Một năm “đột phá” trong phát triển BHXH tự nguyện

31/12/2019 04:09 PM


Năm 2019 với sự nỗ lực lớn của ngành BHXH trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt được kết quả vượt bậc. Số người tham gia tăng mới trong năm 2019 bằng tổng số người vận động được của 10 năm trước đó.

Kết quả ấn tượng

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 11/2019, toàn quốc có 533.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 263.000 người so với năm 2018. Đây là con số ấn tượng, có sự gia tăng đột biến bởi chỉ tính riêng số người tăng mới trong năm 2019 đã gần bằng kết quả 10 năm thực hiện chính sách này từ năm 2008 đến năm 2018. Cụ thể, năm 2008, năm đầu tiên thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, toàn quốc mới chỉ có 6.000 người tham gia. Đến hết năm 2018 con số này là 270.000 người. BHXH Việt Nam ước tính, đến 31/12/2019, số người tham gia BHXH tự nguyện trên toàn quốc sẽ đạt mốc 600.000 người.

Số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2019 tăng nhanh (Ảnh minh hoạ)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhận định, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh cho thấy sự chuyển biến nhận thức của người dân về chính sách này, cũng như công tác tuyên truyền đã có sự đổi mới, phát huy hiệu quả tốt. Ngày càng có nhiều người nhận thấy rõ lợi ích, giá trị của BHXH tự nguyện nên tích cực tham gia. Điều này là rất quan trọng trong phát triển BHXH tự nguyện bền vững.

Đồng quan điểm, theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, những năm qua, công tác truyền thông về BHXH tự nguyện đã được tăng cường để nhiều người dân nhận biết về giá trị, lợi ích của loại hình bảo hiểm này. Bên cạnh đó, từ năm 2018, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia dựa trên mức chuẩn nghèo nông thôn gồm: 30% với người nghèo, 25% với người cận nghèo và 10% với đối tượng khác đã góp phần tăng thêm tính hấp dẫn.

Có thể thấy, trong phát triển BHXH tự nguyện, công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng. Là loại hình bảo hiểm tự nguyện người dân có toàn quyền lựa chọn tham gia hoặc không tham gia. Do đó, cần có những thay đổi về nhận thức để thúc đẩy hành động, lựa chọn. Thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan báo chí… đa dạng hóa các loại hình truyền thông về BHXH tự nguyện, tạo được điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, người lao động. Các hình thức truyền thông trực tiếp, đối thoại, theo nhóm được tăng cường. Các loại hình truyền thông mới như thông tin dưới dạng đồ họa (Infographic), truyền thông trên môi trường mạng xã hội… được thực hiện thường xuyên. Hệ thống chăm sóc khách hàng, trả lời tự động, tổng đài tra cứu ngành BHXH đi vào hoặt động cũng góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông, tạo sự hài lòng với người tham gia.

Tiếp tục cải cách, nâng độ bao phủ

BHXH tự nguyện là chính sách nhân văn với mục tiêu giúp mọi người dân, người lao động trong khu vực phi chính thức có điều kiện hưởng lương hưu, chăm sóc y tế khi hết tuổi lao động. 10 năm qua, chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện theo hai giai đoạn, với những quy định khác nhau. Giai đoạn đầu thực hiện theo Luật BHXH năm 2006, giai đoạn tiếp theo thực hiện theo Luật BHXH năm 2014 với những kế thừa, tổng kết, sửa đổi theo tình hình thực tiễn. Và để tiếp tục mở rộng diện bao phủ, ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã xây dựng và ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH với các mục tiêu và giải pháp tổng thể. Trong đó, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; đến năm 2025 đạt khoảng 2,5% và đến năm 2030 đạt khoảng 5%. Đây là dấu mốc quan trọng trong thực hiện chính sách BHXH tự nguyện với những mục tiêu cụ thể, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội.

Công tác truyền thông về BHXH tự nguyện ngày càng đổi mới, gần gũi hơn với người dân (Ảnh minh hoạ)

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, tiến tới còn 10 năm; nâng mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện phù hợp khả năng của ngân sách nhà nước; thực hiện thí điểm gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt đáp ứng nhu cầu của người dân; gắn quyền lợi tham gia BHXH tự nguyện với các ưu đãi khác của Nhà nước; giao chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện cho các địa phương…

Vì vậy, năm 2020 sẽ là năm bản lề quan trọng để đạt mục tiêu đầu tiên về BHXH tự nguyện trong Nghị quyết số 28-NQ/TW, bởi hiện số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Theo các chuyên gia, việc vận động người dân tham gia đang còn không ít khó khăn, thách thức do chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn với người lao động tự do có mức thu nhập thấp, bấp bênh trong khi thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu dài (20 năm). Bên cạnh đó, mức hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế, chưa có cơ chế hoa hồng đủ sức hấp dẫn các đại lý thu…

Tham gia BHXH tự nguyện để góp phần sống an vui tuổi già (Ảnh minh hoạ)

Theo thống kê, hiện cả nước còn khoảng 30 triệu người chưa tham gia BHXH - đây là cơ hội để ngành BHXH tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cũng như BHXH tự nguyện. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết: Với định hướng chính trị thực hiện “BHXH toàn dân” theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW và dưới sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, thời gian tới, ngành BHXH sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt; chủ động phối hợp các bộ, ngành, đoàn thể… tăng cường công tác truyền thông, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu và đăng ký tham gia. Hiện ngành BHXH và ngành LĐ-TB&XH đang xây dựng đề án tuyên truyền theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW. Trong đó, 2 ngành sẽ nghiên cứu, đưa ra những giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức phù hợp, thân thiện hơn với từng người dân, hướng tới truyền thông trên mạng xã hội, nền tảng điện thoại, tin nhắn, đối thoại trực tiếp tại khu dân cư, nhà riêng… Bên cạnh đó, Ngành sẽ mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, phấn đấu mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có điểm thu BHXH tự nguyện. Hướng dẫn, tập huấn chính sách BHXH tự nguyện cho các nhân viên đại lý thu, để lực lượng này phối hợp tuyên truyền, tư vấn đến từng người dân. Giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho BHXH cấp huyện và từng đại lý thu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính; đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người tham gia BHXH tự nguyện...

Phạm Chính