Ban hành Kế hoạch Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2023

14/03/2023 10:56 AM


Mới đây, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 1331/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2023 với mục tiêu giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm; khống chế kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh bùng phát để góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế- xã hội.

Trong những năm gần đây tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa và di dân gia tăng là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát.

Ngoài ra, dịch Covid-19 và nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác cùng xuất hiện, lưu hành. Năm 2022, thế giới tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc, tử vong do các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tại nhiều quốc gia, mới nhất là sự lây lan của bệnh Marburg tại khu vực châu Phi.

Ngoài ra, hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm khác ổn định, không ghi nhận các ổ dịch lớn trong cộng đồng, số mắc, tử vong giảm so với cùng kỳ năm 2021. Dịch bệnh dự báo vẫn tiếp tục diễn biến khó lường trong thời gian tới. Theo Bộ Y tế, dịch bệnh được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến khó lường trong thời gian tới.

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 1331/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2023. Ảnh: BYT

Trong nước, tình hình dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao do hầu hết các quốc gia đã mở cửa trở lại cùng với thời tiết thay đổi bất thường làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Qua ba năm dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm vắc-xin tiêm chủng mở rộng chưa đạt mong muốn. Số trẻ em chưa tiêm chủng còn cao, khả năng miễn dịch giảm, các dịch bệnh dự phòng bằng vắc-xin có nguy cơ gia tăng.

Do đó theo kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023, Bộ Y tế đưa ra mục tiêu chung là giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình năm giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, khống chế kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh bùng phát để góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế- xã hội.

Đồng thời, cập nhật, hoàn thiện, ban hành phương án phòng chống dịch Covid-19 khi dịch nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống công bố dịch kết thúc khi WHO có khuyến cáo, các hướng dẫn giám sát và phòng chống các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ…

Bộ Y tế cũng đặt ra mục tiêu tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự án Luật Phòng bệnh (bao gồm các nội dung về Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm) đảm bảo tiến độ theo Chương trình của Quốc hội. Ban hành Thông tư Quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do Trạm y tế tuyến xã thực hiện. Cập nhật ,hoàn thiện và ban hành phương án đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch Covid-19 có biến chứng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật như hướng dẫn giám sát Covid-19; hướng dẫn giám sát và phòng chống các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ; hướng dẫn tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác theo quy định; hướng dẫn phân vùng dịch tễ các bệnh do ký sinh trùng thường gặp; hướng dẫn giám sát dựa vào sự kiện; hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm.

Tiêm vắc-xin là một trong những giải pháp hàng đầu nhằm phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; thực hiện tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt ≥ 95% quy mô cấp xã. 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định, phát hiện sớm và kịp thời xử lý các trường hợp mắc bệnh theo quy định, hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập và lây lan. 100% cán bộ làm công tác thống kê báo cáo bệnh truyền nhiễm được tập huấn về giám sát, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm. 100% nhân viên y tế làm việc tại các khoa khám bệnh, khoa Nội, truyền nhiễm được tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị…

Quyết định cũng đưa các giải pháp thực hiện bao gồm tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và chỉ đạo điều hành, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Luật Phòng bệnh theo kế hoạch. Đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cựu, tham nhũng, lợi ích nhóm… về chuyên môn kỹ thuật tập trung công tác dự phòng, kiểm soát dịch, kiểm kịch y tế quốc tế, tiêm chủng và an toàn sinh học; về công tác khám, chữa bệnh, hực hiện hiệu quả việc phân tuyến, phân luồng khám sàng lọc bệnh, đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, người già và trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiểm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh…; tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe. Tuyên truyền vận động người dân thực hiện thông điệp “2K+vắc-xin+ thuốc+ điều trị+ công nghệ+ ý thức người dân và các biện pháp khác”.

Đồng thời, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, công bố dịch, quản lý sử dụng vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ, kiểm dịch y tế biên giới tại các tỉnh, thành phố. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, tập trung vào các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi hoặc bệnh lưu hành có số mắc, tử vong cao tại các tỉnh, thành phố trọng điểm. Tổ chức và triển khai các đoàn công tác liên ngành tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các tỉnh, thành phố và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

PV