn những đóng góp hưu ích của các đại biểu. Sau đây, Trung ương Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp thu các ý kiến để vấn đề thúc đẩy kinh tế toàn diện được hoàn thiện, quyết tâm mang tới các dịch vụ tài chính thuận tiện, an toàn và phù hợp với người dân, phụ nữ và đặc biệt là phụ nữ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng sa, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững./.

PV