COVID-19

"Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trong dịch Covid-19".

19/05/2020 04:30 PM


Là tiêu đề chương trình giao lưu trực tuyến do BHXH Việt Nam phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức ngày 19/5, tại Hà Nội.

Buổi giao lưu có sự tham dự của ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH); bà Đinh Mai Hạnh, Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam); ông Nguyễn Đức Toàn Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam); ông Trần Chí Trung, Trưởng Ban Dịch vụ Tài chính Bưu chính, TCT Bưu điện Việt Nam (VNPost); ông Vũ Đức Khiên, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hải Dương.

Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Vụ trưởng, Trưởng Ban Nhân Dân điện tử cho biết: Trên tinh thần thực hiện hiệu quả chủ trương của Nghị quyết số 28 và Quyết định số 1676/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH. Cho đến nay hệ thống cơ chế, chính sách về BHXH tự nguyện đã thông thoáng và đầy đủ bảo đảm hành lang pháp lý tạo điều kiện tối đa để người dân, người lao động tham gia BHXH tự nguyện, nhằm mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

BHXH tự nguyện thể hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta nhằm góp phần ổn định cuộc sống của người lao động khi về già, quỹ bảo hiểm được nhà nước bảo trợ, đồng thời, chính sách này cũng thể hiện sự tích cực, chủ động của người lao động về tự an sinh cho chính bản thân mình, góp phần chia sẻ cộng đồng và phát triển xã hội.

Mặc dù, chính sách BHXH tự nguyện có nhiều ưu việt, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 xảy ra vừa qua đã và đang ảnh hưởng phần nào đến công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Tính đến ngày 30/4/2020, số người tham gia BHXH tự nguyện trên cả nước là 557 nghìn, chỉ đạt 46,5% kế hoạch giao. Con số này giảm 11 nghìn người so với tháng 3 và giảm 16 nghìn đối tượng so với năm 2019. "Chúng tôi mong rằng các quý vị khách mời tham gia chương trình cùng nhau trao đổi thẳng thắn để giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa nhân văn, cũng như lợi ích của bảo hiểm xã hội tự nguyện để chúng ta sớm đạt mục tiêu BHXH toàn dân." Ông Thanh nói.

Các khách mời tham dự Buổi giao lưu trực tuyến

Theo bà Đinh Mai Hạnh, Phó Trưởng Ban thu (BHXH Việt Nam), có những nguyên nhân sau dẫn đến tình trạng sụt giảm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện: Đối với BHXH tự nguyện, năm 2019 BHXH Việt Nam đã phát triển rất tốt, nhưng từ đầu 2020 đến nay, tình hình chung do dịch bệnh nên không phát triển được đối tượng mới, kể cả đối tượng đang tham gia cũng phải dừng. “Do phải thực hiện giãn cách xã hội, BHXH Việt Nam không phối hợp được với Bưu điện tổ chức các hội nghị tuyên truyền đến người dân, nên hầu như không phát triển được đối tượng tăng mới. Trong khi đó, người tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là lao động tự do, trong thời gian dịch bệnh không có việc làm nên họ cũng dừng đóng BHXH tự nguyện. Đó cũng là những nguyên nhân chính làm giảm đối tượng tham gia đóng BHXH bắt buộc cũng như tự nguyện.” Bà Hạnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với bà Hạnh, ông Vũ Đức Khiên, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hải Dương chia sẻ thêm: Đại dịch Covid-19 xảy ra không những ảnh hưởng riêng Hải Dương mà ảnh hưởng chung toàn quốc, về vấn đề phát triển đối tượng tham gia BHXH nói chung và BHXH bắt buộc cũng như BHXH tự nguyện, với Hải Dương 5 tháng đầu năm đã giảm 21.600 lao động BHXH bắt buộc.

Tuy nhiên, bên cạnh đó đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng hơn 770 người. Do tác động của dịch Covid-19 như vậy dẫn đến một số doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất, giảm lao động cho nên đối tượng không những không tăng mà còn giảm rất sâu. “Do không thể tổ chức tuyên truyền tại các khu dân cư, các hộ gia đình dẫn đến số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện dù có tăng nhưng không nhiều. Đó là những vấn đề ảnh hưởng do dịch gây ra.” Ông Khiên cho biết.

Về hướng phát triển BHXH trong thời gian tới, ông Trần Hải Nam Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, cần tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ về lợi ích của chính sách an sinh xã hội mà Đảng, Nhà nước đang triển khai thực hiện bảo đảm ổn định thu nhập lâu dài cho người dân khi về già, khi hết độ tuổi lao động. Đây là mục tiêu của chính sách BHXH khi triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên các giải pháp sớm khôi phục nền kinh tế, phục hồi sản xuất của doanh nghiệp, từ đó tạo việc làm để phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Với đối tượng lao động khu vực phi chính thức, các địa phương trong khả năng nguồn lực của mình cũng có thể có thêm gói chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn cùng gói hỗ trợ chung của Chính phủ, nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và có điều kiện để duy trì và tham gia BHXH tự nguyện.

Điều quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là giữ được người đang tham BHXH tiếp tục ở lại, thay vì để họ hưởng BHXH một lần với nhóm đối tượng nhóm tham gia BHXH bắt buộc như BHXH tự nguyện phải dừng đóng BHXH. Về lâu dài, cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về BHXH để hướng tới việc linh hoạt, đa dạng trong các chế độ thụ hưởng chính sách, tăng cơ hội cũng như quyền lựa chọn của người dân khi tham gia, nhằm phù hợp với nhu cầu mong muốn của từng đối tượng khi tham gia BHXH. Chính sách khi thực hiện sẽ bảo đảm quyền và nguyện vọng của người dân và mong muốn khi tham gia thụ hưởng từ chính sách.

“Trong các giải pháp ngắn hạn và lâu dài, chúng tôi cho rằng, khi việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như trên sẽ tạo điều kiện cho chúng ta duy trì và phát triển đối tượng tham gia BHXH nói chung và BHXH tự nguyện trong thời gian tới.” ông Nam nhấn mạnh

Phạm Tú