Quốc hội thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Luật Giáo dục (sửa đổi)

15/06/2019 10:10 AM


Tiếp theo Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 14/6, đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua một số Luật và Nghị quyết, trong đó có Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và Luật Giáo dục (sửa đổi).

Quốc hội thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đại biểu Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường, biểu quyết thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) với 91,53% đại biểu Quốc hội tán thành.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Quốc hội đã thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) với  443/449 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,53% tổng số đại biểu Quốc hội.

Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Ảnh quochoi.vn

Với 16 chương với 207 điều, Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành bản án; quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.

Luật quy định nguyên tắc thi hành án hình sự gồm: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành; bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án, người chấp hành biện pháp tư pháp, quyền, lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại chấp hành án. Kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án; áp dụng biện pháp giáo dục cải tạo phải trên cơ sở tính chất, mức độ phạm tội, độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn và các đặc điểm nhân thân khác của người chấp hành án.

Kết quả biểu quyết Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Liên quan đến vấn đề tổ chức lao động cho phạm nhân, Luật quy định: Căn cứ vào độ tuổi, sức khỏe, giới tính, mức án, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của phạm nhân; điều kiện đất đai, tài nguyên, các ngành nghề, trang thiết bị, phương tiện, vật tư, nguồn vốn mà trại giam đang quản lý và điều kiện cụ thể của trại giam; khả năng hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân, Giám thị trại giam lập kế hoạch tổ chức lao động cho phạm nhân trong năm, gửi về cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng để phê duyệt.

Kế hoạch tổ chức lao động cho phạm nhân hằng năm phải có các nội dung cơ bản về tổng số phạm nhân, trong đó có số lượng phạm nhân đủ điều kiện lao động theo quy định của pháp luật; dự kiến chi phí cho lao động; trích khấu hao tài sản cố định; dự kiến kết quả lao động của phạm nhân; chênh lệch thu, chi trong tổ chức lao động của phạm nhân; dự kiến, đề xuất kế hoạch sử dụng kết quả lao động của phạm nhân.

Bên cạnh đó, Luật có các quy định cụ thể về: hệ thống tổ chức thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh; chế độ lao động của phạm nhân; tổ chức lao động cho phạm nhân; chế độ ăn, ở đối với phạm nhân; tha tù trước thời hạn có điều kiện…

Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Luật Thi hành án hình sự số 53/2010/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Phát triển toàn diện con người Việt Nam

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Trước đó, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo Báo cáo Giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Kết quả biểu quyết Luật Giáo dục (sửa đổi).

Kết quả biểu quyết cho thấy: Có 414/453 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 85,54% tổng số đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi).

Gồm 9 Chương, 115 Điều, Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục.

Về mục tiêu giáo dục, Luật khẳng định: Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Biểu quyết thông qua Luật Giáo dục sửa đổi. Ảnh quochoi.vn

Luật nêu rõ: Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ, củng cố quốc phòng, an ninh; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; bảo đảm cân đối cơ cấu ngành nghề, trình độ, nguồn nhân lực và phù hợp vùng miền; mở rộng quy mô trên cơ sở bảo đảm chất lượng và hiệu quả; kết hợp giữa đào tạo và sử dụng.

Để bảo đảm tính khả thi, Luật định nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; ưu tiên đầu tư cho phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp. Nhà nước khuyến khích và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cho giáo dục. Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục số 44/2009/QH12 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành./.

PV