Bước thí điểm quan trọng tiến tới thực hiện BHXH tập trung, thống nhất

Bà Rịa - Vũng Tàu tham gia thí điểm BHXH ngoài quốc doanh

31/10/2019 09:51 AM


Trước những kết quả thực hiện thí điểm BHXH ngoài quốc doanh hết sức khả quan, tháng 12/1992, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có Công văn đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho phép Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia thí điểm, ngày 12/12/1992, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có Công văn số 3784/LĐ-TBXH đồng ý để tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức thí điểm BHXH theo mô hình BHXH với mọi người lao động, không phân biệt các thành phần kinh tế.

Chỉ trong vòng 10 ngày kể từ khi có công văn phúc đáp của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ngày 23/12/1992, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 837/QĐ-UBT thành lập BHXH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ là “xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thu, chi BHXH về các chế độ, chính sách hưu trí, mất sức lao động, tử tuất cho người lao động trong và ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh, bảo đảm việc thu, chi BHXH một cách kịp thời, thuận lợi theo đúng chế độ, chính sách, quy định của Nhà nước về các chế độ bảo hiểm đối với người lao động thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài quốc doanh. Tổ chức phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi và bổ sung việc thực hiện các chế độ, chính sách về BHXH cho người lao động ở các thành phần kinh tế phù hợp với tính hình xã hội của tỉnh. Sử dụng tiền nhàn rỗi của Quỹ BHXH tham gia các hoạt động sản xuất, liên doanh, liên kết, thực hiện các biện pháp nhằm bảo tồn giá trị của quỹ”.

Như vậy, giai đoạn thí điểm BHXH ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã có kế thừa, phát huy những tích cực, hạn chế những tồn tại của giai đoạn thí điểm BHXH ngoài quốc doanh tại các địa phương trước đó. Có thể thấy, mô hình BHXH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là thực hiện thu, chi BHXH trong và ngoài quốc doanh, là cầu nối, bước đi quá độ, chuyển tiếp từ mô hình BHXH ngoài quốc doanh độc lập với BHXH khu vực nhà nước sang mô hình BHXH cho mọi người lao động, góp phần làm phong phú thêm tiền đề thực tiễn cho việc cải cách chế độ BHXH sau này. 

Trong giai đoạn thí điểm từ 23/12/1992, BHXH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là cơ quan trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với số biên chế ban đầu chỉ có 04 người, đồng chí Trần Thị Bào, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội được bổ nhiệm là Giám đốc BHXH tỉnh.

Ngay sau khi có Quyết định thành lập, BHXH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBT ngày 28/01/1993 về việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH cho người lao động trên địa bàn. Chỉ thị chỉ đạo rõ việc thực hiện BHXH thống nhất cho cả người lao động trong và ngoài quốc doanh bởi thời điểm này, Nhà nước chưa ban hành chế độ BHXH thống nhất cho các thành phần kinh tế. Ngày 17/02/1993, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 211/QĐ-UBT về việc chuyển giao nhiệm vụ thu BHXH các đơn vị trong và ngoài quốc doanh đóng trên địa bàn tỉnh, trừ Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô đã chuyển đóng BHXH sang cơ quan BHXH từ ngày 01/01/1993. Ngày 08/03/1993, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 291/QĐ-UBT quy định tạm thời về chế độ BHXH đối với người lao động thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Nội dung cơ bản của Quyết định quy định chủ sử dụng lao động phải trích 15% từ tổng quỹ lương để lập quỹ BHXH. Trong đó, 5% lập quỹ tại đơn vị để chi cho các chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nộp về cơ quan BHXH tỉnh 10% để chi cho các chế độ hưu trí, mất sức lao động, tuất. Trợ cấp một lần chỉ được trả cho người lao động khi ra nước ngoài định cư hợp pháp hoặc chết khi đang làm việc. Lao động tự do được tự nguyện đóng, rút và giải quyết chế độ khi đủ điều kiện. Các nội dung trên về cơ bản được thực hiện gần sát với Điều lệ tạm thời về BHXH.  

Tiếp theo đó, BHXH tỉnh đã trực tiếp tham mưu cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Công văn số 80/LĐ-TBXH ngày 06/03/1993 hướng dẫn thực hiện các chế độ BHXH đối với người lao động thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Hướng dẫn quy định rõ nguyên tắc trích lập, mức hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, chết khi đang làm việc do đơn vị sử dụng lao động trực tiếp quản lý và các chế độ hưu trí, mất sức lao động, tử tuất do cơ quan BHXH tỉnh trực tiếp quản lý. Các nội dung về nghĩa vụ thu nộp BHXH căn cứ trên cơ sở của Pháp lệnh hợp đồng lao động ban hành ngày 10/08/1990, nội dung về quyền lợi, chế độ của người lao động giữa hai khu vực trong và ngoài quốc doanh gần giống nhau và về cơ bản đều căn cứ theo chuẩn các chính sách, chế độ BHXH được quy định tại Nghị định 236/HĐBT ngày 18/09/1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Cũng trong ngày 06/03/1993, Sở Lao động-Thương Binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn ban hành Công văn số 81/LĐ-TBXH hướng dẫn thực hiện các chế độ BHXH đối với người lao động làm việc trong các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nội dung bám sát 02 căn cứ pháp lý quan trọng là Nghị định 233/HĐBT ngày 22/06/1990 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quy chế lao động đối với các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Thông tư số 19/LĐTBXH ngày 31/12/1990 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định 233/HĐBT.

Như vậy, tính đến hết năm 1992, cả nước có 05 tỉnh thực hiện thí điểm BHXH ngoài quốc doanh và bước đầu đã tiếp quản một phần sự nghiệp BHXH trong quốc doanh, bao gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Thái Bình và Bà Rịa-Vũng Tàu./.

ThS. Dương Ngọc Ánh