Tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW
23/10/2019 11:05 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, thảo luận toàn thể tại hội trường ngày 23/10 đối với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), các ĐBQH dành nhiều sự quan tâm đến quy định về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; về việc nâng tuổi nghỉ hưu và thời giờ làm việc bình thường.
Quang cảnh phiên thảo luận
Đa số ĐB nhất trí với tăng tuổi nghỉ hưu
Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH đồng tình với Phương án 1 của tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ Luật.
ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông) thống nhất với phương án 1 của dự thảo và cho rằng việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án trên là phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28 ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về cải cách chính sách BHXH. Tuy nhiên, mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét các yếu tố đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Theo đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật v.v... Giao cho Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.
ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nhất trí về sự cần thiết điều chỉnh tăng tuổi về hưu quy định trong dự thảo Bộ luật và đề nghị nên lựa chọn phương án 1 là trong điều kiện bình thường nam nghỉ hưu ở tuổi 62 và nữ nghỉ hưu ở tuổi 60. Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam là 3 tháng/1 năm và nữ là 4 tháng/1 năm, bảo đảm tính công khai, minh bạch ngay trong luật.
“Tôi đề nghị nghiên cứu việc tăng tuổi nghỉ hưu theo hướng công chức thì tăng tất cả, viên chức nên tăng một bộ phận lớn, công nhân lao động tăng một bộ phận nhỏ và lao động nữ nên được nghỉ hưu ở tuổi 58 là phù hợp. Đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ lý do tại sao nam nghỉ hưu ở tuổi 62 và nữ nghỉ hưu ở tuổi 60. Khi nói về bình đẳng giới thì nam và nữ đều bình đẳng, nên tuổi nghỉ hưu đều phải như nhau: - ĐB Trần Văn Tiến đề nghị.
ĐB Nguyễn Anh Trí phát biểu tại phiên thảo luận
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ tán thành với phương án tăng tuổi nghỉ hưu nhưng cần sửa đổi theo hướng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 58 tuổi; trường hợp đặc biệt có thể được nghỉ sớm và tối đa là 10 năm; bên cạnh đó cũng được kéo dài thời gian làm việc không quá 5 năm. ĐB cũng lưu ý việc kéo dài thời gian làm việc phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của người lao động và cơ quan, đơn vị.
Nhất trí với quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, phù hợp với xu thế tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng cao, phát huy được kinh nghiệm trong lao động, công tác, song ĐB Y Khút Niê (Đắk Lắk) cho rằng việc áp dụng chung tuổi nghỉ hưu cho tất cả các đối tượng, các ngành nghề và khu vực là không phù hợp. Bởi mỗi ngành nghề, lĩnh vực đều có tính chất đặc thù, nhu cầu sức khỏe làm việc cũng khác nhau. Nếu tuổi nghỉ hưu áp dụng chung là nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi để làm căn cứ tính BHXH thì người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, điều kiện làm việc khó khăn mà nghỉ hưu sớm sẽ bị trừ tỉ lệ phần trăm lương hưu và sẽ thiệt thòi cho người lao động.
ĐB Y Khút Niê phát biểu tại phiên thảo luận
ĐB Y Khút Niê cũng cho biết, qua khảo sát với hơn 3955 lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho thấy có 3.400 phiếu không đồng ý với tuổi hưu tăng thêm và đề nghị giữ nguyên như hiện hành, đồng thời đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, lao động trong ngành cao su, cà phê. Mặt khác tăng tuổi hưu cần xem xét đến việc bố trí việc làm cho lao động trẻ, sinh viên mới ra trường, bảo đảm hài hòa ổn định thị trường lao động. Trên cơ sở đó, ĐB đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng đối với lao động phổ thông, lao động trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên giữ như hiện hành; đối với lao động trí óc, lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt trong lĩnh vực cụ thể quy định tuổi nghỉ hưu đối với nam là 62 tuổi, nữ là 58 tuổi hoặc cao hơn.
Theo ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) Quốc hội nên tiếp cận theo kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bởi kiến nghị này phản ánh tương đối đầy đủ ý kiến, mong muốn của người lao động. Theo đó, nên lắng nghe tiếng nói thực tế, chủ sử dụng lao động không muốn sử dụng lao động cao tuổi và người lao động cũng không làm được nếu quá tuổi. ĐB đề nghị, công chức và một bộ phận viên chức có thể làm đến 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam, còn phần đông lao động trực tiếp, nặng nhọc thì nên nghỉ theo quy định hiện hành.
ĐB Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại phiên thảo luận
Cùng quan điểm, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nhấn mạnh, toàn bộ công chức cần tăng tuổi nghỉ hưu trừ lực lượng vũ trang, một bộ phận lớn viên chức cũng cần tăng tuổi nghỉ hưu, còn đối với người lao động cần phải nghiên cứu, cân nhắc kĩ là có tăng tuổi nghỉ hưu hay không và nếu tăng thì ở mức độ nào để phù hợp với điều kiện, sức khỏe của người lao động.
Sẽ lấy phiếu xin ý kiến của ĐBQH về những nội dung còn khác nhau
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, sau một ngày thảo luận tại hội trường đã có 48 ĐBQH phát biểu và 06 ĐBQH tranh luận.
Với tinh thần trách nhiệm cao, các ĐB đã thảo luận sôi nổi nhưng cũng thận trọng, khách quan, thẳng thắn về các nội dung của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Qua thảo luận, các ĐBQH nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của ĐBQH cũng như của những người thụ hưởng và thực hiện luật. Cùng với đó dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng có bình luận nhận xét của Tổ chức Lao động Thế giới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, các ĐBQH đã thảo luận về nhiều nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật như về làm thêm giờ, việc tăng tuổi nghỉ hưu quy định như thế nào, về tăng thêm ngày nghỉ có hưởng lương, đồng thời thẳng thắn góp ý về kĩ thuật xây dựng văn bản. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng đã giải trình, tiếp thu nhiều ý kiến ĐBQH và cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ luật.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho biết, đối với các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau sẽ được lấy phiếu xin ý kiến của ĐBQH trước khi biểu quyết thông qua./.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?