Ngành BHXH Việt Nam luôn đồng hành cùng người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua đại dịch

04/09/2021 12:44 PM


Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống của người dân, người lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 ở nước ta hiện nay. Trong bối cảnh đó, thời quan qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã chung tay phòng chống dịch; đồng thời tích cực, quyết liệt triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

BHXH Việt Nam xác định luôn bám sát, quyết tâm thực hiện các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an sinh xã hội; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động cùng vượt qua đại dịch Covid-19. Tiếp tục cùng các Bộ, ngành, địa phương tham mưu đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ tốt hơn nữa cho người tham gia BHXH, BHYT; hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ngành BHXH Việt Nam sẽ không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, cải cách TTHC để tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHTN, BHYT; để các chính sách hỗ trợ ngày càng nhanh chóng, kịp thời, chính xác.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh: Ngành BHXH Việt Nam luôn đồng hành cùng người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Chủ động, thực hiện nhanh các giải pháp hỗ trợ

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần khẩn trương đưa các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 một cách sớm nhất, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngành BHXH Việt Nam đã huy động tổng lực “vào cuộc” quyết liệt triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ thuộc lĩnh vực BHXH, BHTN với mục tiêu tuyệt đối không phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ ngoài quy định, không để hồ sơ quá hạn; đảm bảo khi nhận được hồ sơ đầy đủ, thực hiện giải quyết cho NLĐ và doanh nghiệp trong thời gian không quá một ngày làm việc.

Kết quả, chỉ sau hơn một tuần Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ ban hành, ngày 16/7/2021, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc giảm mức đóng bằng 0% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN). Cụ thể, BHXH các tỉnh, thành phố đã hoàn tất các thủ tục, gửi thông báo đến 375.335 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11.238.437 lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) khoảng 4.322 tỷ đồng.

Việc giảm mức đóng BHXH này vừa là giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay vừa vẫn đảm bảo việc giải quyết quyền lợi hợp pháp của NLĐ khi không may bị TNLĐ-BNN, góp phần bảo đảm đời sống, sức khỏe của NLĐ, nhất là giữa bối cảnh vốn đã có nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây nên.

Ngoài ra, tính đến hết ngày 01/9/2021, ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho 403 đơn vị tại 44 tỉnh, thành phố, với 68.568 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 473,3 tỷ đồng. Xác nhận danh sách của 651.429 lao động của 26.595 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách tại 61 tỉnh, thành phố.

Giải quyết kịp thời quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT

Những năm qua, công tác chi trả, giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia luôn được ngành BHXH Việt Nam thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ năm 2020 đến nay, công tác này càng được đặc biệt quan tâm, để chi trả kịp thời, tạo thuận lợi hơn trong quá trình thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN của người tham gia.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh họp cùng lãnh đạo các đơn vị liên quan triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 (ngày 27/7/2021)

Trong năm 2020, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết gần 134 nghìn người hưởng mới BHXH hàng tháng; gần 9,6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; gần 167,3 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT;... duy trì việc chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng cho trên 3,2 triệu người (trong đó: chi trả bằng tiền mặt cho gần 2,5 triệu người; chi trả cho trên 700 nghìn người qua tài khoản cá nhân).

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, chính sách BHTN cũng giúp hàng trăm nghìn người lao động có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn để duy trì cuộc sống; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động. Năm 2020, toàn quốc đã giải quyết chế độ BHTN cho hơn 1 triệu người với số tiền chi trả hơn 16.000 tỷ đồng.

Bước sang năm 2021, với diễn biến phức tạp hơn của dịch Covid-19, trong 8 tháng đầu năm, toàn ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết: 4.739.050 lượt người hưởng chế độ ốm đau; 1.202.594 lượt người hưởng chế độ thai sản; 258.323 lượt người hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe;… Tính đến hết tháng 7/2021, toàn quốc có trên 84 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT; hơn 400.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp, hơn 9.000 người lao động được hỗ trợ học nghề…

Có thể nói, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhiều lao động bị mất việc làm, các chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ cho NLĐ và NSDLĐ, cũng như việc giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH, BHTN, BHYT của ngành BHXH Việt Nam cho người tham gia đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ người dân, NLĐ, doanh nghiệp vượt qua khó khăn; tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của chính sách BHXH, BHYT.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, sáng tạo các phương thức hỗ trợ linh hoạt

Trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội; để các chế độ BHXH, BHYT, BHTN và các chính sách hỗ trợ kịp thời đến người với người dân, NLĐ, doanh nghiệp, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã linh hoạt, sáng tạo các phương thức chi trả, hỗ trợ nhằm mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia.

BHXH Việt Nam đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 (gửi hồ sơ, nhận và trả kết quả trực tuyến) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của Chính phủ; đẩy mạnh chi trả lương hưu, chế độ BHXH qua tài khoản ATM và hệ thống ngân hàng, thực hiện chi trả gộp thời gian, chi trả tại nhà; khuyến khích người tham gia sử dụng ứng dụng "VssID-Bảo hiểm xã hội số" trên điện thoại thông minh để sử dụng trong KCB BHYT, trong thực hiện các dịch vụ công với cơ quan BHXH, trong tra cứu, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT;… để giúp người tham gia, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN hạn chế đi lại, tiếp xúc trực tiếp, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng.

Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ và NSDLĐ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực xây dựng quy trình, điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ nhằm bổ sung các chức năng, đáp ứng kịp thời việc triển khai các chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan, kết nối, tích hợp cung cấp 5/7 DVC trực tuyến hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên Cổng DVC Quốc gia (https://www.dichvucong.gov.vn), gồm: Hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ NSDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; Hỗ trợ NLĐ ngừng việc; Hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất.

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố có nhu cầu khai thác dữ liệu, xác thực thông tin người tham gia, người hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN BHXH Việt Nam đã chủ động chia sẻ dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để các địa phương sử dụng vào công tác lập danh sách xét nghiệm, danh sách tiêm chủng vắc xin, xác định thông tin bệnh nền, theo dõi, truy vết nhanh bệnh nhân F0; khoanh vùng, dập dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đơn vị sử dụng lao động...

Có thể thấy, hàng loạt các giải pháp chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia BHXH, BHYT; kịp thời hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19; đặc biệt góp phần giảm việc đi lại, tiếp xúc của người dân và doanh nghiệp với cơ quan BHXH trong việc giải quyết chế độ, chính sách, nhằm hạn chế khả năng lây lan dịch ngoài cộng đồng. Qua đó, góp phần hiệu quả cùng các bộ, ban, ngành, địa phương chung tay đẩy lùi dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội./.

Phạm Chính