Tăng tuổi nghỉ hưu phải gắn với lộ trình phù hợp

07/06/2018 09:05 AM


Đây là quan điểm về vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu - một trong những vấn đề an sinh xã hội vừa được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều ngày 06/6 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 6/6.

Kiên quyết xử lý các sai phạm trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng thuốc

Trả lời chất vấn của đại biểu Mùa A Vảng - Điện Biên về những giải pháp của Chính phủ nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất thuốc giả, thuốc kém chất lượng, PhóThủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng của thế giới trung bình khoảng 10%, so sánh tỷ lệ trong các nước có cùng phân loại thì tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng củaViệt Nam là khá thấp, chỉ khoảng 2,1%.

Tuy nhiên, PhóThủ tướng cũng cho biết, trong thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ việc rất nghiêm trọng, đặc biệt là vụ việc thuốc ung thư giả. Trước tình hình này, Chính phủ đã chỉ đạo một số nội dung cụ thể như: Xử lý nghiêm những sai phạm trong lĩnh vực này, và riêng vụ thuốc ung thư giả đã tiến hành bắt giam và khởi tố. Tăng cường công tác quản lý chất lượng và quy trình bán thuốc cũng như kê đơn tại các hiệu thuốc. Tăng cường công tác quản lý về mặt Nhà nước trong công tác đấu thầu thuốc tập trung tại Bộ Y tế và tại BHXH Việt Nam nhằm: Quản lý được chất lượng của các loại thuốc; giảm được giá thuốc theo mặt bằng thu nhập, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân. “Điển hình qua đợt đấu thầu tập trung năm 2017, đã giảm được khoảng từ 15-20% chi phí giá thuốc. Trong đó, có cả những loại thuốc biệt dược cũng giảm được khoảng 13-14% chi phí giá thuốc, không kể những loại biệt dược đã có thuốc Generic thay thế. Thậm chí, kể cả với các thuốc biệt dược gốc có đấu thầu, thì giá thuốc còn tiếp tục giảm giá được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và cho triển khai thí điểm kết nối công nghệ thông tin giữa các cơ sở khám chữa bệnh với nhà thuốc, nhằm đảm bảo việc kiểm soát, truy xuất xuất xứ và chất lượng của thuốc tại 03 tỉnh là Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hưng Yên. Từ tháng 7/2018, sẽ có đánh giá sơ bộ chương trình thí điểm này và tiến tới triển khai trên toàn quốc. Dự kiến, trong tháng 6/2018, Thủ tướng cũng sẽ xem xét ban hành Chỉ thị về tăng cường phòng, chống gian lận thương mại, buôn lậu, sản xuất kinh doanh trái phép, một số loại sản phẩm hàng hóa, trong đó có các loại thuốc.

Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần dựa vào tổng thể nhiều yếu tố

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn - Tp.Hà Nội chất vấn: Trong nhiều năm qua, do các lý do khác nhau, nhiều địa phương trong cả nước đã ký hàng vạn hợp đồng với các giáo viên trường mầm non, giáo viên phổ thông, cán bộ y tế. Tuy  nhiên, NLĐ thuộc diện này, ngoài việc lương rất thấp, còn không được đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Và khi các địa phương chấm dứt hợp đồng lao động, thì số giáo viên, thầy thuốc này phải “trắng tay” rời trường, rời trạm xá y tế, rời bệnh viện. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết về những giải pháp và chính sách của Chính phủ để bảo vệ quyền lợi cho những đối tượng lao động này?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải dựa vào tổng thể rất nhiều yếu tố.

Trả lời chất vấn về nội dung này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, điều tiên quyết ở đây là phải thực thi đúng các quy định của pháp luật về việc tuyển dụng lao động. Và nếu trong trường hợp lao động được tuyển dụng một cách hợp pháp, khi giải quyết lao động dôi dư sẽ áp dụng Nghị định số 108 của Chính phủ để giải quyết chế độ, chính sách cho NLĐ. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo để sửa Nghị định này theo hướng mở rộng hơn đối tượng sang cả viên chức.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, với những sai phạm của từng cá nhân, từng đơn vị, Chính phủ sẽ có chỉ đạo để rà soát lại với từng địa phương và đưa ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để giải quyết hiệu quả vấn đề này.

Trả lời chất vấn của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Tp.Hà Nội về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu có làm giảm cơ hội việc làm của giới trẻ hay không, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, đụng chạm đến hàng chục triệu người, kể cả những người đang làm việc và những thanh niên sắp rời ghế nhà trường, bước vào thị trường lao động. Kinh nghiệm các nước trên thế giới đã giải quyết vấn đề này rất sớm, và gắn với lộ trình rất chặt chẽ để không tạo sốc cho thị trường lao động.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải dựa vào tổng thể rất nhiều yếu tố: Thứ nhất, phải dựa vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết bài toán việc làm và thất nghiệp. “Nếu chúng ta tăng tuổi nghỉ hưu của lớp lao động hiện tại, mà không đồng thời tạo ra được công ăn việc làm mới cho những người sắp bước vào thị trường lao động, thì vấn đề tăng tuổi nghỉ là không khả thi. Do đó, việc tiên quyết là cần tập trung phát triển sản xuất và tạo ra việc làm mới”, Phó Thủ tướng nói.

Thứ hai, vấn đề này còn liên quan đến cơ cấu ngành nghề. Bởi có những ngành nghề có môi trường làm việc khắc nghiệt, NLĐ sẽ không còn đủ điều kiện sức khỏe để tiếp tục lao động và muốn nghỉ hưu sớm; nhưng cũng có những ngành nghề có nhân lực chuyên môn sâu, có thể có điều kiện kéo dài tuổi nghỉ hưu.

Thứ ba, là vấn đề già hóa dân số. Hiện tuổi thọ của người dân Việt Nam đã tăng lên và trong 60 năm trở lại đây, Việt Nam chưa thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.

Thứ tư, là vấn đề bình đẳng giới. Hiện, tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ của Việt Nam đang tồn tại khoảng cách khá xa nhau (5 tuổi). Trong khi đó, đại đa số các nước trên thế giới không phân biệt tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, hoặc nếu có thì khoảng cách này rất hẹp.

Thứ năm, là đảm bảo cân đối dài hạn của quỹ BHXH.

Phó Thủ tướng cho biết, Nghị quyết số 28 của Hội nghị Trung ương 7 về cải cách chính sách BHXH đã quyết định, từ năm 2021 sẽ thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình thận trọng và phù hợp. Sau này, khi tiến hành sửa Luật Lao động, Quốc hội sẽ quyết định vấn đề này.

Chính sách tiền lương - vấn đề cốt lõi

Chất vấn Phó Thủ tướng, đại biểu Bùi Sĩ Lợi - Thanh Hoá cho rằng, Chính phủ đã 03 lần lỡ hẹn cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và NLĐ. Vừa rồi, Hội nghị Trung ương 7 đã có Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương, đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ 03 vấn đề: Khả năng cân đối để cải cách tiền lương? Có làm tăng trần nợ công không? Giải pháp kiềm chế chỉ số giá sinh hoạt khi tăng tiền lương?

Trả lời chất vấn về nội dung này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đây là vấn đề đang được xã hội quan tâm. Về những băn khoăn của đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Thủ tướng cho biết, Ban Chỉ đạo Đề án cải cách chính sách tiền lương cũng như Chính phủ đã có tính toán cân nhắc kỹ lưỡng để trình Bộ Chính trị và Trung ương thảo luận, quyết định. Mặc dù vấn đề tăng lương không phải là toàn bộ nội dung trong cải cách tiền lương, nhưng đây là vấn đề cốt lõi và được nhiều người quan tâm, nên cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo Phó Thủ tướng, để tăng lương, giải pháp tiên quyết là phải xác định được vị trí việc làm để thiết kế hệ thống chính sách tiền lương; biện pháp đột phá là quyết liệt tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách; giải pháp tài chính mà căn cơ nhất là tăng thu, chống thất thu về ngân sách, kết hợp tiết kiệm chi tiêu,… và dành nguồn lực này để cải cách tiền lương. 

“Trong quá trình cân đối này, Chính phủ sẽ dựa vào Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị để tính toán các phương án trả lương mà vẫn đảm bảo trần nợ công khoảng 65%, kiểm soát được chỉ số lạm phát. Tăng lương gắn với tăng năng suất lao động, thì tăng CPI không lớn. Thực hiện được các giải pháp đồng bộ như trên, chúng ta sẽ vừa đáp ứng được yêu cầu về cải cách tiền lương, vừa đảm bảo ổn định về kinh tế vĩ mô”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

Trọng Nguyễn