Đi làm việc ở nước ngoài - kênh tích cực, hiệu quả, nhanh chóng để giảm nghèo bền vững

16/09/2024 08:45 AM


Sau một thời gian triển khai các chính sách hỗ trợ trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến nay, hơn 5.000 lượt lao động ở các địa bàn khó khăn được hỗ trợ làm các thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Với lao động tại các huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã bãi ngang ven biển hải đảo, vùng còn khó khăn về điều kiện kinh tế-xã hội, đi làm việc ở nước ngoài là một kênh tích cực, hiệu quả, nhanh chóng nhằm giảm nghèo bền vững.

Lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. (Ảnh: Colab)

Giải pháp giúp nhiều gia đình thoát nghèo

Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Ngoài việc tích lũy, kinh nghiệm, tác phong làm việc khoa học, kiến thức chuyên môn, kỹ thuật, sau thời gian làm việc ở nước ngoài, người lao đông (phần lớn là thanh niên) trở về địa phương đã góp phần tích cực trong công tác tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế của gia đình.

Từ đó, nhiều gia đình đã thoát nghèo, không chỉ tạo việc làm cho bản thân mà còn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho cộng đồng, vươn lên làm giàu, khá giả, đóng góp tích cực vào công tác phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện công tác hỗ trợ người lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình) đối với 33 huyện nghèo thuộc 14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại Quảng Nam mới đây,

Đối với người lao động tại các huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã bãi ngang ven biển hải đảo, vùng còn khó khăn về điều kiện kinh tế-xã hội, đi làm việc ở nước ngoài là một kênh tích cực, hiệu quả, nhanh chóng trong công tác giảm nghèo bền vững.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan chia sẻ thông tin về chính sách hỗ trợ lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. (Ảnh: Molisa)

Ông Nguyễn Bá Hoan cũng cho hay, nhiều năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tích cực tham mưu, xây dựng chính sách và chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, hoạt động thúc đẩy đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1 năm 2022.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đánh giá tình hình thực hiện Tiểu dự án “Hỗ trợ người lao động tại các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài” thuộc Chương trình, trao đổi những thuận lợi, khó khăn, đề xuất giải pháp… Qua đó, những thảo luận, đề xuất định hướng, chính sách và cách thức triển khai chương trình trong giai đoạn tới cũng được tập hợp, xem xét.

Hỗ trợ hơn 5.000 lượt lao động về thủ tục đi làm việc ở nước ngoài

Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025giai đoạn 2021-2025 đặt ra một số mục tiêu cụ thể song hành với hàng loạt hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, góp phần giải quyết mức độ thiếu hụt về việc làm.

Cụ thể, đến năm 2025, tối thiểu 9.500 người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đào tạo; trong đó, có khoảng 5.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (ít nhất 80% hộ gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài sẽ thoát nghèo).

Cùng với đó, hỗ trợ khoảng 1.200 người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo các hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Đặng Sĩ Dũng cho biết, trong Tiểu dự án 2 “Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” thuộc Dự án 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững của chương trình”, sau gần 4 năm thực hiện chương trình, tính đến hết năm 2024, tổng kinh phí ngân sách nhà nước đã phân bổ thực hiện Tiểu dự án 2 là 189 tỷ đồng, trong đó 159 tỷ đồng phân bổ cho 31 địa phương thực hiện.

Đến nay, đã có hơn 3.800 lượt người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được hỗ trợ đào tạo nghề và 5.157 lượt lao động được hỗ trợ làm các thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong giai đoạn 2021-2023, đã có khoảng 118.000 lượt người lao động và thân nhân được tư vấn về đi làm việc ở nước ngoài.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ cho vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội cũng góp phần tạo việc làm cho khoảng 120.000 người lao động, mở ra cơ hội làm việc ở nước ngoài cho người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo và các huyện nghèo. Đến nay, dư nợ cho vay người lao động là các đối tượng chính sách tại huyện nghèo đạt 184 tỷ đồng.

Cũng theo ông Đặng Sĩ Dũng, trong những năm gần đây, số lao động đi làm việc ở nước ngoài của cả nước ngày một tăng, tập trung chủ yếu tại các thị trường có thu nhập tốt, ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), chiếm đến 95% số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm.

Mới đây nhất, trong năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt gần 160 nghìn người. Nhật Bản vẫn là thị trường hàng đầu tiếp nhận lao động Việt Nam, với hơn 80 nghìn người. Tiếp đó là một số thị trường chính thu hút nhiều lao động nước ta sang làm việc như: Đài Loan (Trung Quốc): 58.620 lao động; Hàn Quốc: 11.626 lao động.

Trong năm 2024, mục tiêu đặt ra là đưa 125 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Định hướng là tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định; ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Ông Đặng Sĩ Dũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần tiếp tục hướng dẫn các địa phương trong việc triển khai thực hiện hỗ trợ người lao động thuộc đối tượng đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm chính sách tín dụng, hỗ trợ trực tiếp chi phí xuất cảnh.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện đàm phán với phía Hàn Quốc và các tổ chức phi lợi nhuận về việc ưu tiên tuyển chọn người lao động thuộc các huyện nghèo, khu vực còn khó khăn đi làm việc tại nước này theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS) trong lĩnh vực nông, ngư nghiệp và một số chương trình tiếp nhận lao động phi lợi nhuận khác.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn chia sẻ, thông qua các chương trình đưa người lao động tại các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nhiều người, gia đình đã thoát nghèo; không chỉ tạo việc làm cho bản thân mà còn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho cộng đồng, vươn lên làm giàu, khá giả, đóng góp tích cực vào công tác phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tuy nhiên, số lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh Quảng Nam chưa nhiều.

Tại hội nghị, các đại biểu chỉ ra những khó khăn, bất cập trong quá trình hỗ trợ người lao động ở các huyện nghèo đi lao động ở nước ngoài; trong đó, vấn đề đặc thù ngành nghề, văn hóa vùng miền, thủ tục và thời gian dài đã ảnh hưởng đến tâm lý người lao động. Mặt khác, chính sách hỗ trợ kinh phí còn hạn chế nên công tác tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa cao.

Do đó thời gian tới, các cơ quan chức năng của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần tăng cường hướng dẫn thực hiện hỗ trợ về kinh phí, đào tạo nghề nhằm thúc đẩy người lao động thuộc các huyện nghèo, đặc biệt đối với thanh niên nghèo, thanh niên chưa có việc làm, tích cực đăng ký tham gia làm việc ở nước ngoài.

Theo Báo Nhân dân