Chính sách BHXH trong thời kỳ đất nước mới giành độc lập

18/07/2019 01:40 PM


Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam) ra đời, mặc dù với một nền tài chính hết sức eo hẹp, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu nhưng ngày 03/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ ký Sắc lệnh số 54-SL ấn định các điều kiện cho công chức về hưu trí.

Trong bản sắc lệnh hết sức ngắn gọn, chỉ có 02 điều, Nhà nước quy định: “Kể từ ngày 01/10/1945, những công chức thuộc tất cả các ngạch trong nước Việt Nam, tại chức hay đương nghỉ việc bất cứ ở vào trong trường hợp nào, đều phải về hưu mỗi khi có đủ 01 trong 02 điều kiện: hoặc đã làm việc được 30 năm, hoặc đã đến 55 tuổi”.

Căn cứ Sắc lệnh số 54-SL, sau khi có sự thỏa thuận, thống nhất giữa hai Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đề nghị Chủ tịch Chính phủ (khi đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy nhiệm làm Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bác đi công tác tại Pháp) ký ban hành Sắc lệnh số 105-SL ngày 14/06/1946 quy định về việc cấp hưu bổng và đóng BHXH đối với công chức. Theo đó, bắt đầu từ ngày 01/10/1945, công chức các ngạch Việt Nam về hưu trí theo Sắc lệnh số 54 nếu đã làm được đủ 20 năm sẽ được hưởng lương hưu (từ nguyên văn trong Sắc lệnh là “có đồng hưu liễm” - PV), sẽ được cấp hưu bổng tính theo phần số hạng thâm niên, cứ mỗi năm được tính 1/60 lương bình quân về 03 năm làm việc sau cùng, không kể các phụ cấp. Trường hợp đã làm từ 20 - 25 năm sẽ được cấp hưu bổng tính theo phần số hạng tỷ lệ 1/75 lương bình quân về 03 năm làm việc sau cùng, không kể các phụ cấp. Trường hợp tự ý đệ đơn về hưu trí sau khi đã làm việc ít nhất 25 năm cũng được cấp hưu bổng theo số hạng thâm niên như trên. Không chỉ quy định cấp hưu bổng cho những công chức của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại Sắc lệnh này còn đặc biệt nhấn mạnh: “Các hưu bổng đã cấp rồi theo chế độ cũ cho những viên chức ở trong các trường hợp kể trên, sẽ được thanh toán lại và tăng cấp kể từ ngày về hưu”, nhằm đảm bảo quyền lợi cho công chức đã có thời gian làm việc trong bộ máy của chính quyền Pháp thuộc và sau này có cống hiến, đóng góp cho chính quyền cách mạng. Tại Sắc lệnh số 105, quy định về mức đóng góp vào Quỹ hưu trí, bắt đầu từ ngày 01/01/1946, công chức có trách nhiệm đóng góp vào Quỹ hưu bổng 10% mức tiền lương thay vì 06% như trước đây và Nhà nước trích từ công quỹ cấp cho Quỹ hưu bổng 10% thay vì mức 07% như trước đây. Có thể nói, nếu như Sắc lệnh số 54-SL là sắc lệnh đầu tiên của Chính phủ quy định về chế độ hưu trí với công chức; thì Sắc lệnh 105-SL chính là văn bản pháp luật đầu tiên quy định quyền lợi, mức hưởng hưu trí của công chức, khẳng định nguyên tắc đóng - hưởng của BHXH, đồng thời, cũng quy định trách nhiệm bảo hộ của Nhà nước đối với Quỹ BHXH. 

Ngày 09/11/1946, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Chính quyền cách mạng non trẻ với 240 phiếu tán thành trên tổng số 242 phiếu. Tại Điều 17 quy định về quyền cơ bản của công dân có nêu nguyên tắc: “Công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ, trẻ con được chăm sóc về mặt giáo dưỡng”. Tuy nhiên, ngày 19/12/1946, lệnh toàn quốc kháng chiến được phát đi, kháng chiến chống Pháp bùng nổ khiến cho việc tổng tuyển cử bầu nghị viện nhân dân không thể thực hiện. Bởi vậy, Hiến pháp 1946 chưa được công bố và chưa từng có hiệu lực về phương diện pháp lý. Nhưng những quan điểm tiến bộ về quyền con người, quyền công dân trong bản Hiến pháp đầu tiên này đến nay vẫn còn nguyên giá trị lịch sử.

Ngày 12/03/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 29-SL quy định về những giao dịch về việc làm công giữa chủ lao động, cả người Việt Nam và người nước ngoài, với công nhân Việt Nam làm tại các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ, thương điếm và các nhà làm nghề tự do. Với nhiều chương mục quy định về phụ cấp gia đình, phụ cấp thâm niên và thủ tục trả phụ cấp; chế độ nghỉ đẻ và cho con bú đối với phụ nữ; chế độ nghỉ ốm đau cho công nhân và trách nhiệm của chủ; chế độ tai nạn lao động; hình thức xử phạt đối với chủ có hành vi vi phạm các quy định trên… Có thể nói, Sắc lệnh 29 chính là văn bản pháp luật đầu tiên quy định về các chế độ BHXH đối với công nhân, có nhiều quy định hết sức ưu việt như quy định tất cả công nhân đều được phụ cấp gia đình để người công nhân đó nuôi các con của mình (kể cả con ruột và con nuôi được công nhận hợp pháp), cho đến khi đứa trẻ đủ 16 tuổi và được hưởng đến khi đủ 18 tuổi, đối với các con còn đi học hoặc bị tàn tật, mắc bệnh không thể tự kiếm sống. Để trả phụ cấp gia đình, chủ lao động phải đóng tiền vào một quỹ do Chính phủ quy định, khoản này không được trừ vào lương của công nhân. Đối với phụ cấp thâm niên (giống như trợ cấp thôi việc và là trợ cấp thất nghiệp sau này), mọi công nhân đều được hưởng phụ cấp thâm niên khi vì lý do nào đó mà nghỉ việc hoặc bị chủ sa thải, trừ trường hợp tự ý xin thôi để đi làm cho một cơ sở khác, ra kinh doanh để kiếm lợi riêng mình hoặc bị sa thải vì đã phạm một trọng tội về hình luật). Phụ cấp thâm niên được tính bằng 50 đồng tương ứng với mỗi năm có đủ 12 tháng làm việc. Trong trường hợp người công nhân mất, phụ cấp thâm niên sẽ được trả cho vợ (chồng) hoặc con của họ. Về chế độ thai sản với nữ công nhân, Sắc lệnh quy định “công nhân đàn bà” được nghỉ 08 tuần và hưởng một nửa số tiền công, kể cả phụ cấp, trong thời gian sinh nở; trong 01 năm kể từ ngày đẻ, được nghỉ 60 phút/ngày để cho con bú. Trong thời gian người phụ nữ mang thai và sinh đẻ, chủ không được phép sa thải hoặc chuyển việc nặng hơn hoặc đổi chỗ làm mà không được sự đồng ý của người lao động. Về chế độ ốm đau, công nhân khi ốm đau muốn xin nghỉ ăn lương phải có giấy chứng nhận của bác sĩ và được nghỉ nhiều nhất là 20 ngày/năm. Về chế độ tai nạn lao động, Sắc lệnh số 29 cũng có quy định nhưng còn hết sức mờ nhạt: “Công nhân bị tai nạn lao động, dù lỗi tại mình hay không mà phải nghỉ việc quá 04 ngày thì phải được chủ bồi thường; nếu vì tai nạn ấy mà chết thì những người thừa kế được bồi thường. Số tiền bồi thường sẽ kể từ hôm sau ngày xảy ra tai nạn. Ngày xảy ra tai nạn coi như ngày công nhân vẫn làm việc, chủ phải trả cả lương”. Đặc biệt, ngay từ thời kỳ này, Sắc lệnh 29 đã ban hành được quy định về xử lý vi phạm đối với chủ không thực hiện đầy đủ các quyền cho công nhân. Đối với những vi phạm về các chế độ BHXH kể trên, nếu vi phạm, người chủ có thể bị phạt từ 10 - 1.000 đồng, đối với chủ không chịu nộp tiền đóng góp vào quỹ phụ cấp gia đình cho công nhân sẽ phải phạt một số tiền gấp đôi số tiền phải góp.  

Nghiên cứu kỹ các chính sách BHXH thời kỳ này, có thể thấy các quy định dù sơ khai nhưng khá hoàn thiện, đầy đủ: không chỉ có những quy định về quyền lợi và trách nhiệm mà còn đã sớm đề cập đến cả những mức phạt cho hành vi vi phạm BHXH - điều mà đến nay đã được luật hóa./.

ThS. Dương Ngọc Ánh