Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là phù hợp với lộ trình, tầm nhìn dài hạn

16/05/2019 03:41 PM


Ngày 15/5, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến tham gia về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với người lao động và quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Bộ LĐ-TB&XH công bố ngày 28/04/2019 đưa ra 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Theo đó, Phương án 1: Kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam, và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2, kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam, và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là phú hợp với lộ trình, tầm nhìn dài hạn

Dự thảo cũng quy định người lao động được nghỉ hưu sớm không quá 5 năm, do suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Đồng thời, người lao động cũng được nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, vấn đề tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hai nội dung cần lưu ý. Một là, việc điều chỉnh tuổi hưu của nam lên 62 tuổi và nữ 60 tuổi trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) là những người lao động làm việc trong điều kiện bình thường. Hai là, những người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt vẫn có quyền nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn như quy định hiện hành (tức là vẫn được giảm 5 năm).

Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Quan hệ lao động nhận định: Tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết ở thời điểm này. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, giải quyết việc làm, thất nghiệp và tính tới đặc thù lao động trực tiếp và không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng và chất lượng cơ cấu dân số, bình đẳng giới, cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; phù hợp với xu hướng già hóa dân số và tính chất của từng loại hình lao động.

Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: Khi xây dựng chính sách, cơ quan soạn thảo rất khó chọn được 1 giải pháp tuổi hưu có thể làm hài lòng được tất cả các nhóm lao động trên thị trường lao động. Và để hài hoà được cần nhiều giải pháp tổng thể khác. Đơn cử, cần thay đổi tư duy cứng nhắc của người lao động là: “Mình chỉ có thể làm duy nhất một công việc từ khi trẻ tuổi tới tận cuối đời hay tới tuổi nghỉ hưu”; đồng thời cũng cần tăng tính linh hoạt của thị trường lao động khi các doanh nghiệp phải có cơ hội cho người lao động chuyển sang các công việc phù hợp khác khi họ lớn tuổi và giàu kinh nghiệm.

Ông Bình cho biết thêm, Nghị quyết 28/NQ-TW về cải cách chính sách BHXH của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã đề ra nhiều giải pháp tổng thể để giải quyết vấn đề này. Để sao cho người lao động có thể chuẩn bị thay đổi nghề nghiệp, doanh nghiệp cũng có sự khuyến khích để bảo vệ việc làm, luân chuyển việc làm… Đồng thời, trong quá trình biên soạn, Ban soạn thảo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng đã “mở đường” cho việc tính toán các đối tượng thuộc ngành, nghề nào được nghỉ hưu trước tuổi. Vấn đề tại sao Bộ luật Lao động chưa nêu cụ thể? Bởi Luật không bao trùm hết được mà phải điều chỉnh bằng các văn bản khác trong thời gian tới./.

PV (tổng hợp)